ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 16-9-24 04:27:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bến tập kết, bến lòng dân

Báo Cà Mau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Nam Bộ có 3 khu vực được chọn tập kết đưa lực lượng cách mạng miền Nam ra Bắc, đó là: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Trong đó, Cà Mau có thời gian tập kết dài nhất, với 200 ngày (từ 21/7/1954-10/2/1955) và trung tâm của khu vực tập kết Cà Mau là kênh xáng Chắc Băng. Hướng tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc 1954, tìm hiểu, ôn lại một thời kỳ lịch sử in đậm dấu ấn của đất nước cũng là cách tri ân thế hệ đi trước và là nền tảng để hướng đến tương lai.

Bài 1: Tìm lại dấu xưa

Sự kiện tập kết diễn ra đã 70 năm, những người đi tập kết ngày nào, nhỏ nhất là học sinh miền Nam (HSMN) tuổi cũng trên dưới 80; chủ nhân các gia đình giúp đỡ người tập kết cũng đã về với đất. Tài liệu nói về sự kiện này ở Cà Mau không nhiều, vì vậy, để có thêm thông tin, giúp hình dung về nó, chúng tôi phải tốn khá nhiều thời gian và thực hiện nhiều cuộc gặp gỡ, kiếm tìm.

Nguồn tư liệu từ Bảo tàng tỉnh.

Ký ức về địa điểm tập kết, chuyển quân

Hồi đi tập kết, cụ Nguyễn Tấn Trạch (95 tuổi, Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau) là bộ đội Tiểu đoàn 410 (Trung đoàn Cửu Long). Cụ kể: “Chúng tôi tập trung ở Chắc Băng một thời gian, rồi xuống tàu tại Chắc Băng - Cạnh Ðền, đi ngược lên sông Cần Thơ và được tàu đổ bộ của Pháp chở ra Vũng Tàu để lên tàu của Liên Xô đi ra Sầm Sơn (Thanh Hoá). Tàu rất cao, họ thả thang xuống, chúng tôi đi hàng ba lên tàu”.

Ra đi tập kết ở tuổi 15, ông Nguyễn Anh Sơn (85 tuổi, ngụ Khu Dân cư phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) vẫn còn nhớ: “Khi ấy tôi làm việc tại nhà in Ty Thông tin tỉnh Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), tôi và 3-4 bạn nhỏ nhất trong nhóm được chọn đưa đi tập kết. Tại Chắc Băng, chúng tôi ở trong lều trại, ngủ bằng nóp. Ở đây một thời gian thì nhóm được đưa về Cà Mau, chỗ bến Công Chánh (Phường 7 ngày nay). Tại đây được nghỉ 1 ngày, 1 đêm ở phòng trọ, rồi lên tàu đò Long Hải đi Cần Thơ, lên tàu Ác-khăng-ghen của Liên Xô đậu ngoài khơi. Tàu ghé cảng Vũng Tàu lấy nước ngọt, sau đó đi thẳng ra Sầm Sơn. Tôi không nhớ ngày đi, nhưng tới Thanh Hoá là 27/10/1954, vì chỗ đón tiếp có ghi ngày”.

Là người hay quan sát, thích tìm hiểu, ông Sơn nhớ lại: “Ở Chắc Băng khi đó có rất nhiều đơn vị, đông vui, nhộn nhịp lắm... Hồi đó dọc tuyến Chắc Băng nhà cửa còn ít, lực lượng tập kết rất đông nên thường dựng lều trại để ở, chỉ một số ở nhà dân. Lúc đó ngoài người tập kết, còn có rất nhiều người thân tới thăm, đưa tiễn... Ban đêm đèn măng xông ở nhiều nhà dân, tiệm, quán sáng rực, rất vui”.

Tuyến kênh xáng Chắc Băng là trung tâm tập kết lớn nhất khu vực Cà Mau. (Trong ảnh: Cựu HSMN thăm lại dòng Chắc Băng, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm của những ngày tập kết).

Lúc đi tập kết, bà Ðàm Thị Ngọc Thơ, HSMN, được 13 tuổi. Ký ức xưa còn lưu giữ: "Chúng tôi ở Chắc Băng khá lâu, hằng ngày được hướng dẫn cách sống tập thể, như sáng dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, tập ăn đũa 2 đầu để đảm bảo vệ sinh... Rồi tập đi đều bước, ca hát, vui chơi. Sau những ngày ở Chắc Băng, đoàn chuyển xuống Rạch Lùm. Lúc ở Rạch Lùm nhà cửa rời rạc, không còn sinh hoạt, chỉ có chờ đợi nên thật buồn. Một số bạn nhớ nhà, cứ khóc. Chưa đầy tuần lễ thì chúng tôi được chuyển ra Sông Ðốc để xuống tàu. Bến Sông Ðốc ngày đó còn hoang sơ lắm, không có nhà, một số lều được căng tạm trên những bãi đất trống để trú nắng. Người đi, người tiễn cũng khá đông. Chúng tôi được tàu nhỏ đưa ra tàu lớn đậu ngoài khơi. Tàu cao lắm, bọn nhỏ chúng tôi phải được người lớn nắm tay hoặc bế chuyền lên... Thường 3 ngày đêm là tới, nhưng chuyến tôi đi gặp ngay lúc bão nên mất 9 ngày đêm, đến ngày 9/1/1955 mới cập được bến Sầm Sơn”.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thêm một số thông tin từ người thân của người đi tập kết. Bà Lê Hồng Hoa (76 tuổi, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước) kể, chú bà là ông Nguyễn Kim Hùng, công tác ở Sở Y tế Nam Bộ, lúc đó được gia đình đưa đi tập kết tại bến Công Chánh. Còn sau đó đi lên Cần Thơ hay xuống Sông Ðốc để lên tàu lớn thì gia đình không rõ.

Từ những thông tin thu thập, chắt lọc, có thể hình dung, điểm tập trung lớn nhất là Chắc Băng, bên cạnh còn một số điểm lẻ, trong đó có bến Công Chánh (Cà Mau). Về việc lên tàu lớn ra miền Bắc, ban đầu đi ngược lên Cần Thơ, về sau thì tập trung đi ở Sông Ðốc.

Ông Nguyễn Anh Sơn cũng nhận định, có lẽ ban đầu do việc xây dựng bến bãi, dò luồng tuyến, công tác an ninh địa bàn ở Sông Ðốc chưa thực hiện kịp nên mới đi lên tuyến trên.

Hồi ấy, địa bàn Chắc Băng thuộc xã Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu. Sau này khi chia tách tỉnh, địa bàn này một phần thuộc xã Trí Phải, huyện Thới Bình, một phần thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Tại vàm Chắc Băng, phía Vĩnh Thuận, hiện có gắn bảng “Khu di tích tập kết 200 ngày đêm Chắc Băng - Vĩnh Thuận - Kiên Giang”.

Còn việc có bao nhiêu người đi tập kết ở khu vực Cà Mau, riêng Sông Ðốc có bao nhiêu chuyến tàu rời bến, bao nhiêu người, việc xây dựng bến bãi ở Sông Ðốc ra sao... thì vẫn chưa có được thông tin.

Ông Phạm Hữu Liêm (ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, cựu HSMN) và ông Nguyễn Anh Sơn đều tỏ ra tiếc nuối khi tôi hỏi thăm về chuyện này. Các ông bảo, hồi ấy có 2 người rất rành và có nhiều công lao trong việc xây dựng bến bãi ở Sông Ðốc, là ông Tư Tốt và ông Tư Hà, nhưng các ông đã qua đời.

Tại bến Sông Ðốc, hiện có 2 sự việc hay được nhắc đến, đó là nơi chuyển cây vú sữa miền Nam của má Lê Thị Sảnh gửi cho Bác Hồ và việc Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ Lê Duẩn công khai lên tàu Ki-lin-sky đi tập kết, nhưng sau đó ông bí mật ở lại để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam.

Người dân hết lòng với cách mạng

Chuẩn bị cho sự kiện tập kết 70 năm, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã cất công đi tìm hiểu, thu thập thông tin và xác định được, dọc tuyến kênh xáng Chắc Băng, thuộc địa bàn xã Trí Phải và thị trấn Thới Bình có 6 hộ cho người ở nhờ nhà khi tập kết trên địa bàn. Lần theo địa chỉ này, chúng tôi tìm gặp một số gia đình.

Tại nhà ông Huỳnh Khắc Trung (Ấp 3, xã Trí Phải), được ông Trung (65 tuổi), cho biết, có nghe bà nội của ông là cụ bà Nguyễn Thị Kính kể, hồi đó cụ có giúp cách mạng giai đoạn tập kết và kể cả sau này. Còn cụ thể thế nào, ông không rõ, chỉ biết cụ bà bị lính nguỵ trục xuất phải bỏ đất, bỏ nhà ra đi một thời gian. Rồi ông cho địa chỉ người con của cụ Kính ở Cà Mau, là ông Huỳnh Uy Nghiêm, để tôi tìm hiểu.

Nhà bà Huỳnh Thị Ánh (Ấp 6, xã Trí Phải), có bà nội chồng là cụ bà Nguyễn Thị Ba từng cho cán bộ và bộ đội tập kết ở. Bà Ánh (76 tuổi) kể, ba chồng của bà là ông Nguyễn Văn Kiểng, là bộ đội, cũng đi tập kết năm 1954. “Bà nội chồng tôi có công với cách mạng dữ lắm, thường gọi là bà má Sáu, bà thân với bà má Tư (tức má Lê Thị Sảnh, người gửi biếu Bác Hồ cây vú sữa - sẽ nói ở bài sau - PV). Hồi tập kết thì cho bộ đội ở trong nhà, sau này thì nuôi chứa cán bộ. Hồi tôi về làm dâu, ngoài nuôi chứa nhiều cán bộ trong nhà, bà hay đi xin trứng gà rồi đem cùng với sữa, đường vô trong cứ nuôi thương binh”. 

Tại nhà ông Phan Văn Hoài (Ấp 10, xã Trí Phải), có cha là ông Phan Văn Ðủ, bộ đội tập kết, chúng tôi được nghe ông Hoài (79 tuổi) kể: “Nhà tôi hồi đó bộ đội ở đông lắm. Hôm bữa liên hoan chia tay, bác Năm Mênh trong xóm còn làm con trâu đem lại đãi bộ đội nữa”. Ông Hoài về sau công tác ấp đội, vợ làm giao liên, nhiều lần bà đi rải truyền đơn. Cả hai từng bị địch bắt, tù đày.

Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Mang (63 tuổi, Ấp 10, xã Trí Phải) là con cụ Năm Mênh (Nguyễn Văn Mênh), người làm trâu đãi bộ đội mà ông Hoài kể. Bà Mang cho biết, có nghe cha mình nói lại chuyện này. Hồi đó, ông cụ cũng không khá giả lắm, nhưng vì thương bộ đội, mừng vui đất nước hoà bình mà mua trâu về làm đãi. Ông cụ sau này cũng từng nuôi chứa cán bộ.

Tại địa danh Rạch Lùm, nơi những người tập kết ở tạm chờ ra bến Sông Ðốc, tôi tìm đến nhà ông Hồ Văn Quyển, ấp Rạch Lùm A, xã Khánh Hưng (con cụ Hồ Phước Trọng, nơi bà Ðàm Thị Ngọc Thơ từng ở). Ông Hồ Văn Quyển kể: “Hồi ba tôi còn sống, có nghe cụ nói, lúc đó có mấy cháu nhỏ ở nhờ nhà chờ đi tập kết. Vui thì cũng giỡn dữ lắm, lúc nhớ nhà thì chui vô mùng khóc, thấy tội nghiệp...”.

Theo địa chỉ được ông Huỳnh Khắc Chung cung cấp, tôi tìm nhà ông Huỳnh Uy Nghiêm (Phường 2, TP Cà Mau). Ông Nghiêm năm nay đã 89 tuổi, từng là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau (hơn 60 năm tuổi Ðảng). Hồi ấy ông phụ trách công tác thiếu nhi, cũng tích cực giúp đỡ người tập kết. Ngoài việc xác nhận chuyện mẹ ông là cụ bà Nguyễn Thị Chín từng cho cán bộ, bộ đội tập kết ở nhờ nhà và giúp đỡ cách mạng suốt những năm kháng chiến, ông còn cho biết: “Trên tuyến Chắc Băng, không phải chỉ có mấy nhà giúp người tập kết, mà hầu như tất cả các gia đình. Người tạo điều kiện chỗ ở, người hỗ trợ nước nôi, củi lửa, cá mắm... nhiều thứ lắm. Hồi đó người dân rất thương cán bộ, bộ đội. Ban đêm cán bộ, bộ đội đi hoạt động chưa về, có gì ngon là họ chờ về ăn, tình cảm tha thiết lắm...”.

Ông Huỳnh Uy Nghiêm tự hào kể về tấm lòng người dân xứ Chắc Băng quê hương ông đối với cách mạng.

Thương bộ đội, cán bộ, còn xuất phát từ tấm lòng, niềm tin son sắt với Cụ Hồ. “Những năm sau tập kết, địch làm quá, bà con không trưng ảnh Cụ Hồ được, họ lấy cái tách, đổ nước vào, rồi đặt củ hành vô trưng. Họ ngầm gọi là “ổ cụ hành”, nói láy là “ảnh Cụ Hồ”. Ban đầu một vài người làm, dần dần lan ra cả xóm. Về sau bọn chỉ điểm biết, làm khó dễ bà con mới dẹp”, ông Nghiêm tự hào kể về người dân xứ Chắc Băng quê nhà./.

 

Trang Thăm

Bài 2: Chuyện “Cây vú sữa miền Nam” của má Sảnh

 

Chuẩn bị tái hiện Sự kiện tập kết ra Bắc

"Sông Ðốc là cửa biển lớn nhất và sầm uất nhất tỉnh Cà Mau. Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, cửa Sông Ðốc được chọn làm bến tập kết để đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc. Ðây cũng là 1 trong 3 điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam Bộ để các chuyến tàu tập kết chuyên chở hàng trăm ngàn cán bộ, bộ đội, Nhân dân, thiếu nhi của miền Nam ra miền Bắc", Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Phó trưởng ban Chỉ đạo (BCÐ) các hoạt động kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, nhắc nhớ lịch sử.

Những “Hạt giống đỏ miền Nam” trên quê hương Cà Mau

Tôi muốn nói đến những cô bé, cậu bé lúc 12, 13 tuổi đi tập kết từ bến sông Ông Ðốc và sau này họ trở về quê hương Cà Mau cống hiến. Họ đã làm đúng nguyện ước của Bác, của Ðảng và Nhân dân là đào tạo lớp trẻ đủ trình độ và khả năng để sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng góp phần xây dựng quê hương. Và họ đã vươn lên khẳng định vị trí mình trên nhiều lĩnh vực. Họ có chung tên gọi là học sinh miền Nam (HSMN).

Trong lòng đất Bắc

Một sáng tháng 7/2024, trong căn nhà ở Ðường 30/4, Phường 5, TP Cà Mau, ông Dương Thanh Toàn, là nhân chứng trong chuyến tàu tập kết ra Bắc - tuổi 92 cùng người ghi chép ở tuổi 86, hai mái đầu bạc trắng ngồi bên bàn trà, có cả chai rượu thuốc và hai cái cốc nhỏ. Người kể, người nghe kỷ niệm 70 năm về trước trên đất Bắc. Cuộc sao chép ký ức đã gần ba phần tư thế kỷ không tránh khỏi nhớ nhớ, quên quên. Cái quý nhất là ở không gian, thời gian và cái thật của những diễn biến cuộc đời ông

Bến tập kết, bến lòng dân - Bài cuối: Tri ân lịch sử, hướng đến tương lai

“Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người”, cách nay hơn 2 ngàn năm, Marcus Tullius Cicero, một trong những triết gia trứ danh thời La Mã cổ đại, từng khẳng định.

Bến tập kết, bến lòng dân - Bài 2: Chuyện “cây vú sữa miền Nam” của má Sảnh

Chuyện má Lê Thị Sảnh gửi biếu Bác Hồ cây vú sữa, được Bác chăm sóc, nâng niu và cây vú sữa trở thành biểu tượng thiêng liêng của tấm lòng đồng bào miền Nam với Bác và tấm lòng của Bác với đồng bào miền Nam, giờ ai cũng biết. Ðể hiểu rõ hơn câu chuyện này, chúng tôi tìm về nhà má Lê Thị Sảnh, Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình và thu thập thêm được một số thông tin.

Bến tập kết, bến lòng dân

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Nam Bộ có 3 khu vực được chọn tập kết đưa lực lượng cách mạng miền Nam ra Bắc, đó là: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Trong đó, Cà Mau có thời gian tập kết dài nhất, với 200 ngày (từ 21/7/1954-10/2/1955) và trung tâm của khu vực tập kết Cà Mau là kênh xáng Chắc Băng. Hướng tới kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc 1954, tìm hiểu, ôn lại một thời kỳ lịch sử in đậm dấu ấn của đất nước cũng là cách tri ân thế hệ đi trước và là nền tảng để hướng đến tương lai.

Bùi ngùi thăm lại chốn xưa

Sự kiện tập kết ra Bắc cách nay đã 70 năm, những cô bé, cậu bé là học sinh miền Nam (HSMN) ngày nào giờ đã ngoài “bát thập”. Một lần thăm lại chốn xưa, nơi từng lưu dấu trước khi rời quê hương miền Nam đằng đẵng mấy chục năm trời là ước nguyện bấy lâu và nay đã toại nguyện.

Bên dòng Chắc Băng

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, Cà Mau được chọn là 1 trong 3 khu vực tập kết, chuyển quân ra Bắc của Nam Bộ. Trong thời gian 200 ngày đêm, Cà Mau bừng lên khí thế của chiến thắng, của đời sống mới thực sự tự do, hạnh phúc trong không khí hoà bình, vui tươi, phấn khởi dưới sự lãnh đạo, tổ chức của chính quyền cách mạng sau 9 năm trường kỳ kháng chiến. Giai đoạn cuối năm 1954, lực lượng tập kết và thân quyến đưa tiễn đổ dồn về vùng ngã ba Chắc Băng, nơi có bến chuyển quân ra tàu lớn ở vàm sông Ông Ðốc.

Ðẩy nhanh tiến độ Cụm tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc

Tỉnh Cà Mau hiện đang chuẩn bị cho việc tổ chức nhiều hoạt động trong sự kiện quan trọng có quy mô cấp tỉnh, đó là kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024). Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng Cụm tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc, tại thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, đang được tăng tốc thi công nhằm kịp tiến độ đề ra.

Bài học về công tác đào tạo nhìn từ chiến lược giáo dục thời đại Hồ Chí Minh

Bài học từ chiến lược giáo dục đào tạo của Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc vẫn đầy tính thiết thực trong bối cảnh hội nhập hiện nay.