ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 4-7-25 03:52:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Bùng nổ tội phạm sử dụng các ứng dụng trực tuyến để lừa đảo

Báo Cà Mau Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và Internet đã kéo theo sự gia tăng của tội phạm lừa đảo trực tuyến. Tại Cà Mau, nhiều vụ việc liên quan đến hình thức lừa đảo này đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân.

Trong hai tháng đầu năm 2025, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau đã khởi tố 33 vụ/9 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 21 vụ sử dụng các ứng dụng trực tuyến. Các địa bàn xảy ra nhiều vụ án nhất là TP Cà Mau và huyện Trần Văn Thời, nơi có lượng lớn người dân sử dụng Internet, mạng xã hội và thanh toán trực tuyến. Đối tượng bọn tội phạm thường nhắm đến là phụ nữ nhẹ dạ, người cao tuổi, cán bộ hưu trí hoặc những người ham lợi nhuận cao, dễ bị lôi kéo vào các hình thức đầu tư tài chính rủi ro.

Giả danh người thân để lừa vay tiền

Đối tượng lừa đảo hack tài khoản Facebook, Zalo, Telegram, sau đó giả mạo người thân để nhắn tin vay tiền hoặc yêu cầu chuyển khoản gấp. Điển hình là vụ bà Huỳnh Thị T (ngụ tại Trần Văn Thời) bị một đối tượng giả danh bạn bè lừa chuyển 949 triệu đồng với lý do giúp đỡ người thân mổ tim. Sau mỗi lần chuyển khoản, bà T nhận được tin nhắn từ số điện thoại quốc tế báo rằng sẽ gửi trả lại cho bà số tiền tương đương bằng USD. Sau đó, một người đàn ông gọi điện, tự xưng là nhân viên dịch vụ chuyển tiền quốc tế, hẹn giao tiền mặt vào ngày hôm sau. Nghi ngờ, bà T kiểm tra lại và phát hiện tài khoản Facebook của người bạn đã bị hack. Biết mình bị lừa, bà lập tức trình báo cơ quan công an.

Giả danh nhân viên điện lực để lừa quét mã QR

Tội phạm giả danh nhân viên điện lực, gọi điện thông báo khách hàng chưa thanh toán tiền điện và yêu cầu quét mã QR để xác minh thông tin. Ngày 25/9/2024, bà P.T.N (trú tại Trần Văn Thời) nhận được cuộc gọi từ số 0919154675, tự xưng là nhân viên điện lực. Người này thông báo rằng bà chưa đóng tiền điện và yêu cầu cung cấp hoá đơn để xác minh. Do bà P.T.N thanh toán qua ngân hàng nên không có hoá đơn giấy. Lợi dụng điều này, đối tượng yêu cầu bà kết bạn Zalo, tải ứng dụng giả mạo có tên “EVN TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC CÀ MAU” để đóng tiền điện và quét mã QR để xác nhận giao dịch. Sau khi làm theo hướng dẫn, tài khoản ngân hàng VietinBank của bà P.T.N bị trừ 59.892.000 đồng. Ngay sau đó, đối tượng cắt đứt liên lạc. Khi kiểm tra tại ngân hàng, bà phát hiện số tiền trên đã được chuyển đến tài khoản cá nhân tại một ngân hàng khác. Biết bị lừa, bà lập tức trình báo công an.

Lừa đảo đầu tư tài chính, sàn giao dịch ảo

Nhiều đối tượng lập ra các ứng dụng đầu tư tài chính giả mạo, hứa hẹn lợi nhuận cao để lừa đảo người dân. Ban đầu, nạn nhân nhận được khoản lợi nhuận nhỏ để tạo lòng tin, nhưng khi đầu tư số tiền lớn hơn, họ bị khoá tài khoản và mất toàn bộ số tiền.

Từ ngày 16/11-11/12/2024, ông H.M.L (trú tại huyện Thới Bình, Cà Mau) bị lừa đảo qua hình thức đầu tư kiếm tiền trên ứng dụng giả mạo TikTok. Đối tượng tiếp cận ông L, hướng dẫn cài đặt một ứng dụng giả danh TikTok và tham gia các nhiệm vụ “kiếm tiền online”. Theo hướng dẫn, ông L chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp với lời hứa hoàn vốn và lợi nhuận cao. Trong chưa đầy một tháng, ông L đã thực hiện 68 lần chuyển khoản với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng. Khi yêu cầu rút tiền, hệ thống báo lỗi và yêu cầu ông tiếp tục nạp tiền để “duyệt giao dịch”. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo, ông L trình báo cơ quan công an.

Tương tự, vào cuối tháng 10/2024, ông H.V.P (trú tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) bị lừa đảo qua một nền tảng đầu tư chứng khoán giả mạo có tên "SUCDEN". Thông qua ứng dụng Zalo, ông P được mời gọi tham gia với hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn. Tin tưởng, ông đã chuyển tiền tổng cộng 8 lần với số tiền hơn 901 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Ban đầu tài khoản của ông trên ứng dụng có dấu hiệu tăng trưởng, nhưng khi thực hiện lệnh rút tiền thì không thể thực hiện được. Sau nhiều lần liên hệ mà không nhận được phản hồi, ông P nhận ra mình bị lừa và trình báo công an.

Trước tình trạng tội phạm lừa đảo qua các ứng dụng trực tuyến gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau khuyến cáo người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn hoặc mạng xã hội. Hạn chế truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc, không tải hoặc cài đặt các ứng dụng lạ, không có trên các kho ứng dụng chính thống (Google Play, App Store).

Người dân chỉ nên đầu tư vào các tổ chức có giấy phép hoạt động hợp pháp, được cấp phép bởi các cơ quan chuyên môn, đồng thời tuyệt đối không tin vào những lời mời gọi đầu tư với lợi nhuận cao bất thường, đặc biệt là các ứng dụng giao dịch ngoại hối, tiền điện tử, chứng khoán quốc tế không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam.

Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần nhanh chóng báo ngay cho cơ quan công an hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân để được hỗ trợ kịp thời. Lưu giữ các bằng chứng như tin nhắn, số tài khoản, cuộc gọi từ đối tượng lừa đảo để cung cấp cho cơ quan điều tra. Khuyến khích người dân chia sẻ thông tin về các vụ lừa đảo mà họ biết để cảnh báo cộng đồng.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng thương mại để kiểm soát chặt chẽ các ứng dụng tài chính, đầu tư trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý các nền tảng có dấu hiệu lừa đảo.

Cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Toà án cần phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử lưu động các vụ án lừa đảo qua mạng xã hội, liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Phối hợp với các cơ quan chức năng quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự để xử lý các đối tượng lừa đảo hoạt động xuyên biên giới.

UBND các cấp, các sở, ban, ngành cần xây dựng trang web hoặc kênh thông tin chính thống để cập nhật thường xuyên các hình thức lừa đảo mới, giúp người dân nhận diện và phòng tránh. Hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính để triển khai hệ thống cảnh báo khách hàng khi thực hiện giao dịch đáng ngờ.

Tội phạm lừa đảo qua các ứng dụng trực tuyến đang bùng nổ với mức độ tinh vi ngày càng cao, gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và toàn thể Nhân dân cùng chung tay đẩy lùi loại tội phạm này bằng cách nâng cao cảnh giác, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

 

Tiến Huy – Anh Tuấn

 

Triệt phá 8 vụ án ma túy, bắt giữ 10 đối tượng

Chiều 30/6, tại Cà Mau, Đoàn Đặc nhiệm Phòng, chống tội phạm ma tuý số 4 (Cảnh sát biển Việt Nam) tổ chức Hội nghị tổng kết đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm ma tuý.

Vùng 5 Hải quân: Nâng cao kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ

Ngày 26 và 27/6, tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân phối hợp với Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 2 và Cơ quan Điều tra Hình sự Khu vực 3 Quân chủng Hải quân tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2025.

Hợp nhất tỉnh không làm thay đổi biển số xe

Từ ngày 1/7, theo Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, cả nước sẽ giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành. Trong đó, tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu sẽ được hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới - tỉnh Cà Mau.

Nét đẹp những chiến sĩ áo vàng giữa mùa thi

Trong những ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, hình ảnh những chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Cà Mau tất bật hỗ trợ, đưa rước thí sinh đến điểm thi đúng giờ đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng người dân. Không chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các anh còn âm thầm “tiếp sức” bằng tinh thần trách nhiệm “Vì Nhân dân phục vụ” trong thời khắc quan trọng của hàng ngàn sĩ tử.

Từ bỏ ma tuý để làm lại cuộc đời

Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh (tại xã Khánh An, huyện U Minh, do Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh quản lý) là nơi tiếp nhận, quản lý người cai nghiện ma tuý; tổ chức chăm sóc, điều trị, tư vấn và giúp đỡ người cai nghiện ổn định tâm lý, sức khoẻ, phòng chống tái nghiện. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, bên cạnh các biện pháp y tế điều trị cắt cơn, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để học viên rèn luyện sức khoẻ, có việc làm để tái hoà nhập cộng đồng, không tái nghiện.

Thực thi pháp luật - Lá chắn bảo vệ rừng

Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ – vùng lõi rừng tràm nguyên sinh đặc trưng của Cà Mau, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong mùa khô. Trên nền tảng Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Ban quản lý Vườn đã chủ động xây dựng phương án PCCCR hằng năm, phân vùng trọng điểm cháy, cải tạo 150,8 km tuyến kênh phục vụ chữa cháy, lắp đặt chòi canh lửa, bồn trữ nước tại các vị trí chiến lược.

Hỗ trợ các gia đình ngư dân gặp nạn trên biển

Chiều 24/6, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Khởi đến thăm hỏi, chia buồn, động viên và trao hỗ trợ cho gia đình các ngư dân gặp nạn khi đang khai thác thủy sản trên vùng biển huyện Ngọc Hiển.

Trợ giúp pháp lý cho người có công: Lặng lẽ mà sâu sắc

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) dành cho người có công với cách mạng có ý nghĩa không chỉ về mặt pháp lý mà còn mang tính nhân văn và chính trị sâu sắc.

Bắt giữ đối tượng truy nã đang lẩn trốn ra biển

Chiều 22/6, thông tin từ Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng Cà Mau) cho biết, đơn vị đang tạm giữ đối tượng bị truy nã đang lẩn trốn ra biển.

Công tác trợ giúp pháp lý cho người có công - Lặng lẽ mà sâu sắc

Công tác trợ giúp pháp lý dành cho người có công với cách mạng có ý nghĩa sâu sắc không chỉ về mặt pháp lý mà còn mang tính nhân văn và chính trị sâu sắc. Người có công là những cá nhân đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, vì vậy việc bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật và công lý cho họ là một trong những biểu hiện cụ thể của chính sách “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước.