Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ là một chính sách xã hội quan trọng mà còn đóng vai trò “lá chắn” an toàn giúp người lao động vượt qua khó khăn trong lúc tìm việc làm mới. Chính sách này hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện cho người lao động nhanh chóng tìm được việc làm mới sau khi mất việc. Ý nghĩa của BHTN thể hiện rõ ràng qua việc hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống và đóng góp tích cực vào sự ổn định xã hội.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 250 người đến quầy Trung tâm Dịch vụ việc làm tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh để thực hiện thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp. Điều này cho thấy nhu cầu hỗ trợ từ BHTN của người lao động vẫn rất cao, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động nhiều biến động. Các nhân viên tại trung tâm đã nỗ lực đảm bảo quá trình tiếp nhận hồ sơ và hỗ trợ người lao động diễn ra suôn sẻ, nhằm giúp họ nhanh chóng nhận được trợ cấp.
Ông Lê Hùng Cường, Phó giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, chia sẻ: “Về trợ cấp thất nghiệp, BHXH thực hiện việc chi trả khi có quyết định từ Trung tâm Dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Hằng năm, chúng tôi chi trả hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, sau giai đoạn đại dịch Covid-19, trợ cấp thất nghiệp tăng lên khoảng 150 tỷ đồng/năm. Hiện tại, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp đã ổn định, với mức chi trả khoảng trên 100 tỷ đồng/năm. Tất cả các khoản chi trả được thực hiện qua tài khoản ATM, trong vòng 5 ngày sau khi có quyết định, tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người thụ hưởng".
Anh Tăng Vũ Nhật Quang, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, chia sẻ: "Hai vợ chồng tôi từng làm việc tại Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn và đã xin nghỉ việc. Chúng tôi đến Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện tại, tôi đã nhận trợ cấp 5 tháng, mỗi tháng là 2,9 triệu đồng, giúp chúng tôi xoay sở cuộc sống khi chưa tìm được việc làm mới".
Công ty Cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thuỷ sản Năm Căn, nơi vợ chồng anh Tăng Vũ Nhật Quang từng làm việc và được tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm.
Ông Nguyễn Văn Nhất, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, bày tỏ: "Việc nhận trợ cấp thất nghiệp giúp tôi giải quyết khó khăn sau khi nghỉ việc từ Viện Kiểm sát huyện. Thủ tục rất đơn giản và tôi đã nhận trợ cấp tháng thứ 5".
Bà Lâm Ngọc Duyến, chuyên viên phụ trách BHTN tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Cà Mau, cho biết: "Hiện nay, thủ tục nhận trợ cấp BHTN rất đơn giản. Người lao động có thể nộp hồ sơ trực tuyến hoặc đến trực tiếp trung tâm để được hỗ trợ. Khi nộp đầy đủ hồ sơ, trong vòng 19 ngày làm việc, kết quả sẽ được trả. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ học nghề với mức tối đa 1,5 triệu đồng/tháng trong 6 tháng".
Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng sử dụng nhiều kênh thông tin như website, Zalo, và Facebook để cập nhật các cơ hội việc làm trong và ngoài tỉnh, giúp người lao động nhanh chóng tìm kiếm công việc phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Nhất (đội nón) làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
Đối với người lao động, BHTN là nguồn hỗ trợ tài chính thiết thực khi họ mất đi thu nhập chính. Trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, khoản trợ cấp này giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt và giảm thiểu căng thẳng tài chính. Đồng thời, BHTN còn hỗ trợ người lao động tham gia các chương trình đào tạo nghề và tư vấn việc làm, nâng cao kỹ năng và tăng cơ hội tái hoà nhập thị trường lao động.
Khi người lao động được hỗ trợ kịp thời và sớm trở lại thị trường lao động, xã hội giảm thiểu được những bất ổn do tình trạng thất nghiệp kéo dài. Điều này không chỉ góp phần ổn định hệ thống kinh tế mà còn duy trì sự phát triển bền vững của xã hội.
BHTN không chỉ là một chính sách hỗ trợ ngắn hạn nhằm giảm bớt áp lực tài chính cho người lao động mà còn là công cụ dài hạn giúp tái cơ cấu thị trường lao động, ổn định việc làm và tăng cường hiệu quả an sinh xã hội. Nhờ có BHTN, người lao động được bảo đảm quyền lợi, còn xã hội được hưởng lợi từ việc ổn định lực lượng lao động và phát triển bền vững.
Phúc Duy