ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 16:44:54
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cà Mau với những bứt phá ngoạn mục từ sau ngày giải phóng

Báo Cà Mau (CMO) Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc giai đoạn lịch sử 117 năm đất nước ta bị ngoại bang xâm chiếm. Hàng triệu người như ngỡ ngàng trước thắng lợi vĩ đại của ngày 30/4/1975. Vui sướng, tự hào như tung vỡ những lồng ngực ao ước hoà bình. Có hạnh phúc nào bằng khi đất nước được độc lập, tự do.

Từ ấy đến nay, biết bao sự kiện lịch sử oai hùng diễn ra nơi mũi con tàu Tổ quốc, làm bừng sáng ý chí kiên cường của những con người một thời xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Vượt qua muôn ngàn chông gai, những khúc ca hùng tráng của cuộc chiến đấu mới cứ thúc giục mọi người xông tới. 

TP. Cà Mau 42 năm sau giải phóng.

Ngân vang khúc hát khải hoàn

Sau khi tiếp quản trọn vẹn vùng đất, vùng trời, vùng biển quê hương, tháng 6/1975, Tỉnh uỷ Cà Mau triển khai chủ trương vận động đồng bào trở về ruộng vườn cũ, khôi phục sản xuất, xây dựng xóm làng bị chiến tranh tàn phá. Hàng vạn người cùng nhau san lấp hố bom, phá huỷ, tháo gở bom, mìn tiếp tục sản xuất, xây dựng cuộc sống. Mọi người cùng phát dọn vườn tược, xây dựng nhà cửa, bồi lộ, bắc cầu. 

Cuối tháng 8/1975, Ban Chấp hành Trung ương Khóa III hội nghị lần thứ 24, thông qua Nghị quyết “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Cụ thể hóa Nghị quyết Bộ Chính trị về việc giải thể cấp khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam, ngày 1/1/1976, hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu hợp nhất thành tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu và  ngày 10/3/1976 đổi tên thành tỉnh Minh Hải. 

Ngày 25/4/1976, Nhân dân trong tỉnh đi bầu Quốc hội chung cả nước. “Mỗi lá phiếu là một viên gạch xây dựng nền cộng hòa”, niềm vui như rạo rực trong tim bao lớp người từng ngập tràn khát vọng về một tương lai huy hoàng. 

Tuy nhiên, tình hình khan hiếm lương thực thời điểm này diễn ra gay gắt. Đáp ứng kịp thời nhu cầu bức bách của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước trở thành nhiệm vụ khẩn cấp của Đảng bộ và quân dân Minh Hải. Nhớ câu “nhiễu điều phủ lấy giá gương”, đồng bào miền Bắc một thời thực hiện khẩu hiệu “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, bây giờ nhiều nơi bà con miền Bắc còn thiếu đói, sản lượng lúa của tỉnh Minh Hải vụ mùa 1975-1976 là 263.000 tấn, sự san sẻ chén cơm, manh áo trong lúc này trở thành nghĩa vụ thiêng liêng hơn bao giờ hết. “Đo bồ” là biện pháp hạ sách nhất trong việc thu mua lương thực, nhưng người Minh Hải vẫn bậm môi thực hiện vì lợi ích chung. (Cán bộ phát động nhân dân kê khai số lúa đựng trong bồ ở nhà mình bằng cách đo thể tích của bồ để tính lượng lúa, sau đó bán cho nhà nước số lúa dư ăn với giá rẻ để chuyển về các tỉnh đang thiếu đói).

Tập trung sản xuất nông nghiệp, vượt qua “cửa ải” lương thực trở thành lời kêu gọi bức bách của những ngày sau giải phóng. “Tiếng hát người đi khai hoang” như trỗi lên điệp khúc mới. Những thước phim ghi lại hình ảnh hàng ngàn người đào kinh thủy lợi, đắp đập, phá rừng, trồng lúa… mới hùng vĩ làm sao. Dù chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng Minh Hải có 115.000 ha sản xuất nông nghiệp, sản lượng trên 250.000 tấn. 

Tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển còn phá rừng tạp, rừng chồi, hoặc rừng bị chất độc hóa học tàn phá để trồng rẫy và làm ruộng. Một số nơi làm thí điểm lúa hè thu đạt kết quả tốt như Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Thới Bình, thị xã Cà Mau.

Ngày 21/3/1977, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Minh Hải lần thứ V, nhiệm kỳ 1977-1980. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo tập trung đẩy mạnh sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật hợp lý theo từng vùng quy hoạch, làm cho năng suất lúa tăng đáng kể.

Khí thế ra quân làm thuỷ lợi, thủy nông nội đồng lại rộn rịp. Chỉ bằng thủ công, hàng trăm cây số kinh, mương được nạo vét để tháo úng, xổ phèn. Phong trào kê đất lên liếp để trồng lúa diễn ra khắp nơi. Tổng diện tích gieo trồng nông nghiệp 1977-1978 là 262.420 ha. Trong đó khai hoang, phục hoá gần 19.000 ha, thu hoạch 740.000 tấn lương thực. 

Phong trào tăng vụ, chuyển vụ phát triển mạnh. Đến năm 1979, toàn tỉnh có hàng nghìn tập đoàn sản xuất với hơn 25.000 ha đất. “Những con số biết nói” này đã khắc họa vào trang sử nông nghiệp Minh Hải những đường nét đáng tự hào. 

Một sự kiện đặc biệt ở thời điểm này là Minh Hải tiếp nhận hơn 25.000 lao động từ các địa phương đến lập nghiệp, trong đó có hơn 10.000 hộ dân từ tỉnh Hà-Nam-Ninh kết nghĩa đến khai hoang. Đến năm 1980, Minh Hải thực hiện cơ bản việc trang trải đất đai, hướng dẫn Nhân dân làm ăn tập đoàn, tập thể; đã huy động 667.000 tấn lúa, 40.000 tấn heo, được Quốc hội và Chính phủ khen tặng nhiều huân chương, cờ luân lưu, bằng khen...

Từ sáng kiến của xã Hàm Rồng, Đất Mới, Viên An, phong trào lên vuông nuôi tôm trong tỉnh phát triển chưa từng có. Đồng bào khu vực rừng đước chuyển đổi đất rẫy và đất rừng chưa tái sinh để nuôi tôm cho năng suất cao. Năm 1979, diện tích nuôi tôm của Ngọc Hiển chỉ khoảng 2.000 ha, đến năm 1984, tăng lên 20.000 ha. 

Nghề khai thác biển của tỉnh khôi phục rất nhanh. Bà con ngư dân sửa lại ghe tàu, ngư cụ, hăng hái ra khơi. Dấu ấn mạnh mẽ nhất thời điểm này là UBND tỉnh quyết định thành lập Công ty Liên hiệp Xuất nhập khẩu thủy sản Minh Hải liên doanh, liên kết với Bộ Thủy sản và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là mô hình thử nghiệm về mở rộng các thành phần kinh tế, vận dụng sức mạnh toàn xã hội; đầu tư chiều sâu cho ngư dân, nâng cao hiệu suất sử dụng phương tiện và thiết bị hiện có; phát triển đồng bộ cả thu mua, bảo quản, chế biến, hậu cần, dịch vụ kỹ thuật.

Cuối năm 1976, tỉnh Minh Hải đã đầu tư, xây dựng các nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Người ta gọi Minh Hải là “mỏ tôm”, vì trữ lượng chiếm đến 1/6 của cả nước. Điều đáng ghi nhận, từ 1983 trở về trước, huyện Ngọc Hiển thu thuế thủy sản lúc cao nhất chỉ có 500 ngàn đồng/năm, sau khi công ty liên doanh ra đời, Ngọc Hiển thu đến 850 triệu đồng/năm, tăng gấp 1.700 lần. Đó là bước nhảy vọt mang tính đột phá, đánh dấu sự phát triển nổi bật của thế mạnh thủy sản Minh Hải sau ngày giải phóng.

Cùng với phát triển nông nghiệp và thuỷ sản, lâm nghiệp Minh Hải có vị trí vô cùng quan trọng. Trong chiến tranh, 70% diện tích rừng đước, rừng tràm bị chất độc hóa học của Mỹ hủy diệt. Từ năm 1978-1983, rừng U Minh bị giặc lửa thiêu rụi hàng ngàn ha. Đoàn thanh niên của tỉnh phát động phong trào “lợp lại màu xanh cho rừng”, huy động thanh niên tập trung khôi phục diện tích đất rừng. 

Cho đến bây giờ, hình ảnh tuổi trẻ Minh Hải vẫn không phai mờ trong tâm trí bà con xứ rừng. Những bàn tay dạn dày đã làm nên bao điều kỳ diệu. Đến năm 1985, toàn tỉnh đã trồng lại hơn 100.000 ha rừng và hơn 20 triệu cây phân tán. Ngành lâm nghiệp đã khai thác, chế biến 25.000 m3 gỗ, 5.000 ster củi, 10.000 tấn than và xuất khẩu 14.000 tấn gỗ đước. Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chủ trương hợp đồng khai thác gỗ miền Đông để trao đổi hàng hai chiều với nông dân, hoàn thành các chỉ tiêu huy động lương thực, cung ứng cho cả nước.

Điều kỳ diệu đối với việc quản lý và bảo vệ rừng, khi Lâm ngư trường Sông Trẹm trở thành điển hình tiên tiến và được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động. Từ mô hình Lâm ngư trường Sông Trẹm, Bộ Lâm nghiệp chủ trương bảo vệ rừng phải gắn chặt với quyền lợi để Nhân dân sống nghề rừng có thu nhập và sản xuất nhiều lâm sản. 

Chủ trương “giao đất, giao rừng cho dân” của Trung ương ra đời từ đó. Không thể không khẳng định, rừng tồn tại và phát triển cho đến hôm nay xuất phát từ mô hình độc đáo này. 

Trong chiến tranh, Cà Mau bị tàn phá nặng nề, hầu hết cầu lộ đều bị hủy hoại. Xây dựng giao thông nông thôn trở thành nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong việc phát triển hạ tầng. Làm lộ kết hợp thuỷ lợi đã trở thành nền tảng cơ bản trong việc phát triển sản xuất gắn chặt với xây dựng đời sống, bảo đảm vận chuyển trên 2 triệu tấn hàng và 18 triệu lượt hành khách mỗi năm. 

Phong trào xây dựng lộ nông thôn phát triển chưa từng thấy. UBND tỉnh cho nhập xe “cúp’’, tặng thưởng các địa phương tiêu biểu nhất. Cuối năm 1979, Quốc lộ 1 đoạn Cà Mau - Năm Căn được thông xe. Những năm sau đó tiếp tục khôi phục và xây dựng mới nhiều tuyến đường từ thị xã tỉnh lỵ về trung tâm các huyện. Tỉnh ủy chủ trương đổi nông sản thực phẩm với thành phố Hồ Chí Minh, lấy vật tư xây dựng cầu Gành Hào, Tắc Thủ. Các bến xe, bến tàu lần lượt được nâng cấp. Phương tiện vận tải thủy - bộ được khuyến khích phát triển. 

Đảng bộ Minh Hải coi trọng phát triển thương nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Công nghiệp gắn với nông, ngư, lâm nghiệp thành cơ cấu kinh tế phục vụ phát triển theo hướng sản xuất lớn.

Mặc dù cơ sở vật chất - kỹ thuật còn rất thô sơ, nhưng UBND tỉnh chỉ đạo thành lập Xí nghiệp Cơ khí tổng hợp sản xuất và sửa chữa các loại máy nông nghiệp. Trong tỉnh có 44 xí nghiệp quốc doanh với hơn 1.600 công nhân, gần 4.000 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Tập trung mọi năng lực chế biến xuất khẩu, thu nhiều ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu trang thiết bị ngày càng cao của cuộc sống. 

Nhu cầu về điện trong lúc này hết sức bức xúc. Đến năm 1980, tỉnh đã lắp đặt 2 tổ máy phát điện GM2 100 tại Bạc Liêu và xây dựng gần 30.000 km đường dây điện. Xây dựng nhà máy điện diesel tại Giá Rai, nối mạng từ Cà Mau lên Bạc Liêu. Các thị trấn, thị tứ trong tỉnh đều được trang bị máy phát điện diesel có công suất từ 70 đến 150 kW. “Điện phải đi trước một bước’’ là nhận thức của Đảng bộ, là công việc được xem là vô cùng khẩn trương trước đòi hỏi bức bách của Nhân dân. 

Ngay sau ngày miền Nam giải phóng, Ban Bí thư đã ra chỉ thị về công tác giáo dục. Tại Cà Mau, hầu hết các thầy, cô giáo trước đây đều được tuyển chọn tiếp tục giảng dạy. Ngành giáo dục mở nhiều lớp sư phạm cấp tốc, hình thành đội ngũ giáo viên cho các vùng nông thôn. Mặc dù chỉ với cây lá địa phương nhưng hầu hết xóm ấp trong tỉnh đều có trường tiểu học, thu hút học sinh trong độ tuổi đến trường.
Nhà nước có chủ trương cấp học bổng cho những học sinh là chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân viên nhà nước và con em liệt sĩ, gặp nhiều khó khăn.

Cuối năm 1976, Minh Hải có 663 trường, trong đó có 647 trường tiểu học, 14 trường trung học cơ sở, 2 trường trung học phổ thông với hơn 2.200 lớp, tổng số 86.500 học sinh và gần 2.300 giáo viên. Trường Ninh Bình tiếp tục được duy trì và mở thêm các trường nội trú khác. 

Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành Văn hóa - Thông tin có nhiều cố gắng bám sát và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị cuả địa phương. Các đoàn nghệ thuật của tỉnh liên tục phục vụ hàng triệu đồng bào. Các rạp và các đội chiếu phim, đặc biệt là các đội thông tin lưu động đến các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến phục vụ đồng bào. 

Phong trào thể dục thể thao được đẩy mạnh. Tỉnh đầu tư xây dựng sân vận động rất sớm. Các môn điền kinh, bóng đá phát triển rộng rãi. Ý thức “khoẻ để xây dựng đất nước’’ ngày càng phổ cập đến các cơ quan, đơn vị, trường học. Các hình thức hoạt động vui chơi, giải trí ngày càng phong phú và đa dạng. 

Các phong trào văn nghệ quần chúng thu hút hằng vạn người, đại đa số là thanh, thiếu niên, nhi đồng. Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, Nhà in Trần Ngọc Hy in ấn và phát hành hơn 130.000 tài liệu, sách vở và hơn 56.000 trang tập san văn nghệ. Thư viện Minh Hải tuy còn phôi thai nhưng thu hút nhiều độc giả bởi phong cách phục vụ. 

Việc tổ chức đưa sách báo về các huyện, xã, góp phần đem ánh sáng văn hóa đến các vùng căn cứ kháng chiến, vùng sâu, vùng xa. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Mặt trận Tổ quốc cùng các ban, ngành, đoàn thể, tập trung tuyên truyền giáo dục nếp sống văn minh, xây dựng con người mới có tri thức, bản lĩnh, làm chủ quê hương, đất nước.

Đến cuối năm 1976, tỉnh Minh Hải xác nhận toàn tỉnh có trên 40.800 gia đình thương binh, liệt sĩ; đã quy tập hài cốt vào 22 nghĩa trang, với hơn 19.400 ngôi mộ. Chính sách hậu phương quân đội thời điểm này tuy chưa thật hoàn chỉnh nhưng các địa phương trong tỉnh đã tiến hành các thủ tục để công nhận gia đình thương binh, liệt sĩ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. 

Hoạt động y tế, hộ sinh trong tỉnh ngay sau giải phóng được quan tâm đặc biệt. Năm 1985, số giường bệnh tăng gần 2 lần so năm 1976. Nhiều cán bộ y, bác sĩ, y tá, hộ sinh được đào tạo, nhất là cấp huyện và cơ sở. Chất lượng điều trị tăng hơn trước, tỉ lệ tử vong hạ thấp. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo gấp rút hoàn thành việc sửa chửa và nâng cấp Bệnh viện Cà Mau, Bệnh viện Bạc Liêu, xây dựng bệnh viện cấp huyện và các trạm y tế xã. Tình trạng thiếu thầy, thiếu thuốc, các loại dịch bệnh phát triển gây lo âu đối với Nhân dân. 

Cùng với việc đào tạo cấp tốc số lượng y, bác sĩ và đội ngũ nhân viên y tế, tỉnh thành lập các đội cứu thương, cấp cứu, phẫu thuật lưu động. Công tác phòng bệnh được tiến hành. Việc tiêm chủng phòng dịch; vệ sinh môi trường và phòng chống các dịch bệnh có hiệu quả, nhất là sốt rét và sốt xuất huyết. Công tác chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em chuyển biến tích cực. Cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh.

Trong khi nhân dân ta ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và ổn định đời sống, lực lượng vũ trang của ta phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bởi các thế lực thù địch tìm mọi cách phá hoại, hòng lật đổ chế độ. Tháng 5/1975, Pôn Pôt - IêngXari, đưa quân tiến công Phú Quốc, Thổ Chu và xâm phạm dọc dài biên giới Tây - Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Chúng tàn sát nhân dân Campuchia và Việt kiều vô cùng man rợ. 

Cuối năm 1978, Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia kêu gọi quân tình nguyện Việt Nam sang giúp đỡ, tiêu diệt bọn diệt chủng. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Minh Hải cử nhiều cán bộ và lực lượng vũ trang lên biên giới Tây - Nam chiến đấu chống quân thù. Ban Khmer vận Minh Hải phát động nhân dân Khmer tham gia lực lượng vũ trang giúp bạn, chiến đấu chống địch. 

Ta đã giúp bạn đưa hơn 2.000 dân Campuchia ly tán trở lại ruộng vườn, thành lập chính quyền mới ở 123 phum, 32 xã trong 5 huyện thuộc tỉnh Kôkông kết nghĩa và chi viện hàng vạn tấn gạo, thuốc men, xây dựng bệnh viện, trạm xá, trường học, giúp bạn trồng lúa, hoa màu giải quyết khó khăn. 

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc mở cuộc tiến công quân sự trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố lệnh tổng động viên trong cả nước. Hơn 7.200 thanh niên Minh Hải tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc. 

Dù phải đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách, nhất là khi đất nước vừa hòa bình, độc lập lại phải tiếp tục chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Vậy mà quân dân Minh Hải đã lập nên những chiến công có lẽ muôn vạn đời sau khi nhắc đến, mọi người không thể không tự hỏi: Làm sao vượt qua được như vậy? 

Năm 1981, Công an huyện Trần Văn Thời phát hiện tổ chức phản động, đột nhập vào vùng biển Tây - Nam mang tên “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam”, do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu. Bộ Công an chỉ đạo thành lập chuyên án mang tên CM12. 

Sau 3 năm thực hiện chuyên án, ta đã bắt 189 tên, thu 300 tấn vũ khí, hàng chục tấn tiền giả, nhiều đồ dùng quân sự. Kết quả của CM12, làm cho bọn phản động quốc tế và trong nước chua cay, mất hẳn lực lượng và chỗ dựa để phá hoại, lật đổ chính quyền cách mạng, tạo sự ổn định lâu dài đối với cả nước. 

Dù trải qua biết bao gian truân, thử thách ngay sau khi khúc khải hoàn ca trỗi nhịp, hằng triệu người nơi Mũi con tàu Tổ quốc luôn luôn tìm mọi cách bức phá để vươn tới. Vết thương chiến tranh chưa kịp lành, lại phải tiến hành cuộc chiến tranh mới; cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ ấm lại phải tập trung cho phía trước tất cả những gì chắt chiu, dành dụm được. Các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ dã tâm thôn tính, vẫn đeo bám ý đồ lật đổ chính quyền được xây dựng bằng biết bao xương máu… Nhưng tất cả những gì đã đạt được từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến quốc phòng, an ninh càng khẳng định bản lĩnh kiên cường của những con người không bao giờ biết cúi đầu trước phong ba, bão tố. Họ đã tiếp tục “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

Vùng đất quật khởi mãi mãi chan chứa ân tình, mãi mãi trọn vẹn và son sắc thủy chung; mãi mãi xứng đáng với truyền thống oanh liệt của cha ông, mãi mãi xứng đáng với quá khứ kiêu hùng của dân tộc.

Đổi mới và hội nhập 

Sau 10 năm giải phóng, do hậu quả cơ chế tập trung quan liêu bao cấp đã gây nhiều khó khăn trong đời sống. Dù kinh tế - xã hội đang khủng hoảng nhưng các nhân tố mới mang tính đột phá xuất hiện ngày càng nhiều. Trung ương Đảng khẳng định, đó chính là đòi hỏi gay gắt của xu thế đổi mới, là cơ sở thực tiễn để Đảng tiến hành công cuộc đổi mới trên cả nước.

Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ tỉnh Minh Hải trên tinh thần tôn trọng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật đã đánh giá khách quan những thành tựu và nhận rõ những sai lầm, khuyết điểm trong lĩnh vực cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển sản xuất, lưu thông phân phối, đời sống xã hội; trong nông nghiệp, thuỷ sản, lâm nghiệp; trong đời sống văn hoá, giáo dục, y tế và an ninh, quốc phòng; đồng thời nêu nhiệm vụ, mục tiêu, biện pháp quá trình đổi mới. 

Đổi mới ở Minh Hải cụ thể là gì? Trong những năm 1986-1996, Đảng bộ và nhân dân Minh Hải xác định “sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” nên tập trung phát triển toàn diện, hình thành các vùng trọng điểm, chuyên môn hóa, sản xuất cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên từng địa phương.

Thuỷ lợi được đầu tư đồng bộ, bảo đảm cho tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn giữ ngọt. Hàng trăm km kinh mương được nạo vét bằng thủ công để đưa trên 260.000 ha đất trồng lúa theo quy hoạch, trong đó có 200.000 ha thâm canh tăng vụ. Nhà nước cung ứng vật tư và đảm trách các công trình thuỷ lợi lớn, phấn đấu hình thành 2 vụ lúa và vùng lúa cao sản. Nhiều khu vực đất phèn, mặn được cải tạo để mở rộng diện tích nông nghiệp. 

Tỉnh ủy chủ trương mở rộng diện tích khai hoang, phục hoá. Những huyện có đất hoang hóa từ 5.000 ha trở lên được thành lập Ban khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Khai hoang kết hợp với phân bố lại lao động dân cư tại địa phương, cũng như dân ở nơi khác đến. 

Các “cánh đồng chó ngáp” trước là hoang địa, âm u nay  đồng loạt thức dậy. Các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Thới Bình và thị xã Cà Mau, thị xã Bạc Liêu hình thành những vùng lúa cao sản. Mỗi vùng lúa đều có giải pháp kỹ thuật và tăng hệ số sử dụng ruộng đất lên 1,3 lần. Áp dụng giống lúa mới, tăng cường vụ đông-xuân và hè-thu là những giải pháp quan trọng làm cho sản lượng lương thực của tỉnh tăng lên không ngừng. 

Cày ải, sạ khô là biện pháp kỹ thuật được áp dụng tại các vùng lúa cao sản, từng bước thay thế cho kê đất xổ phèn. Diện tích đất cày ải tăng lên 60% trên tổng diện tích canh tác. UBND tỉnh quyết định thành lập Xí nghiệp cơ khí nông nghiệp tại Bạc Liêu, vận động Nhân dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ, tổ chức sản xuất phân tổng hợp; tổ chức mạng lưới kỹ thuật về giống, bảo vệ thực vật; xây dựng các trại giống của tỉnh và khu vực, chủ động đưa giống năng suất cao đến tay nông dân. 

Phát triển trồng màu, luân canh trên đất lúa, thâm canh trên đất chuyên canh và đất vườn. Mỗi hộ dân đều có vườn cây, ao cá, chuồng trại chăn nuôi gắn với các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp. Bà con nông dân phá bỏ vườn tạp không hiệu quả để trồng các loại cây ăn trái hoặc hoa màu có giá trị thương phẩm cao. Áp dụng kỹ thuật mới trong phát triển đàn heo, lai tạo giống và sản xuất thức ăn, thú y, xoá dần tập quán cũ trong chăn nuôi. 

Người nông dân được “cởi trói”, mọi người tự quyết định khi đứng trên mảnh đất của mình. Họ tự hạch toán, tự chịu trách nhiệm, tự thực hiện lưu thông hàng hóa theo quy luật thị trường. Sản lượng lúa không chỉ đảm bảo cân đối nhu cầu an ninh lương thực trong tỉnh mà còn có dư để bán cho một số tỉnh, thành và phục vụ xuất khẩu. Thực hiện chủ trương mở cửa, đời sống Nhân dân phát triển rõ nét. Đường lối kinh tế kế hoạch hoá của thời bao cấp dần dần nhường bước cho kinh tế thị trường theo quan hệ cung - cầu và quy luật giá trị.   

Thủy sản Minh Hải sau ngày giải phóng nổi trội hơn cả là con tôm, khi giá trị xuất khẩu của nó ngày càng tăng. Công ty Liên doanh Thuỷ sản Năm Căn, Gành Hào, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm và Công ty Dịch vụ khai thác Hòn Khoai tiếp tục phát huy thế mạnh. Lãnh đạo tỉnh chủ trương phối hợp với Nhật Bản khảo sát, thăm dò địa chất và lập một số dự án đầu tư khai thác thủy, hải sản khu vực Tây Nam Cà Mau. 
Năm 1979, huyện Ngọc Hiển chỉ có vài nghìn ha đất nuôi tôm, 6 năm sau (1984) đã tăng lên 20.000 ha và 4 năm tiếp theo (1988) tăng lên 26.000 ha, năng suất tôm nuôi tăng lên không ngừng. 

Kim ngạch xuất khẩu 5 năm (2001-2004) của Cà Mau đạt gần 2 tỷ USD, tăng bình quân hằng năm 17,7%. Đến năm 2005, toàn tỉnh có 24 nhà máy chế biến thủy sản, công suất hơn 100.000 tấn/năm. Thủy sản của Cà Mau xuất khẩu sang 40 nước và quan hệ thường xuyên với hơn 100 khách hàng. Việc cho ra đời các loại con giống như tôm, cua, nghêu, hàu, cá kèo trong những năm gần đây có thể khẳng định Cà Mau là “vương quốc” đầy tiềm năng về thủy hải sản.

Lâm nghiệp là một trong 3 thế mạnh của tỉnh. Trong 5 năm (1986-1990), Cà Mau tiếp tục thực hiện phong trào “phủ lại màu xanh cho rừng”, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lâm nghiệp huy động hằng ngàn lượt lao động liên tục trồng rừng cả khu vực rừng tràm U Minh và rừng đước Năm Căn. Bộ Lâm nghiệp tiếp tục chủ trương bảo vệ rừng phải gắn chặt với quyền lợi và tạo mọi điều kiện để nhân dân có thu nhập từ rừng. Tách dân ra khỏi rừng là đi ngược lại truyền thống lâu đời của dân tộc ta từ thời khai hoang, mở cõi. Đó là thông điệp từ rừng tràm U Minh đã gởi đến những địa phương có rừng trong cả nước.

Năm 2002, UBND tỉnh ra quyết định về “Đổi mới tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp” tạo điều kiện cho các địa phương có rừng và các lâm - ngư trường giao đất, giao rừng cho Nhân dân, gắn với trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng.

Đến năm 2005, tổng diện tích trồng mới và tập trung là 20.000 ha, dịên tích đất có rừng toàn tỉnh lên 100.000 ha. Tỉ lệ che phủ 19,3%. Tỉnh tiến hành sắp xếp các lâm - ngư - trường quốc doanh theo hướng kinh doanh mới.

Từ xưa, giao thông thủy chiếm ưu thế tuyệt đối, bởi hệ thống sông ngòi ở Cà Mau chằng chịt. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo phát triển các đội tàu quốc doanh và cho phép tư nhân tham gia đưa rước khách các tuyến đường. Cà Mau sáng kiến làm tàu tốc hành và được nhân rộng, đồng thời phát triển các loại phương tiện vận tải khác, nhịp điệu giao thông khắp vùng sông nước Cà Mau sôi động chưa từng có. 
Dấu ấn sâu đậm nhất thời kỳ này là phong trào xây dựng lộ nông thôn. Thực hiện khẩu hiệu “ấp liền ấp, xã liền xã”, khắp nơi trong tỉnh thi đua, quyết chấm dứt tình trạng chia cắt do hoàn cảnh địa lý tự nhiên. 

Năm 1995 có 50% xã và thị trấn nông thôn Cà Mau có điện, đến năm 2000, điện lưới quốc gia đã về đến xã Đất Mũi. Dự án Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một trong ba dự án kinh tế lớn giai đoạn 2000-2005 của Việt Nam  do Trung ương đầu tư. Ngày 2/5/2007, dòng khí đầu tiên từ mỏ PM3 được đưa tới xã Khánh An, huyện U Minh để cung cấp cho Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau.

Ngành giáo dục - đào tạo được đầu tư nâng cấp hạ tầng, thực hiện cải cách và đổi mới công tác quản lý giáo dục. Hệ thống trường lớp, các ngành học, cấp học đi vào nề nếp. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Công tác xã hội hóa giáo dục có hiệu quả. Hội Khuyến học tỉnh Cà Mau ra đời góp phần tích cực cho phong trào giáo dục, thực hiện xây dựng gia đình, dòng họ, xã hội học tập và học tập suốt đời; kêu gọi đồng bào và các cấp, các ngành xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài cho học sinh nghèo hiếu học.

Ngành Y tế Cà Mau đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung xây dựng và củng cố hệ thống y tế trong toàn tỉnh, đặc biệt là tuyến cơ sở. 

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao càng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Một số loại hình văn hóa dân gian được khôi phục. Phong trào đờn ca tài tử càng sôi nổi. Nhiều tác phẩm và công trình văn hóa, văn nghệ ra đời có tác dụng xây dựng nếp sống mới, góp phần đấu tranh ngăn chặn các loại sản phẩm độc hại và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Khi Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, sức sống của văn hoá truyền thống Cà Mau càng bùng lên trong dòng chảy hội nhập.

Đầu năm 1997, Đảng bộ và quân dân trong tỉnh hết sức vui mừng khi Quốc hội khoá IX quyết định tái lập tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, chưa tròn một năm, bão Linda, cơn bão thảm khốc nhất đã gây đau thương, tang tóc cho hàng chục vạn gia đình: 128 người chết, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích, 84.000 ngôi nhà bị sập, nhiều trường học, trạm y tế và 67.000 ha rừng bị thiệt hại, 355 tàu đánh cá bị chìm. UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão, huy động toàn lực cứu hộ, cứu nạn. Sau đó, Trung ương quyết định đầu tư hơn 400 tỷ đồng để khôi phục, phát triển đoàn tàu khai thác biển, nhất là tàu có công suất lớn bảo đảm đánh bắt xa bờ. 

Trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đã bố trí lại thế trận quốc phòng toàn dân, thực hiện nhiệm vụ hậu phương quân đội, nghĩa vụ quân sự; phục vụ và tham gia chiến đấu ở phía Bắc và Tây Nam. Cùng với việc bảo đảm an ninh nội địa, ta còn phá tan các tổ chức nhen nhóm phản động, phá hoại và triệt hạ những toán xâm nhập có vũ trang giành thắng lợi. Tháng 1/1989, toàn bộ lực lượng vũ trang của tỉnh cùng quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Campuchia, rút quân về nước. 

Những năm gần đây, vấn đề “biển đảo quê hương” thu hút sự quan tâm không nhỏ của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh. Đây là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong tim mọi người đều nghe “Tổ quốc gọi tên mình!” Là người Việt Nam, không ai có thể quên lời thơ Nam quốc Sơn hà của Lý Thường Kiệt, những lời thơ từng khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của non nước Việt Nam.

Không bao lâu nữa, ngày 30/4, ngày đánh dấu mốc son lịch sử vĩ đại của dân tộc sẽ đến. 1975 - 2019: 44 năm, không phải chỉ có hòa bình, xây dựng; 44 năm không phải chỉ đổ mồ hôi mà còn đổ cả xương máu. Suốt chặng đường xây dựng và phát triển nhiều khó khăn, thách thức, người Cà Mau luôn luôn bức phá để làm cho quê hương giàu đẹp, cho xứ sở bình yên, cho muôn người trọn vẹn niềm vui.

Trường Sơn Đông

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.