ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 30-4-25 10:59:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975-30/4/2025)

50 năm - Nhớ giờ phút này!

Báo Cà Mau Thời điểm chuẩn bị giải phóng miền Nam, theo tinh thần nghị quyết của Quân khu 9 và Tỉnh uỷ Cà Mau: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, đến nửa tháng 4/1975, toàn bộ cứ điểm, đồn bót của địch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã bị tiêu diệt hoặc rút chạy, chi khu Rạch Ráng trơ trọi như một ốc đảo, sự chi viện từ tiểu khu An Xuyên bằng đường sông đã bị khống chế, đường bộ không có, duy nhất chỉ có trực thăng tiếp tế nhỏ giọt từ thức ăn đến nước uống. Hơn 400 tề nguỵ ở chi khu Rạch Ráng đang khốn đốn, hoang mang tột độ.

Tranh: MINH TẤN

Tranh: MINH TẤN

Với cương vị là Bí thư Huyện uỷ, tôi cùng với tập thể Ban Thường vụ Huyện uỷ triệu tập cuộc họp khẩn Huyện uỷ mở rộng, bàn kế hoạch tấn công chi khu Rạch Ráng với mọi lực lượng địa phương hiện có, cuộc họp diễn ra ở Cơi Nhì, xã Trần Hợi. Trải qua những năm tháng khó khăn ác liệt, mới sống đó rồi cũng chết đó, tôi chưa bao giờ chứng kiến một cuộc họp hừng hực khí thế như hôm nay. Mọi người đều nêu phương án tấn công tốt nhất, hạn chế thương vong đến thấp nhất và kết thúc với thời gian sớm nhất.

Cuộc họp đã thống nhất thành lập Ban chỉ huy thống nhất gồm 8 đồng chí, tôi làm trưởng ban, cùng các đồng chí: Lê Hồng Thương (Hai Mương), Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ; Nguyễn Thanh Vân (Sáu Tài), Huyện đội trưởng; Mai Hữu Chiến (Năm Chiến), Trưởng ban Binh vận huyện; Lê Văn Trọng (Năm Trực), Trưởng ban An ninh huyện; Nguyễn Văn Biên, Huyện đội phó; Lê Minh Hiền, Bí thư Huyện đoàn và một số đồng chí khác. Ðồng chí Trần Hữu Vịnh (Hai Thống), Tỉnh uỷ viên được Thường vụ Tỉnh uỷ phân công chỉ đạo huyện Trần Văn Thời. Bữa cơm chia tay đạm bạc mà rất vui, sau đó ai về nhiệm vụ nấy như kế hoạch.

Về lực lượng ta, lúc này mỗi xã có một đại đội, huyện có 2 tiểu đoàn trên 400 quân, được trang bị khá mạnh, gồm cả đại liên, B40, AK, M79... Còn có loại vũ khí lợi hại khác mà chỉ có huyện Trần Văn Thời mới có, đó là 1.500 trái đạn 105 mm vừa thu được ở căn cứ Bà Thầy. Vậy mà, khi báo cáo về tỉnh, huyện chỉ khai có 800 quả, tỉnh rút hết 400. Như vậy, với 400 quả còn lại, cộng với số của “để dành”, huyện có trong tay 1.100 quả. Mỗi trái đạn 105 mm được cải tiến nằm trên bệ phóng là nỗi kinh hoàng của bọn đồn trú.

Phía địch, hiện có trên 400 quân, gồm 1 tiểu đoàn bảo an, hơn 300 quân, do tên đại uý Thạch Văn Nghiệp làm tiểu đoàn trưởng, đại uý Lê Hữu Hạnh phụ trách cảnh sát, đại uý Hoà, quận phó. Ðặc biệt, tên thiếu tá Cần vừa được thay thế thiếu tá Trường làm quận trưởng đang trong thòng lọng chờ chết.

Cùng lúc này, theo mệnh lệnh của tỉnh, huyện Trần Văn Thời phải đưa 1 tiểu đoàn cho tỉnh để chuẩn bị giải phóng tỉnh lỵ An Xuyên, mục tiêu được giao là đánh chiếm khu Cao Thắng. Huyện cử đồng chí Ðoàn Văn Vĩnh, Phó bí thư, Chính trị viên Huyện đội gánh vác nhiệm vụ này. Như vậy, việc lực lượng tấn công chi khu Rạch Ráng đã bị rút bớt, Huyện uỷ Trần Văn Thời vẫn giữ quyết tâm, rút du kích các xã thành lập tiểu đoàn mới, bố trí lại lực lượng, sẵn sàng cho cuộc quyết chiến.

Trong tình thế bị bao vây, cô lập, nhưng bọn đầu sỏ vẫn ngoan cố, mơ mộng ở một phép màu nào đó để kéo dài sự sống, bản chất tàn bạo vẫn không thay đổi, ngày đêm tìm cách bung ra để phá thế bị bao vây. Ở hướng Kinh Cũ, bọn chúng bất ngờ cho một mũi thọc ra, làm 3 du kích ta hy sinh. Có dấu hiệu cho thấy, lực lượng ta chủ quan, cho rằng địch không dám liều lĩnh, chỉ chờ chết. Ban chỉ huy thống nhất lại họp, uốn nắn tư tưởng, chỉ rõ bản chất ngoan cố của địch, còn một ngày là chúng còn gây nợ máu với Nhân dân.

Ðến ngày 26/4/1975, các quân đoàn chủ lực của ta đã áp sát Sài Gòn. Trong tỉnh, các hướng tấn công ở huyện Thới Bình, Cái Nước, Ðầm Dơi, Châu Thành giành thắng lợi giòn giã, lực lượng ta đã đứng chân sát tỉnh lỵ An Xuyên. Ban chỉ huy thống nhất chuyển 500 lực lượng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trực diện ở chi khu Rạch Ráng, đóng từ ngã tư Kiểu Mẩu ra kinh Hội Ðồng Thành để ra Cà Mau, thành lực lượng hậu cần, tiếp tế cho lực lượng bao vây Rạch Ráng do đồng chí Năm Sông và Tám Mỏng chỉ huy. Mũi tiến công binh vận do anh Mai Hữu Chiến phụ trách đã tung lực lượng thân nhân binh lính, cảnh sát, tề nguỵ ra chi khu vận động rã ngũ, trở về với gia đình, với ruộng vườn. Họ nói công khai, thẳng thắn, không sợ bị địch bắt bớ, đàn áp, chứng tỏ bọn địch đã dao động, tìm lối thoát.

Ngày 29/4/1975, được lệnh của quân khu, cuộc tổng tiến công vào tỉnh lỵ An Xuyên bắt đầu. Bọn địch ở chi khu Rạch Ráng không còn nhận được sự hà hơi từ những chiếc trực thăng. Ba hướng tiến công của ta từ Tham Trơi, Kinh Cũ và Rạch Lăng đã sẵn sàng. Hàng ngàn quần chúng tập trung chuẩn bị tràn ra chi khu khi có lệnh. Một phong trào cách mạng sôi sục chưa từng có, giờ khắc giải phóng huyện nhà đã rất gần. Ðồng chí Trần Minh Niên (Chín Niên) phụ trách truyền tin của Huyện uỷ có giọng nói khoẻ, diễn đạt mạnh, đã dùng máy PRC25 liên lạc với tên thiếu tá quận trưởng Cần, giải thích chính sách của Chính phủ cách mạng lâm thời, ra lệnh cho chúng đầu hàng. Cứ một, hai tiếng đồng hồ, ta lại giục tên Cần một lần.

Tại gần vàm kinh Phát Thạnh, cách chi khu Rạch Ráng chừng hơn 1 km, ban chỉ huy thống nhất khẳng định, địch chỉ có con đường buông súng đầu hàng, khả năng phá vòng vây bỏ chạy không còn vì tại tỉnh lỵ cũng đang bị tấn công, địch đã hết đường chi viện. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá tổng tham mưu trưởng cũng ra lời kêu gọi tất cả các lực lượng vũ trang giải giáp, buông vũ khí.

1 giờ đêm, ngày 1/5/1975, tên thiếu tá quận trưởng Cần vừa nhận chức 10 ngày đã lên máy PRC25 liên lạc với ta, chấp nhận đầu hàng. Những người có mặt ở ban chỉ huy, các cán bộ Văn phòng Huyện uỷ mừng không nói nên lời. Chúng tôi thông báo cho các mũi chuẩn bị và ra lệnh cho địch tập trung vũ khí để một chỗ; binh lính, cảnh sát, tề nguỵ tập trung một chỗ chờ ta tiếp quản. Trong khi đó, điện báo cáo và xin ý kiến với bộ chỉ huy tiền phương, các anh cho rằng nên chờ sáng.

5 giờ sáng 1/5/1975, đồng chí Lê Tuấn (Năm Song), Phó ban An ninh huyện và một số đồng chí khác đã đi thẳng vào chi khu Rạch Ráng. Ðến nơi, gặp tên thiếu tá quận trưởng Cần và thấy bọn chúng xếp hàng thứ tự, vũ khí đã chất đống trước trụ sở cảnh sát. Bằng cách tiếp cận nhanh nhạy, các mũi tiến công của ta đã tràn vào chi khu, làm chủ tình hình, cờ Chính phủ cách mạng lâm thời tung bay trước dinh quận và nhiều nơi khác. 446 tên nguỵ quân, nguỵ quyền đã được áp tải về Kinh Cũ, địa điểm ta đã chuẩn bị trước. Ở một góc phòng của cơ quan cảnh sát, địch còn tranh thủ đốt giấy tờ, ta phải xông vào dập tắt. Ðúng 6 giờ ngày 1/5/1975, chi khu Rạch Ráng, cứ điểm cuối cùng của địch tại huyện Trần Văn Thời đã được giải phóng, Nhân dân ở các hướng cũng lần lượt tràn vào, niềm vui đến bất tận.

50 năm, hồi tưởng lại giờ khắc lịch sử hào hùng đó, tôi không sao quên được. Chỉ một mảnh đất mang cái tên rất đặc trưng là U Minh lại bị kẻ thù 11 lần dùng B52 rải thảm, 27 lần rải chất độc hoá học... Ngoài chi khu Rạch Ráng, còn có 3 căn cứ quân sự: Cầu Chữ Y (Trần Hợi), Nổng Cạn (Khánh Lâm), Bà Thầy (Nguyễn Phích), một đặc khu Khai Quang, 2 giang thuyền, thuỷ quân lục chiến, hạm đội nhỏ trên sông, pháo hạm ngoài biển và 64 vị trí, 72 đồn bót khác. Từ năm 1970-1972 với cái gọi là Chiến dịch “Nhổ cỏ U Minh”, các sư đoàn 21 và sư đoàn 9 nguỵ đã đổ quân càn quét, chà đi xát lại, đồng bào và cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng, đương đầu và chiến đấu với khí phách anh hùng.

Chiến tranh là chết chóc, chia ly, nhà tan cửa nát, nhưng chiến tranh cũng là nơi bộc lộ chân gốc rạch ròi ta - địch, là nơi tôi luyện lòng yêu nước, sự dũng cảm hy sinh vô bờ bến của mỗi con người. Ngoài lực lượng vũ trang thì mũi đấu tranh trực diện và binh vận đã để lại biết bao tấm gương đặc biệt xuất sắc, chỉ thiếu trên ngực áo họ những tấm huân chương lấp lánh hào quang. Tôi ngàn lần tri ân những đóng góp, hy sinh thầm lặng của Nhân dân để có hoà bình, độc lập, thống nhất như hôm nay./.

 

Cao Kim Dân

Nguyên Bí thư Huyện uỷ Trần Văn Thời

 

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Tự hào lịch sử, khơi mở tương lai

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ta, cả dân tộc đã làm nên Ðại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ðây là mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, như Văn kiện Ðại hội lần thứ IV của Ðảng (1977) tổng kết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Ngày 30/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng

Thực hiện mệnh lệnh của bộ tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.

Nhớ ngày lịch sử vẻ vang

Năm mươi năm được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no hôm nay.

"Báu vật" của gia đình

Gần 30 năm qua, kể từ khi người cha thân yêu qua đời, ông Nguyễn Thanh Phong (Ba Phong), sinh năm 1951, ngụ Khóm 2, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, vẫn cất giữ cẩn thận những "báu vật" của gia đình. Ðó là những tấm huân chương quý giá do Ðảng, Nhà nước tặng thưởng cha ông - cụ Nguyễn Văn Lỳ, ghi nhận thành tích đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.

Nơi nhắc nhớ, tri ân những anh hùng

Ðối với người dân ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cũng như người dân Cà Mau, Di tích Bến Vàm Lũng là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống, cũng là nơi thể hiện lòng tri ân những người anh hùng hiên ngang mở đường, góp sức làm nên những chiến công hiển hách. Ðể ngày nay, trước thời khắc đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Ðường Hồ Chí Minh trên biển, người dân Cà Mau hướng về đây với cảm xúc tự hào và lòng biết ơn sâu sắc.

Về nơi con tàu đầu tiên cập bến

Những ngày tháng Tư lịch sử này, giữa niềm vui chung hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lòng người dân Rạch Gốc - Tân Ân lại rộn ràng hơn, bởi cái tin bến Vàm Lũng chuẩn bị đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Với họ, những con người của vùng đất đã góp phần cùng Phan Ngọc Hiển làm nên Khởi nghĩa Hòn Khoai lịch sử năm 1940 này, ký ức một thời từng gắn bó ruột rà, máu thịt với Ðoàn 962 như sống dậy, đằm thắm yêu thương, chen lẫn tự hào.

Ðời người chỉ sống một lần

Ông Ba Lành (Trần Ngọc Lành, sinh năm 1942, ngụ ấp Rạch Lăng, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời), thương binh 4/4, tâm tình rằng: “Tôi may mắn còn sống, đó là hạnh phúc lớn lao vì còn được tận hưởng thành quả hoà bình, thống nhất, những điều mà nhiều đồng chí, đồng đội khác không có được”...

Tri ân miền Ðất thép

Mỗi “địa chỉ đỏ” trên mảnh đất hình chữ S đều gắn liền với sự kiện, mốc son lịch sử trong quá trình đấu tranh của quân và dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây không chỉ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước cho lớp lớp thế hệ mai sau, mà còn thể hiện trách nhiệm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay với những hy sinh to lớn của cha ông cho nền độc lập, tự do của dân tộc.

Trang sử Cà Mau thời kháng chiến năm 1973

Sau Hiệp định Paris năm 1973, về mặt đấu tranh công khai, Ban Liên hợp quân sự 4 bên khu vực 4 (Quân khu 9), do đồng chí Hoàng Hà làm Trưởng ban, đồng chí Phạm Văn Liêm làm Phó ban, Tổ liên hợp Cà Mau do đồng chí Tống Kỳ Hiệp và đồng chí Trịnh Thành Kế phụ trách đã đấu tranh chống lại sự vi phạm Hiệp định của địch trong khu vực. Ta buộc địch công nhận vùng tự do của ta ở Cà Mau và đã thực hiện việc trao trả tù binh ở Kinh Ba, xã Quách Phẩm, huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng), Ðầm Dơi ngày nay.