ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 19-9-24 06:38:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau đầu tư hạ tầng để khai thác tiềm năng kinh tế biển

Báo Cà Mau (CMO) LTS: Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1/2021 đến ngày 2/2/2021 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Thủ đô Hà Nội. Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau có 17 đồng chí do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải làm trưởng đoàn. Báo Cà Mau xin trân trọng giới thiệu nội dung tham luận của đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau với chủ đề: “Đầu tư hạ tầng để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội vùng biển - Thực tiễn và bài học kinh nghiệm ở Cà Mau”.

Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc. Với vị trí có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài nhất nước (254 km với 87 cửa sông lớn - nhỏ ra biển),  trên biển có 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, trong đó, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải.

Tỉnh Cà Mau có đội tàu khai thác biển hùng mạnh Ảnh: Huỳnh Lâm

Vùng biển Cà Mau có diện tích thăm dò, khai thác khoảng 80.000 km2, nằm trong vòng cung đường biển của nhiều trung tâm phát triển ở khu vực Đông Nam Á; là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, nguồn lợi thủy sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao; sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản hằng năm đạt trên 550.000 tấn, xuất khẩu sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1 tỷ USD.

Ngoài ra, tỉnh có tiềm năng về năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí, cảng biển nước sâu, du lịch biển, đảo; có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới…

Kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1 tỷ USD Ảnh: Huỳnh Lâm

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW (khóa X), Nghị quyết số 36-NQ/TW (khóa XII) của Ban Chấp hành Trung ương về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Cà Mau đã triển khai xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển và vùng ven biển. Đồng thời, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để Nhân dân hiểu rõ chủ trương, có sự đồng tình, ủng hộ, cũng như huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội vùng biển.

Một số công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế biển đã và đang hoàn thành như: Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, đã kết nối thông suốt tuyến Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn tới Mũi Cà Mau; tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp song song Quốc lộ 1A; tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. Đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, đê, kè trọng yếu phục vụ sản xuất, chắn sóng, chống xói lở, xâm nhập mặn. Tập trung xây dựng các đô thị phát triển kinh tế biển là thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh), Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân), Tân Thuận (huyện Đầm Dơi)… Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí đang được đầu tư và mời gọi đầu tư ở khu vực ven biển mở ra nhiều cơ hội mới để Cà Mau phát triển. Cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, Hòn Chuối, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang được đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng để phục vụ du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo.

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới Ảnh: Huỳnh Lâm

Các công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm, chợ, trung tâm văn hóa - thể thao, trạm nước sạch… ở các xã ven biển được quan tâm đầu tư, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,9%; trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 60%; 100% trạm y tế có bác sĩ.

Hoạt động khai thác, đánh bắt, nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quản lý chặt chẽ hơn. Tỉnh đã chủ trương nghiêm cấm việc khai thác thủy sản ven bờ; coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện dự án thả rạn nhân tạo bước đầu có hiệu quả tích cực; chỉ đạo quyết liệt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá để ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài; đầu tư xây dựng một số cảng cá, khu neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; khuyến khích, động viên các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, sản xuất nước đá, cung cấp nước ngọt, xăng dầu, dịch vụ sửa chữa tàu thuyền… Qua đó đã tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho ngư dân, góp phần nâng cao sản lượng khai thác thủy sản trong thời gian qua.

Cà Mau phát triển mạnh mô hình nuôi tôm công nghệ cao Ảnh: Huỳnh Lâm

Hằng năm, kinh tế biến đóng góp khoảng 55% GRDP; là tỉnh đứng đầu cả nước có số lượng nhà máy chế biến thủy sản và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội vùng biển thời gian qua ở Cà Mau vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Là tỉnh xuất phát điểm thấp, xa trung tâm kinh tế lớn của đất nước; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, vùng ven biển, hải đảo nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển do đặc thù của tỉnh có nền đất yếu nên suất đầu tư lớn, đã và đang chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu và thiên tai với cường độ ngày càng lớn, tần suất cao, gây sụp lún, sạt lở bờ biển, bờ sông, đường giao thông. Đặc biệt các đê biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển vẫn còn hạn chế; các mô hình sản xuất, các ngành, nghề khai thác tiềm năng biển còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết; tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo khai thác hiệu quả còn thấp.

Mô hình nuôi tôm sinh thái mang lại hiệu quả bền vững Ảnh: Thanh Chính

Từ thực tiễn công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội vùng biển thời gian qua, tỉnh Cà Mau rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là: Việc đầu tư phát triển kinh tế biển phải thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; công trình xây dựng phải trên cơ sở khoa học, bảo đảm chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.

Hai là: Đầu tư phát triển kinh tế biển phải xác định trọng tâm, trọng điểm và cân đối được nguồn vốn thực hiện, tránh đầu tư dàn trải hoặc không đủ nguồn lực thực hiện. Quy hoạch phát triển kinh tế biển phải gắn chặt chẽ với vùng kinh tế nội địa, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Ba là: Các công trình, dự án đầu tư phải sát với thực tế địa bàn, đặc điểm dân cư, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân, thiết thực đem lại lợi ích và nâng cao được đời sống của người dân và phải gắn với nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bốn là: Có chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế biển, nhất là trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch biển, đảo, như chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ chuyển đổi ngành, nghề, hỗ trợ khai thác xa bờ. Tăng cường xúc tiến thương mại, tạo đầu ra các sản phẩm của tỉnh.

Giữ gìn và phát triển các nghề truyền thống ven biển Ảnh: Huỳnh Lâm

Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả là khâu đột phá chiến lược của tỉnh và xác định phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh ủy Cà Mau đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế biển bền vững. Trong đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, gồm cả hạ tầng các đô thị ven biển; tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển, nhằm kết nối tuyến giao thông hành lang ven biển; mở rộng không gian phát triển, kết nối với các trung tâm kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết hợp sắp xếp lại dân cư ven biển, nhằm giảm thiểu thiệt hại từ tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu... Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển.

Xây dựng hạ tầng giao thông trên đảo Hòn Khoai Ảnh: Nguyễn Phú

Thứ hai, chú trọng phát triển toàn diện cả khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ - hải sản; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xuất khẩu theo chuỗi giá trị, đồng thời phát triển mạnh dịch vụ thủy sản như: Dịch vụ hậu cần nghề cá, cung ứng giống và thức ăn nuôi thuỷ - hải sản, xúc tiến thương mại sản phẩm thuỷ - hải sản chủ lực của tỉnh. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, không vi phạm vùng biển các nước; đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản ven bờ gắn với bảo vệ rừng phòng hộ. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến thuỷ - hải sản, phát triển các nhà máy chế biến thuỷ sản sử dụng công nghệ hiện đại, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển và các khu du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao tại các vùng ven biển. Tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển.

Thứ ba, khai thác tối đa thế mạnh, tiềm năng sẵn có để phát triển năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng điện gió tuyến ven biển. Trước mắt, tập trung triển khai nhanh các dự án đã được Trung ương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện gió của quốc gia, đưa vào vận hành thương mại trước năm 2025.

Cà Mau có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo Ảnh: Huỳnh Lâm

Thứ tư, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng biển, ven biển; thực hiện tốt kế hoạch hành động của tỉnh về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Rà soát thành lập mới các khu bảo tồn biển; phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và các giống, loài thuỷ sản ở các vùng đất ngập nước, vùng ven biển, các cụm đảo, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực ven biển. Tăng cường quan trắc, giám sát, cảnh báo chất lượng môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu, hoá chất độc hại trên biển; thực hiện tốt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế biển góp phần giải quyết việc làm cho ngư dân ven biển Ảnh: Chí Hiểu

Thứ năm, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; chủ động phòng, tránh bão, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó, ưu tiên thực hiện các dự án kè bảo vệ bờ biển Đông, kè bảo vệ đê biển Tây và các cửa sông, cửa biển, các dự án khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống xói lở bờ biển, cửa sông ven biển, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ sáu, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Tổ chức triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư ven biển, trên biển, đảo.

Cà Mau tập trung hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư Ảnh: Huỳnh Lâm

Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao, kịp thời đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trước tình hình biến đổi khí hậu và thiên tai với cường độ lớn và tần suất cao, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, trân trọng đề nghị Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét ban hành "Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội vùng bán đảo Cà Mau thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng". Đồng thời, kiến nghị Trung ương có cơ chế đầu tư Cảng biển Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau.

Với niềm tin tưởng sâu sắc vào thành công của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Cà Mau sẽ nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đồng hành cùng các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố có biển quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển và tiến đến một cường quốc biển./.

(*) Tựa do Báo Cà Mau rút từ nội dung tham luận của Đoàn đại biểu tỉnh Cà Mau tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

 

 

 

                                   

Sách lý luận chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Sách lý luận chính trị được ví như cẩm nang của cán bộ, đảng viên, chuyên cung cấp hệ thống tri thức về lĩnh vực chính trị, kết quả hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị qua từng giai đoạn lịch sử, có tính kế thừa và phát triển. Sách lý luận chính trị rất “kén” người đọc, bởi nội dung còn khô khan. Song, giá trị của sách lý luận chính trị vô cùng to lớn, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Phụ nữ khẳng định tầm quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Phụ nữ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì phụ nữ vừa là lực lượng trực tiếp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, vừa là đối tượng mà các thế lực thù địch nhắm tới hòng thực hiện âm mưu chống phá Ðảng, Nhà nước và chế độ ta. Ðể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng phải đặc biệt quan tâm đến phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới.

Ðảng viên lan toả thông tin tích cực

Với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, việc thường xuyên chia sẻ, lan toả thông tin tích cực khi sử dụng mạng xã hội của đội ngũ đảng viên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng hiện nay.

Báo chí khẳng định vai trò trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng - Bài cuối: Xứng đáng hơn nữa trên mặt trận tư tưởng

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công việc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của báo chí. Nhận thức được trọng trách là công cụ đắc lực, vũ khí sắc bén của Ðảng trên mặt trận tư tưởng, các cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa những mặt tích cực; khắc phục những hạn chế, khó khăn; đề ra và thực hiện những giải pháp tối ưu, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong tình hình mới.

Báo chí khẳng định vai trò trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng - Bài 1: Báo chí đồng hành cùng thời đại

Trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, báo chí luôn đóng vai trò quan trọng, là vũ khí, công cụ đắc lực của Ðảng trên mặt trận văn hoá, tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta luôn đề cao vai trò báo chí từ buổi sơ khai của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đến thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng. Nhất là trong giai đoạn cả hệ thống chính trị ra sức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, thì vai trò của báo chí càng được đặc biệt quan tâm.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ

Thời gian qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 43-NQ/TW (Nghị quyết số 43), ngày 24/11/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khoá XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đã tiếp tục kế thừa, khẳng định đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại.

Tuổi trẻ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, đoàn viên, thanh niên (ÐVTN) thị trấn Cái Ðôi Vàm luôn là lực lượng tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Qua đó, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, đồng thời xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên trong thời đại mới.

Nhận diện và đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng

Ðấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và Nhân dân là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con đất Việt, đó cũng chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển của đất nước và dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của dân tộc ta tạo thành khối đại đoàn kết mà hạt nhân lãnh đạo là Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động sẽ chiến thắng mọi kẻ thù, các thế lực phản động.

Sức sống xanh của tuổi trẻ

Ðể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, hơn ai hết, thanh niên phải được xác định là một trong những lực lượng nòng cốt, tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này.

Rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và coi trọng sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là người hiền tài, đức độ. Người khẳng định: “Có tài phải có đức” [1] và “Ðức phải có trước tài” [2]. Bởi “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.