Dù đã 70 năm trôi qua nhưng âm ba của những ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945 như vẫn còn vang vọng trong tiềm thức biết bao người Việt Nam. Làm thế nào trong khi cả nước chỉ có hơn 5.000 đảng viên mà chúng ta giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật? Sức mạnh đoàn kết vô song nào đã giúp dân tộc ta làm nên điều kỳ diệu đó?
Dù đã 70 năm trôi qua nhưng âm ba của những ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945 như vẫn còn vang vọng trong tiềm thức biết bao người Việt Nam. Làm thế nào trong khi cả nước chỉ có hơn 5.000 đảng viên mà chúng ta giành được chính quyền từ tay phát xít Nhật? Sức mạnh đoàn kết vô song nào đã giúp dân tộc ta làm nên điều kỳ diệu đó?
Sau khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, thực dân Pháp quyết dìm cuộc cách mạng của Nhân dân ta trong biển máu. Hầu hết cán bộ, đảng viên đều bị bắt, bị giết, phong trào quật khởi chìm lắng. Ðến năm 1942-1943, phong trào cách mạng mới dần dần được khôi phục. Ðồng chí Phạm Hồng Thám, Uỷ viên Ban Thường vụ Xứ uỷ, em rể đồng chí Trần Văn Thời, về Cái Sắn, huyện Thới Bình, vừa trồng rẫy, vừa tìm cách liên hệ với số cán bộ còn lại để khôi phục phong trào. Ðồng chí Trần Văn Ðại, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, bị địch bắt cuối năm 1939, mãn hạn tù trở về Phong Lạc cũng tìm cách liên hệ với các đồng chí Thái Ngọc Sanh, Lê Văn Thạnh, Trần Văn Mân rồi cùng đồng chí Phạm Hồng Thám thành lập Ban vận động tái lập Ðảng bộ Nam kỳ.
Cách mạng Tháng Tám thành công giành được chính quyền về tay Nhân dân, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà 1945. Ảnh tư liệu |
Ngày 9/3/1939, Nhật đảo chính Pháp, phát xít Nhật làm chủ các vùng đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác. Những đơn vị quân Pháp ở Cà Mau tháo chạy vào Thới Bình và Ðầm Dơi, Ngọc Hiển lẩn trốn nhưng đều bị quân Nhật đuổi bắt, thu hết vũ khí, tiền bạc.
Từ ngày 9-12/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng của Trung ương Ðảng Cộng sản Ðông Dương tại Ðình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã ra chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Khẩu hiệu hành động của Ðảng ta trong lúc này là “Ðánh đuổi phát xít Nhật” và đề ra mục tiêu “Thành lập chính quyền cách mạng Nhân dân”.
Sau khi đảo chính Pháp độc chiếm Ðông Dương, Thống đốc Nam Kỳ Minoda của Nhật muốn nắm thanh niên để phục vụ thuyết Ðại Ðông Á của chúng. Minoda cho phép thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong vào ngày 21/4/1945. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam, được Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ Trần Văn Giàu cử vào làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong. Sau 2 tháng vận động, ngày 1/6/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong chính thức ra mắt. Các thủ lĩnh phong trào có Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, Luật sư Thái Văn Lung, Bác sĩ Hồ Văn Nhựt, Trần Văn Khéo và các sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm. Chỉ riêng tại Sài Gòn, phong trào đã có hơn 20 vạn người tham gia và phát triển hơn 1 triệu đoàn viên trong toàn cõi Nam Kỳ.
Tại tỉnh Bạc Liêu (Cà Mau, Bạc Liêu ngày nay), thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong gồm các ông Tú tài Năm, Tú tài Cho, Tú tài Liêu cùng một số thanh niên trí thức khác. Các chi bộ Ðảng và các đoàn thể Cứu quốc của ta phát động đưa người tham gia vào tổ chức này, biến Thanh niên Tiền phong thành lực lượng cách mạng công khai hợp pháp, chờ lệnh tổng khởi nghĩa. Khắp các nơi trong quận Cà Mau, thanh niên rầm rập luyện tập quân sự suốt cả đêm ngày. Thanh niên Tiền phong tuyên bố mang “tinh thần mới”, theo “mục đích mới”, rằng "Ngày nay đối với phong trào giải phóng đang bồng bột khắp thế giới, dửng dưng lặng lẽ là chết, an phận là chết. Phải tiêu diệt tinh thần ươn hèn ấy, để tạo nên một tinh thần mới, chính đáng hơn, vững bền hơn. Tinh thần mới tức là tinh thần thiết thực, khoa học, luôn luôn tìm hiểu để vượt lên cao". Bài hát “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước trở thành hành khúc của thanh niên, thúc giục hàng triệu người hăng hái tham gia đội ngũ.
Tại xã Khánh Bình (nay thuộc huyện Trần Văn Thời), nhiều lớp trẻ vào Thanh niên Tiền phong như Tư Tửng, Trần Thị Hứng, Sáu Sanh; khu vực điền Chủ Ngãi có Trác Văn Khị, Hồ Văn Hai, Châu Minh Hương. Một số con em địa chủ sớm giác ngộ cách mạng cũng nồng nhiệt tham gia như Quách Văn Ðồng, Trịnh Văn Xủ. Khu vực ấp 9, xã Trần Hợi bây giờ, hình thành 1 trung đội Thanh niên Tiền phong, phân công nhau rèn dao găm, mã tấu, gươm, giáo.
Tại xã Viên An (huyện Ngọc Hiển ngày nay), thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong là ông Tạ Văn Tạo cùng 50 lực lượng, mỗi người đều sắm xà beng, cây, roi, dao găm, hằng ngày tập luyện quân sự.
Tại Ðầu Mắm Con, cách vàm Ông Trang gần 4.000 m, quân Nhật cất 1 “nhà dòm” (thang trông) để quan sát vùng biển của ta, ở đây gồm 6 tên Nhật, 1 thông ngôn người Việt, có 6 khẩu súng mút Nhật và 1 khẩu col.
Nhận được chủ trương chuẩn bị tổng khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thành Thô, Bí thư Chi bộ xã Viên An đưa đồng chí Dương Văn Mính (Sáu An), đoàn viên thanh niên ra làm Phó Hương quản để nắm tình hình hoạt động của bọn tề xã và nắm lực lượng thanh niên. Chi bộ Viên An dùng biện pháp địch vận, đưa nữ giới khống chế tên sếp người Nhật để đánh cướp nhà dòm của chúng. Ðồng thời chuẩn bị lực lượng cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 19/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiêu diệt đội quân Quang Ðông của Nhật buộc chúng đầu hàng vô điều kiện. Trước thời cơ thuận lợi này, ngày 19/8/1945, Quốc dân Ðại hội của ta họp tại Tân Trào, thông qua quyết định tổng khởi nghĩa và cử ra Uỷ ban Giải phóng, tức Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 19/8/1945, Hà Nội khởi nghĩa giành thắng lợi. Ngày 21/8/1945, tại thị trấn Cà Mau, Uỷ ban Khởi nghĩa gồm các đồng chí Thái Ngọc Sanh, Tăng Hồng Phúc tổ chức huy động hàng ngàn lực lượng từ các xã Khánh Bình, Phong Lạc, Tân Hưng, Thạnh Phú, An Xuyên, Thới Bình và thị trấn Cà Mau họp mít-tinh chào mừng Uỷ ban Dân tộc Giải phóng và Mặt trận Việt Minh. Cuộc mít-tinh tiếp tục biểu tình thị uy, kéo đến dinh quận Cà Mau đòi tên Ðốc phủ Kế, Quận trưởng Cà Mau phải giao chính quyền cho cách mạng. Ngày 25/8/1945, không chịu nổi áp lực mạnh mẽ của quân dân ta, tên Quận trưởng Kế buộc phải trao chính quyền cho ta. Bà Nghê Thị Muôn (hiện ở phường 4, TP Cà Mau) đã may lá cờ Tổ quốc, chiều dài hàng chục mét để treo trên cột cờ trong ngày chiến thắng.
Nhân dân các xã trong quận Cà Mau tập trung kéo đến Nhà việc của địch, giải tán hội tề, thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 23/8/1945, Nhân dân trong tỉnh nổi dậy cướp chính quyền tại thị xã Bạc Liêu. Ngày 26/8/1945, Nhân dân xã Khánh Bình kéo đến Nhà việc của hội tề tại Cả Giữa. Hội tề xã Khánh Bình có Hương chủ Cộc, Hương hào Giảo, Hương sư Nuôi, Hương bộ Ngọc, Chánh lục bộ Viễn, tất cả đều không đối phó. Các đồng chí Phạm Sương Cấp, Dương Thị Âu, Nguyễn Thị The hướng dẫn lực lượng tràn vào Nhà việc giải tán hội tề và tuyên bố chính quyền thuộc về Nhân dân. Mọi người hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Sáng 24/8/1945, tại Viên An, lực lượng ta xông vào cướp Nhà dòm, bắt sống 6 tên Nhật, thu toàn bộ vũ khí. Chiều 24/8, sau khi cướp Nhà việc của địch tại Ông Trang, lực lượng ta tập trung tại Nhưng Miên. Ðồn Kiểm lâm Nhưng Miên do Ðốc Diễn chỉ huy. Khi lực lượng ta gọi mở cửa, chúng không mở. Ðồng chí Lê Văn Lanh bắn 3 phát súng thị uy, Ðốc Diễn mới chịu mở cửa. Lực lượng ta tràn vào tịch thu toàn bộ giấy tờ, vũ khí, rồi kéo lên Năm Căn, bao vây Quận Kiểm lâm Năm Căn.
Sáng 25/8/1945, lực lượng ta phối hợp cùng lực lượng các xã Tân Ân, Năm Căn, Tân Hưng Tây kéo vào chiếm Quận Kiểm lâm của Pháp (tại Cây Dương). Ta tịch thu toàn bộ súng đạn, máy móc và tài liệu của chúng. Ðồng bào ta biểu tình tuần hành với băng, cờ và hô vang các khẩu hiệu: “Mặt trận Việt Minh muôn năm!”, “Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm!”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Ðả đảo phát xít Nhật - Pháp!”.
Uỷ ban Khởi nghĩa tổ chức mít-tinh chào mừng chiến thắng, mời số hội tề Quận Kiểm lâm cùng đến dự, địa điểm tại sân trường học Năm Căn. Cờ Ðảng, cờ Tổ quốc kéo lên trên đỉnh cột cờ, 9 tiếng súng nổ vang trong khí thế oai hùng của hàng ngàn người giữa ngày độc lập. Cán bộ ta tuyên bố kể từ nay, chế độ thực dân phong kiến đã chấm dứt trên nước ta, chính quyền đã về tay Nhân dân và kêu gọi mọi người hãy đoàn kết chung quanh chính quyền cách mạng và Mặt trận Việt Minh, bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những tràng pháo tay, tiếng hô khẩu hiệu vang mãi, vang mãi.
Cuộc đời nô lệ, lầm than hơn 80 năm dưới gót sắt xâm lăng không còn nữa. Ðau thương, mất mát, đoạ đày, tủi nhục, đói nghèo, dốt nát không còn nữa. Nhân dân ta thực sự làm chủ đất nước mình. Chính quyền của dân, do dân, vì dân lần đầu tiên xuất hiện ở một nước Ðông Nam châu Á. Chính quyền đó mãi mãi vì lợi ích của Nhân dân.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, là kết quả của quá trình vận động cách mạng đầy hy sinh gian khổ suốt 15 năm, kể từ khi Ðảng Cộng sản ra đời. Nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn, nhờ có đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên trung, bất khuất, không sợ hy sinh, gian khổ, tin vào sức mạnh vĩ đại của Nhân dân, nên dù số lượng đảng viên không đông, chỉ có tầm vông, dao, mác, gậy gộc, biết chớp lấy thời cơ thuận lợi, Nhân dân ta đã xông lên như triều dâng, thác lũ, nhấn chìm quân xâm lược, giành lấy chính quyền.
Thắng lợi cuộc tổng khởi nghĩa đã thắp sáng ngọn đuốc cách mạng giành độc lập dân tộc, xây dựng thành trì niềm tin vững bền đối với sự nghiệp giải phóng quê hương đất nước, tạo tiền đề xán lạn cho công cuộc kháng chiến kiến quốc tiếp theo.
Tổng khởi nghĩa tháng Tám nhanh chóng giành thắng lợi trên cả nước. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân một nước thuộc địa, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, với vũ khí thô sơ, tự tạo đã đứng lên tự giải phóng khỏi xích xiềng nô lệ của bọn thực dân, phong kiến, giành độc lập dân tộc.
Quân dân ta đã đập tan ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến ngót hàng trăm năm trên đất nước ta, giành lấy chính quyền, giành lấy tự do độc lập.
Kết quả nêu trên là do Ðảng và Bác Hồ có đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân, nên dù lực lượng không đông, vũ khí không tốt vẫn giành được thắng lợi to lớn, đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên người Việt Nam tự làm chủ vận mệnh của mình.
Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Ðình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Ðây là kết quả qua 15 năm đấu tranh anh dũng của quân, dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, chính quyền của dân, do dân và vì dân chính thức ra đời./.
Trường Sơn Ðông tổng hợp