(CMO) Ngay trên cầu Rạch Gốc, nhìn về phía bờ Tân Ân, chúng tôi đã thấy Nhà tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa - người anh hùng trong cuộc trường chinh mở đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần rất quan trọng vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc, thống nhất đất nước.
Tượng đài chiến thắng đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển trong Khu di tích Quốc gia bến Vàm Lũng (huyện Ngọc Hiển). |
Trong Nhà tưởng niệm một ngày nắng đẹp, gió từ sông Rạch Gốc mát rượi, lòng rộn vui, ông Tăng Quốc Ðoàn (người cháu ngoại đang thờ tự Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa), hay còn được gọi là ông Năm Tăng, có tướng hộ pháp, da ngăm đen của người con xứ biển, kể về những chiến công của ông ngoại mình gắn liền “Ðoàn tàu không số”, mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, với ánh mắt rạng ngời, đầy tự hào.
Ngược dòng lịch sử, đầu năm 1960, cùng với phong trào Ðồng khởi Bến Tre, phong trào cách mạng của các tỉnh đồng bằng Nam Bộ chuyển mạnh lên thế tiến công và trở thành cao trào đồng khởi rộng khắp. Ðể đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hoá chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong khi vận chuyển đường bộ trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới, từ đây hình thành nên quyết sách tổ chức lực lượng vận tải biển chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Khu 5, ra đời tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Theo đó, từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử đoàn 5 thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam.
Ðêm 10/4/1962, tàu rời cửa Nhật Lệ (Quảng Bình) đi về hướng Nam, đến 10 giờ đêm ngày 18/4/1962 cập vào cửa Vàm Lũng (Ngọc Hiển, Cà Mau). Ðường trên biển đã mở, đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên của tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu, cùng 11 thuỷ thủ rời bến Ðồ Sơn (Hải Phòng). Ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), chở theo 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn.
Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, hay còn được gọi là “sự kiện tàu Phương Ðông 1”, những chuyến tàu Phương Ðông 2, Phương Ðông 3 tiếp theo lần lượt vào Nam, vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn. Lịch sử ghi lại, tính đến cuối năm 1970, bến Vàm Lũng đã tiếp đón trên 70 chuyến tàu với hơn 4.400 tấn vũ khí, đạn dược từ tiền tuyến lớn cho chiến trường miền Nam. Cùng với các bến khác tại Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa… trực tiếp góp phần cùng các lực lượng vũ trang giành nhiều thắng lợi oanh liệt, như chiến thắng Ấp Bắc, Ðầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, Vạn Tường, Ba Gia, Bình Giã... làm thất bại về căn bản chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ - nguỵ trên chiến trường miền Nam.
Ðường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử, con đường huyền thoại, gắn liền ý chí của Ðảng, khát vọng của toàn dân; là một bộ phận quan trọng của hệ thống vận tải quân sự chiến lược trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước, xây dựng nên truyền thống vẻ vang. Và bến Vàm Lũng gắn liền với tuyến đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần đoàn kết, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc; trở thành bến cảng của lòng dân.
Nhiều lần về Cà Mau, lần nào người cựu chiến binh lão thành - Ðại tá Khưu Ngọc Bảy (nguyên Trung đoàn trưởng Ðoàn 962 làm nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển vũ khí ra chiến trường) cũng xuôi về Kiến Vàng, Vàm Lũng… để thăm lại bà con, những người che chở, sống một đời với cách mạng, bảo vệ bí mật tuyệt đối, nhường lại tất cả để mở bến tiếp nhận vũ khí, cho những con tàu Không số chở niềm tin chiến thắng cập bến giữa lòng dân an toàn. Ông luôn mang trong mình lòng biết ơn và nặng nợ người dân, vùng đất này.
“Trong những chặng đường hiểm nguy, gian khổ ấy, nếu không được sự yêu mến, đồng lòng góp sức, đùm bọc, chở che của người dân Vàm Lũng, Tân Ân, Rạch Gốc… thì khó mà có được thành quả to lớn cho cuộc chiến thành công, quê hương và đất nước sớm được thái bình”, Ðại tá Khưu Ngọc Bảy nhìn nhận về sự kiên cường của lòng dân 60 năm trước.
Cửa Vàm Lũng nối biển Ðông với dòng Rạch Gốc, và chiếc cầu bắc qua sông không những xoá thế ốc đảo của Tân Ân, mà còn kết nối hành trình toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, thể hiện ý chí và khát vọng của dân tộc giữa 2 cung đường huyền thoại: đường Hồ Chí Minh trên bộ với đường Hồ Chí Minh trên biển. Về xứ Tân Ân, giờ đã thấy nhiều đổi thay. Kết cấu hạ tầng thông suốt, những đoàn tàu đánh cá công suất lớn, những đầm tôm siêu thâm canh, và gần đây là những công trình điện gió bên bờ biển Ðông đã làm sáng bừng lên vùng đất rừng, xứ biển vốn một thời cơ cực, nghèo nàn.
“Truyền thống dân tộc, gia đình luôn được các thế hệ hun đúc, giữ gìn, tiếp tục phát huy, thêm hăng say lao động, sản xuất để làm đẹp giàu cho quê hương, xây dựng đất nước; nguyện xứng đáng với những thành quả các thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương dày công gây dựng”, giọng Năm Tăng sang sảng, chắc nịch, đầy quyết tâm.
Kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021), trong những ngày này, huyện Ngọc Hiển nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hơn lúc nào hết, ý chí sắc bén và khát vọng lớn lao của dân tộc của thời mở đường huyền thoại trên biển vẫn vẹn nguyên giá trị, thổi bùng lên tinh thần đoàn kết, vững niềm tin để cùng chung tay, góp sức vượt qua mọi khó khăn giành chiến thắng, nhất là khi quê hương, đất nước đang kiên cường từng bước đẩy lùi đại dịch Covid-19, sớm đưa mọi hoạt động xã hội trở lại trạng thái bình thường mới...
Trần Nguyên