(CMO) “Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) Cà Mau đã linh hoạt các phương án trong công tác tuyển sinh đầu cấp năm học mới. Theo đó, việc tiếp nhận hồ sơ được thực hiện bằng 2 hình thức: trực tiếp và trực tuyến thông qua các phần mềm. Việc tuyển sinh đầu cấp vẫn còn rất nhiều thời gian, ngành đảm bảo tất cả các em đến tuổi và đủ điều kiện đến trường đều được xét tuyển vào năm học 2021-2022 theo quy định”, Tiến sĩ Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở GD&ÐT Cà Mau, khẳng định.
Theo kế hoạch tuyển sinh vào lớp 1, 6, 10 phổ thông và giáo dục thường xuyên năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ÐT đã ban hành hướng dẫn tuyển sinh đầu các cấp học.
Ðối với lớp 1 và 6, hoàn thành trước ngày 29/8. Riêng lớp 10 Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển đã hoàn thành công tác tuyển sinh ngày 28/6; Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh hoàn thành trước ngày 7/7; các trường THPT còn lại đợt 1 chậm nhất ngày 16/7 và đợt 2 chậm nhất ngày 17/8.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khoẻ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trên địa bàn tỉnh; đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Sở đã dời thời gian tuyển sinh vào lớp 10 kết thúc đợt 1 ngày 3/8, đợt 2 ngày 25/8.
Việc tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến chỉ nhận hồ sơ gốc khi Hội đồng tuyển sinh tổ chức xét duyệt kết quả để đối chiếu. Từ đó, không mất thời gian của phụ huynh và học sinh. Phần mềm được các nhà cung cấp tích hợp lên website của nhà trường, phụ huynh, học sinh có thể vào nộp hồ sơ với những thao tác đơn giản, không tốn thời gian. Song, việc ứng dụng phần mềm còn gặp một số khó khăn do nhà trường chưa quen; phần lớn phụ huynh, học sinh chưa biết sử dụng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Trang web của Sở Giáo dục - Ðào tạo về tuyển sinh đầu cấp năm học 2021-2022. |
- Ðể công tác tuyển sinh công khai, minh bạch, Sở GD&ÐT Cà Mau sẽ kiểm soát chặt và xử lý các vi phạm trong công tác này như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự: Theo quy định, việc phân cấp quản lý tuyển sinh đầu cấp như sau: Sở GD&ÐT trực tiếp phê duyệt kết quả tuyển sinh vào lớp 10, Phòng GD&ÐT phê duyệt tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6.
Căn cứ Công văn số 1171/SGDÐT-MNPT ngày 13/5/2021 của Sở GD&ÐT, các trường học xét tuyển theo hướng dẫn, những trường hợp đủ điều kiện sẽ được trúng tuyển. Bên cạnh đó, phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận tất cả học sinh đến tuổi đi học trên địa bàn vào trường, trừ một số trường quá tải như THPT Hồ Thị Kỷ, THPT Cà Mau, THCS Võ Thị Sáu, THCS Nguyễn Thái Bình, Tiểu học Nguyễn Ðình Chiểu, Tiểu học Nguyễn Tạo...
Tuy nhiên, để kịp thời giải quyết khó khăn, phát hiện và xử lý việc tuyển sinh sai quy chế (nếu có), trong thời gian tới, Sở GD&ÐT sẽ chỉ đạo các trường, các phòng GD&ÐT, đặc biệt là Phòng GD&ÐT TP Cà Mau tăng cường theo dõi, kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm để tạo được niềm tin cho người dân và phụ huynh học sinh trên địa bàn.
- Thưa ông, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở GD&ÐT Cà Mau đã có điều chỉnh thế nào về khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022?
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự: Hiện nay, Bộ GD&ÐT chưa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022. Tuy nhiên, để chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học mới, Sở GD&ÐT sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức khai giảng vào ngày 5/9, tiến hành dạy và học sau ngày 5/9.
Bên cạnh đó, Sở đang xây dựng 3 kịch bản cho năm học 2021-2022 theo các hướng: trong điều kiện bình thường, 100% dạy và học trực tiếp trên lớp. Chỉ dạy và học trực tuyến những nội dung không phải chương trình chính khoá; nội dung dạy tập trung vào việc bổ trợ, phụ đạo học sinh yếu, kém, nâng cao kiến thức cho học sinh trung bình và bồi dưỡng học sinh khá, giỏi.
Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn ra nhưng chưa thực hiện giãn cách xã hội, học sinh còn đến trường sẽ thực hiện 70% dạy và học trực tiếp trên lớp, 30% dạy và học trực tuyến.
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội, học sinh phải nghỉ học thì thực hiện 100% dạy và học trực tuyến và bằng hình thức gián tiếp khác.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc dạy và học trực tuyến là điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, đường truyền Internet và điều kiện học tập của học sinh (điện thoại thông minh, máy tính để bàn có kết nối Internet).
- Như vậy, từ nay đến bắt đầu năm học mới, ngành giáo dục Cà Mau có chỉ đạo và lưu ý gì đối với các đơn vị, trường học để chuẩn bị tốt mọi điều kiện và thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới sắp tới?
Tiến sĩ Lê Hoàng Dự: Ðể chuẩn bị tốt cho năm học mới, các đơn vị, trường học cần tập trung thực hiện một số công việc. Cụ thể, theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn; quản lý chặt chẽ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh thuộc đơn vị quản lý; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền và các khuyến cáo của ngành y tế nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về sức khoẻ, tâm lý cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh.
Song song đó, bằng nhiều hình thức, vận động tất cả học sinh đến trường; huy động nguồn tài trợ để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, không để bất kỳ trường hợp nào vì khó khăn mà không đến trường.
Tham mưu với chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí hoặc bằng nguồn xã hội hoá hợp pháp để sửa chữa, nâng cấp, mua sắm thêm cơ sở vật chất, đồng thời, thực hiện tốt việc kiểm kê cơ sở vật chất hiện có, vệ sinh khuôn viên trường lớp... phục vụ cho năm học mới.
Các trường phải rà soát lại đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các lớp 1, 2 và 6, giáo viên dạy các môn tiếng Anh cấp tiểu học, giáo viên Tin học cấp THCS. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ, hiệu quả các lớp bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng thường xuyên do Sở và Bộ GD&ÐT tổ chức để tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt trình độ chuyên môn vững vàng. Nhà trường cần có kế hoạch sắp xếp lại giáo viên dư, phân công giáo viên hợp lý, đảm bảo công bằng trong phân công lao động.
- Xin cảm ơn ông!
Băng Thanh thực hiện