(CMO) LTS: Từ khi triển khai thực hiện chủ trương rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh, Cà Mau đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều trăn trở, đặc biệt là việc xoá điểm lẻ không thể chỉ “căn cứ trên văn bản”. Báo Cà Mau giới thiệu loạt bài: Sắp xếp trường lớp để nâng chất.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, cho biết, năm học vừa qua, Cà Mau đã xoá 199 điểm trường lẻ, không phù hợp. Trong đó, mầm non 53 điểm, tiểu học 139 điểm và THCS 7 điểm. Tuy nhiên, hệ thống trường học còn phân tán, manh mún, riêng cấp học mầm non còn đến 245 lớp học đặt tại trường tiểu học và THCS.
Phải linh động sắp xếp
Năm học vừa qua, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi chỉ còn 1 điểm trường tiểu học trung tâm thay vì 2 điểm (Tiểu học Lưu Hoa Thanh và Tiểu học Tân Thuận), với 7 điểm trường lẻ như trước đây.
“Tháng 9/2019, 2 điểm chính trường tiểu học được sáp nhập lại thành Trường Tiểu học Tân Thuận với 3 điểm lẻ, công tác quản lý dễ dàng hơn. Ban đầu triển khai còn gặp nhiều khó khăn, nhưng xét thấy vấn đề tinh gọn trường lớp thực hiện càng sớm càng tốt. Khi con lộ giao thông về trung tâm xã được đưa vào sử dụng cũng là lúc thích hợp để chúng tôi thực hiện sáp nhập 2 điểm này. Việc thay đổi này đã nhận được sự quan tâm và đồng thuận cao của người dân địa phương”, thầy Thi Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Thuận, bày tỏ.
Vấn đề sắp xếp trường lớp đã rút ngắn quãng đường đến lớp của học sinh và chất lượng học tập cũng dần được cải thiện. Dù xã Tân Thuận còn 3 điểm trường lẻ (Hiệp Hải, Thuận Phước, Xóm Tắc), nhưng việc xoá các điểm lẻ đang vướng phải khó khăn, đặc biệt là điểm Thuận Phước.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân (thứ 2 từ trái sang), Giám đốc Sở GD&ĐT kiểm tra trường lớp tại huyện Đầm Dơi. |
Sinh sống và làm việc tại đây gần 10 năm qua, hơn ai hết, thầy Đặng Đức Doanh hiểu rõ câu chuyện khó khăn tại điểm trường lẻ này. Thầy Doanh trần tình: “Sống nơi địa hình trắc trở, chịu sự chi phối của quy luật nước lớn ròng nên thầy cô, học sinh, phụ huynh đều phải nỗ lực vượt qua. Tuy nhiên, điểm trường này lại là nơi gần nhất để các em học sinh lân cận đến đây học. Tình hình cơ sở trường lớp nơi đây xuống cấp nghiêm trọng nhưng xoá điểm này thì các em không biết phải học chỗ nào”.
Vấn đề đặt ra nơi trường điểm lẻ là cần có cái nhìn tổng quát về việc xoá ghép những nơi không còn phù hợp về điểm trường trung tâm. Để các em học sinh vùng sông nước đến gần hơn với con chữ trong điều kiện thuận lợi nhất, cần linh động để sự học vùng nông thôn ngày càng khởi sắc.
Cách trở trường điểm lẻ
Việc xoá điểm lẻ để nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề cần thiết, nhưng nhiều điểm trường vẫn còn trăn trở với lý do xoá điểm lẻ thì đường đến trường của các em càng xa hơn.
Các em học sinh tại điểm lẻ Thuận Phước, thuộc Trường Tiểu học Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi) đi học phải phụ thuộc con nước lớn, ròng. |
Trường Tiểu học Đào Duy Từ, xã Khánh Thuận, huyện U Minh hiện còn 3 điểm lẻ (điểm trường 2, điểm trường 27 và điểm trường 21), trong số đó điểm trường 21 còn gặp nhiều khó khăn nhất. Xét từ tình hình thực tế, điểm trường 2 và 27 dự kiến sẽ xoá nhưng đối với điểm 21 vẫn còn nhiều trăn trở.
Tại điểm lẻ 21 của xã Khánh Thuận, huyện U Minh cách điểm trường chính khoảng 15 km, tính theo đường lộ xe, trong đó đoạn đường sình lầy khoảng 5 km, nhưng các em học sinh mỗi ngày phải vượt qua để đến lớp.
Thầy Hồ Thanh Tâm, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đào Duy Từ, trần tình: “Ngôi trường tại điểm lẻ này vỏn vẹn 2 phòng, vì thiếu phòng nên chỉ dạy được từ lớp 1 đến lớp 4, còn học sinh lớp 5 phải đến những ngôi trường khác học. Đa phần các em học sống trong lâm phần nên quãng đường đi học khá xa, do vậy thường khoảng 7 giờ 30 phút mới bắt đầu học để các em kịp giờ đến lớp”.
Do thiếu phòng học nên điểm trường lẻ 21, Trường Tiểu học Đào Duy Từ (xã Khánh Thuận, huyện U Minh) chỉ giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 4. |
“Tôi từ Ninh Bình vào đây và đi dạy cũng trên 30 năm nên hơn ai hết, tôi hiểu điều kiện học tập của các em trường điểm lẻ. Sân bãi không có, phòng học thiếu, thiết bị dạy học cũng không. Điều chúng tôi trăn trở nhiều nhất vẫn là đường đến lớp của các em”, thầy Phạm Văn Hạnh, giáo viên tại điểm lẻ 21, Trường Tiểu học Đào Duy Từ, trăn trở.
Cô Nguyễn Hồng Cam, giáo viên điểm lẻ 21, Trường Tiểu học Đào Duy Từ, băn khoăn: “Học sinh ở điểm trường này đa số đi học rất xa, có em đi gần 10 km. Vì đường sá khó khăn nên hàng ngày bản thân tôi cũng phải di chuyển qua 2 phương tiện mới có thể đến trường”.
Sự học ở vùng sâu còn lắm gian nan, nhưng học sinh được đến trường là điều mong mỏi của phụ huynh để con em họ có được kiến thức. Không ngại quãng đường xa, bà Võ Thị Hận ở Ấp 17, xã Khánh Thuận mỗi ngày đều cùng cháu nội vượt đường sông đến lớp học. Bà Hận bộc bạch: “Cha mẹ nó bận đi làm nên mỗi ngày tôi đưa rước nó đi học. Từ nhà đến trường gần 6 km nhưng không có đường lộ xe. Mỗi ngày tầm 6 giờ sáng là bà cháu chạy xuồng đến lớp rồi tôi ở đó chờ tới lúc tan học rước nó về luôn. Đường xa, sông nước đâu dám bỏ nó một mình”./.
Qua rà soát, năm học 2018-2019, toàn huyện U Minh còn 42 trường học (giảm 3 trường), còn 16 điểm trường lẻ (giảm 23 điểm lẻ). Trong đó, mầm non còn 9 trường (giảm 1 trường), còn 3 điểm trường lẻ (chưa tính các lớp mượn phòng của trường tiểu học). Cấp tiểu học còn 21 (giảm 4 trường), còn 11 điểm lẻ (giảm 20 điểm trường lẻ). THCS có 8 trường (giảm 2 trường). Sáp nhập, thành lập 4 trường phổ thông 2 cấp học (TH&THCS). |
Hằng My
Bài 2: Trăn trở từ cơ sở