ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 09:29:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bánh quê một thuở

Báo Cà Mau Những cơn mưa sụt sùi đầu mùa vào cuối tuần càng làm cảm giác nhớ về quê nhà thuở bé. Ở chốn quê, tuy cách nay mấy mươi năm, lúc ấy còn bao bộn bề, lo toan nhưng tuổi thơ tôi đã được tận hưởng những cảm giác ngọt ngào từ những thú chơi, vị bánh, mứt nứt mùi khói bếp. Nghĩ lại mà phát thèm, muốn tìm ngay mẫu bánh năm nào, cắn bụp rồi nhai ngấu nghiến.

Những cơn mưa sụt sùi đầu mùa vào cuối tuần càng làm cảm giác nhớ về quê nhà thuở bé. Ở chốn quê, tuy cách nay mấy mươi năm, lúc ấy còn bao bộn bề, lo toan nhưng tuổi thơ tôi đã được tận hưởng những cảm giác ngọt ngào từ những thú chơi, vị bánh, mứt nứt mùi khói bếp. Nghĩ lại mà phát thèm, muốn tìm ngay mẫu bánh năm nào, cắn bụp rồi nhai ngấu nghiến.

“Tiếng ai rao bán bờ sông,

Bánh cam không có, bánh còng cũng không?”

Vừa là câu ca cũng vừa là câu đố mỗi khi bọn trẻ chúng tôi quây quần bên mái hiên nhà, kẹt bồ lúa. Anh Sơn lớn nhất trong bảy đứa tụi tôi. Ảnh thường hay đố những câu đố về các món ăn quê. Trong nhóm, ai trả lời nhanh, chính xác thì ngay hôm sau, anh khao bằng mớ tiền anh dành được trong đợt mót lúa hồi giáp Tết.

Món bánh “tiếng ai” mà anh đố chính là bánh tai yến, giống hệt như chiếc nón tai bèo. Nó cũng có vành tròn, phần lồi, phần lõm ngay giữa. Ở quê tôi thuở trước có bà Năm (thường gọi bà Năm ghe hàng) chuyên làm các loại bánh rồi bơi xuồng rao bán tận đầu trên, xóm dưới.

Minh hoạ: Khởi Huỳnh

Bánh được bà Năm làm rất công phu: phải ngâm gạo một ngày rồi giúc sạch, phơi ráo. Bà đem vô xay nhuyễn bằng cối xay bột (cối đá). Bột bánh thường được xay mịn lại hai ba lần. Bột được bà cho vào bồng (bồng bột bằng vải mùng hay ka-tê), giằng khô nước rồi nhồi cùng với nước cốt dừa, đường mía. Bột nhồi xong được ủ vài giờ cho dậy lên rồi bà Năm đem chiên (khi đó chỉ toàn chiên với mỡ heo) nên bánh giòn, bùi, có vị ngọt và béo.

Ðứa nào cũng có phần, nhưng đổi lại, ngoài trả lời đúng câu hỏi cũng phải làm việc cho anh Sơn như công việc làm của anh bưu tá - đưa thư cho chị Yến con chú Năm nhà ở phía doi sông. Lũ trẻ tụi tôi, bắt được mánh này đem mét với người lớn nên anh chị bị la hết mấy buổi chiều. Từ đó, để đảm bảo không bị lộ, anh Sơn thường bí mật nhờ một hai đứa trong nhóm chuyển thư.

Cái thời tuổi trẻ thiếu trò chơi, thèm ăn bánh kẹo nhớ lại mà xót. Bắt chẹt anh Sơn, tụi nhỏ còn bắt chẹt luôn chị Yến. Vậy là ăn hai đầu “lương”. Hồi đó mỗi lần mua bánh, bà Năm biết ngay tụi nhỏ trúng mánh vì hối lộ được cả hai đầu.

Một món bánh ăn hoài cũng ngán. Bà Năm còn bán bánh cam, loại bánh tròn như trái cam, bên trong có nhân. Bà thường làm nhân đậu xanh với cơm dừa nạo. Cũng giống công đoạn làm bột bánh tai yến, nhưng bánh cam làm bằng nếp, khi bột giằng khô không pha thêm nước mà để bột hơi nhão rồi nắn lại với nhân ở giữa (giống chè trôi nước).

Thú vị nhất là giai đoạn chiên. Nếu mỡ chưa đủ độ nóng thì bánh bị chai (chìm) không giòn. Nếu mỡ nóng quá thì khi bỏ vào chảo chiên sẽ bị nổ như pháo. Hồi bữa chơi liếng khỉ, anh Sơn lén bỏ thêm củi vào lò nấu mỡ của bà Năm rồi chạy ra sau hè, bà Năm bất cẩn nên chiên bánh nổ lộp bộp. Mỡ văng đầy bếp. Chuyến đó, anh Sơn ém nhẹm. Mấy ngày sau, hổng thấy bà Năm bơi xuồng bán bánh, tụi nhỏ chờ dài cổ. Con Tuyền còn leo lên cây điệp bông đỏ bừng de ra mé sông coi bà Năm có lui xuồng bánh ra khỏi ụ xuồng chưa.

Mấy ngày không nghe tiếng rao: "Bánh tai yến, bánh cam, bánh lọt h…ôn...g!". Cả nhóm như bị nghiện, ngồi ủ rủ dưới cầu sàn nước mà chờ đợi. Chiếc xuồng nào cọc cạch ngang qua cũng ngửa mặt nhìn coi phải bà Năm hông. Thằng Cuông không chịu nổi, nó lội bộ ra phía doi sông, qua nhà bà Năm thám thính. Nó thấy bà nằm trên võng, mặt loang lổ đầy vết tròn. Bà Năm tha nghệ vàng cả mặt. Chết rồi! Bà Năm bị phỏng mỡ.

Hoá ra, trò chơi liếng khỉ của anh Sơn khiến bà Năm bị phỏng. Bà định nghỉ mấy ngày cho vết thẹo kéo da non rồi mới đi bán tiếp. Ai dè, bữa sau bà phát sốt nên nghỉ bán ba bốn bữa nay. Thằng Cuông luống cuống hỏi bà với giọng cà lăm: “Chừng … nào… có …bánh nữa … bà Năm?”. “Mơi đi mấy đứa. Bà mới ngâm gạo!”.

Cho tới bây giờ tôi mới biết, để có mâm bánh rao bán cho tụi tôi, bà Năm phải chuẩn bị trước một ngày. Vậy tính ra, trước khi bà bơi xuồng đi bán quanh xóm thì bà đã ngâm gạo, nếp sẵn. Sau khi bán về tiến hành xay bột, giằng bột, nhồi bột. Ðến tờ mờ sáng mới chiên lên rồi tiếp tục công việc như một chu kỳ.

Mấy bữa trời mưa, bánh không giữ được nóng, bị mềm sụm, dai nhách, bà vừa bán vừa cho mong được huề vốn.

Anh Sơn, học hết lớp 11 rồi theo bác Tám đi ghe gặt mướn khắp các vùng lúa. Nghe nói anh đi tới vùng núi Châu Ðốc, Long Xuyên. Thằng Cuông hay ba xạo, nhìn ra phía cánh đồng, tay chỉ vệt đen ngòm lồi lõm, nó bảo đó là dãy núi mà anh Sơn đang gặt lúa (sau này mới biết đó là hàng cây phía bên kia cánh đồng). Té ra nó nói dóc mà đứa nào cũng trố mắt rồi buộc miệng hỏi: Ở đó xa hông? Cuông đỏ mặt, sờ sờ trái tai nóng bưng rồi bật cười: Tao hông biết! Ðúng là cái triết lý cùn.

Anh Sơn đi rồi, tụi nhỏ ít khi được đãi bánh. Thằng Cuông thế ngôi, bèn nghĩ kế để đổi bánh. Biết mấy loại bánh của bà Năm làm cần có nước cốt dừa, thằng Cuông nghĩ ngay đến chuyện đi lượm dừa khô trong vườn đổi bánh. Cái gì hổng có chớ mùa nào thì dừa khô cũng rụng lịch bịch sau nhà. Lâu lâu mẹ mới kêu anh em tụi tôi bơi chiếc xuồng be mười đi lượm. Trái lớn thì xé bẹo treo lên để có mộng bán dừa giống. Trái nhỏ thì bửa ra nạo lấy nước cốt nấu dầu dừa.

Bà Năm thì hông phân biệt dừa lớn nhỏ, mỗi trái đổi năm cái bánh tai yến, không thì hai cái bánh cam hay một tô bánh lọt. Loại bánh lọt bột gạo ngâm trộn với lá dứa có màu xanh ngọc, thơm phức, chan thêm miếng nước đường nấu và nước cốt sống, tụi tui không đứa nào ăn nước bánh còn dính chén. Bữa thằng Cuông lượm cặp dừa, bẹo lại ra bờ sông chờ bà Năm qua nó đổi hai tô bánh lọt, ăn ngấu nghiến mà hổng sợ đau bụng.

Gần nghỉ hè, mấy bữa bà Năm bán bánh bị ế. Nhất là bánh lọt. Trước đó, con Tuyền như thông hiểu mọi chuyện nên kéo bọn tôi về liếp dừa mà triết lý: Gần thi rồi, ăn bánh cam thì 0 điểm, ăn bánh lọt thì rớt xuống lớp một học. Nghe nó phán mà ai cũng sợ mặc dù thèm nhưng không đứa nào xuống cầu ngồi đợi bà Năm. Lời phán của con Tuyền còn mạnh hơn mấy roi đau điếng của mẹ khi học ngủ gục hay thầy giáo phê không thuộc bài. Bởi, chuyện ngủ gục với không thuộc bài thì thằng Cuông thường xuyên vớ phải. Mẹ đánh đòn rồi thì nó cũng là nó. Vậy mà bây giờ con Tuyền phán một cái thằng Cuông sợ như thằn lằn đứt đuôi. Nó sợ bị rớt xuống lớp một, gặp lại ông thầy giáo già.

Dòng đời cứ trôi, mỗi kỳ thi là chúng tôi lại cử ăn các món bánh mà con Tuyền đã phán. Bà Năm, riết rồi cũng biết được nên tới mấy kỳ thi là ngơi nghỉ. Nhờ vậy, mà từ đó tụi nhỏ trong xóm không đứa nào thi rớt, trừ mỗi thằng Cuông.

Rảo mấy vòng thành phố, mấy loại bánh cam, bánh tai yến, bánh lọt mà ngày xưa bà Năm làm bán cho tụi tôi cũng có mặt. Nhưng khác ở chỗ là nó không còn nhiều công đoạn thủ công hay phải chiên với mỡ heo như xưa. Nói đúng hơn, một nửa của bánh đã được “công nghiệp hoá”. Ngay cả lửa chiên bánh cũng được chiên bằng bếp gas.

Bánh còn được kiểm tra an toàn vệ sinh. Nhưng, dường như bánh bây giờ ăn hổng ngon bằng bánh do bà Năm xứ tôi làm. Bởi trong bánh của bà Năm còn chứa đựng biết bao kỷ niệm và ký ức. Mà một khi ký ức đã đi qua thì làm sao tìm lại được. Bánh của bà Năm xóm tôi cũng vậy./.

Phong Trúc

Làm mới dân ca, đồng dao bằng lời rap

Mùa hè năm nay, phim hoạt hình “Trạng Quỳnh nhí: Truyền thuyết Kim Ngưu” ra rạp không chỉ mang đến bất ngờ về nội dung mà còn ấn tượng với phần nhạc. Bài hát chủ đề trong phim là bản mash-up đầy cảm xúc. Ca khúc sử dụng ba làn điệu dân gian quen thuộc: Lý cây đa, Ði cấy và đồng dao Dung dăng dung dẻ.

Buổi đầu làm báo ảnh

Báo ảnh Ðất Mũi trải qua nhiều thời kỳ, nhờ công lao của rất nhiều người. Nhắc chuyện làm báo ảnh thời gian khó không chỉ để thế hệ làm báo trẻ sau này hiểu, mà còn nhằm trân trọng ghi ơn lớp cha chú đi trước đã từng dốc sức đóng góp cho Báo ảnh Ðất Mũi hình thành, phát triển, trở thành dấu ấn đẹp của báo chí địa phương.

Cơn gió thổi mát hồn người

Chương trình Nghệ thuật Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 -21/06/2025) do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Báo và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức, diễn ra vào tối 19/6 tại Công viên Văn hóa Hùng Vương đã trở thành một dấu ấn đẹp đối với người làm báo tỉnh nhà lẫn công chúng.

Những người làm báo “đặc biệt”

Phóng viên mảng văn hoá nghệ thuật (VHNT), MC dẫn các chương trình truyền hình, phát thanh... được xem là những người làm báo “đặc biệt”, vì nội dung và lĩnh vực phụ trách khá đặc thù, cũng như có cách tác nghiệp riêng.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Sẽ viết tiếp những câu chuyện hoà bình

Ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hoà bình" của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đạt tổng 3,1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube Short, Facebook, Instagram; lan toả đến cộng đồng, xã hội nhiều thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước.

Sân chơi bổ ích cho người cao tuổi

Ðược thành lập năm 2010, trong 15 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Dưỡng sinh người cao tuổi (NCT) huyện U Minh không ngừng đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao, du lịch; là điểm tựa vững chắc chăm sóc đời sống tinh thần và vật chất cho hội viên NCT, góp phần tạo sân chơi bổ ích tăng cường sức khoẻ cho NCT trên địa bàn huyện.

“Hạt giống” của văn hoá cộng đồng

Không cần phải đứng trên những sân khấu lớn, văn nghệ quần chúng đang âm thầm thắp lên những ngọn lửa nhỏ, giữ ấm đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư. Ðó là nơi mọi người được sống thật với cảm xúc, được thể hiện tài năng và quan trọng hơn, đó là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê văn nghệ.

Truyền cảm hứng qua ảnh

Tác giả Vũ Thanh Nam, sinh năm 1972, tốt nghiệp Trường Ðại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Khoa Hội hoạ, giảng dạy Mỹ thuật tại Trường THCS Hải Long từ năm 1993 đến nay, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Ðịnh, bộ môn Nhiếp ảnh.

Trang nghiêm lễ giỗ Đình thần Tân Nghĩa

Đình thần Tân Nghĩa được xây dựng vào năm 1852, nằm bên ngã ba sông Ô Rô – Bạch Ngưu, nay là Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau.

Về xứ “Khánh”, “Tân”...

Cà Mau là vùng đất trẻ ven biển ở cực Nam, nằm trên Bán đảo Cà Mau, mới được khai phá khoảng hơn 3 thế kỷ. Trải qua quá trình lịch sử đã nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, điều thú vị là Cà Mau có nhiều địa danh hành chính mang tên gọi với chữ “Khánh”, “Tân”, như: Khánh Lâm, Khánh Tiến, Khánh Thuận, Khánh Hoà, Khánh An (huyện U Minh); Khánh Bình, Khánh Lộc, Khánh Hưng, Khánh Hải, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Ðông (huyện Trần Văn Thời); Tân Lộc, Tân Phú (huyện Thới Bình); Tân Xuyên, Tân Thành (TP Cà Mau); Tân Trung, Tân Ðức, Tân Duyệt, Tân Thuận, Tân Dân, Tân Tiến (huyện Ðầm Dơi); Tân Ân, Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển). Những địa danh này gắn liền với lịch sử, văn hoá của cả vùng đất và nay đang ngày càng phát triển đi lên đổi mới và giữ gìn bản sắc văn hoá độc đáo.