ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 16:30:19
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bức tranh ngày mùa

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày này, dạo một vòng quanh các cánh đồng vùng ngọt, vùng canh tác lúa - tôm, không khí lao động của bà con rất khẩn trương. Người mua, người bán, người thu hoạch, người chăm sóc rau màu, tiếng máy bơm nước,… làm cho bức tranh ngày mùa những ngày giáp Tết trở nên sôi động, náo nhiệt hẳn lên.

Chúng tôi đến cánh đồng vùng sản xuất lúa - tôm ở xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, để ghi nhận hiệu quả sản xuất của bà con đúng lúc gia đình anh Trương Văn Lịnh, ấp Cái Sắn Vàm đang thu hoạch tôm càng xanh nuôi xen trong ruộng lúa.

Dù đang tất bật cùng 5, 7 người khác thu hoạch tôm nhưng anh cũng tranh thủ cho biết: “Thu hoạch tôm càng xanh, dù thất hay trúng thì ít nhất cũng phải cần từ 4-5 người: 1 người cầm máy sục bùn và ít nhất 3-4 người theo sau bắt tôm, rồi thêm 1 người chuyển tôm vào rửa, phân cỡ cho vào bồn chạy ô xy. Loại này chủ yếu bán hàng sống nên hơi cực”.

Nông dân ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình thu hoạch tôm càng xanh.

Ngoài đồng là vậy, trong nhà, không khí lao động cũng không kém phần sôi động, lúc nào cũng có ít nhất từ 3-4 người chờ sẵn để rửa và phân cỡ tôm. Tiếng nói cười hoà cùng tiếng máy nổ từ ngoài đồng cho đến trong nhà đã tạo nên bầu không khí lao động náo nhiệt. Sau hơn 4 giờ tất bật, cuối cùng toàn bộ số tôm càng xanh của gia đình anh Lịnh cũng đã được đưa xuống vỏ máy để tiếp tục hành trình đến với người tiêu dùng.

Gần 15 triệu đồng là khoản thu của gia đình anh Lịnh trong vụ tôm càng xanh này. Tuy không quá cao so với nhiều hộ dân khác trong vùng nhưng anh không giấu được niềm vui: “Vụ tôm càng này có thể nói là làm chơi mà ăn thiệt, dù giá tôm thấp hơn nhiều so với năm trước. Bởi chỉ bỏ ra chưa đầy 4 triệu đồng để thả giống, ngoài ra không còn chi phí gì khác”. 

Tại gia đình anh Võ Minh Quân, ấp Nguyễn Tòng, không khí thu hoạch tôm càng xanh còn náo nhiệt hơn. Hơn 10 người được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng theo từng công đoạn trong thu hoạch tôm. Anh Quân nuôi tôm có phần bài bản hơn, thả tôm giống toàn đực và trong quá trình nuôi có cho ăn kèm thêm gạo tấm nên hiệu quả đạt khá cao.

Anh Quân cho biết: “Tôi thu được gần 40 triệu đồng, trừ hết chi phí, lợi nhuận hơn 25 triệu đồng, nếu năm nay giá tôm như năm trước thì lợi nhuận còn cao hơn nhiều”.

Trong khoảng 5 năm gần đây, con tôm càng xanh đã trở thành nguồn thu quan trọng của người dân vùng sản xuất lúa - tôm, nhất là ở hai huyện: Thới Bình và U Minh.

Năm nay, toàn tỉnh thả nuôi hơn 20.486 ha với năng suất 240-250 kg/ha, tương đương sản lượng 5.050 tấn và được dự báo sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với mô hình này trong nhiều năm qua mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp đó là khâu thu hoạch và tiêu thụ. Do việc thu hoạch theo kiểu truyền thống là quậy bùn cho tôm nổi đầu để bắt nên không chỉ cần nhiều lao động mà còn làm giảm chất lượng sản phẩm.

Anh Quân chia sẻ, năm nào cũng vậy, phải chạy đôn chạy đáo kiếm người, tìm thương lái. Nhân công thu hoạch thì còn có thể tận dụng được anh em trong gia đình và chòm xóm, nhưng khó nhất là thương lái.

“Trong vùng tới lui cũng chỉ có mấy thương lái, người này vào chài tôm cho giá, mình không đồng ý, gọi người khác vào, nếu có lên giá thì cũng chỉ được vài ngàn đồng. Rồi đủ thứ trừ cấn, tức nhất là tự tay họ phân loại tôm mà còn trừ “hao”, cứ 100 kg tôm trừ 2-2,5 kg; các loại tôm mè, tôm lột hay tôm cốm (tôm chuẩn bị lột), họ chỉ mua từ 35-40 ngàn đồng/kg, bình thường tép trấu còn bán được giá 25-30 ngàn đồng/kg”, anh Quân cho biết.

Bên cạnh con tôm càng xanh, nhiều trà lúa trên đất nuôi tôm đang được bà con tất bật thu hoạch; tiếng máy tuốt lúa, máy bơm nước để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm sú tại những cánh đồng đã thu hoạch hết lúa, tôm càng xanh,…góp phần cho không khí ngày mùa sôi động hẳn lên trên đồng đất vùng Thới Bình, U Minh.

Rời vùng đất lúa - tôm, chúng tôi tìm đến những cánh đồng trồng dưa hấu vụ Tết của bà con xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau. Không khí lao động của bà con đang rất tất bật, để kịp cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán sắp đến.

Người dân xã Lý Văn Lâm chăm sóc dưa hấu chuẩn bị phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Dù đã 62 tuổi nhưng ngày nào ông Lê Thanh Tùng cũng bám ruộng dưa. Ông cho biết: “Năm nay chỉ trồng khoảng hơn 1.000 dây dưa hấu An Tiêm. Dưa hấu được ví như “tiểu thư” nên chăm sóc cực lắm, mà dưa trưng Tết càng cực hơn. Phải kỹ từ khâu làm đất, xuống giống, chăm sóc từ nhỏ để ít sâu, bệnh; khi cho trái phải chỉnh sửa nhiều lần,… thì trái mới to, đẹp đáp ứng nhu cầu trưng, cúng vào dịp Tết. Vợ chồng già chúng tôi trông chờ vào nguồn thu nhập từ vụ dưa này. Ðiều đáng mừng là đến thời điểm này dưa đang phát triển tương đối tốt, dự kiến sẽ cắt vào 25 Tết, đã có nhiều thương lái đến hỏi nhưng chưa dám nhận cọc ai. Nếu giá bán bằng năm rồi, vụ dưa Tết năm nay tôi sẽ lãi kha khá”.

Ngoài xã Lý Văn Lâm, nhiều vùng ngọt hoá khác của TP Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, người dân cũng đang kỳ vọng vụ dưa hấu và các loại rau màu khác để phục vụ Tết. Riêng dưa hấu, toàn tỉnh xuống giống được hơn 163 ha, trong đó xã Lý Văn Lâm hơn 90 ha, đang hứa hẹn sẽ mang về cho người dân nguồn thu để có được cái Tết sung túc hơn.

Ðể có những mùa thành công cũng như những đổi thay trên đồng đất thời gian qua, bên cạnh nỗ lực của người dân, phải kể đến sự hỗ trợ của tỉnh, của các cơ quan chuyên môn từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cho đến khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, giống… Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Kinh tế nông nghiệp đã dần phục hồi và phát triển với mức tăng 4,4% so với cùng kỳ. Thời gian tới, công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chất lượng giống phục vụ sản xuất sẽ được ngành tiếp tục tập trung tăng cường. Ngoài ra, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất đa cây, đa con, luân canh, mô hình có hiệu quả cao. Ðặc biệt, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng kinh tế tập thể, phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực và chương trình OCOP… để nông nghiệp tiếp tục phát huy vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, đời sống người dân không ngừng được nâng lên”./.

 

Nguyễn Phú

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).