(CMO) Thời gian qua, tình hình tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ trên địa bàn tỉnh Cà Mau từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Tính riêng trong năm 2022, lực lượng Cảnh sát kinh tế trong toàn tỉnh đã tiến hành điều tra 14 vụ án, 27 bị can, liên quan đến các tội như: “Tham ô tài sản”, “Lập quỹ trái phép”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”...
Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, cùng với sự cố gắng của lực lượng điều tra viên đã từng bước khắc phục được những khó khăn, hạn chế, tạo chuyển biến theo chiều hướng tích cực, không xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, bức cung, nhục hình và các vi phạm khác trong hoạt động tố tụng. Công tác phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan giám định... được chủ động và hiệu quả hơn. Trong các vụ án đấu tranh, phòng chống tham nhũng được dư luận hết sức quan tâm.
Vụ án “Tham ô tài sản” và “Lập quỹ trái phép” xảy ra tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, liên quan đến 5 bị can. Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2018, Phan Quốc Khải và Mạc Huỳnh An lập khống chứng từ để chiếm đoạt tiền từ nguồn kinh phí quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, kinh phí xử phạt vi phạm hành chính và lập quỹ trái phép với số tiền trên 5 tỷ đồng. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tham ô tài sản” và quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Lập quỹ trái phép”.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Phan Quốc Khải (nguyên Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) và Mạc Huỳnh An (nguyên Kế toán Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau). Riêng 03 đối tượng có liên quan là Nguyễn Văn Nuôi (Nhân viên Phòng Tổ chức Hành chính Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau); Nguyễn Hoàng Khanh (nguyên Thủ quỹ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau); Nguyễn Khánh Linh (nguyên Kế toán Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau) bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau thực hiện lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở của Trương Công Long, nguyên Phó giám đốc Ban QLDA Khu đô thị Đông Bắc về hành vi “vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Vụ án “Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau và Ban quản lý dự án Khu đô thị Đông Bắc, liên quan đến 05 bị can và Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế và Trung tâm Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, gồm 03 bị can.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm tham nhũng của lãnh đạo các cấp, nhiều vụ việc đã bị phát hiện và xử lý triệt để, được dư luận và Nhân dân đánh giá cao.
Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau. Bên cạnh, những vụ việc đã phát hiện và tiến hành điều tra, xác minh, nhìn chung việc chủ động phát hiện, xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ hiệu quả chưa cao do những khó khăn, vướng mắc như:
Tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện chủ yếu thông qua tố giác, tin báo hay kiến nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra; công tác nghiệp vụ cơ bản chưa phát huy được hiệu quả, nên tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ được tự phát hiện hầu như rất ít.
Đối tượng phạm tội về kinh tế, tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên, phần lớn là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ học vấn, am hiểu pháp luật, có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực công tác nên khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng thường có sự chuẩn bị chu đáo và sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì tìm mọi cách để tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội. Do đó, công tác xác minh, điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh tội phạm gặp khó khăn nhất định.
Nhân chứng, người cung cấp thông tin, tài liệu thường có tâm lý e dè, sợ ảnh hưởng, nên thiếu tích cực trong việc cung cấp chứng cứ. Tội phạm tham nhũng thường diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả thiệt hại lớn cho xã hội; các đối tượng luôn tìm cách tẩu tán tài sản, gây khó khăn trong công tác thu hồi tài sản. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng phải đạt từ 60% trở lên.
Trong thời gian tới, cùng với chuyển biến tích cực của việc phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau, một số dự án lớn tiếp tục được triển khai; chính sách thu hút đầu tư được thực hiện; kinh tế thị trường tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội cũng là điều kiện, cơ hội để các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Vì vậy, lực lượng Cảnh sát Kinh tế trong tỉnh cần chủ động dự báo tình hình, khắc phục khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý. Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tham mưu Đảng ủy Công an tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền phát huy vai trò, hiệu quả, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Trong đó, làm tốt công tác kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiệp vụ. Chủ động nắm chắc tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Đảng ủy - Ban giám đốc Công an tỉnh các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Thứ ba, tập trung nghiên cứu, phân tích các quy luật, diễn biến hoạt động của tội phạm cũng như đặc điểm địa bàn, đối tượng để đi trước, đón đầu trong phòng, chống tội phạm về lĩnh vực này. Lực lượng làm công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ cần được đào tạo, nghiên cứu kiến thức chuyên sâu đối với từng lĩnh vực cụ thể.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật cho người dân, cán bộ, đảng viên về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ; phát huy vai trò của nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, chức vụ; cán bộ chiến sĩ phải nắm vững tinh thần, nội dung các văn bản, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế; nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực phát hiện đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về tham nhũng.
Thứ năm, tập trung chỉ đạo lực lượng điều tra đẩy nhanh tiến độ xác minh các vụ việc, vụ án liên quan đến tội phạm tham nhũng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhằm răn đe các đối tượng có ý định thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ sáu, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Công an và các ngành có liên quan trong công tác phòng ngừa, đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực kinh tế và tham nhũng, đặc biệt là lực lượng Thanh tra Nhà nước; thường xuyên trao đổi, tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế và tham nhũng.
Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ cấp huyện phát huy vai trò, trách nhiệm nhằm chủ động phát hiện, xử lý đối với loại tội phạm này một cách toàn diện và đồng bộ./.
Hoàng Giang