Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 490/QÐ-TTg ngày 7/5/2018. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương. Ðối với tỉnh Cà Mau, chương trình đã mang về những kết quả thiết thực, tuy nhiên, theo đánh giá của các chủ thể tham gia chương trình, quá trình làm hồ sơ thủ tục còn khá nhiêu khê và kinh phí đầu tư ban đầu để chứng nhận sản phẩm OCOP cũng khá lớn.
- Kỳ vọng sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên
- Liên kết sản xuất, đưa sản phẩm OCOP vươn xa
- Vận động và hỗ trợ chủ thể hoàn thiện hồ sơ cấp lại chứng nhận sản phẩm OCOP
Có nhiều dịp đi cùng đoàn kiểm tra sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nắm và ghi nhận được nhiều thông tin từ chủ thể OCOP, cũng như tâm tình của cán bộ phụ trách OCOP ở các địa phương. Chị Dương Kiều Lam, ấp Gành Hào 2, xã Hoà Tân, TP Cà Mau, cho biết: "Tôi đã có 1 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao (tôm khô) năm 2021. Dự kiến năm nay sẽ đăng ký thêm 1 sản phẩm OCOP nữa. Tuy nhiên, thực tế có quá nhiều thủ tục, phải đến nhiều cơ quan chức năng xác nhận, mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Tình thiệt, chúng tôi may là nhờ có cán bộ phụ trách OCOP thành phố và chính quyền địa phương hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình nên mới sớm hoàn thiện hồ sơ, chứ bản thân tự làm thì rất khó. Nhất là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng nông thôn, hạn chế kiến thức, việc làm hồ sơ, thủ tục càng khó khăn hơn".
Chị Dương Kiều Lam tham gia trưng bày sản phẩm OCOP trong khuôn khổ hoạt động của sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2024”.
Ông Quách Ngọc Tệt, hộ kinh doanh Quách Tệt, Khóm 4, Phường 7, TP Cà Mau, cho biết, cơ sở hiện có 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: bột gạo lứt hạt sen mè đen, bột gạo lứt đậu đen xanh lòng mè đen và bột ngũ cốc. Dự kiến năm nay sẽ nâng hạng 3 sản phẩm này lên OCOP 4 sao và tham gia thêm 2 sản phẩm OCOP 3 sao.
"Trong quá trình làm hồ sơ OCOP, phải nói có quá nhiều thủ tục, giấy tờ liên quan, đa phần các chủ thể phải nhờ cán bộ phụ trách OCOP và chính quyền địa phương tiếp sức, hỗ trợ, nếu tự làm thì nhiều chủ thể sẽ rất nản. Hiện nay, các sản phẩm OCOP 3 sao của cơ sở sắp hết hạn chứng nhận, tôi chưa biết làm thế nào để đăng ký lại, chắc nhờ cán bộ phụ trách tư vấn hỗ trợ để được chứng nhận lại, sau đó đăng ký nâng hạng lên 4 sao, khá nhiều thủ tục phải làm. Ðặc biệt, khi nâng hạng 4 sao, cơ sở lo ngại vấn đề chi phí làm chứng nhận tiêu chuẩn HACCP (khoảng 100 triệu đồng), dù nghe nói được tỉnh hỗ trợ 50% nhưng với mức phí còn lại 50 triệu đồng, cùng vớichi phí đăng ký mới sản phẩm OCOP khoảng 30 triệu đồng và các khoản khác không hề nhỏ. Trong khi đó, thời gian chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ 3 năm thì phải làm hồ sơ để được chứng nhận lại, chủ thể tiếp tục bỏ ra chi phí làm lại", ông Tệt chia sẻ.
Ông Quách Ngọc Tệt (bìa trái) mong tinh gọn thủ tục và giảm nhẹ chi phí tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể.
Ông Trà Minh Nhật, chuyên viên phụ trách OCOP, Phòng Kinh tế TP Cà Mau, cho biết, đến nay thành phố có tổng số 29 sản phẩm OCOP, của 17 chủ thể, đã được phê duyệt (4 sản phẩm đạt 4 sao, 25 sản phẩm đạt 3 sao), trong đó có 4 sản phẩm/2 chủ thể hết hạn OCOP (bánh phồng tôm sú, bánh phồng tôm đất, bánh phồng 38% tôm của Công ty TNHH SX-XD-TM Phúc Thịnh và mật ong RUM Cà Mau của hộ kinh doanh RUM Cà Mau). Hiện Phòng Kinh tế đang vận động, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm hết hạn chứng nhận OCOP lập hồ sơ để xét điều kiện công nhận lại.
"Ðể hoàn thiện hồ sơ OCOP, chủ thể phải thực hiện nhiều giấy tờ, chứng nhận có liên quan và phải đến nhiều cơ quan chức năng để xác nhận, hoàn thiện thủ tục, nếu chủ thể tự làm thì rất khó. Vì thế, để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể, thời gian qua, người phụ trách lĩnh vực OCOP ở cơ sở tích cực hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể trong quá trình làm hồ sơ OCOP, từ đó giúp nhiều chủ thể sớm hoàn thiện hồ sơ, góp phần đạt chỉ tiêu kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố", ông Nhật cho biết thêm.
Cà Mau hiện có 142 sản phẩm OCOP, trong đó có 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao. Dự kiến năm 2024 sẽ phát triển mới và tiêu chuẩn hoá ít nhất 40 sản phẩm, trong đó công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm 3-4 sao. Thực tế cho thấy, việc thực hiện Chương trình OCOP đang mở ra hướng phát triển với các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở địa phương. Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ biết đến ít thương hiệu sản phẩm của địa phương, thì giờ đây, thông qua Chương trình OCOP, nhiều nông sản ở các vùng miền, địa phương trong tỉnh đã được nhiều người biết đến, ưa chuộng và tin dùng nhờ những hoạt động hội chợ, kết nối giao thương cho sản phẩm OCOP trên khắp cả nước.
Chị Lý Anh Thư, Hợp tác xã Anh Thư, Khóm 7, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký 2 sản phẩm OCOP năm 2024, là cá cơm và cá sơn rim nước mắm.
Ðể làm hồ sơ OCOP, chủ thể phải đáp ứng các hồ sơ theo yêu cầu bắt buộc như: phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm; phương án, kế hoạch kinh doanh sản phẩm; giới thiệu bộ máy tổ chức; giấy đăng ký kinh doanh; sản phẩm mẫu. Ðồng thời, yêu cầu tài liệu minh chứng bổ sung như: giấy đủ điều kiện sản xuất; công bố chất lượng sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; phiếu kết quả kiểm tra chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn công bố; mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm; giấy xác nhận, hợp đồng, hoá đơn chứng minh việc mua bán nguyên vật liệu, hợp đồng, thoả thuận liên kết; giấy xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh cam kết, đánh giá tác động môi trường; bản sao tài liệu, minh chứng hoạt động kế toán của cơ sở; bản sao hợp đồng, cam kết, xác nhận về phân phối sản phẩm, xuất khẩu sản phẩm, hoạt động xúc tiến thương mại; bản sao tờ rơi, hình ảnh, phim, ghi âm, minh chứng về câu chuyện của sản phẩm; bản sao tài liệu, minh chứng về hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm theo từng lô sản xuất; bản sao tài liệu, minh chứng về các thành tích, giải thưởng, bình chọn... Sau đó, phải thông qua quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện và tỉnh.
Loan Phương