ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 1-11-24 07:32:48
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bản giao hưởng Ðiện Biên qua trường ca của Nhà thơ Hữu Thỉnh

Báo Cà Mau Nhà thơ Hữu Thỉnh vừa cho ra mắt trường ca “Giao hưởng Điện Biên” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với 21 chương thăng hoa bởi nhiều cung bậc cảm xúc dồn nén, chiêm nghiệm, kết nối, trường ca như một bộ sử thi đồ sộ tái hiện những trường đoạn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, đỉnh cao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Hữu Thỉnh (sinh năm 1942). Ông quê ở xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông đã vinh dự được trao nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nhà nước về văn học, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật... Với kho tàng thi ca đồ sộ như “Ðường tới thành phố”, “Trường ca biển”, “Sức bền của đất”, “Trăng Tân Trào”... đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. “Giao hưởng Ðiện Biên” là trường ca lớn nhất của ông, xứng đáng với tầm vóc của một chiến dịch lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Nhà thơ Hữu Thỉnh và tác phẩm “Giao hưởng Ðiện Biên”, trường ca lớn nhất của ông.

Ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, “Giao hưởng Ðiện Biên” thực sự là tác phẩm văn học nghệ thuật vô cùng ý nghĩa, mang lại giá trị về tinh thần cho công chúng, khi cả nước đang hướng về Ðiện Biên với vô vàn cảm xúc thiêng liêng và tự hào.

Nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ: “Ban đầu khi cầm bút viết, tôi không dám nói với ai trong gia đình, bạn bè bởi sợ mình không hoàn thành nổi, một Ðiện Biên Phủ choáng ngợp mà “gói” trong hơn 2 ngàn câu thơ, cuối cùng tôi đã hoàn thành như một tâm nguyện, ước mơ của tuổi trẻ”.

Ông tâm sự, khi học hết lớp 10, đi lính tại Trung đoàn 202, Binh chủng Tăng Thiết giáp đóng quân tại Núi Ðanh (Vĩnh Yên). Trong thời gian huấn luyện, chàng lính trẻ Hữu Thỉnh ngày ấy may mắn được cử đi đóng phim. Ông nhớ lại: “Khi ấy, tôi được đóng vai người lính Ðiện Biên mặc áo trấn thủ, đội mũ lưới, cuốc đất đào hầm... Ðó là một trận địa tái hiện lại chiến trường Ðiện Biên Phủ, suốt gần 1 tháng trời vinh dự trong vai diễn, tôi đã ao ước và nuôi ý định mình sẽ được lên Ðiện Biên Phủ để viết về chiến dịch này. Tưởng rằng, ước mơ đó còn xa mãi, nhưng một ngày đọc cuốn sách “Ðiện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử” của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp do Nhà văn Hữu Mai thể hiện lại càng thôi thúc tôi...”.

Trường ca “Giao hưởng Ðiện Biên” ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, mang lại giá trị và ý nghĩa to lớn.

Ðã có nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng viết về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, vậy mãi đến năm 2023, nhà thơ Hữu Thỉnh mới bắt tay vào viết trường ca, có điều gì mới mẻ mang lại cho bạn đọc?

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã tìm một lối đi riêng cho bản giao hưởng hùng tráng ấy. Ðiện Biên Phủ được tái hiện trong dòng chảy lịch sử dân tộc, dòng chủ lưu từ Việt Bắc vắt sang Tây Bắc trong bức tranh toàn cảnh của chiến cục Ðông - Xuân năm 1953-1954, được kết tụ bởi khúc ca ra trận hoành tráng của cả dân tộc để bảo vệ nền độc lập, tự do non trẻ. Tây Bắc, Ðiện Biên - điểm hẹn của lịch sử bi hùng: “Hịch cứu nước vang từng xóm vắng/Căm giận chồm lên những dặm dài.../Ta lên với điệu xoè tình tứ/Rượu cần say từng búp ngón tay...”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong chương mở đầu, nhà thơ đặt tựa “Người ra trận đầu tiên”. Kể lại chuyến đi của Bác: “Trung Hoa đón Bác cờ bay lộng/Ðất cũ người xưa tay siết tay.../Matxcơva đây rồi/Vui buồn bao kỷ niệm/Stalin dang tay/Ðón Người từ tiền tuyến...”.

Hơn thế, cho bạn đọc thấu trọn hơn góc nhìn của lịch sử, về một vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, luôn có tầm nhìn đi trước thời đại, ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh. Cả dân tộc vững tin bên Bác, có Bác cùng ra trận chiến đấu sinh tử vì nền độc lập, tự do: “Bác Hồ ra trận cùng chiến sĩ/Nhân sức quân lên khắp đại đoàn/Nhất định ta đem về thắng lợi/Dẫu nhiều ác liệt/Lắm gian nan”.

Và xuyên suốt trường ca luôn lấp lánh hình ảnh của Bác, của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thôi thúc đoàn quân hùng dũng tiến lên phía trước. Lời thơ da diết: “Ta cứ tưởng Ðiện Biên là trận cuối, Bác bảo “thắng to nhưng là mới bắt đầu”, kẻ thù mới - một siêu cường số một, “Ðiện Biên Phủ trên không mười tám năm sau...”. Ngay từ thời điểm đó, Bác đã tiên đoán Ðiện Biên Phủ chỉ là một khúc dạo đầu vì Mỹ đang chuẩn bị hất cẳng Pháp, tiếp chiếm Ðông Dương.

“Ðại tướng bảo: Ðây là trận công kiên lớn nhất/để vặt lông con nhím Ðiện Biên/đường hào ta đã hoàn toàn thắt chặt/dãy điểm cao dày đặc nối liền/Nhưng đây sẽ là nơi khó nhất/nơi gian nan ác liệt khó lường/mỗi chiến sĩ phải vượt mình một bước/mỗi mũi tiến công phải dũng mãnh phi thường/Na-va thành tù binh tướng Pháp/buộc phải điều quân đến khắp nơi/một kế hoạch hai năm đầy tham vọng/quay về đâu cũng bị đánh tơi bời...”.

Trường ca “Giao hưởng Ðiện Biên” còn là những nét phác hoạ vô cùng sống động hình tượng các chiến sĩ, các thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến - "Những cây số người" (Chương IV). Họ chính là những nốt son, tạo nên điệp khúc trầm hùng trong bài ca ra trận: “Ðàn gồng gánh đoàn dân công bất tận/giọng trăm miền/người tự trăm quê.../Ðôi vai gánh như chưa bao giờ gánh/tình nước non son sắt xóm nghèo/nước độc lập kết lòng dân độc lập...”. Họ là những người ở hậu phương nhưng lại băng mình ra tiền tuyến lớn, làm nên những kỳ tích chưa hề có trong lịch sử chiến tranh của nhân loại...

Còn đây là khúc hồi tưởng oai hùng dành riêng cho những anh hùng là người con Vĩnh Phúc: Trần Cừ, Chu Văn Khiêm, Nguyễn Văn Bạch...

“Ðại đội trưởng Trần Cừ trườn tới/quét tiểu liên tìm ụ súng nép mình/súng hết đạn/Anh trườn tới nữa/lựu đạn nhằm lô cốt quăng lên/lựu đạn hết/Khẩu đại liên vẫn bắn/hai tay không/sôi sục căm hờn/anh hô lớn “Hồ Chí Minh muôn tuổi”/rồi lấy thân mình bịt lỗ châu mai/chớp thời cơ/đồng đội dùng bộc phá/lô cốt tan tành trong bãi thép gai.../người Anh hùng Ðức Bác/vang danh làng Trống quân/quê anh ở Sông Lô. Vĩnh Phúc/đánh Nhật trước khi lập chính quyền/trận Cầu Oai diệt hai tiểu đội Pháp...”.

Không phải bây giờ, mà từ lâu rồi, những chiến sĩ xung trận hôm nay luôn rực cháy trong mình tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Họ đã ra trận từ các miền quê khắp mọi miền Tổ quốc, trùng trùng điệp điệp, cao như núi, dài như sông đã làm nên bản giao hưởng Ðiện Biên oai hùng, cất cao lời ca chiến thắng: “Ôi! Hạnh phúc Ðiện Biên toàn thắng/tim ta reo ngây ngất trời cao/ta ngắm mãi lá cờ vất vả/Việt Nam đây! Ðau đớn/tự hào... /Ta muốn lên đỉnh núi nào cao nhất/gọi thật to hai tiếng “Mẹ ơi”/năm mươi sáu ngày đêm lửa máu/hôm nay ta giành lại nụ cười”.

Với 21 chương miêu tả từ ngày ra trận, tiếng hát Mường Phăng... đến chiến thắng và khúc tưởng niệm... một hồi ức lắng đọng, rung cảm, lay động về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” xuyên suốt, tác giả đã phác hoạ bằng thơ hình ảnh cả dân tộc ta trong trận quyết chiến lịch sử với thành trì bè lũ thực dân Pháp xâm lược.

Chúng ta đã ra trận, chiến thắng bằng niềm tin tất thắng, bằng chính nghĩa, bằng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhưng cũng đầy lãng mạn diệu kỳ: “Sông Lô thương lính thu bờ hẹp/ta đỡ cùng em đẩy mái chèo/ta nhờ nước về xuôi nhắn hộ/bóng mẹ cùng ta vượt núi đèo/Tiếng cuốc hoà vào đêm thành giao hưởng Ðiện Biên/nhốt kẻ thù vào thiên la địa võng/vọng về quê cha nhớ, mẹ mong/như trái tim đập bốn bề.../Tổ quốc sau những ngày giành giật/trên tay ta là một nắm đất son”.

Hay câu thơ "Ta bấm chân lên từng bậc gió/ngôi sao đột ngột đỡ ta lên" khắc hoạ hình ảnh người chiến sĩ đẹp lộng lẫy, hoà với bầu trời thiêng liêng mà cao đẹp khi vác vũ khí lên trận địa...

Và những "nốt nhạc" tôn vinh Ðại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và một thế hệ lãnh đạo, quân và dân ta đã làm lên chiến công chói lọi Ðiện Biên Phủ mãi mãi là tấm gương soi đường, là động lực tinh thần đối với thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Ðặc biệt, sau những phút giây trào dâng về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, chương cuối như một nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ với “Khúc tưởng niệm” - “Lên Ðiện Biên bây giờ gần lắm/đường về quá khứ một giờ bay/khu lòng chảo đã trở thành thành phố/những con đường bịn rịn những hàng cây/Bảy mươi năm đất đã về với đất/những chiến hào đã lành lại Mường Thanh/bưng bát cơm thơm/mùa trái ngọt/điệu xoè vui thêm nặng nghĩa tình.../lên Ðiện Biên ngược đường về quá khứ, mỗi bước đi càng thương đất nước mình/một thế hệ kết tinh nhiều thế hệ/vinh quang thay thời đại Hồ Chí Minh.../một ngọn đuốc trao tay nhiều thế hệ/mang Ðiện Biên trong mỗi con người”./.

 

Thu Thuỷ

 

NSƯT Tú Sương: "Con nhà nòi càng không được sơ suất"

Là đời thứ 5 của gia tộc cải lương Bầu Thắng - Minh Tơ, NSƯT Tú Sương được sự dạy dỗ nghiêm khắc từ gia đình mới thành danh như hiện nay. Ðối với chị, đó là quá trình gian khổ để tích luỹ và thăng hoa.

Thong dong dạo chơi

Trước đây, chị Hoàng Thu Hương công tác tại Phòng Hậu cần, Công an TP Hồ Chí Minh, sau khi nghỉ hưu, chị tìm đến nhiếp ảnh và coi đó như một đam mê, vừa được du lịch, vừa ghi lại cảnh đẹp của đất nước, con người.

Bình dị mái lá

Miền Tây nói chung, Cà Mau nói riêng, là vùng đất có sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Từ thời xa xưa, xứ Cà Mau rất hoang vu, các bậc tiền nhân ra sức khai hoang xây làng, lập xóm. Họ đã dùng lá dừa nước để làm nguyên liệu cất nhà và nhà lá đã trở thành một kiểu nhà phổ biến nhất ở Cà Mau.

Rạng ngời sức trẻ

Từ chỗ chụp ảnh để phục vụ công việc, tình yêu dành cho nhiếp ảnh được anh vun bồi cứ lớn dần, trở thành động lực trong cuộc sống. Tham gia hoạt động Ðoàn vào năm 2011, Lê Tấn Phát thường ghi lại nhiều hình ảnh bằng điện thoại, nhằm kịp thời đăng tải, tuyên truyền về các phong trào của Ðoàn.

Nghệ nhân Ưu tú Thanh Hồng: Cung đờn nâng giấc mơ đời

Mảnh đất Cà Mau có không ít thầy đờn cổ nhạc giỏi với ngón đờn trác tuyệt, nhưng nếu nói tới tiếng đờn Vi-ô-lông thì khách mộ điệu sẽ nhớ ngay đến Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Thanh Hồng - nghệ nhân hiếm hoi “chuyên” về nhạc cụ này và vang danh ở cả hai lĩnh vực: quần chúng lẫn chuyên nghiệp.

Thêm góc nhìn về đồng bằng sông Cửu Long

Liên hoan Ảnh nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) lần thứ 39 năm 2024 vừa được tổ chức khai mạc triển lãm vào ngày 30/9 tại tỉnh Vĩnh Long, đây là hoạt động do Hội Văn học - Nghệ thuật các tỉnh trong khu vực luân phiên đảm nhiệm, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam bảo trợ về mặt chuyên môn. Ban Tổ chức đã nhận được 1.851 tác phẩm, trong đó có 971 ảnh màu và 880 ảnh đen trắng, của 252 tác giả trong khu vực gửi tham gia.

Phù sa thao thức, gửi lại thương nhớ dòng sông

Tình cờ đọc được tập thơ Ðánh thức Sông Hồng, của tác giả Huỳnh Thuý Kiều, do Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt. Trong cái chiều Cà Mau mưa nặng hạt, nghe trong gió còn vọng tiếng buồn hậu cơn bão số 3, những vần thơ của Huỳnh Thuý Kiều như đưa người đọc vào hành trình cảm xúc tinh tế, đầy trăn trở về tình yêu quê hương, con người và cả những suy tư sâu lắng về dòng chảy thời gian.

Đoàn Nghệ thuật Khmer: Nhiều tiết mục đặc sắc phục vụ lễ Sene Dolta

Nhằm phục vụ tốt lễ Sene Dolta, những ngày qua, Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau không ngừng tập luyện, xây dựng nhiều chương trình, tiết mục văn nghệ đặc sắc. Các tiết mục phục vụ lễ Sene Dolta năm nay được đoàn dàn dựng theo hướng hiện đại, kết hợp với yếu tố truyền thống. Qua đó, không chỉ phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc mà còn chứa đựng nhiều sự mới lạ, độc đáo với người xem.

Ðộc đáo múa bóng rỗi

Múa bóng, hát rỗi (hay còn gọi là múa bóng rỗi) là bộ môn nghệ thuật diễn xướng, ra đời cách nay hàng trăm năm ở vùng đất Nam Bộ. Bộ môn này thường được tổ chức vào các dịp lễ hội cúng đình, miếu, cúng Bà Chúa Xứ, Bà Thuỷ Long, Bà Thiên Hậu...

Khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ 29

Sáng 27/9, tại tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc Triển lãm mỹ thuật khu vực VIII ĐBSCL lần thứ 29. Đây là sự kiện được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, thành phố trong khu vực.