ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 05:51:51
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Báo Cà Mau Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Chinh phục miền đất mới

Noi theo nếp xưa, người Cà Mau trọng nghĩa, khinh tài, thẳng thắn, cương trực để bảo vệ lẽ đúng, cái hay, chống lại điều bất công, mọi sự áp bức. Ðương đầu với thiên nhiên hoang sơ, nê địa, con người Cà Mau trui rèn cho mình bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất, sức sáng tạo, ứng biến nhanh nhạy, linh hoạt.

Người dân vùng Viên An xưa (bao gồm cả Mũi Cà Mau hiện nay - PV) còn nhắc nhớ đến những giai thoại dân gian và cả những câu chuyện có thật về ông cha trong cuộc đương đầu với thiên nhiên trù phú nhưng cũng đầy rẫy hiểm nguy. Trong bối cảnh “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”, con người đã bày ra tiệc “đãi yến” để chúa sơn lâm cũng phải phủ phục chịu thua. Cách “đãi yến” được kể lại là dùng chai sành đập bể, cà nát, sát vào mồi nhử (thường là heo trắng) để dụ cọp. Cọp ăn ngon lành, nhưng sau đó bị miễng sành cà nát bụng dạ, dần kiệt sức. Người dân theo dấu, khi cọp đã mất sức phản kháng thì dùng dây trói niệt lại, dùng đòn đước để khiêng về. Ðó cũng là biểu hiện của sự ứng phó hết sức linh hoạt, sáng tạo, “yếu dùng thế” để con người đương đầu với thiên nhiên hoang sơ trong tư thế chủ động, bản lĩnh hiên ngang.

Nét đặc biệt trong tính cách của con người Cà Mau đó là sự lạc quan, vui tươi, khiếu hài hước, dí dỏm và có duyên.                                                            Ảnh: NHẬT MINH

Nét đặc biệt trong tính cách của con người Cà Mau đó là sự lạc quan, vui tươi, khiếu hài hước, dí dỏm và có duyên. Ảnh: NHẬT MINH

Con cháu họ Tạ, họ Võ ở Viên An nay vẫn còn lưu giữ lại tinh thần trượng nghĩa, diệt ác, trừ gian của tổ tiên. Do sống ở ven biển, chịu nạn cướp biển mà bà con gọi là “giặc Tàu Ô” quấy phá, cướp bóc, 2 ông Tạ Văn Ðẩu và Võ Văn Kiển đứng ra bàn cách trị bọn ác ôn. Dân Viên An nguỵ trang giả người trên bờ ven vàm sông Nhưng Miên, dụ giặc chú ý. Vậy là 2 ông lừa giặc để lặn ra đục chìm tàu. Bọn giặc khiếp sợ, từ đó dân làng sống yên ổn.

Miền đất mới trù phú, nói như Nhà Nam Bộ học Sơn Nam thì, “người thảnh thơi, vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn” thế nên tính cách con người Cà Mau hết sức hào sảng, phóng khoáng. Ðất rộng người thưa, tìm nhau để kết thân, thế nên tấm lòng hiếu khách luôn rộng mở. Nếu không tin, bạn có thể về vùng Mũi Cà Mau, ngay thời điểm hiện tại thôi, vẫn còn những nếp nhà không cửa lộng gió, thơm thảo tình người.

Về Cà Mau, người ta còn cảm nhận được nghĩa tình làng xóm đậm đà “tối lửa tắt đèn có nhau”. Chuyện của nhà người này luôn có sự dự phần, san sẻ của láng giềng từ “vần công” trong công việc đồng áng, cho đến những khi gia đình hữu sự, Tết nhứt. Tình người ở làng xóm nơi đất mới, dù không có “cây đa, giếng nước, sân đình, luỹ tre, dòng tộc” nhưng vẫn bền chặt keo sơn, nhân nghĩa thuỷ chung. Ðó cũng là cách để những lưu dân cố kết với nhau, cùng nhau tạo nên sức mạnh chinh phục miền đất mới.

Một nét đặc biệt trong tính cách của con người Cà Mau đó là sự lạc quan, vui tươi, khiếu hài hước, dí dỏm và có duyên. Trước những khó khăn, thách thức, biến cố trong cuộc sống, người Cà Mau luôn có cách để ứng xử một cách thanh thoát, nhẹ nhàng bằng tinh thần đầy năng lượng tích cực. Về sau này, nét tính cách duyên dáng ấy của người Cà Mau đã được toát lên một cách đầy đủ và hết sức thú vị trong truyện kể dân gian bác Ba Phi, một khía cạnh mà chúng tôi sẽ tiếp tục ở phần sau của loạt bài này.

Con người Cà Mau siêng năng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; trong đương đầu với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để kiến tạo, xây dựng cuộc sống. Qua đó bộc lộ phẩm chất tài hoa với sức sáng tạo đáng ngạc nhiên ngay từ buổi đầu về đất mới. Nơi sơn cùng thuỷ tận, con người vùng đất này cũng góp nên những nghề truyền thống vang danh như gác kèo ong, muối ba khía, dệt chiếu, hay những bài bản đờn ca tài tử đã được vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngời sáng tinh thần yêu nước

Từ tinh thần thượng võ, can trường, bất khuất của ông cha trong công cuộc chế ngự thiên nhiên, con người Cà Mau đã kế tục và hun đúc nên một tinh thần yêu quê hương, đất nước và quyết tâm đánh đuổi giặc thù, gìn giữ từng tấc đất của tiền nhân trao gởi lại.

Năm 1872, tại vùng Cái Tàu (U Minh), cuộc khởi nghĩa kháng Pháp của anh em Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự nổ ra làm giặc thất điên, bát đảo. Tiếng vang cuộc khởi nghĩa này đã nêu cao khí phách, tấm lòng của người Cà Mau khi quê hương, đất nước đứng trước hoạ ngoại xâm. Khí tiết bất tử của 2 ông còn được mô tả lại trong tư thế hy sinh oai hùng, kiêu hãnh: “Người ta thấy Ðỗ Thừa Luông đứng sừng sững, lưng tựa vào thân cây tràm tay nắm chặt lấy nhánh tràm, như chưa muốn xa quê hương, mắt vẫn mở to trông về phía trước như đang trực diện với quân thù. Ðỗ Thừa Tự khắp mình nhuộm máu ngồi tựa lưng vào chân anh, tay phải cầm chặt chuôi dao đang cắm ngập xuống đất...".

Năm 1930, màu cờ Ðảng tung bay trên mảnh đất Cà Mau bừng tỏ ánh sáng chân lý thời đại chiếu rọi con đường đi tới. Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh trở thành thành đồng cách mạng, nơi những trang sử vàng tô đậm chiến công, lưu danh những con người Cà Mau anh hùng, kiên trung, bất khuất.

Năm 1940, khởi nghĩa Hòn Khoai do thầy giáo Phan Ngọc Hiển lãnh đạo đã giành chiến thắng chấn động cả Ðông Dương, Pháp kinh hãi tột độ. Năm 1945, cùng với cả nước, Cà Mau giành chính quyền về tay Nhân dân, một quê hương Cà Mau của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được khai sinh. Năm 1946, Cà Mau có Mặt trận Tân Hưng kiên cường đứng vững trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của Pháp. Là ngày hội “200 ngày đêm tập kết” sau thắng lợi 9 năm kháng Pháp, Cà Mau có một vàm sông Ông Ðốc trở thành “Thủ đô của Nam Bộ, nhộn nhịp lắm, đông vui lắm” (lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).

Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, đất và người Cà Mau trọn lòng, hết dạ theo Bác Hồ, theo Ðảng, theo cách mạng, làm nên những chiến công lừng lẫy, để cùng với miền Nam, cả nước đi đến thắng lợi trọn vẹn. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn nói về người Cà Mau với tình cảm sâu sắc: “Khi địch lôi máy chém đi khắp miền Nam, đưa sự tàn bạo phát xít đến cùng cực, ở Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu) có hàng vạn thanh niên vào rừng U Minh. Một không khí cách mạng bùng lên. Chính thực tế đó của Minh Hải giúp Trung ương thấy cần phải phát động quần chúng vùng dậy đấu tranh”. Chính từ thực tế ở Cà Mau, đồng chí Lê Duẩn đã bắt đầu chiêm nghiệm, tìm thấy con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, một bước ngoặt lớn mở đường thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Mảnh đất Cà Mau có hơn 17 ngàn liệt sĩ; hơn 16 ngàn thương binh; hơn 2.500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hơn 70 Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân; khoảng 111 ngàn người có công với cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Bấy nhiêu đó cũng đủ nói lên tấm lòng yêu nước sắt son, khí phách anh hùng của người Cà Mau trong thời đại Hồ Chí Minh.

Người đến Cà Mau dễ nhận thấy, ngoài những nét cá tính mang bản sắc chung của con người Việt Nam, của Nam Bộ, cư dân nơi đây còn có những cá tính riêng, nét cuốn hút riêng. Cùng với quá trình chinh phục đất mới, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, những đặc điểm trong tính cách ấy dần dà được trao truyền, tiếp nối, có sự “gạn đục khơi trong” để con người Cà Mau hôm nay trở thành một nét duyên đẹp xứ sở trong mắt bạn bè muôn phương./.

 

Phạm Quốc Rin

Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

 

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.

Làm báo thời chiến

Từ buổi bình minh của cách mạng và xuyên suốt các chặng đường đấu tranh gian khổ, báo chí Cà Mau luôn khẳng định là vũ khí sắc bén, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong những năm tháng đầy lửa đạn ấy, những người làm báo Cà Mau dù phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, kề cận với cái chết nhưng vẫn kiên cường giữ vững niềm tin và khí tiết cách mạng. Họ đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh của những người chép sử, ghi lại chân thực cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc, của quê hương.

Nơi tôi “khởi mầm” nghề báo

Nhà báo Nguyễn Danh gọi nhắc: Báo Cà Mau chuẩn bị làm kỷ yếu kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng, Kiều Tiên viết gì gửi về đi! Dù bận khá nhiều việc ở cơ quan nhưng tôi cũng hứa sẽ tranh thủ viết. Xem đây là dịp để nhắc về kỷ niệm một thời cùng các anh chị em ở Báo Cà Mau và cũng để tri ân nơi “khởi mầm” nghề báo cho tôi đến hôm nay.

Hành trình về ngôi nhà chung

Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau (CTV) được thành lập vào ngày 4/7/1977, tiền thân là Ðài Phát thanh - Truyền hình Minh Hải. Hơn một tháng sau ngày thành lập, Ðài chính thức phát đi tiếng nói đầu tiên lúc 5 giờ sáng ngày 19/8/1977, khởi nguồn chặng đường xây dựng và phát triển của loại hình báo phát thanh - truyền hình trên mảnh đất cực Nam Tổ quốc.

Nhà báo tay ngang

Hôm bữa, Nam Phong, Phó Tổng Biên tập Báo và Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau - bạn tắm sông thuở nhỏ của tôi, gửi Zalo bản chụp bài báo “Về một xí nghiệp đóng tàu” (Báo Minh Hải, thứ Năm, ngày 8/10/1987). Trời đất! Tìm đâu ra vậy? Ðó là “lễ vật chào sân” của tôi với Báo Minh Hải thuở tập tành viết báo.

Chút trải lòng của cộng tác viên

Tôi đến với Báo Cà Mau rất tình cờ. Một hôm, Nhà thơ Trần Ðức Tín (tức Khét, cùng quê Cà Mau, đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh) điện thoại hẹn với tôi là sẽ cùng với Nhà thơ Nguyễn Hải Thảo lên Biên Hoà chơi. Rồi trong lúc trà dư tửu hậu, mấy anh em kể nhau nghe những câu chuyện nơi quê nhà, cả chuyện đời, chuyện văn nghệ... Bất chợt Khét nói với tôi: “Anh có nhiều chuyện để viết về quê hương Cà Mau, đặc biệt là dòng Sông Trẹm và thị trấn Thới Bình, sao không viết bài gửi Báo Cà Mau cho vui?”. Vậy là sau cuộc gặp với Khét, tôi viết bài tản văn có tựa: “Sông quê mưa nắng mấy mùa”. Không lâu sau, bài được đăng trên báo Cà Mau cuối tuần số 3689 - thứ Bảy, ngày 26/10/2019.