ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 21-11-24 21:35:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Cái nôi Kinh Cũ

Báo Cà Mau (CMO) Ngày tôi thoát ly, anh Ba Nhân rước tôi về cơ quan đóng tại nhà chú Út Ngôn ở Kinh Cũ. Buổi đầu mới lạ, tôi thoáng đăm chiêu, anh Ba Nhân có việc ra đoạn kinh ngoài đều gọi tôi xuống xuồng ngồi, anh chở tôi theo. Trước khi học Trường Bổ túc Văn hoá Sư phạm huyện và được rút về đây, tôi công tác thông tin Ấp 1, xã Trần Hợi, được đi dự cuộc họp thông tin viên do Ban Tuyên huấn huyện tổ chức, điểm tại nhà anh Tư Mẫn, kinh Trảng Cò. Một chiều mùa khô 1967, tôi lội bộ từ kinh Sáu Thước qua tới nhà anh Tư Mẫn, được biết chú Tám Thắng và anh Ba Nhân, chủ trì cuộc họp. Chỉ cái việc cầm loa thiếc đọc tin chiến thắng hằng đêm cũng được biểu dương. Quách Bình ở ấp Kinh Cũ là thông tin viên xuất sắc, được anh Ba Nhân trao tặng quyển tập. Thông tin viên trung bình như tôi thì nhận tài liệu tuyên truyền.

Khi anh Ba Nhân đi học, chỉ còn Bảy Bá và tôi ở tại văn phòng. Sau này nhắc lại, Bá nhằn tôi hồi ấy làm biếng đi cải hoạt, giăng lưới, đặt lờ. Xa nhà, tôi chỉ bộ đồ dính da. Một hôm sau tắm, Bá đưa tôi mượn cái quần đùi. Không ngờ Bá bị lác đồng tiền 2 bắp vế dính vào quần lây sang tôi.

Minh hoạ: Hoàng Vũ.

Khi tôi bị lác như Bá thì Bá không còn giấu nữa. Mỗi chiều sau tắm, Bá lấy lông gà chấm thuốc “Tiểu dược tinh” xức vào những đốm lác, đau, nóng, rát, Bá vừa chàng hảng, vừa nhảy lửng tửng ở góc nhà. Chao ôi, tôi bị lác đồng tiền, lúc ngủ say ban đêm mẩn ngứa lan tới vành lỗ tai. Sau Tết Mậu Thân 1968, anh Hai Giang phát hiện, liền chỉ bảo:

- Lác quá với rồi. Kiếm hột bần vãi xuống diệt lác đi!

Thời chiến không ai không nghe câu này: Mười thằng lính, chín thằng lác, một thằng ghẻ ngứa… Đến sau ngày giải phóng 30/4/1975, loại thuốc mỡ “D.E.P” giúp tôi trừ dứt hẳn lác đồng tiền bám vào da mình.

Bá về Văn phòng Ban Tuyên huấn huyện trước tôi, các công việc thường xuyên cũng đã quen như đến giao bưu huyện nhận thư từ, báo chí khu, tỉnh gởi về. Có hôm, Bá ngồi rị mọ lật tìm kiếm những bài thơ, có bài thơ của Chế Lan Viên, thơ hay nhưng Bá tưởng Chế là chị, nên hứ nguýt:

- Lan Viên này bao nhiêu tuổi mà ai cũng xưng chế?

Tôi với Bá đôi ba lần đi xuồng chèo ra đoạn kinh ngoài, Bá thường ghé lên nhà chế Năm Nhiễu. Bá quê kinh Công Nghiệp, bà con với chế Năm ở Kinh Cũ này. Con trai đầu lòng của chế Năm là Trung Kiên, nhỏ hơn Bá đúng một tuổi. Bá gọi thân mẫu của chế Năm bằng cô Năm. Hồi nhỏ ra đây tôi gọi cô Năm bằng bác Năm, được cô Năm nhắc chỉnh lại:

- Sao kêu bác, kêu bằng cô Năm chớ!

Tôi “dạ”, nhớ lời cô Năm.

Một hôm, tôi với Bá xuống xuồng đi công tác vào lúc chiều. Tôi ngồi trước mũi, Bá đứng chèo, vừa chèo vừa nói toàn chuyện mơ tưởng, ấp a ấp úng. Thì ra, Bá có mòi yêu thầm Việt Hoa. Bá bỏ công ngồi chép thơ, vẽ bông hoa, chim bồ câu, vài ý tứ tỏ bày, thổ lộ.

Ra đoạn gần tới nhà anh Út Răng, Bá dừng chèo, mở túi bòng lấy ra và lật đưa tôi coi tập sổ tay lưu niệm. Bá nắn nót từng nét chữ nghiêng, tham khảo tôi mấy bài thơ chép tặng cô nàng Việt Hoa. Thật lãng mạn. Một chàng trai mới lớn, tuổi sắp 17 đã biết thầm yêu trộm nhớ rồi!

Bên kia bờ kinh là nhà bác Chín Hoành. Bác trai là Tỉnh uỷ viên tỉnh Bạc Liêu thời kháng chiến chống Pháp, đã qua đời từ lâu lắm. Nhà bác Chín có 3 người con gái: Ánh Hồng, Việt Hoa và cô em út. Bỗng một hôm nghe “lùm xùm” sự việc, đúng hơn là “đổ bể” mối tình của Út Cương với Ánh Hồng.

Út Cương là em ruột anh Bảy Thạch - nhà giáp ranh, yêu Ánh Hồng, nhưng bác Chín gái dứt khoát không gả. Buổi xế chiều, có vài cán bộ địa phương ghé xuồng lên, xôn xao bên nhà bác Chín, làm cuộc hoà giải nhưng không thành. Ánh Hồng lấy chồng xa, về xã Phong Lạc và 15 năm sau qua đời tại Lung Trường năm 1982.

Mối quan hệ thành kiến của người lớn từ cuối năm 1967 được các con cháu cải thiện khoảng 20 năm sau, qua việc chị Mười Thu (chị ruột Út Cương) với chị Sáu Đảnh (chị ruột Ánh Hồng) kết làm sui. Thông gia mà chị Mười Thu là nhà trai, chị Sáu Đảnh nhà gái, đẹp như mơ.

Chú Tám Thắng phân công tôi với Bá đi xuồng chèo vào đến cơ quan Hoa vận khu Tây Nam Bộ đóng ở Cơi Nhì - Nhà Máy, chia được nửa tấm bản kẽm mới toanh. Trên đường trở về, qua ngang nền khu trù mật, chúng tôi bỗng nhìn lên thấy 4 chiếc quan tài đóng bằng ván ngựa, đã tẩm liệm 4 chiến sĩ công trường huyện làm nhiệm vụ cưa bom Mỹ bị nổ hy sinh. Có mấy người đang túc trực, chờ an táng lúc chiều xuống tại Nghĩa trang xã Trần Hợi, góc ngã tư Quản Hảo.
                                                                                           *
Cuối năm 1968, tôi trở về xã Trần Hợi, công tác chung với anh Ba Hùng - Bùi Sỹ Hùng (1940), Xã uỷ viên, Phó Ban Tuyên huấn xã, văn phòng cũng đóng nhiều nơi trên tuyến Kinh Cũ. Anh Sáu Quang công tác ở bộ phận nhiếp ảnh tỉnh cũng về đây “nhập cuộc” với chúng tôi.

Kinh Cũ trở ra, gần ngã ba “cồi”, xóm Rạch Ráng Phố, có các anh Hai Sánh, Năm Trường, Hai Be, Út Hương, Hai Hiếu là những cán bộ giáo dục, giáo viên, cán bộ ngành tuyên huấn giỏi. Trên đường ra Rạch Ráng, có bức tranh cổ động của Hoạ sĩ Út Dương vẽ bảng thiếc cỡ lớn, nước sơn màu, bố cục hình ảnh ông lão bịt khăn rằn ngồi vót chông treo gốc cây bã đậu. Mấy tháng sau, gió thổi bức tranh bị rớt. Một lần tôi với anh Ba Hùng chèo qua ngang, anh ba còn đùa mà réo:

- Ông già mầy rớt xuống nước rồi Út Dương ơi!

Tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam ngày 22/1/1969, tại Chi đoàn ấp Kinh Cũ - điểm gần nhà ông Sáu Sanh, chung với Hồng Đào, Hồng Huệ. Buổi lễ kết nạp Đoàn tập thể, còn mấy bạn trai nữa tôi không nhớ tên. Năm ấy, chị Năm Hưởng là Phó Bí thư Xã đoàn Trần Hợi. Hồng Đào là con gái ông Sáu Sanh, cháu ruột dì Năm Hừng. Theo anh Hai Sánh, có yêu cầu viết bài về ông Sáu Sanh với thành tích nuôi chứa cán bộ Khu uỷ, Xứ uỷ, Trung ương Cục thời kháng chiến chống Pháp, đến thời Ngô Đình Diệm bị địch khủng bố, tịch thu cả 70 công ruộng lúa của ông…

Tháng 3/1969, tôi được phân công đi học lớp hội hoạ tỉnh Cà Mau, mở tại đầu kinh Sư Bính, xã Phong Lạc. Trên đường đến lớp, tôi gặp một ông cán bộ đội nón tai bèo, mặc áo thun có tay, vai mang túi bồng đang lần bước trên bờ đất gồ ghề vòng quanh con rạch, khó đi. Gặp tôi dọc đường, ông làm quen, hỏi thăm, nói chuyện vui vẻ. Lấy khăn lau mồ hôi ướt mặt rồi ông tự giới thiệu cho tôi biết: Đó là chú Hai Sảnh, lội bộ từ Nước Đục, Đầu Sấu qua Điền Ba Xuyên… Thầy dạy tôi, là Hoạ sĩ Nguyễn Hiệp, tức anh Hai Hiệp (hiện nhà ở hẻm Tịnh xá Ngọc Minh). Lớp có hơn 20 học viên ở các huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Duyên Hải… thời gian khoảng một tháng, mỗi học viên được tiếp thu lý thuyết và thực tập thể loại phóng đại tranh cổ động, một số học viên khác còn học ký hoạ. Lớp học chủ yếu giúp mỗi người khi về cơ sở biết tự phóng đại những bức tranh cổ động, phục vụ hình thức trực quan cần thiết trên địa bàn. Tôi hấp dẫn, mê nhiều bức tranh phóng đại theo mẫu tranh của Hoạ sĩ Lê Lam như: Cửu Long cuộn sóng, Dừng lại, Mẹ con nó kè nhau…

Lần đầu tiên, tôi biết anh Sáu Kiên - Nguyễn Kiên Định, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau tại lớp hội hoạ này. Anh Sáu đang cầm Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng số xuân Kỷ Dậu 1969 mà anh vừa xén bớt 3 cạnh bìa gọn lại. Tạp chí Lúa Vàng số xuân Kỷ Dậu mở đầu là bài tuỳ bút chính luận của anh Nguyễn Kiên Định: “Chào xuân vĩ đại của dân tộc, chúng ta quyết thắng trong trận cuối cùng hôm nay” và nhiều bài vở, nội dung hay, có bài thơ “Xuân ơi, chào em” của Nguyễn Xuân Bắc…

Trong thời gian ngồi học, chúng tôi phải đối phó với một trận giặc đổ quân bằng trực thăng, càn quét dọc con rạch gần khu vực lớp học. Khi quân giặc lùng sục mặt đất và chiếc trực thăng “bù nóc” chỉ huy quần đảo trên cao. Tôi vẹt bùng nhùng dây leo, lọt vào giữa đám cóc kèn rộng cả mẫu cặp bờ rạch, khòm đi dài trong này, mặt đất sạch bóng, không có công sự, hầm trú ẩn nào… Tôi tựa vào bụi chà là gai, ngồi quan sát xung quanh vài chục mét, nghe quân giặc la hét inh ỏi bên kia bờ. Lâu lâu có vài tiếng súng “chát chát” khô khốc. Qua trận giặc đổ quân càn quét, cả lớp học an toàn.

Tôi không quên 2 ông học viên ở huyện Duyên Hải cần tiền xài, đưa cây đèn pin loại 2 pin nhất cầm cho tôi 20 đồng - tiền Sài Gòn cũ. Gần cuối khoá, mấy ông này nhận được tiền gia đình gởi lên, thì chìa đưa tôi như chuộc lại cây đèn pin. Tự dưng lúc này tôi thấy cần cây đèn pin hơn cần tiền, thì 2 ông tỏ ra bực dọc. Trong cuộc họp tổng kết cuối khoá, 2 ông này đồng tình gài mâu thuẫn, tôi nói gì cũng bị 2 ông tìm cách bắt bẻ, gây căng thẳng mà anh Hai Hiệp ngồi theo dõi suốt buổi họp. Thế là, kết quả giấy chứng nhận cuối khoá do anh Nguyễn Kiên Định, Trưởng Ban Giám hiệu ký; anh Nguyễn Hiệp phụ trách lớp học ghi phần nhận xét, nhất là về đoàn kết tôi bị rớt điểm khá nhiều.

Khi về đến Kinh Cũ, tôi cũng chả ngại gì mà không đưa cho anh Ba Hùng xem giấy chứng nhận học lớp hội hoạ ấy. Anh Ba xem qua rồi làm thinh vẻ cụt hứng và tôi cũng không cần che giấu khuyết điểm của mình.

Mùa khô này, tôi với anh Ba Hùng xáp với Văn phòng Xã uỷ, “tá túc” tại nhà bác Năm Móng, bờ Bắc Kinh Cũ, đoạn gần khu trù mật Quản Hảo. Bỗng một buổi trưa, máy bay “đầm già”, phản lực Mỹ đến quần đảo, ném bom, bắn phá ầm ầm xuống đoạn kinh Cơi Ba. Một bầy trực thăng đổ quân xuống ngã tư Chín Rỗ. Các anh lo cất giấu đồ đạc, tài liệu. Tôi tạt sang đám chuối bên hông nhà bác Năm, nguỵ trang gài mấy trái lựu đạn bàn, rồi tản ra sau hậu đất. Hơn 2 tiếng đồng hồ giặc càn quét, bắn phá, tốp trực thăng sà xuống trong đó rút quân, chở đi. Tan trận giặc trở vô xóm, tôi nhanh chân ra gỡ mấy trái gài. Phải nói lúc gài khá dễ, nhưng khi gỡ quả thật có nhát tay.

Vào mùa mưa, Văn phòng Ban Tuyên huấn xã Trần Hợi đón tại nhà chế Tư Mùi, bờ Nam Kinh Cũ, đoạn kinh Chống Mỹ ra một quãng. Chế Tư là chị ruột của anh Sáu Liên và anh Út Thận, nhà bên bờ Bắc dòng kinh. Chế Tư ở căn chòi tránh máy bay sau vườn, nhà chính trên bờ kinh giao lại tôi và anh Sáu Quang. Gian nhà chữ đinh đóng vách ván, ban đêm chỉ ánh sáng đèn dầu bóng hột vịt leo lét trên bàn thờ. Năm 1968, máy bay B57 của Mỹ ném bom trộm 2-3 trận vào ban đêm xuống địa bàn xã Trần Hợi. Bầu trời về đêm có lúc tối đen, nghe hơi máy bay hì hì từ xa và rền vang khi ngang đỉnh đầu, nhìn thấy chấm nhỏ xíu đèn xanh và đèn đỏ chớp tắt chớp tắt. Tới chừng bom nổ, nghe vang động một vùng thật xa và nơi đó thành hố bom đìa. Ở chòi sau vườn có hầm trú ẩn vẫn không tránh khỏi cảnh bom rơi đạn lạc. Chồng chế Tư là anh Sáu Quăn bị bom trộm chết vào đêm 11/7 năm Mậu Thân. Đêm ấy, chiếc máy bay B57 của Mỹ thả một lượt 5 quả bom trộm rơi xuống sau hậu vườn đất nhà. Nhắc lại trận bom B57 vào đêm kinh hoàng ấy, anh Út Thận nói:

- May mà bom nó rớt sau hậu vườn, chứ nếu rớt gần xóm bờ kinh chắc chôn không xiết…

Xóm bên anh Sáu Liên, ngay góc bờ kinh Chống Mỹ là nhà chú Tư Nhỏ, Bí thư Chi bộ ấp Kinh Cũ. Chú Tư có người con gái là Hồng Huệ, tham gia Đoàn Văn công xã Trần Hợi và sau đó đi Đoàn Văn công Quân khu 9. Từ nhà chú Tư dài trở ra, qua khỏi nhà anh Sáu Liên, anh Út Thận, tới nhà chú Hai Mực. Anh Tư Lộc (người Bến Tre) đi tập kết trở về đây cũng nương tựa với bà con xóm này.

Một buổi chiều, các anh Ba Hùng, Tư Lộc, Sáu Quang và tôi xúm nhau kéo lại nhà chơi với chú Hai Mực. Chú Hai cao lớn, dáng như người Hoa, tóc hớt cua, nói lớn tiếng, sống thoải mái, tay chân nhanh lẹ, làm mồi nhậu ngon. Buổi tối quây quần sau nhà chú Hai, ngồi uống rượu nếp với mồi cá lóc nướng trui, cá sặt tả-pín-lù… chỉ nắm rau muống đọt non và vài cọng rau thơm trồng nồi đất sàn nước mà vui sôi nổi. Mỗi người nửa cốc, uống rượu xoay vòng, tới “quận” tôi, uống hết nổi nên cứ ngồi nhìn. Chú Hai hét rổn rảng:

- Thằng Nguyễn ọ ẹ mậy. Hổng uống đập đầu mầy à!

Anh Ba Hùng gọi chú Hai bằng dượng Tư, theo vai bên chị Ba. Một hôm, thấy chú Hai ngồi thừ, làm biếng nói chuyện. Anh Ba chọc phá chú Hai, nên hỏi:

- Làm gì ngồi buồn vậy dượng Tư?

Chú Hai lim dim, chẳng thèm đếm xỉa. Anh Ba hỏi nữa, quyết tình chọc cho chú Hai nói mới thôi: “Làm gì ngồi buồn vậy dượng Tư”. Lần này chú Hai mới chịu lên tiếng:

- Hỏi một hồi đập đầu mầy à!

Anh Ba suýt bật cười, vì chọc cho chú Hai nói là thành công rồi. Anh Ba còn nhớ tính đàn ông “cứng rắn” của chú Hai Mực, lâu lâu nhắc mà cười.

Chú Hai vui vẻ, nhưng không hề dễ dãi. Có lần chú nghiêm khắc với con gái của chú, ngăn cấm trong yêu đương thời chiến, khiến chị Diệp nghĩ quẩn mà dám “nốc” gần hết một tuýp thuốc tây ốp-ta-li-đông trị nhức đầu.

Từ một chủ vựa cá, bỏ nghề, chú Hai tham gia kháng chiến, công tác hậu cần Huyện đội Trần Văn Thời cho đến ngày chiến tranh kết thúc 30/4/1975. Tính cương trực, quyết đoán, tinh thần phục vụ, đeo đuổi lý tưởng sự nghiệp cách mạng đến cùng. Chú Hai qua đời tháng 5/2010, thọ 85 tuổi.

Tại nhà chế Tư Mùi mùa mưa 1969, có một đêm rợn da gà. Tôi với anh Sáu Quang ngủ chung giường, nhưng giăng 2 mùng loại một nóc nằm riêng. Tôi ém sát bên trong vách ván phía trước nhà. Anh Sáu bìa ngoài, giữa nhà, cách bàn thờ anh Tư leo lét ánh đèn dầu chừng một mét. Khoảng 20 giờ đêm yên tĩnh, bầu trời tối đen, đang mơ màng, tôi nghe có tiếng xuồng khua nhẹ dưới bến, rồi tiếng động đẩy 2 cánh cửa ván trước giữa nhà khua “kẹt” nhè nhẹ mở ra. Có ai vô nhà thật. Tôi nghe tiếng động từ anh Sáu Quang. Anh rà tay dỡ mùng tôi để chun qua và giọng như run rẩy:

- Nguyễn ơi, ai vô mò tao!

Tôi sợ quýnh, ngăn tay không cho anh Sáu qua mùng tôi. Liền lúc ấy, bỗng tiếng cười bật lên:

- Bộ hổng nhận ra em hả?

Thì ra, đó là chị Hồng Thu, vợ anh Sáu Quang, từ Rạch Ráng Phố chèo xuồng vô, tìm đến với anh trong đêm tối - anh chị mới “tuyên bố” mà!

Và, đêm đó, họ kéo nhau ngủ nhà bếp, tới sáng tôi cũng chả biết chả hay.

                                                                                          *
25 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 và ngót 32 năm kể từ năm 1969, tôi có chuyến đi không định trước vào dịp Tết Tân Tỵ 2001, tìm về nhìn lại những kỷ niệm ở Kinh Cũ… Tôi tìm thăm anh chị Sáu Liên. Chiều tối hôm ấy, khi tìm được nhà anh Sáu, tôi nghĩ chắc vui nhưng không ngờ lại buồn. Chị Sáu vừa qua đời trước Tết khoảng một tháng. Anh Sáu cho tôi hay:

- Chị Sáu trước khi ra đi còn nhắc chú!

Mấy đứa con gái của anh chị Sáu - dù mới gặp tôi về đây lần đầu, nhưng biết tôi là người chị Sáu từng nhắc cũng không giấu được reo mừng, rối rít nói cười, nhắc lại lời của mẹ cháu, cốt để cho tôi nghe. Anh Sáu kể: Hôm rồi chị Sáu còn nói: Từ giải phóng tới giờ, chị gặp lại đủ hết các em từng ở đây, chỉ còn thiếu thằng Nguyễn…

Tôi thắp cây nhang bàn thờ chị Sáu, xúc động trước tình cảm của người chị dành cho đứa em là tôi. Thời kháng chiến, có biết bao người chị ở vùng giải phóng, nhưng mấy chục năm sau, tấm lòng của chị Sáu mà tôi nghe kể lại - là người chị duy nhất mà tôi nhớ mãi. Cho đến cuối đời, chị Sáu vẫn còn nhắc thằng Nguyễn, trông nó về để chị gặp lại thằng em thời kháng chiến. Thật là tiếc, phải tôi kịp về thăm trước vài tháng chị Sáu ra đi…

Dù đêm tối, anh Sáu nhiệt tình, làm người dẫn đường cùng tôi lội dài theo xóm, tôi tìm thăm chú Hai Mực, nhưng rất tiếc không gặp. Chú Hai đi xuống con cháu của chú ở miệt Cơi Năm, Đá Bạc, không có nhà.

Tôi bước qua thăm và nghỉ bên nhà anh Út Thận. Chị Út nghe tiếng cũng còn nhận ra tôi. Tôi kể cho chị nghe: Về đây mới hay chị Sáu nhắc thằng em cách xa lâu quá cho đến cuối đời vẫn không gặp. Ước chị Sáu còn, chắc chị mừng lắm. Chị Út chia sẻ:
- Bà chị thương mà nhắc em út, về muộn thắp nén nhang rồi khóc cũng được luôn!

Anh Út Thận bưng ra một keo rượu thuốc đặc sệt. Hai anh em lai rai, tâm sự. Sau hơn 30 năm gặp lại, chị Út còn nhắc hỏi tôi, sao hồi xưa hổng làm rể Kinh Cũ?

Nguyễn Minh

Bước chân kháng chiến của tôi qua khắp địa bàn rộng lớn ở xã Trần Hợi, nhưng Kinh Cũ mới thật là cái nôi một thời gắn bó. Và chuyến đi vội vã ấy, tôi về làm bài ký sự thơ, nhan đề:

NHỚ KINH CŨ
Dòng Kinh Cũ, nhiều công trình mới
Thời chiến tranh ai nghĩ bao giờ?
Con lộ thênh thang thẳng về Trần Hợi
Ánh điện đôi bờ, ngỡ trong mơ!
Hồi mới xa nhà còn trai trẻ
Gợn nước dòng kinh thoáng nao nao
Nhớ ngày vui, vào Đoàn tập thể
Mấy bạn tôi, với Huệ, Hồng Đào…
Giặc tái chiếm, mây trời u ám
Pháo bầy Chi khu gầm hú đêm ngày
Nhớ đang giấc ngủ, chưa hừng sáng
Rung chuyển trận bom B52…
Thương sức con người bền gan mãnh liệt
Bà con Xóm Chùa trúng lúa Thần nông
Như Kinh Cũ đang bộn bề kiến thiết
Lúa nhiều hơn, lúa hai vụ quay vòng…
Đất chuyển mình bao đời vẫn đất
Đất hiên ngang cho thế đứng anh hùng
Khung trường mới trên nền khu trù mật
Sáng lung linh khắp dải chân rừng…
Về Kinh Cũ, nhớ thời đánh Mỹ
Tôi miên man hồi tưởng đất này
Khi xa còn nhớ lời người chị:
“Xưa hổng tìm… làm rể nơi đây?”

 

Liên kết hữu ích

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.