(CMO) Ngày mai (1/9), học sinh các cấp học toàn tỉnh sẽ chính thức tựu trường và khai giảng năm học mới theo khung thời gian kế hoạch năm học 2020 - 2021 do UBND tỉnh ban hành. Dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, nhưng Sở GD&ĐT Cà Mau và các địa phương đã có phương án, kịch bản cụ thể triển khai nhiệm vụ năm học mới, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới cho học sinh lớp 1.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết, năm học 2020 - 2021, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện 5 giải pháp cơ bản, và 9 nhiệm vụ trọng tâm; đặc biệt, đây là năm học đầu tiên chính thức áp dụng chương trình GDPT mới của Bộ GD&ĐT đối với lớp 1.
- Ông có thể cho biết cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp mà ngành chú trọng triển khai khi thực hiện chương trình GDPT mới, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân: Chương trình GDPT mới cấu trúc gồm 3 phần rất rõ: Một là kiến thức cơ bản; hai là thực hành thí nghiệm; ba là trải nghiệm để hình thành các kỹ năng cần thiết cho học sinh. Do cấu trúc thay đổi nên điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện dạy học cũng phải điều chỉnh và thay đổi, nâng cấp thì mới đáp ứng được.
Trước hết là chuẩn bị về đội ngũ giáo viên. Ngay từ giữa năm học 2018 - 2019, Sở đã chỉ đạo cho các địa phương, các nhà trường sắp xếp chọn giáo viên dạy lớp 1 theo chương trình mới cho năm học 2020 - 2021. Trên cơ sở đó, Sở chọn những giáo viên có kinh nghiệm để tổ chức tập huấn; bắt buộc giáo viên đứng lớp 1 phải qua các lớp tập huấn về mặt chuyên môn.
Với quyết tâm và kỳ vọng, năm học mới 2020-2021 ngành GD&ĐT Cà Mau sẽ giành thắng lợi các mục tiêu đề ra
Về điều kiện cơ sở vật chất, chủ động rà soát lại cơ sở vật chất hiện có, ưu tiên sửa chữa nâng cấp đầu tư mới cho những nơi có điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày theo quy định. Tuy nhiên, điều kiện thực tế hiện nay của Cà Mau chỉ đáp ứng được 60% cơ sở vật chất để tổ chức dạy 2 buổi/ngày; trong đó, chưa tới 7% tổ chức được loại hình bán trú. Cho nên cơ sở vật chất để đáp ứng chương trình mới rất khó khăn, nhất là việc đảm bảo phương tiện dạy học tối thiểu đối với lớp 1. Sở đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh xây dựng kế hoạch trung hạn và ngắn hạn để đầu tư nâng cấp theo hướng chuẩn hoá theo quy định mới.
- Ngoài điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên triển khai áp dụng chương trình GDPT mới, nhiệm vụ trọng tâm sẽ được ngành GD&ĐT triển khai cho năm học mới và giai đoạn tiếp theo cụ thể như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân: Nhiệm vụ năm học mới này là tiếp tục sắp xếp trường lớp học và đội ngũ giáo viên. Mỗi một năm học như vậy thì số lượng giáo viên ở từng cấp học, bậc học và mỗi địa phương có thay đổi, cho nên phải rà soát kịp thời, bố trí đủ giáo viên trên cơ sở phân lớp làm sao cho khoa học, hiệu quả, tránh những lớp quá đông dẫn đến dồn nén, nhưng lại có những lớp thưa thớt chỉ 15-20 em. Sắp xếp trường lớp học và đội ngũ giáo viên là nhiệm vụ, khâu đầu tiên trong việc sắp xếp biên chế ở đầu năm học.
Đối với chuyên môn, năm nay chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch giáo dục năm học. Theo đó, kế hoạch giáo dục nhà trường năm học này có những nét mới: Một năm học rất đặc biệt, năm học toàn ngành tiếp tục tổ chức dạy và học trong điều kiện gắn liền với phòng, chống dịch Covid-19. Cho nên ngày 1/9 sắp tới đây các em tựu trường, sau đó là sẵn sàng khai giảng vào ngày 5/9. Thời gian còn rất ngắn ngủi nên phải chuẩn bị thật chu đáo; đảm bảo mỗi trường một diện mạo mới, sạch sẽ, khang trang, tạo sinh khí cho năm học mới.
Riêng đối với thực hiện chương trình GDPT mới theo định hướng, kế hoạch hoạt động của nhà trường phải có điều chỉnh theo đó, tiệp cận với những yêu cầu mới. Do vậy, đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường phải có tự thân vận động để theo kịp yêu cầu. Mỗi trường phải phấn đấu tạo hình ảnh, tạo thương hiệu, tạo lòng tin cho xã hội. Phải giáo dục thực chất, không hình thức, tập trung cho giáo dục kiến thức, hình thành những kỹ năng cơ bản để các em thích ứng trong điều kiện dịch bệnh, trong điều kiện để đổi mới giáo dục như hiện nay. Đó cũng là mục tiêu cơ bản, theo phương châm “Chủ động - Linh hoạt - Trách nhiệm - Hiệu quả”; thực hiện chủ đề “Thầy mẫu mực sáng tạo, trò chăm ngoan học giỏi” để đạt được kết quả cao nhất ở năm học mới.
- Nhân đây, ông có thể chia sẻ thêm về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của ngành chú trọng thực hiện trong năm học mới và những năm tiếp theo?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân: Việc xây dựng trường học nói chung và trường đạt chuẩn nói riêng toàn ngành đã qua thực hiện chủ trương ưu tiên số một nguồn lực sửa chữa cho các trường xuống cấp hư hỏng. Kế đến là xây dựng trường đạt chuẩn gắn liền với cái chương trình xây dựng nông thôn mới, không đầu tư dàn trải. Song song đó là xoá điểm lẻ, tập trung đầu tư cho điểm chính. Từ những cơ sở đó, việc đầu tư hướng đến mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn theo tiêu chí mới.
Ngành giáo dục Cà Mau sẵn sàng cho năm học mới
Ngành GD&ĐT đang tham mưu cho UBND tỉnh 3 đề án lớn. Một là đề án sắp xếp trường lớp học và đội ngũ giáo viên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Từ đề án này tiếp tục tham mưu đề án thứ 2, đó là đề án về đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị đồ dùng dạy học đồ chơi trẻ em. Đề án 3 là đề án về sửa chữa, xây mới mà trọng tâm là sửa chữa, nâng cấp những trường hiện có theo chỉ dẫn địa lý là đề án thứ nhất sắp xếp trường lớp học. Có các đề án thì dồn sức tập trung nguồn lực theo phân kỳ đầu tư ngắn hạn, trung hạn, dài hạn đến năm 2030 một cách cụ thể.
- Năm học mới 2020 - 2021 đang cận kề, như vậy đối với công tác huy động học sinh đến trường đầu năm học, đặc biệt là đối với những trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được ngành định hướng chỉ đạo cũng như có công tác hỗ trợ cụ thể ra sao, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân: Có thể nói chuẩn bị năm học mới ngoài trọng tâm là thực hiện chương trình GDPT mới, cái khó nhất của ngành là trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid - 19. Đã qua, có một bộ phận gia đình của các em học sinh gặp khó về mặt kinh tế, đời sống, từ đó ảnh hưởng đến việc học hành của các em, nhất là gánh nặng về chi phí học tập. Do đó, ngành chỉ đạo phòng giáo dục và các địa phương nắm bắt tình hình từng em, phân loại em nào có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ hoặc đề xuất giúp đỡ kịp thời.
Phương châm là em nào cũng phải được đến trường trong độ tuổi, không em nào bỏ học vì điều kiện quá khó khăn. Nhà trường phải có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương và phụ huynh tạo mọi nguồn lực, các kênh thông tin, không để bị động trong trường hợp bất ngờ tới ngày tựu trường các em bỏ học không rõ lý do hoặc là không liên lạc được. Sau ngày tựu trường 1/9, các trường làm các thủ tục biên chế lớp cho năm học mới phải sắp xếp, đảm bảo nắm bắt đầy đủ tình hình để ngày khai giảng náo nức, ấm áp, tạo sinh khí phấn khởi, vui tươi cho năm học mới với niềm tin thắng lợi./.
Xin cảm ơn ông!
Băng Thanh thực hiện