(CMO) 6 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển xảy ra 23 vụ sạt lở đất ven sông, làm sập 12 căn nhà, tổng chiều dài sạt lở 421 m (tập trung ở các xã: Đất Mũi, Viên An Đông, Tân Ân và Tam Giang Tây), thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện vẫn còn hiện tượng nứt đất ven sông với chiều dài trên 2.000 m, ảnh hưởng 50 hộ dân của 7/7 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc, ngoài hiện tượng đất bị nứt ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân, hiện nay trên địa bàn huyện còn khoảng 1.500 hộ sinh sống ven sông, vùng trọng yếu thường xuyên xảy ra sạt lở. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở những hộ dân thường xuyên kiểm tra hiện trạng của đất, không nên để đồ đạc có giá trị, không để người già, trẻ em, phụ nữ ngủ vào ban đêm nơi nguy cơ sạt lở cao.
Tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã xảy ra 80 vụ sạt lở đất, hư hỏng trên 50 căn nhà, ước thiệt hại trên 13 tỷ đồng. Toàn huyện hiện xuất hiện 7 điểm nguy cơ sạt lở cao, chủ yếu ở các ngã ba, ngã tư, những khu vực ăn thông ra biển. Hầu hết các xã ven biển đối mặt với tình trạng này, bước vào mùa mưa, sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn, nhất là những hộ dân cất nhà sinh sống ven sông.
Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây Lâm Quốc Cường chia sẻ: “Sạt lở đất mỗi năm càng nghiêm trọng. Hằng năm trên địa bàn xã có những nơi có hàng chục mét đất bị sạt lở, nhiều hộ dân sinh sống gần các khu vực sông, vùng trọng yếu, tại các ngã ba, ngã tư mỗi năm phải sửa chữa lại nhà cửa… Nếu không có sự đầu tư từ các bộ, ngành Trung ương, tỉnh thì các xã ven biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển sẽ đối mặt sạt lở rất cao”.
Sạt lở mỗi năm tăng lên về số vụ và tài sản nhưng hầu hết do kinh doanh, thiếu đất di dời nên nhiều hộ dân đành chấp nhận sống chung với sạt lở. |
Bà Trịnh Thị Mai, sinh sống cửa Hóc Năng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Gia đình sinh sống ở đây gần 20 năm, mỗi năm đều đối mặt với nước dâng, sạt lở, nhưng gia đình sinh sống bằng nghề biển, gắn liền với sông nước nên di chuyển nơi khác thì không đảm bảo cuộc sống, đành chấp nhận sống chung sạt lở".
Theo tính toán, có thể mỗi năm, những hộ dân sinh sống ven sông ở các ngã ba, ngã tư tốn từ 20-30 triệu đồng để làm kè chống sạt lở. Đây là giải pháp tạm thời, còn lâu dài thì không đảm bảo chắc chắn.
"Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, tôi phải 6 lần làm kè chống lở, tốn hơn trăm triệu đồng. Vào mùa mưa này, kè đất của gia đình có dấu hiệu bung ra phía sông, giờ phải tiến hành làm lại", đó là chia sẻ của ông Vũ Thanh Xuân, Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Đảm, trên địa bàn Rạch Gốc, ở Khóm 1, Khóm 4 có 16 hộ dân trong diện cần phải di dời, vì nơi đây đất có dấu hiệu rạn nứt. Chính quyền địa phương chỉ tập trung công tác tuyên truyền, còn giải pháp di dời đến nơi ở mới thì địa phương thiếu kinh phí, chưa thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Minh Châu, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Nhà nước di dời là tôi đồng thuận và chấp hành cao. Bởi mình sống nơi nguy hiểm gia đình cũng không yên tâm chút nào cả. Buổi tối trước khi ngủ phải kiểm tra đất, nhất là những lúc nước ròng. Bởi những vụ sụp đất thường xảy ra vào ban đêm, mình không thể trở tay kịp”.
Theo ông Trần Hoàng Lạc, hiện nay địa phương tiếp tục tuyên truyền và di dời những hộ dân cất nhà ven sông, ven các cửa biển để khai thác cá kèo giống, cua giống vào nơi ở an toàn. Những hộ nào không chấp hành, huyện sẽ tiến hành cưỡng chế./.
Chí Hiểu