(CMO) Ngồi nhẩm tính gần 40 năm xa quê nhưng tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm của tuổi thơ với mùa tát đìa, cắm câu, giăng lưới, bắt ốc hái rau, mót lúa, bắt cá cạn... Khoái nhất vẫn là đi bắt ếch mùa hạn, cùng những trò chơi dân gian như: đánh hưng, đánh tu na, u hơi, u hấp… Tụi con gái thì nhảy dây, nhảy lò cò, đánh đũa với đường chuyền điêu luyện đẹp mắt mà thuở nhỏ ai cũng mê.
Lúc còn ở quê, tôi rất mê đi theo những người bạn mà dân gian thường gọi “chúa mục đồng” (chăn trâu), được ngồi chễm chệ trên lưng con đực đầu đàn, lúc chiều tà, đàn trâu miệng nhai cỏ, chân bước từng bước chậm chạp về chuồng.
Nói về câu chuyện chưa được kiểm chứng, nhiều người cho rằng người làm nghề chăn trâu có thâm niên linh lắm, cả binh gia, âm tướng còn phải vị nể nên sắc phong là “chúa mục đồng”, còn quậy phá thì có đẳng cấp, nhưng cũng có biệt tài, tìm tòi bắt những sản vật đồng quê, chế biến vài món ăn độc đáo như: ếch luộc xé phay, khìa nước dừa, xào lăn, xào sả ớt, nấu cà ri…
Khoái nhất vẫn là món ếch nướng bằng đất sét, khi nướng phải nhồi đất sét thật nhuyễn bao quanh thân con ếch rồi đem ra nướng với gốc rạ, khi đất sét chuyển sang màu trắng, đất nức nẻ, lấy ếch bẻ ra ăn với muối ớt. Vị ngọt đậm đà của thịt ếch, cay cay của ớt, mằn mặn của muối, dưới rặng trâm bầu cạnh bờ ao làm tôi nhớ mãi không quên.
Đối với dân mục đồng, bắt ếch là chuyện nhỏ. Bắt ếch cũng có nhiều cách như: soi ếch đầu mùa mưa, chĩa ếch ở đìa, bàu lúc nước ngập đồng và cắm câu ếch, ếch ở bạ… Thích nhất là bắt ếch mùa hạn, dân mục đồng chỉ cần nhìn lướt qua cánh đồng là biết chỗ nào có ếch nhiều hay ít mà tha hồ đi bắt. Dễ bắt nhất là khi cánh đồng vừa cạn nước, mặt đất nổi chân chim. Ếch thường sống trong hang cua đồng ở bờ ruộng mé dưới gió hay ở vùng đất trũng tôm, cá tập trung về chính là nguồn thức ăn dồi dào cho ếch khi nắng hạn. Con ếch tìm đến hang cua đồng để tá túc.
Để giữ nước và độ ẩm, con cua đồng đùn lên lấp miệng hang lại, lập tức con ếch bò lên tung miệng hang thật mỏng, chừa lỗ hơi để thở, dân chuyên nghiệp chỉ cần nhìn qua phát hiện ngay hang ếch 100%. Đến khi trời khô hạn, nước trong hang không còn nữa, con ếch sống được nhờ vào nước bọt của cua đồng tiết ra nhưng lại mập, béo mới lạ. Khi mưa xuống không có thức ăn, cua đồng cũng chính là miếng mồi bén của ếch, thật không công bằng nhưng âu cũng là quy luật sinh tồn của vạn vật.
Năm 1985, hồi còn ở Bạc Liêu, tôi cùng hai người bạn nữa rủ nhau về quê chơi, trong số đó có Hoạ sĩ Dzoãn Binh cùng đi. Lúc ấy gần ngày đưa ông bà về trời ăn Tết, tình cờ ghé sang nhà anh bạn gần 6 giờ chiều, lâu gặp mừng quá, chưa kịp uống ly nước ảnh bảo tụi em ở nhà một lát, anh đi bắt vài con ếch về lai rai cho vui.
“Tụi em đến bất tử không có mồi, vả lại chị không có nhà, tụi em có rảnh ra sau vườn gặp mấy ao lục bình hái một mớ ngó non để lát nữa xào thịt ếch...”. Chưa đầy 30 phút trên tay anh cầm 4 con ếch to đùng, kêu ọp, ọp. Anh em chúng tôi quá nể. Anh đem trụng nước sôi xào với lục bình, thế là có ngay món nhậu nhớ đời.
Lúc ngà ngà say, anh thú thật bữa trước anh đã đi thực địa phát hiện trên 40 hang ếch, anh phá miệng hang, làm dấu để dành ba ngày Tết hay có khách quý đến thết đãi. Anh bảo ếch rọng trong lu, khạp để lâu ốm ăn không ngon bằng cách rọng trong hang cua đồng, khi cần có ngay mà lại mập ăn rất ngon.
Tiết trời se lạnh, trong hơi men ngà ngà say, chuyện cũ thuở hàn vi cứ dâng trào với cái bắt tay siết chặt, chợt nhìn trời đã đâm mây ngang, có tiếng đò ở đầu kênh mới, chuyến đò xa dần nhưng anh bạn vẫn còn đứng trên bờ kênh tiễn chúng tôi. Chuyến đi mang thật nhiều cảm xúc./.
Phùng Quốc Toàn