Trước yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại, bản lĩnh và quyết đoán không chỉ là những phẩm chất cần thiết mà còn là yêu cầu hàng đầu đối với tất cả cán bộ, công chức, những người đang phục vụ Nhân dân. Để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của đất nước, mỗi cán bộ, công chức phải có khả năng dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong mọi tình huống.
Trong thời gian qua Tỉnh ủy Cà Mau luôn quan tâm công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: Mộng Thường
Dù ở bất kỳ môi trường làm việc nào và giai đoạn lịch sử nào, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn cần những cán bộ có đủ đức, đủ tài và sẵn sàng hành động vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Một ví dụ tiêu biểu về bản lĩnh và quyết đoán trong công việc là câu chuyện của anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Gần đây, anh đã được tỉnh Lào Cai đề xuất Thủ tướng Chính phủ khen thưởng vì hành động quyết đoán, kịp thời của mình trong tình huống khẩn cấp cứu người trong thôn do bão Yagi gây ra.
Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, anh Ma Seo Chứ cho biết, khi mưa lớn liên tục làm gia tăng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất nơi anh và các hộ dân đang ở, thấy lo lắng nên anh đã nhanh chóng cùng vài người đi kiểm tra quả đồi sau thôn và phát hiện vết nứt khoảng 20 cm có nguy cơ ập xuống. Do đường xa, mất điện, mất sóng điện thoại, anh không thể liên lạc báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo UBND xã nên quyết định ngay việc di tản người dân lên núi dựng lán trại tạm thời để phòng ngừa sạt lở và lũ quét. Nhờ quyết định kịp thời của anh nên 115 người dân trong thôn được an toàn. Khi nghe tin thôn bị sạt lở đất, đường vào thôn bị chia cắt, cán bộ xã đã đi tìm dân mấy ngày và không liên lạc được với trưởng thôn, tưởng rằng mọi người đã mất tích, nhưng khi đến nơi thì ai cũng vui mừng khi thấy người dân cả thôn an toàn trên núi.
Hành động quyết đoán và trách nhiệm của anh Ma Seo Chứ là một minh chứng rõ ràng cho sự tận tâm, dũng cảm, linh hoạt, quyết đoán của cán bộ trong tình huống nguy cấp. Đó là những phẩm chất mà bất kỳ cán bộ nào cũng cần có để xử lý nhanh chóng và hiệu quả các tình huống khó khăn, khẩn cấp không để lại hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trong thực tế, việc đưa ra quyết định kịp thời và chính xác không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong từng trường hợp cụ thể, cán bộ, công chức phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và thời cơ, cần phải quyết định một cách nhanh chóng và quyết đoán. Nếu thiếu bản lĩnh và quyết đoán, việc trì trệ đưa ra quyết định có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, việc quyết định cần phải dựa trên cơ sở kiến thức vững chắc và hiểu biết thấu đáo vấn đề.
Do đó, việc đào tạo và rèn luyện cán bộ không chỉ cần tập trung vào yêu cầu đạo đức trong sáng và tinh thần trách nhiệm cao, mà còn phải đảm bảo rằng họ có đủ kiến thức, trình độ chuyên môn và sự am hiểu lĩnh vực mình phụ trách. Điều này sẽ giúp cán bộ hoạt động hiệu quả và đạt được những kết quả tốt nhất trong công việc. Không cần những cán bộ chỉ hô hào, nói suông, múa mồm mà không có kiến thức và am hiểu thực tiễn. Cán bộ giỏi, có năng lực sẽ được bộc lộ thông qua thực tiễn, kết quả thực hành sẽ khẳng định được tố chất, năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm của từng cán bộ.
Sinh thời, Bác Hồ từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Bất cứ đường lối, chính sách gì, nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là “có lãi”; ngược lại, không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là “lỗ vốn”.
Hiện nay, một số cán bộ vẫn còn mang tư tưởng sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám hành động, dẫn đến sự trì trệ trong hoạt động và thậm chí gây ra hậu quả xấu cho đơn vị, tổ chức và người dân. Chính vì vậy, cần phải có sự cải cách và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, đặc biệt là đào tạo thực hành thông qua thực tiễn nhằm đảm bảo từng cán bộ ngoài việc vững kiến thức còn phải có năng lực thực tiễn, bản lĩnh, quyết đoán và trách nhiệm, tận tâm để phục vụ Nhân dân một cách hiệu quả nhất.
Nguyễn Ngọc