(CMO) Về lại ấp Ông Như, xã Tân Ân Tây trong những ngày xuân cận kề mới cảm nhận đầy đủ không khí vui tươi, phấn khởi.
Bà con đang hối hả làm hết những phần việc còn lại để kịp trang hoàng nhà cửa đón chào năm mới. Với họ, khi đã thoát nghèo thì niềm vui xuân trở nên trọn vẹn hơn.
Toàn huyện Ngọc Hiển có 3 ấp xoá trắng hộ nghèo, trong đó ấp Ông Như là ngọn cờ đầu tiêu biểu. Đi trên con lộ bê tông phẳng lì, sạch sẽ, hai bên là những ngôi nhà kiên cố, khang trang, ông Hai Luỹ (Bùi Luỹ, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Ông Như) khoe: “Từ đầu năm 2016, ấp không còn hộ nghèo. Hiện trong số 122 hộ dân của ấp có trên 65% hộ khá, giàu. Đây không chỉ là niềm vui của bà con mà còn là niềm tự hào của địa phương. Cái khó khăn, chật vật của những năm trước nay được thay thế bằng cuộc sống ổn định và văn minh hơn”.
Là ấp cửa ngõ của huyện, lại được chọn là ấp điểm xây dựng nông thôn mới, Ông Như có xuất phát điểm tương đối thuận lợi với nhiều tiêu chí đã đạt. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất khiến ấp khó hoàn thành lộ trình là vướng phải tiêu chí hộ nghèo. Cuối năm 2014, theo chuẩn mới đa chiều, ấp còn 19 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo. Theo ông Luỹ, để giúp đỡ những hộ này vươn lên thoát nghèo là vấn đề rất khó. Bởi có hộ thì neo đơn, hộ ít đất sản xuất. Có hộ lại mê cờ bạc, rượu chè, trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của chính quyền mà không chí thú làm ăn.
Quyết tâm thực hiện công tác giảm nghèo, sớm cùng địa phương về đích nông thôn mới, ấp Ông Như đề ra nhiều chương trình hành động và kế hoạch cụ thể. Theo đó, ấp rà soát nguyên nhân nghèo, đồng thời gặp gỡ từng hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, địa phương đề ra hướng hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả nhất.
Đối với những trường hợp nghèo do thiếu đất hoặc không có phương tiện sản xuất, ấp kết hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho bà con. Với hộ chưa có việc làm ổn định thì đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; Hộ nào khó khăn về nhà ở thì vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở… Riêng trường hợp nghèo do chưa cố gắng lao động, các đoàn thể ấp tổ chức gặp gỡ trực tiếp tuyên truyền, vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu để khơi dậy tinh thần tự lực của bà con. Bên cạnh đó, phân công đảng viên phụ trách từng hộ, trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn bà con cách làm ăn. Nhờ sáng tạo trong cách làm, quyết liệt trong hành động, hộ nghèo trên địa bàn ấp dần thay đổi nếp sống, chủ động làm ăn, công cuộc giảm nghèo của ấp Ông Như đã thành công.
Nuôi dê đang là một trong những mô hình phát triển kinh tế của người dân ấp Ông Như. |
Được sự giới thiệu của ông Hai Luỹ, chúng tôi tìm gặp gia đình ông Lê Văn Hai. Trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình ông Hai lại là một trong những hộ nghèo của ấp.
Ông Lê Văn Hai trần tình: “Mấy năm trước làm ăn liên tiếp thất bại, đất đai bán dần để trả nợ. Cuộc sống túng thiếu, khó khăn khiến bản thân chán nản rồi tìm đến rượu chè. Vợ con, hàng xóm khuyên răn nhưng lúc đó mình đâu chịu nghe. Rồi cứ cách vài hôm, mấy anh ở ấp tới nhà khuyên nhủ, phân tích, động viên đủ kiểu. Từ từ bản thân mới tỉnh trí, quyết tâm làm lại từ đầu”.
Sau khi vận động thành công, chi bộ cùng các tổ chức đoàn thể ấp Ông Như tạo điều kiện cho gia đình ông Hai có thêm nguồn vốn để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế. Mặt khác, ấp còn phối hợp với người của khuyến nông xã theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho gia đình ông Hai phát huy hiệu quả mô hình.
Với nguồn vốn vay ưu đãi 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, ông Hai mạnh dạn xây bể xi măng để ươm tôm giống bán cho bà con địa phương và các vùng lân cận. Qua một năm quyết tâm thực hiện, mô hình ươm tôm giống của ông đã phát huy hiệu quả. Từ 10 bể ươm ban đầu đã nhân lên được 18 bể, xuất trại mỗi tháng từ 3-3,5 tỷ tôm post. Kinh tế gia đình ông Hai cải thiện rõ rệt, thu nhập mỗi tháng ổn định từ 3,5-4,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn tích cực nuôi heo, trồng thêm rau màu để tăng thu nhập lo cho 2 con ăn học.
Cuối năm 2015, gia đình ông tự nguyện nộp đơn xin thoát nghèo. “Thấy bà con chòm xóm ai cũng ăn nên làm ra, mình phải ráng lo làm để vươn lên thoát nghèo. Một mặt là làm giàu cho gia đình, mặt khác góp chút sức để làm giàu cho quê hương xứ sở”, ông Lê Văn Hai bộc bạch. Hỏi ông, cuộc sống hiện tại khi thoát nghèo ông sợ nhất thứ gì, ông trả lời ý nhị: “Thì sợ tái nghèo chớ sợ gì nữa mấy anh…”.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ấp Ông Như đạt hơn 40 triệu đồng, cao hơn so với mặt bằng chung toàn huyện. Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Tây Võ Minh Hổ phấn khởi: “So với 12 ấp trên địa bàn xã, bà con ở ấp Ông Như có đời sống kinh tế tương đối ổn định hơn. Tuy không phải ai cũng giàu có hay khá giả nhưng cách nghĩ, cách làm của họ đã thay đổi theo hướng tích cực. Bà con tự ý thức vươn lên, phấn đấu làm ăn. Nhiều mô hình giảm nghèo được bà con học hỏi, rút kinh nghiệm và nhân rộng đạt hiệu quả khả quan. Thành quả giảm nghèo của ấp góp phần không nhỏ trong việc hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới của Tân Ân Tây”.
Giữa bạt ngàn rừng đước, những tuyến lộ bê tông nối dài, những hàng rào cây xanh thẳng thớm, những tuyến đường hoa đủ sắc khoe màu, những ngôi nhà vững chãi, bình yên… Tất cả như minh chứng cho vùng quê nghèo ngày nào đang vươn mình bứt phá đi lên. Ấp Ông Như thật sự thay da đổi thịt từ những con người biết thay đổi tư duy. Đất cửa ngõ đang vào xuân, nơi con người đón tết mới và tiễn biệt cái nghèo khó theo năm cũ…./.
Trúc Linh