(CMO) Đường đến trường còn xa là chuyện thường gặp đối với học sinh vùng nông thôn. Tuy nhiên, việc xoá điểm lẻ, sáp nhập về điểm chính là vấn đề cần có cái nhìn tổng quan hơn để học sinh không vì quãng đường xa mà bỏ học.
Thầy Cao Văn Đượm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đào Duy Từ (xã Khánh Thuận, huyện U Minh), lo ngại: “Dự kiến đến năm sau hoàn thành việc xoá 2 điểm lẻ, tuy nhiên điểm 21 phải cần xem xét tình hình thực tế. Bởi điểm 21 đến thời điểm này không còn xoá được vì lý do khách quan. Do vị trí nằm khá sâu trong đường rừng nên đây là nơi thuận lợi nhất để các em đến trường. Tuy nhiên, nếu sáp nhập điểm này về điểm chính thì không ổn. Thiếu phòng học, không sân bãi nhưng nhà trường vẫn cố gắng duy trì để các em thuận tiện hơn đường đến trường”.
Tạo thuận lợi cho học sinh đến trường
Không chỉ riêng điểm trường lẻ 21 Tiểu học Đào Duy Từ trăn trở trong việc sắp xếp mà hầu như các điểm trường lẻ khác đều có chung nỗi lo ngại. Đó chính là đường đến trường của các em sẽ xa hơn nếu sáp nhập về điểm chính làm tăng chi phí trong khi đa số người dân còn nghèo. Có điểm trường tuy không đảm bảo sĩ số, cơ sở vật chất xuống cấp nhưng cũng không thể xoá được vì cơ sở vật chất các điểm chính không đảm bảo tiếp nhận học sinh của các điểm lẻ.
“Trên thực tế, nếu sáp nhập các điểm lẻ về thì hiện tại điểm chính không thể nào đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Tổng số học sinh toàn trường là 419 học sinh mà chỉ với 6 phòng học, trong đó có 3 phòng được xây dựng theo Chương trình 135. Nhà trường hiện tại thiếu các phòng chức năng, phòng dạy các lớp chuyên biệt. Chủ yếu là dạy lý thuyết nên việc tiếp cận thực tế của học sinh còn gặp nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất chưa đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày để đạt chuẩn theo quy định”, thầy Cao Văn Đượm thông tin thêm.
Địa bàn huyện Phú Tân khá rộng, mạng lưới trường học dàn trải nên khi đưa vào thực hiện chủ trương sắp xếp trường, lớp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc xoá điểm trường lẻ, sáp nhập, ghép trường còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia (tăng số lớp, sĩ số học sinh điểm chính, từ đó cơ sở vật chất và diện tích của trường không đảm bảo, tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày giảm nên một số tiêu chí bị rớt chuẩn).
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Quảng Phú (xã Tân Hưng Tây) và Trường THCS Rạch Chèo (xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân) nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. |
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 26/46 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 19 trường đã đến thời điểm kiểm tra công nhận lại nhưng chỉ có 10 trường còn giữ chuẩn, 9 trường rớt chuẩn về cơ sở vật chất.
“Trước tình hình đó, Phòng GD&ĐT huyện Phú Tân chủ động rà soát nắm tình hình từng đơn vị trường học để đưa ra nhiều giải pháp giải quyết, chủ yếu hướng đến tạo điều kiện thuận lợi để học sinh đến trường, nâng cao hiệu quả giảng dạy”, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Tân Nguyễn Thị Thuý Chiều chia sẻ.
Hướng đến phát triển bền vững
Thầy Nguyễn Văn Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Phú xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tâm tình: “Trước khi thực hiện sắp xếp, hệ thống trường lớp phải nằm từ nhiều hướng khác nhau, thiếu sự tập trung nên công tác quản lý, giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn. Khi lộ làng thông thoáng, đời sống người dân cải thiện thì việc xoá ghép trường lớp là phù hợp. Bởi lẽ, nhu cầu học tập của các em nâng lên đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng phải được đầu tư, tạo điều kiện để học sinh vùng nông thôn tiếp cận”.
Các em học sinh Trường Tiểu học Quảng Phú lễ phép chào hỏi khi có người lạ ghé thăm trường. |
Ngôi trường này đạt chuẩn quốc gia vào năm 2014 với 11 phòng học, 274 học sinh và 26 cán bộ, giáo viên. Trước khi đưa vào thực hiện chủ trương sắp xếp trường, lớp, giáo viên thì trường có tới 4 điểm lẻ và 1 điểm chính. Cơ sở vật chất tại một số điểm lẻ xuống cấp, không còn đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đến năm học này, trường chỉ còn 1 điểm chính và 1 điểm lẻ (điểm lẻ Quảng Phú với 5 phòng học).
“Việc sắp xếp trường, lớp, giáo viên được Phòng GD&ĐT huyện Phú Tân cũng như các đơn vị giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT. Tuy bước đầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng cùng với toàn ngành, sự quan tâm của cấp trên mà chúng tôi dần khắc phục được nhiều vướng mắc trong việc triển khai. Tôi nghĩ đó là vấn đề cần làm để nâng cao chất lượng giảng dạy, rút dần khoảng cách giáo dục giữa nông thôn và thành thị”, bà Nguyễn Thị Thuý Chiều nhận định.
Khoảng cách giáo dục vùng nông thôn và thành thị dần được rút ngắn là quan điểm mà ngành giáo dục tỉnh nhà đang hướng tới. Ngành đang tiếp tục rà soát, sắp xếp trường lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong thời gian tới./.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đầm Dơi Võ Lợi chia sẻ, từ khi triển khai chủ trương sắp xếp trường lớp đến nay vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt, nếu xoá điểm lẻ sau đó sáp nhập về điểm chính thì quãng đường đi học của các em sẽ xa hơn, như một số xã có địa bàn rộng như: Tân Thuận, Trần Phán, Tân Tiến, Nguyễn Huân… Việc đó khiến một số điểm trường lẻ trực thuộc khó khăn trong việc xoá ghép. Mặt khác, phụ huynh hoàn cảnh kinh tế khó khăn thuộc trường điểm lẻ chưa đồng thuận trong việc xoá điểm lẻ vì họ phải đưa con đi học với chi phí đi lại khá cao. |
Hằng My