(CMO) Cà Mau có 23 đền thờ, phủ thờ Bác Hồ nằm tại một số địa phương trong tỉnh, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng thành kính của Nhân dân Cà Mau dành cho Bác. Ngoài ra, việc thờ di ảnh Bác tại nhà, tại các trụ sở sinh hoạt ấp, khóm; tổ chức mâm cơm ấm cúng dâng Bác nhân ngày sinh, ngày mất của Người cũng là cách bà con vùng đất cực Nam Tổ quốc bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển là 1 trong 3 đền thờ được công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, cũng là đền thờ được xây dựng đầu tiên ở Cà Mau ngay năm Bác mất.
Ông Nguyễn Hoàng Ở, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Ông Trang, xã Viên An, người trực tiếp tham gia xây dựng Ðền thờ Bác Hồ, chia sẻ: "Năm 1969, khi hay tin Bác mất, lòng dạ những người con ở đất Viên An đau như cắt. Bằng tình cảm, tấm lòng tôn kính, bà con nơi đây đã âm thầm xây dựng Ðền thờ Bác Hồ bằng cây lá địa phương giữa rừng đước. Thời điểm ấy, giặc càn quét dữ dội, bà con phải tản cư vào rừng lẩn trốn, đồng thời tập hợp lực lượng, thay phiên nhau xây dựng Ðền thờ Bác giữa rừng đước. Khi ấy, tôi nằm trong lực lượng thanh niên xung phong trẻ, khoẻ, phụ trách đốn cây và dựng đền theo hướng dẫn của các bậc tiền bối. Chỉ 1 tháng sau khi Bác mất, đền thờ đã hoàn thành, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngày 10/5/1975, Chi bộ ấp Ông Trang thống nhất dời Ðền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Ông Bọng (ấp Ông Trang) về vàm Ông Trang (nay thuộc ấp Xóm Biển)”.
Các vị lão thành cách mạng xã Viên An thắp hương tưởng nhớ Bác.
Buổi giáo dục truyền thống giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về quá trình xây dựng Ðền thờ Bác Hồ cũng như lịch sử của địa phương. |
Theo năm tháng, tấm lòng bà con xã Viên An dành cho Bác vẫn vẹn nguyên, xem Ðền thờ Bác Hồ là nơi thiêng liêng, thể hiện lòng tôn kính, cũng là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Cô Dương Mai Thi, giáo viên Trường Tiểu học 1 xã Viên An, cho biết: “Cô trò nhà trường rất vinh dự và tự hào khi ngôi trường nằm cạnh Ðền thờ Bác Hồ. Vào các dịp lễ, sinh nhật Bác, nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khoá giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, đất nước cũng như cuộc đời, sự nghiệp của Bác kính yêu. Từ di tích, tài liệu thực tế giúp cho các thế hệ giáo viên và các em học sinh nhà trường có thêm niềm tin, động lực, noi theo gương Bác, ra sức nỗ lực phấn đấu trong giảng dạy và học tập”.
Những dịp lễ, sinh nhật Bác, Ðền thờ Bác Hồ ở Viên An trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống. |
Ở các địa phương và bà con ở vùng sâu, vùng xa, hoặc nơi chưa có đền thờ Bác Hồ thì họ thể hiện lòng thành bằng cách lập bàn thờ, thờ di ảnh Bác, nhang khói hàng ngày và tuỳ khả năng có thể tổ chức mâm cơm đạm bạc, mâm ngũ quả cúng Bác vào dịp lễ, Tết, ngày sinh và mất của Bác.
Ông Hồ Hoàng Lẹ, ấp Mương Ðường, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi, đã duy trì việc thờ ảnh Bác và cúng cơm vào ngày 21/7 âm lịch hàng năm (đúng ngày 2/9/1969 dương lịch). Theo lời ông Lẹ, trước đây ông thực hiện theo phát động của chính quyền địa phương, thờ ảnh Bác trong nhà hoặc lập bàn thờ Bác, dâng mâm ngũ quả cúng Bác trước nhà vào ba ngày Tết. Song, vì lòng tôn kính Bác nên gia đình quyết định thờ Bác ở nơi trang nghiêm nhất trong nhà, hàng năm vào ngày Bác mất (21/7 âm lịch), gia đình đều nấu mâm cơm đạm bạc cúng Bác, tất cả xuất phát từ tấm lòng yêu thương Bác vô hạn.
Gia đình ông Hồ Hoàng Lẹ thờ ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất trong nhà và duy trì cúng giỗ Bác hàng năm. |
Ông Đặng Minh Luận, Phó chủ tịch UBND xã Tạ An Khương (thứ 2 từ trên xuống, hàng bên tay trái) cùng chính quyền địa phương và gia đình ông Hoàng Lẹ thắp hương cúng mâm cơm thể hiện tấm lòng dành cho Bác Hồ kính yêu .
Ông Ðặng Minh Luận, Phó chủ tịch UBND xã Tạ An Khương, cho biết: "Phong trào cán bộ, đảng viên thờ di ảnh Bác được phát động thực hiện từ nhiều năm qua trên địa bàn xã. Riêng ở các ấp trong xã, ảnh Bác được thờ trang trọng tại các trụ sở sinh hoạt ấp. Các cá nhân ở địa phương còn đặt ảnh Bác thờ nơi trang trọng tại gia đình, hương khói hàng ngày, tổ chức cúng mâm cơm vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm ngày Bác mất… Mâm cơm cúng Bác không chỉ thể hiện lòng tôn kính dành cho Bác, mà đây còn là dịp để cán bộ, đảng viên, hội viên và người dân soi rọi lại bản thân, tự nhủ lòng sống sao cho trọn vẹn, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của Người".
Bằng trọn tấm lòng tôn kính và yêu quý Bác, Nhân dân Cà Mau đã và đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, để góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp./.
Loan Phương