Với chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào tạm thời do quân đội Pháp và chính quyền tay sai quản lý, tiến tới cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào năm 1956 để thống nhất đất nước. Ðây cũng là hoàn cảnh mà lực lượng kháng chiến cách mạng ở miền Nam phải tập kết ra Bắc.
Lệnh ngừng bắn ở Nam Bộ bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 11/6/1954. Cà Mau được lựa chọn làm khu vực tập kết tạm thời 200 ngày. Ðến ngày 27/7/1954, quân đội liên hiệp Pháp cùng các cơ quan hành chính cai trị đã rút khỏi thị trấn Cà Mau, Tắc Vân để ta tiếp quản. Lực lượng bộ đội, cán bộ, con em của ta ở miền Tây và một phần của Nam Bộ cùng gia đình thân quyến tập trung về Cà Mau làm các công tác chuẩn bị, chia tay để tập kết ra Bắc trong không khí rộn ràng như ngày hội.
Cửa sông Ông Ðốc (nay là thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) là bến tập kết lớn của cán bộ, chiến sĩ, con em miền Nam để xuống tàu ra Bắc. Trong dịp kỷ niệm 50 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (năm 2004), đồng chí Võ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau thời điểm đó, đánh giá: “200 ngày, tuy ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian vô cùng quý giá đối với Ðảng bộ, quân và dân Cà Mau, thời gian mà Nhân dân được sống những ngày thực sự tự do, hạnh phúc trong không khí hoà bình, vui tươi, phấn khởi sau 9 năm trường kỳ kháng chiến”.
Trong 200 ngày tập kết, Ðảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau đảm nhận trọng trách bộn bề nhưng cũng hết sức vẻ vang để hoàn thành nhiệm vụ của Ðảng, của Bác Hồ và Trung ương Cục miền Nam tin cậy giao phó. Ðể phát huy thắng lợi, thể hiện khí thế cách mạng, ngày 26/8/1954, gần 2 vạn đồng bào từ khắp nơi đổ về thị trấn Cà Mau trương băng cờ, đội ngũ chỉnh tề tuần hành tràn ngập các tuyến đường hướng về sân vận động dự mít tinh chiến thắng: “Hoan hô hoà bình lập lại tại Ðông Dương!”; “Ðảng Lao động Việt Nam muôn năm!”; “Hồ Chủ tịch muôn năm!”; “Nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hoà bình muôn năm!”...
Ðịa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Sông Ðốc thuộc Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách cửa sông Ông Ðốc khoảng 2 km. (Ảnh tư liệu)
Trong 200 ngày, Cà Mau vừa tiếp quản khu vực tập kết mà đối phương bàn giao, đồng thời tổ chức tiếp đón chu đáo các lực lượng tập kết và thân quyến đưa tiễn; tập trung xây dựng lực lượng cách mạng tại chỗ chuẩn bị cho lâu dài, khẩn trương xây dựng vùng giải phóng cũ thành căn cứ cách mạng, bồi dưỡng sức dân, củng cố hậu phương vững chắc; và đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng vùng tập kết thành hình mẫu về chính quyền cách mạng.
Chỉ trong 200 ngày, ta đã cấp trên 12.000 ha đất cho nông dân; xây dựng thêm 20 trường học, trên 75% dân được xoá mù chữ; những người bệnh tật được chữa trị, phát thuốc; người đói nghèo được cấp phát lương thực, thực phẩm... Nhân dân được tự do đi lại, mở mang việc làm ăn, buôn bán; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nở rộ, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào. Ðồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) khi ấy, đã hào sảng nhận định: “Người ta gọi vàm sông Ông Ðốc là Thủ đô của Nam Bộ, nhộn nhịp lắm, đông vui lắm”. Còn cố Tổng bí thư Lê Duẩn thì dự đoán sắc bén: “Mảnh đất mà chính quyền cách mạng giao cho hôm nay là lá bùa hộ mệnh cho cách mạng miền Nam sau này”.
Trong chuyến tàu cuối rời vàm sông Ông Ðốc để tập kết ra Bắc ngày 8/2/1955, diễn ra nhiều sự kiện vừa xúc động, vừa mang tính lịch sử. Má Lê Thị Sảnh ở Thới Bình gởi một nắm đất Cà Mau có cây vú sữa đựng trong bình tích uống trà đến Bác Hồ. Cây vú sữa miền Nam từ đó trở thành biểu tượng thiêng liêng cho lòng kính yêu vô hạn của miền Nam với Bác. Và cũng trong chuyến tàu cuối mang tên Kilinski ấy, mọi người đều thấy đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ có mặt, nhưng đó chỉ để đánh lạc hướng quân thù. Ðồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, được trao nhiệm vụ bí mật, đón “anh Ba” ở lại với đồng bào, với cách mạng miền Nam. Ngay sau đó, tại Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn đã chấp bút soạn thảo những dòng đầu tiên “Bản Ðề cương cách mạng miền Nam”, là tiền đề để Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết 15 xác định rõ con đường tiến lên của cách mạng miền Nam.
Một chứng nhân của sự kiện 200 ngày tập kết tại Cà Mau, ông Nguyễn Phước Thẩm, nay đã 94 tuổi, hồi nhớ: “Thời điểm đó “đi” hay “ở” đều là nhiệm vụ, đều là vinh dự. Tôi là thành viên của Ðoàn Tuyên truyền lưu động do Tỉnh uỷ thành lập để thực hiện nhiệm vụ giải thích, tuyên truyền Hiệp định Giơnevơ cho đồng bào. Phải nói không khí của 200 ngày tập kết rất sôi nổi, tràn đầy tinh thần và nhiệt huyết cách mạng của Ðảng bộ, quân và dân Cà Mau. Nhân dân vô cùng phấn khởi, ủng hộ chính quyền cách mạng. Tôi và vợ có tên “đi”, nhưng sau đó thì biết được tổ chức phân công ở lại”.
Trong một lần được trò chuyện với Nhà báo Trần Thanh Phương, người con của Ðường Cày, Phú Tân, Cà Mau, nguyên Tổng biên tập Báo Ðại đoàn kết, nay đã tạ thế, ông nhắc nhớ về lúc xuống tàu tập kết ra Bắc khi còn là một thiếu niên: “Không khí vừa vui, vừa bùi ngùi. Ai cũng giơ 2 ngón tay lên hẹn 2 năm sẽ sum họp, đâu ngờ hơn 20 năm sau tôi mới được trở về quê hương Cà Mau. Miền Nam của mình, Cà Mau của mình kiên cường lắm, anh dũng lắm, nguyện lòng theo sự nghiệp cách mạng mà Ðảng, Bác Hồ lựa chọn để cùng với đất nước đi đến ngày toàn thắng”.
Nhà thơ Nguyễn Bá đã nhận định: “Cuộc tập kết của ta ở cửa sông Ông Ðốc nghiễm nhiên là cột mốc lịch sử..., chúng ta có thể tìm ra sức mạnh và niềm tin về một Cà Mau trong vai trò chung (trong sự nghiệp cách mạng)”.
Ðã 70 năm trôi qua nhưng hào khí cách mạng của sự kiện 200 ngày tập kết ra Bắc vẫn vẹn nguyên ở đôi bờ sông Ông Ðốc, vang vọng mãi trong hồn đất, tình người và trong những trang sử hào hùng, vẻ vang của Cà Mau./.
Phạm Quốc Rin