Với người lính, trở về cuộc sống đời thường cũng là một "trận đánh" mới. Không có bom đạn, chết chóc rình rập mà chỉ có chuyện mưu sinh thường nhật, sự nghèo túng vây bủa. Nói như ông Nguyễn Văn Phép (Hai Phép), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thấy vậy chứ không dễ ăn đâu. Người lính đã gởi lại tuổi thanh xuân, sức khoẻ và cả những phần thân thể trong chiến tranh, vì thế ở thời bình, khi đương đầu với đói nghèo trở nên gian nan bội phần.
Với người lính, trở về cuộc sống đời thường cũng là một "trận đánh" mới. Không có bom đạn, chết chóc rình rập mà chỉ có chuyện mưu sinh thường nhật, sự nghèo túng vây bủa. Nói như ông Nguyễn Văn Phép (Hai Phép), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thấy vậy chứ không dễ ăn đâu. Người lính đã gởi lại tuổi thanh xuân, sức khoẻ và cả những phần thân thể trong chiến tranh, vì thế ở thời bình, khi đương đầu với đói nghèo trở nên gian nan bội phần.
Người lính Cà Mau trên hành trình giảm nghèo, thi đua làm kinh tế giỏi đã tạo nên những kỳ tích đầy cảm xúc. Ðó có thể gọi là bản hùng ca thời bình của người lính, những cựu chiến binh, thương binh đã dùng phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ để chiến thắng mọi khó khăn, thử thách.
Xung kích phát triển kinh tế
Ông Hai Phép là đại tá bộ đội về hưu, tự nhận thấy: "Anh em hội viên chúng tôi có cái chất lính, có kinh nghiệm, có sự tự giác cao độ, vì vậy, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn đều có thể triển khai thuận lợi".
Trong 5 năm qua, khi nói về kết quả quan trọng nhất mà hội làm được, ông Hai Phép kết luận: "Ðó là việc cải thiện đời sống của hội viên, giảm nghèo và thi đua lao động sản xuất. Ðây là nền tảng, là động lực làm thay đổi diện mạo của hội".
Nếu năm 2011, tỷ lệ hội viên nghèo trên 5% (trong tổng số hơn 30.000 hội viên) thì đến năm 2016, số hội viên nghèo còn khoảng 2%. Ông Huỳnh Hoàng Vân (Sáu Vân), Trưởng Ban Kinh tế của Tỉnh hội, thông tin, 5 năm qua, đã giảm nghèo cho hơn 1.000 hội viên, có 2/101 xã, phường xoá trắng hội viên nghèo. Tổng số vốn tự nguyện giúp nhau giảm nghèo đến nay đạt trên 37 tỷ đồng.
Mâm cơm đồng đội là hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ, tri ân những đồng chí, đồng đội đã hy sinh của Hội Cựu chiến binh xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn mỗi dịp 27/7. |
Ông Sáu Vân cho biết thêm, nhiều hội viên, nhất là ở vùng nông thôn có hoàn cảnh khó khăn thì nghèo là nỗi ám ảnh thường trực. Ðây là cuộc chiến còn đau đớn và mệt mỏi hơn của người lính thời bình. Nhưng người lính Cụ Hồ luôn biết cách chiến thắng thử thách. Ông Sáu Vân đúc kết: "Tình đồng đội, đồng chí, nguồn vốn từ các tổ hùn vốn tự nguyện, vốn ưu đãi của Nhà nước cộng với tinh thần lao động, chiến đấu của người lính đã đánh bật được cái nghèo".
Cách giảm nghèo và giảm nghèo bền vững của lực lượng cựu chiến binh cũng “rất lính”. Hội viên có điều kiện cho hội viên khó khăn mượn con giống, cây giống, mượn vốn và hướng dẫn luôn cách làm ăn. Có nơi, đồng đội cũ cưu mang, tạo việc làm cho con, cháu của đồng đội có hoàn cảnh thắt ngặt. Hằng năm, khoảng 50 căn nhà nghĩa tình đồng đội được xây dựng để đảm bảo nơi ở cho các hội viên neo đơn, cuộc sống vất vả.
Ông Sáu Vân nhẩm tính: "Chỉ 5 năm qua thôi, nguồn vốn mà hội dùng để giúp đỡ hội viên, nhất là trong công tác thoát nghèo đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Chúng tôi thấy, từng đồng tiền đều xứng đáng, bởi đời sống của người cựu chiến binh đã thay da, đổi thịt. Còn đồng đội, đồng chí sống trong cảnh nghèo khổ, chúng tôi tự nhận thấy đó là cái tội với những người đã ngã xuống hôm qua".
Từ trong lực lượng cựu chiến binh, nhiều mô hình kinh doanh, sản xuất tiêu biểu đã được cả cộng đồng ghi nhận và đánh giá cao. Ông Hai Phép bộc bạch: "Bác Hồ nói rồi, nghèo cũng là giặc, lính thời bình phải đánh thắng giặc này mới xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ". Chỉ 5 năm qua, 224 hội viên đã được vinh danh là hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Nếu vào năm 2011, bình quân thu nhập của hội viên vào khoảng 26 triệu đồng thì đến nay đã đạt mức gần 37 triệu đồng/năm.
Ông Võ Hà Ðô, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh hội, ví von: "Có những thương binh coi cái đau của vết thương da thịt không bằng sự mặc cảm của nghèo khó. Nuôi sống mình bằng sức lao động, một lần nữa những người lính Cà Mau lại khẳng định truyền thống vẻ vang của mình".
Ðóng góp cho cộng đồng
Ông Nguyễn Việt Trung (Hai Trung), Chủ tịch Huyện hội Năm Căn, chia sẻ: "Những cái làm được của hội trong mấy năm vừa qua làm chúng tôi ấm lòng lắm. Bởi lẽ, người lính không bao giờ muốn là gánh nặng của xã hội. Ðồng đội, đồng chí lâu ngày gặp lại, ngoài chuyện sức khoẻ thì thường hỏi nhau về hoàn cảnh cuộc sống. Hơn 1.500 hội viên của Năm Căn giờ còn 46 hộ nghèo. Anh em này khó lắm, lớn tuổi, thương tật, sống neo đơn, chúng tôi cùng nhau chăm lo và hỗ trợ để cuộc sống của đồng đội, đồng chí mình bớt cơ cực".
Sức làm, sức nghĩ và sự đóng góp của lực lượng cựu chiến binh được ông Hai Phép đánh giá, trong mọi hoạt động của tuyến cơ sở, lực lượng cựu chiến binh đều gương mẫu đi đầu, hăng hái tham gia và được cộng đồng đánh giá tốt. Ðơn cử như Năm Căn, Huyện hội vận động cựu chiến binh tham gia xây dựng các tiêu chí nông thôn mới phù hợp. Từ việc vận động, thuyết phục đến hiến đất, góp tiền, xây cầu, làm lộ đất đen… cựu chiến binh Năm Căn đã góp phần cho 2 xã của địa phương về đích 19/19 tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Hai Trung bộc bạch: "Những người lính thường không hoa mỹ, nói nhiều, cái chính là làm. Làm được thì bà con mới tin, và niềm tin của Nhân dân là sức mạnh có thể làm nên tất cả. Ở xã Hàng Vịnh, cựu chiến binh đã được vinh danh với mô hình tham gia tuyên truyền và đảm bảo an toàn giao thông. Mô hình này được Ban Dân vận Tỉnh uỷ khảo sát, đánh giá rất cao về tính thiết thực và hiệu quả".
Ông Ðinh Ngọc Doanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hàng Vịnh, thông tin, về cơ bản, xã chỉ còn vài hộ hội viên nghèo do nguyên nhân bất khả kháng, còn lại anh em đều rất hăng hái trong mọi hoạt động của địa phương.
Hàng Vịnh có những người thương binh như ông Cao Thanh Dũng đã trở thành niềm tự hào của bà con. Xuất thân từ người lính đánh tàu trên sông Cửa Lớn trong đội hình của Ðoàn 962, trở về cuộc sống đời thường với 2 bàn tay trắng, cuộc sống của người lính tưởng chừng bế tắc. Nhưng không, ông Dũng đã miệt mài học tập, trở thành cán bộ lãnh đạo xã, mở ra cơ sở làm ăn riêng.
Ông Dũng tâm sự: "Mình có tuổi, vả lại trình độ hạn chế, nên quyết định nghỉ công tác để chuyên tâm làm ăn". Bên chiếc xe hơi 1,5 tỷ đồng mới mua, ông nhớ lại những ngày gian khó, 2 bàn tay trắng, bị thương tật (ông là thương binh 4/4) vợ con cơ cực, nó còn đáng sợ hơn bom đạn, tàu chiến. Thấu hiểu những khó khăn của người lính, ông đã đóng góp tích cực cho các hoạt động an sinh - xã hội, đặc biệt là hỗ trợ hàng chục triệu đồng cho cựu chiến binh khó khăn của xã. Trong giai đoạn 5 năm qua, ông vinh dự được Tỉnh hội đề nghị công nhận danh hiệu hội viên sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Những ngày này, cựu chiến binh toàn tỉnh đang dồn sức để chuẩn bị lễ kỷ niệm những đồng đội, đồng chí đã ngã xuống vì hoà bình, độc lập. Chất lính và tình cảm của người lính thể hiện qua từng mâm cơm, nấm mồ đồng đội. Với những người đang sống, bản hùng ca thời bình đang được viết tiếp, ở đó lực lượng cựu chiến binh mãi mãi xứng đáng với lòng tin của Bác, của Ðảng và của Nhân dân./.
5 năm qua đánh dấu nhiều kết quả quan trọng của lực lượng cựu chiến binh trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế và đóng góp cho cộng đồng: số vốn tự nguyện trên 37 tỷ đồng, vốn ưu đãi khoảng 230 tỷ đồng, vốn giúp đỡ nhau 18 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên giảm từ 5% xuống còn 2% (theo tiêu chí mới). Lực lượng cựu chiến binh hăng hái lao động sản xuất, tham gia tích cực các hoạt động địa phương, đóng góp sức người, sức của, trí tuệ và kinh nghiệm góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Tỉnh hội kết hợp với các đơn vị thiện nguyện khám bệnh, tặng quà tại huyện Ðầm Dơi, trao nhà nghĩa tình đồng đội cho cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, các địa phương tổ chức mâm cơm đồng đội để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước. |
Bài và ảnh: Phạm Nguyên