(CMO) Ngược dòng lịch sử, giữa thế kỷ thứ XIX, Triều đình nhà Nguyễn suy yếu. Tháng 9/1858, thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Ngày 1/1/1900, Pháp thành lập tỉnh Bạc Liêu. Ở cơ sở, các nhân sự thời nhà Nguyễn được chúng sử dụng lập ra hội tề để vơ vét, bóc lột dân ta. Chưa nhắc đến hàng nhiều thế kỷ trước các nước láng giềng gây chiến, ông cha ta phải tốn biết bao máu xương để giữ yên bờ cõi.
Năm 1929, Chi bộ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội thị trấn Cà Mau thành lập. Phong trào cách mạng lan rộng đến các địa phương, nhất là khu vực Cái Nước - Năm Căn ngày nay. Mọi người càng tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc phong kiến, giành độc lập tự do cho dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng.
Ngày 4/10/1938, hàng ngàn đồng bào từ các xã Thạnh Phú, Tân Hưng, Phong Lạc, Khánh Bình, Khánh An, Thới Bình đến dinh quận của giặc ở Cà Mau (nơi đây giờ là khu bách hoá Phường 7, Cà Mau), yêu cầu bọn nguỵ quyền phải cứu đói, đòi nhà cầm quyền thực dân giải quyết công ăn việc làm cho dân. Tên quận trưởng Via-la không chấp nhận theo yêu cầu, mà ra lệnh đàn áp. Hàng ngàn người dân xô xát với bọn cò - lính, đồng bào chợ Cà Mau phản đối giặc đàn áp, tiếng thét làm vang dội thị trấn Cà Mau. Ðồng chí Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Công Trung với tư cách ký giả hợp pháp gửi điện tín lên tỉnh trưởng Bạc Liêu và thống đốc Nam kỳ, yêu cầu giải quyết cứu đói cho dân, được bọn chúng chấp thuận. Ngày hôm sau chúng cho ghe chở lúa từ Bạc Liêu đến cấp phát cho dân và miễn thuế cho dân 2 năm.
Khi quân Nhật chiếm đóng nước ta, chúng tăng cường vơ vét, cướp giật để phục vụ chiến tranh. Ở miền Bắc nước ta trên 2 triệu người chết vì đói. Ðể nắm lực lượng thanh niên, quân Nhật chủ trương thành lập tổ chức “Thanh niên Tiền Phong”. Ðối phó với giặc, Xứ uỷ Nam Bộ cử cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, xây dựng tổ chức này thành lập “Hội Thanh niên Cứu quốc”. Cùng lúc “Mặt trận Việt Minh” chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giải tán nguỵ quyền thân Nhật.
Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng quân Ðồng Minh. Ngày 19/8/1945, nhiều cuộc khởi nghĩa của Nhân dân cướp chính quyền giặc thành công lớn tại Bạc Liêu. Ngày 29/1/1946, bộ đội của cụ Vũ Ðức đón đánh quân Pháp tại Giá Rai và tổ chức ngăn chặn bọn giặc trên đường xuống Cà Mau. Ðồng bào ta thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống, phá đường, phá cầu cống, đốn cây làm áng ngữ trên Quốc lộ 1, cản quân Pháp không đến được Cà Mau bằng đường bộ, phải dùng tàu sắt đưa quân từ Hộ Phòng ra sông Gành Hào để vào Cà Mau. Trên đường chúng đụng phải lực lượng ta đón đánh nhiều trận.
Ngày 2/2/1946 (nhằm Mùng 1 Tết Bính Tuất), thực dân Pháp tái chiếm thị trấn Cà Mau. Lực lượng ta rút vào đình Tân Hưng, lấy đình làm trụ sở chỉ huy thống nhất. Mặt trận hình thành đánh địch từ sông Gành Hào qua Giao Vàm (sông Ông Ðốc). Du kích các xã Thạnh Phú, Tân Hưng cùng các lực lượng vũ trang địa phương Cà Mau Nam phối hợp Cộng hoà Vệ binh và bộ đội chủ lực của cụ Vũ Ðức (chủ lực Nam Bộ) liên tục đón đánh địch trên tuyến lộ Cà Mau - Năm Căn, nhiều lần quân Pháp bị lực lượng ta đẩy lùi. Ðầu tháng 4/1946, quân Pháp đánh vào mặt trận Tân Hưng. Các đơn vị tập trung của tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Vĩnh Long phối hợp cùng Bộ đội Nam tiến của đồng chí Tăng Thiên Kim nổ súng.
Bộ đội chủ lực Nam Bộ phục kích đánh Pháp trên mặt trận Tân Hưng. Ảnh tư liệu |
Phong trào tiếp tế nuôi quân do đồng chí Trần Thị The, Quận uỷ viên, Ðoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc quận Cà Mau, với ông Nguyễn Văn Hoạch cùng hàng trăm chị em xã Tân Hưng, Thạnh Phú tổ chức vận động giúp bộ đội ta. Giặc Pháp 5 lần tấn công vào mặt trận Tân Hưng, đều bị thiệt hại nặng…
Ngày 15/4/1946, Pháp đưa 2 tiểu đoàn quân viễn chinh cùng máy bay tấn công mặt trận Giồng Bướm. Lực lượng chiến sĩ Cao Ðài với vũ khí thô sơ: gươm, kiếm, dao găm đánh giáp lá cà với giặc. Nhưng tương quan không cân sức, trên 170 chức sắc cùng thanh niên Ðạo Ðức Ðoàn tử trận, nhiều gia đình thường dân bị chúng sát hại. Hàng trăm lính giặc phơi thây trên mặt trận Giồng Bướm. Ðây là trận đánh lớn nhất của đồng bào tín đồ Cao Ðài Minh Chơn Ðạo Hậu Giang chống Pháp ở Nam Bộ.
Ngày 2/5/1946, giặc Pháp huy động toàn lực tiến công vào mặt trận Tân Hưng, có bộ binh, xe cơ giới theo Quốc lộ 1 vào Cà Mau, Năm Căn, phía Tây sông Ông Ðốc và sông Gành Hào, chúng dùng tàu sắt đưa quân vào kênh xáng Ðội Cường. Các chiến sĩ ta dùng thuỷ lôi đánh tàu nhưng không tiêu diệt được giặc. Mặt trận Tân Hưng thất thủ, bộ đội cụ Vũ Ðức theo đường Cái Rắn qua rạch Ông Tự về U Minh. Lực lượng đồng chí Tứ Phương và Cộng hoà Vệ binh vào Rạch Muỗi, vượt Rau Dừa, qua sông Ông Ðốc.
3 tháng ròng rã quân dân ta kềm chân giặc tại mặt trận Tân Hưng, đủ thời gian cho lực lượng ta tổ chức xây dựng căn cứ kháng chiến ở rừng đước, rừng tràm và triển khai phong trào du kích chiến tranh trên các địa bàn trong tỉnh kháng chiến lâu dài.
Tháng 8/2021
Nguyễn Hiệp