Mỗi năm, vào ngày 25/3 âm lịch, những cựu chiến binh, con cháu những chiến sĩ hy sinh trong trận đánh Bến Dựa của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở (tiền thân của Tiểu đoàn U Minh 1), trở lại xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn) để cúng mâm cơm tưởng nhớ về đồng đội. Năm nay, kỷ niệm 55 năm ngày diễn ra trận đánh Bến Dựa (năm 1960), trong sự kiện khánh thành Bia chiến thắng Bến Dựa, các cựu chiến binh họp mặt đông đủ hơn.
Mỗi năm, vào ngày 25/3 âm lịch, những cựu chiến binh, con cháu những chiến sĩ hy sinh trong trận đánh Bến Dựa của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở (tiền thân của Tiểu đoàn U Minh 1), trở lại xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn) để cúng mâm cơm tưởng nhớ về đồng đội. Năm nay, kỷ niệm 55 năm ngày diễn ra trận đánh Bến Dựa (năm 1960), trong sự kiện khánh thành Bia chiến thắng Bến Dựa, các cựu chiến binh họp mặt đông đủ hơn.
Dù tuổi cao, sức khoẻ yếu do thương tích từ thời kháng chiến, tuổi già nhưng những cảm xúc chiến thắng của trận đánh Bến Dựa vẫn nguyên vẹn trong những người cựu chiến binh Tiểu đoàn Ngô Văn Sở.
Ông Trần Thanh Nam, cựu chiến binh Tiểu đoàn Ngô Văn Sở, kể lại: “Mỹ - Diệm lúc bấy giờ dùng kế hoạch mị dân và chặt rừng hầm than để thu lợi. Tiểu đoàn được lệnh của Tỉnh uỷ đột kích đánh địch. Về phía địch, chúng có 2 đại đội là Ðại đội bảo an của huyện Ðầm Dơi và Ðại đội chủ lực thuỷ quân lục chiến”.
Ông Đoàn Tấn Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn (thứ 4 từ trái sang) cùng các cựu chiến binh cắt băng khánh thành Bia chiến thắng Bến Dựa. |
Ông Nguyễn Minh Phúc, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn U Minh 1, cựu chiến binh Tiểu đoàn Ngô Văn Sở, kể tiếp: “Ðến 7 giờ 30, tàu địch lọt vào vòng vây của chúng ta. Loạt trung liên đầu tiên ta bắn trúng lái tàu. Dòng sông bắt đầu nước ròng, địch chống trả quyết liệt. Với sự chỉ huy anh dũng, sáng tạo, ta diệt gọn, bắt 51 tù binh, thu 120 súng các loại, trong đó 12 khẩu trung liên. Sau 2 giờ chiến đấu, ta giành thắng lợi hoàn toàn”.
Trận đánh Bến Dựa thu được nhiều thắng lợi, góp phần tô đậm thêm truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở. Chiến thắng Bến Dựa đáp ứng theo yêu cầu Chỉ thị 15 của Trung ương Ðảng, tạo khí thế chiến đấu mở đầu cho phong trào Ðồng khởi năm 1960 trong toàn tỉnh.
Qua 55 năm, sau nhiều lần tôn tạo trùng tu, Bia chiến thắng Bến Dựa được dựng lên uy nghi ở mảnh đất Hiệp Tùng, trên những vạt dừa nước đã từng là công sự che chở chiến sĩ ta chiến đấu. Bia được xây dựng trên diện tích gần 200 m2, với số vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng. Trong quần thể lịch sử 1,5 ha có: bia ghi danh, nhà tưởng niệm và tượng đài chiến thắng. Với bức phù điêu chân dung của chiến sĩ Tiểu đoàn Ngô Văn Sở thu được 1 khẩu cối 60 ly thể hiện sự uy nghi và dũng cảm chiến đấu của chiến sĩ ta.
Ông Nguyễn Minh Phúc, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn U Minh 1, cựu chiến binh Tiểu đoàn Ngô Văn Sở, chia sẻ: “Hôm nay, ở tại Bến Dựa, nơi chiến sự xảy ra cách đây 55 năm, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, Bia chiến thắng Bến Dựa được xây dựng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của chúng tôi từ trước đến giờ, để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhớ về những chiến thắng vẻ vang của ta trong kháng chiến mà ra sức xây dựng đất nước, quê hương không ngừng phát triển”.
Ông Lê Hẹn Biển, cựu chiến binh Tiểu đoàn Ngô Văn Sở, cảm nhận: “Bia chiến thắng được dựng lên như thế này, tôi rất phấn khởi”.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, việc khánh thành công trình Bia chiến thắng Bến Dựa là sự tri ân đặc biệt của Ðảng bộ và Nhân dân Năm Căn đối với sự kiện trọng đại này. Ðồng thời, đây là một trong những công trình được huyện chọn lập thành tích chào mừng Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ XXI.
Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Ðoàn Tấn Công khẳng định: “Ðây là một trong những di tích lịch sử của huyện Năm Căn được trùng tu, gìn giữ, phát huy giá trị. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Năm Căn từng là căn cứ cách mạng. Những năm qua, huyện Năm Căn liên tục đầu tư trùng tu, xây dựng các di tích này thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”./.
Bài và ảnh: Thiên Kim