(CMO) Bộ phận một cửa là nơi tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính (TTHC) của người dân. Khối lượng công việc nhiều, mỗi cán bộ, công chức luôn cố gắng tự học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp với người dân thân thiện, lịch sự, qua đó góp phần giải quyết công việc hiệu quả nhất, tạo sự hài lòng của người dân trong giải quyết TTHC.
Công tác cải cách TTHC được xác định là trọng tâm để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn, nhiều giải pháp, sáng kiến đã phát huy hiệu quả trong quá trình thực hiện, như tiếp nhận thủ tục phi địa giới hành chính, tiếp nhận hồ sơ tại nhà. Ðặc biệt, UBND tỉnh Cà Mau đã cụ thể hoá bằng hành động qua việc tổ chức Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mang lại nhiều chuyển biến tích cực, không chỉ ở những chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra mà chuyển biến cả ở tinh thần làm việc, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số (CÐS) của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Công chức trực giải quyết TTHC tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau, chia sẻ, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) là bước đệm để thực hiện chuyển từ giao dịch truyền thống sang giao dịch CÐS theo hướng điện tử. Trong bất cứ hoạt động nào, khi thực hiện hoạt động giai đoạn chuyển tiếp để đưa sang một ứng dụng mới, nền tảng mới hay phương thức mới thì cần phải có sự hướng dẫn, hỗ trợ, tập huấn.
"Giai đoạn hiện nay, năm 2023 được xem là năm dữ liệu số. Vì vậy, phải thực hiện nhiều bước, như cố gắng đạt các chỉ tiêu về cung ứng DVCTT, công dân số, thanh toán trực tuyến... Khi người dân chưa có tài khoản, tài khoản chưa được làm sạch, thiếu thống nhất trong việc cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư, tài khoản chưa được chuẩn hoá về thông tin thuê bao... Tất cả các khâu này đều được xử lý tại bộ phận một cửa, vì vậy nhiệm vụ, khối lượng công việc của bộ phận một cửa rất lớn", ông Hồ Chí Linh nhìn nhận.
Trước những khó khăn, áp lực nhưng công chức bộ phận một cửa luôn lấy đó làm động lực, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh trong thực hiện công việc. Qua đó, cán bộ, công chức tự trau dồi, học tập, nghiên cứu nhiều hơn, vận dụng xử lý công việc linh hoạt hơn để đáp ứng yêu cầu trong giải quyết TTHC cho người dân, cũng như việc CÐS, nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Nhịp, công chức Tư pháp - Hộ tịch, UBND Phường 1, TP Cà Mau, bày tỏ: "So với trước đây, mỗi ngày anh em có thể giải quyết 50-70 hồ sơ, thời gian giải quyết nhanh, đáp ứng yêu cầu của người dân. Từ khi thực hiện CÐS áp lực tăng lên rất nhiều, do phải hỗ trợ trực tiếp người dân tạo tài khoản dịch vụ công, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến...".
"Trước đây, sau 17 giờ, hết việc có thể về. Từ khi thực hiện CÐS, phát sinh nhiều vấn đề cần xử lý ngay nên phải ở lại. Hay thứ Bảy, Chủ nhật vẫn phải vào cơ quan xử lý hồ sơ để kịp thời gian", ông Nhịp bộc bạch.
Người dân đang giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa UBND xã Hoà Thành, TP Cà Mau.
Một khó khăn khác trong giải quyết TTHC lĩnh vực hộ tịch, theo bà Nguyễn Thanh Thoại, công chức Văn phòng - Thống kê, UBND xã Hoà Thành, TP Cà Mau, trước đây chỉ cần nhập phần mềm hộ tịch điện tử thì sẽ trả kết quả cho người dân. Hiện tại, người dân nộp hồ sơ trực tuyến, mặc dù đã liên thông giữa một cửa điện tử với phần mềm hộ tịch, nhưng thông tin từ phần mềm hộ tịch chưa liên thông với phần mềm một cửa điện tử. Vì thế, phải vừa nhận trên hồ sơ một cửa điện tử, vừa nhập lại thông tin trên hệ thống hộ tịch nên phải nhập 2 lần.
"Vai trò của cán bộ, công chức bộ phận một cửa rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT của người dân, nhưng hiện nay các chế độ chính sách ở bộ phận một cửa các cấp còn hạn chế. Tuy khối lượng công việc lớn nhưng chưa có chế độ chính sách phù hợp cho lực lượng này", ông Hồ Chí Linh bộc bạch.
Hiện Cà Mau đang dẫn đầu cả nước về chất lượng cung ứng DVCTT, người dân có bước chuyển biến tích cực trong tất cả các mặt. Ðặc biệt là việc nâng cao CÐS, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán trực tuyến, sử dụng DVCTT... Chất lượng đội ngũ công chức bộ phận một cửa các cấp đã được nâng lên một bước thông qua các giao dịch thực tế, qua những việc làm cụ thể, qua các thao tác ứng dụng hỗ trợ người dân. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ bộ phận một cửa các cấp để động viên, khuyến khích họ tiếp tục có những đóng góp, cống hiến trong tiến trình CÐS nói chung, quá trình nâng cao chất lượng giải quyết TTHC nói riêng./.
Phúc Duy