(CMO) Theo thầy Tạ Hoàng Nghị, Phó bí thư Đoàn Trường THPT Cà Mau, những vụ việc không hay của nhà giáo, của trường học và của ngành sư phạm như thái độ ứng xử của giáo viên, đạo đức nhà giáo, chất lượng giảng dạy, ngay cả sự thiếu chuẩn mực trong ứng xử của phụ huynh, học sinh… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình an ninh học đường không được đảm bảo trong thời điểm hiện nay.
Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo và học sinh; tác động xấu đến môi trường giáo dục trong nhà trường và gây bức xúc trong dư luận xã hội.
“Thời nay, khoảng cách giáo viên và học sinh rất gần, như người chị, người anh. Tuy vậy, giáo viên vẫn thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm là “thầy cô” đối với đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh. Điều này góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường học đường trong sạch, lành mạnh, tiến bộ”, thầy Nghị khẳng định. Bởi theo thầy, khi chữ “lễ” đi đầu và được thực hiện bởi người thầy sẽ làm gương cho học sinh, từ đó các em biết kính trọng, lắng nghe lời khuyên bảo của thầy cô.
Sinh hoạt ngoại khoá, tổ chức dạy nghề, CLB, những hình thức sinh hoạt của Trường THPT Cà Mau tạo điều kiện cho học sinh phát triển kỹ năng, giảm căng thẳng trong học tập. |
Em Tạ Duy Khang, Bí thư Chi đoàn, lớp trưởng lớp 12B6, Trường THPT Cà Mau, chia sẻ, “Tụi em cần được thoả sức chơi, sáng tạo, thoả đam mê. Các em cần có những sân chơi sở thích. Cần thầy cô là điểm tựa, là cánh tay nâng đỡ, hỗ trợ, động viên để thực hiện điều mình muốn”, Duy Khang bày tỏ. Do vậy, nhà trường cần đáp ứng nhu cầu học sinh trong sự kiểm soát, điều này phù hợp với xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, tình trạng mất an ninh, an toàn trường học như nêu trên không xảy ra trong ngành giáo dục tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, để phòng ngừa và ngăn chặn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 2820/UBND-KGVX, ngày 18/4/2018, về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Để chủ động triển khai thực hiện kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Giám đốc Sở GD&ĐT đã ký ban hành Công văn số 905/SGDĐT-CTrTT, ngày 19/4/2018, để triển khai, phổ biến đến tất cả Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các đơn vị, trường học trực thuộc Sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học. Theo đó, đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến toàn thể công chức, viên chức, quản lý giáo dục, nhà giáo, người lao động và người học thuộc đơn vị thực hiện những nhiệm vụ được nêu trong các công văn.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, để tạo lập môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện cho học sinh, Sở GD&ĐT Cà Mau đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan tổ chức quán triệt và kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em và các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đảm bảo an ninh, an toàn trường học.
Mặt khác, ngành giáo dục Cà Mau đã và đang chủ trì, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, ngành để thực hiện những kế hoạch liên ngành, những cam kết liên tịch nhằm hướng tới việc xây dựng môi trường giáo dục thuận lợi trong từng gia đình học sinh, từng cộng đồng dân cư nơi nhà trường đứng chân và nơi gia đình các em học sinh cư trú nhằm góp phần làm nên chất lượng giáo dục Cà Mau bền vững.
Thời gian tới đây, Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống để giữ gìn và nâng cao nét đẹp văn hoá ứng xử trong học đường của các em.
Để đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý và giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, cần có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội một cách đồng bộ.
Băng Thanh