ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 2-7-25 10:10:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ảnh viện Cà Mau trong ký ức

Báo Cà Mau Theo hồi ức của những người lớn tuổi, vào thập niên 50 của thế kỷ trước, khi Cà Mau chỉ có loanh quanh những con phố nhỏ ở khu vực Phường 2, nơi này đã xuất hiện nhiều tiệm chụp hình bề thế.

Mặc dù thời điểm ấy Cà Mau còn khá hoang sơ nhưng người dân vẫn rất thích chụp hình, như thể muốn lưu giữ những khoảnh khắc sẽ trôi theo thời gian mà không bao giờ họ níu giữ được.

Không biết tiệm chụp hình nào xuất hiện đầu tiên ở Cà Mau, nhưng một trong những tiệm có mặt từ thập niên 50 là tiệm chụp hình Việt Nam ở Số 7, đường Gia Long - nay là đường Phạm Văn Ký. Ðến những năm 60, 70 thì đã có nhiều tiệm hoạt động.

Ðường Phan Châu Trinh chỉ vài trăm mét nhưng có đến 3 tiệm chụp hình. Ðó là các tiệm: Mỹ Châu, Hoàng Mỹ và Dạ Hương đối diện với rạp Huê Tinh. Ngoài ra, còn có các tiệm chụp hình: Việt Tân ở Số 17, Gia Long; Photo Thanh, Sống Mới ở đường Ðề Thám.

Ông Trần Thiện Mỹ, nhà ở đường Nguyễn Thái Học (nay là đường Nguyễn Hữu Lễ), nhớ lại: "Trước năm 1975, tôi có một máy chụp hình hiệu Canon, dùng chụp cho gia đình. Chụp xong thì đưa ra tiệm tráng phim, sau đó đến xem, chọn lại rồi báo tiệm rửa hình. Lúc đó chỉ tráng rửa hình thủ công chớ chưa có máy tự động như hiện tại".

Thời kỳ này, để có được cái máy chụp hình như ông Mỹ không phải dễ. Do là máy cơ rất đắt tiền và muốn sử dụng được phải học qua khoá nhiếp ảnh, nên ai có nhu cầu chụp hình thì phải đến tiệm. Ngoài việc chụp hình khi có đám tiệc, những ngày lễ, Tết, kỷ niệm ngày cưới, sự kiện trọng đại của dòng tộc... nhiều gia đình cũng đưa nhau đến tiệm để lưu lại hình ảnh cho mai sau.

Căn nhà Tô Ích Xuyên chụp đầu thập niên 70 hiện nay vẫn còn ngay ngã ba Lê Lợi - Phan Ðình Phùng, Phường 2.

Chuẩn bị cho buổi chụp hình, các gia đình sửa soạn tươm tất, đàn ông mặc comple thắt cà vạt hoặc nơ, đầu chải brilliantine mướt rượt, chân đi giày Tây láng bóng. Phụ nữ mặc áo dài, có khi quấn khăn trên cổ. Trẻ em ăn vận đồ mới lịch sự.

Những gia đình có con nhỏ đưa nhau đến tiệm chụp cho con một vài kiểu để sau này khi lớn lên có hình mà so sánh. Ðối với giới trẻ thì đến tiệm chụp hình để kỷ niệm thời thanh xuân, dành để tặng người yêu hoặc gửi báo đăng mục “Tìm bạn bốn phương”, thời kỳ này trai gái yêu đương thường trao hình cho nhau để làm kỷ vật. Trong khi với người lớn tuổi, con cháu thường sắp xếp đưa các cụ đến tiệm chụp hình để lo hậu sự sau này, thường gọi là chụp hình thờ.

Theo anh Nguyễn Công Tạo, người từng làm thợ cho các tiệm chụp hình ở Cà Mau: "Nắm bắt được xu hướng thích chụp hình của khách hàng, nhiều tiệm chụp hình ngoài đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, họ tập trung vào việc mua sắm đạo cụ, thiết kế phông hoặc dùng kỹ thuật ghép hình".

Ông Trần Thiện Mỹ, một khách hàng thân thuộc của tiệm chụp hình Hoàng Mỹ, cho biết: "Chụp hình kỷ niệm, tiệm thường có các đạo cụ như ghế mây cho trẻ em, dựng cảnh trang trí khi chụp “kiểu” hoặc chụp rồi ghép hình ảnh vào nền có chữ".

Chiếc ghế mây mà ông Mỹ nhắc đến là đạo cụ tiêu biểu nhất, hầu như tiệm nào cũng có, dùng để chụp cho em bé. Kiểu hình yêu thích dành cho giới trẻ là chụp hình chân dung đầu và vai, chân dung bán thân. Các tiệm tạo dáng chụp cho khách hàng không thua gì ảnh của các văn nghệ sĩ. Hình được tạo dáng theo nhiều hướng nhìn, với rất nhiều tư thế khác nhau, thể hiện thần thái của nhân vật, với nhiều cảm xúc khác nhau. Người già thì được sắp đặt ngồi bên bộ bàn ghế sang trọng trải khăn trùm xuống, bên trên bày trí bình hoa, bộ ấm trà, trông rất quý phái. Nhiều người lãng mạn, thích thơ mộng một chút thì chụp hình ghép cảnh, ghép chữ...

Ðể tạo dấu ấn thương hiệu, hầu hết các tiệm chụp hình đều đóng dấu nổi hoặc viết tên hiệu tiệm vào góc của tấm hình. Khi nhìn vào, người thưởng lãm sẽ biết tên, địa chỉ của hiệu chụp hình.

Chất lượng hình ảnh thời kỳ này thì khỏi phải chê, có những tấm hình trải qua 50-60 năm nhưng vẫn còn rất đẹp, tuy có nhuốm màu thời gian.

Sau năm 1975, ngoài những tiệm chụp hình có trước đó như: Mỹ Châu ở đường Lý Bôn; Minh Châu, Mỹ Phương ở đường Trưng Trắc còn hoạt động, ở thị xã Cà Mau đã có thêm một số tiệm chụp hình ra đời được nhiều người biết đến như: Ðống Ða ở đường Phan Châu Trinh; Trọng Sĩ ở đường Ðề Thám; Mỹ Hương, Bạn Trẻ trên đường Phan Ngọc Hiển; Quốc Khánh ngay công trường Bạch Ðằng...

Tiệm chụp hình Hoàng Mỹ, Mỹ Châu thập niên 70 - đối diện rạp Huê Tinh trên đường Phan Châu Trinh, Phường 2.

Cũng giống như trước năm 1975, các tiệm chụp salon vẫn là chủ yếu. Mỗi tiệm một phong cách, nhưng phổ biến nhất là dùng phông vẽ phong cảnh treo sẵn. Hầu hết các tiệm đều vẽ phong cảnh đồng quê và phố thị hoặc dùng kỹ thuật ghép hình. Nổi bật nhất là tiệm chụp hình Trọng Sĩ thiên về cổ trang, khách đến chụp có thể hoá trang thành vua chúa, tráng sĩ, sơn nữ... Tiệm này cũng có thế mạnh về tô hình màu, vì phim màu rất đắt.

Lúc này, phong trào học sinh rủ nhau đến tiệm chụp hình rất thịnh hành. Những buổi trống tiết, thậm chí có cả cúp cua, cả nhóm kéo nhau đến tiệm chụp vài kiểu hình tập thể hay chân dung để làm kỷ niệm hoặc tặng bạn gắn vào lưu bút, cũng có khi dành tặng người yêu. Tiệm chụp hình Bạn Trẻ và Mỹ Hương trên đường Phan Ngọc Hiển là hai tiệm được học sinh đến chụp nhiều nhất, vì hai tiệm này có cảnh trí thật, không gian bên ngoài thoáng rộng hơn những tiệm khác.

Một phong cách chụp hình của giới trẻ thập niên 70.

Cùng với chiếc máy ảnh kỹ thuật số, nhiều thế hệ smarphone nối tiếp nhau ra đời tích hợp camera với độ phân giải cao, đã làm cho nghề chụp ảnh không còn như xưa. Hầu hết các gia đình tự chụp ở nhà bằng điện thoại và họ cũng không cần đến tiệm để rọi ảnh, mà chỉ lưu file khi nào muốn xem thì mở ra xem.

Tuy việc chụp hình bây giờ có hiện đại và thuận tiện hơn xưa, nhưng những hình ảnh được chụp bằng máy cơ, đặc biệt là những tấm hình đen trắng vẫn làm người ta thích hơn, vì nó mang theo màu thời gian, như gợi lại những ký ức đẹp đẽ của một thời đã qua./.

 

Hoàng Hải

 

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.

Làm báo thời chiến

Từ buổi bình minh của cách mạng và xuyên suốt các chặng đường đấu tranh gian khổ, báo chí Cà Mau luôn khẳng định là vũ khí sắc bén, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng đầy lửa đạn ấy, những người làm báo Cà Mau dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, kề cận với cái chết nhưng vẫn kiên cường giữ vững niềm tin và khí tiết cách mạng. Họ đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh của những người chép sử, ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, của quê hương.

Nơi tôi “khởi mầm” nghề báo

Nhà báo Nguyễn Danh gọi nhắc: Báo Cà Mau chuẩn bị làm kỷ yếu kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng, Kiều Tiên viết gì gửi về đi! Dù bận khá nhiều việc ở cơ quan nhưng tôi cũng hứa sẽ tranh thủ viết. Xem đây là dịp để nhắc về kỷ niệm một thời cùng các anh chị em ở Báo Cà Mau và cũng để tri ân nơi “khởi mầm” nghề báo cho tôi đến hôm nay.

Hành trình về ngôi nhà chung

Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (CTV) được thành lập vào ngày 4/7/1977, tiền thân là Ðài Phát thanh - Truyền hình Minh Hải. Hơn một tháng sau ngày thành lập, Ðài chính thức phát đi tiếng nói đầu tiên lúc 5 giờ sáng ngày 19/8/1977, khởi nguồn chặng đường xây dựng và phát triển của loại hình báo phát thanh - truyền hình trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc.

Nhà báo tay ngang

Hôm bữa, Nam Phong, Phó Tổng Biên tập Báo và Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau - bạn tắm sông thuở nhỏ của tôi, gửi Zalo bản chụp bài báo “Về một xí nghiệp đóng tàu” (Báo Minh Hải, thứ Năm, ngày 8/10/1987). Trời đất! Tìm đâu ra vậy? Ðó là “lễ vật chào sân” của tôi với Báo Minh Hải thuở tập tành viết báo.