Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, được phê duyệt tại Quyết định số 749/QÐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã xác định quan điểm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số (CÐS).
- Tổ công nghệ số cộng đồng xuất sắc
- Tập huấn tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- Toạ đàm trực tuyến toàn quốc với tổ công nghệ số cộng đồng
Tại Cà Mau, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về CÐS Quốc gia, tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14/7/2022 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về CÐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp. Tại Ðề án về CÐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo Quyết định số 1929/QÐ-UBND ngày 1/8/2022 của UBND tỉnh, trong nhiều giải pháp, thì thí điểm và nhân rộng tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCÐ) thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ thúc đẩy CÐS trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thí điểm, ngay từ ban đầu, 48 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn thành lập 364 tổ CNSCÐ với 1.729 thành viên, chủ yếu là người hoạt động ở ấp/khóm kiêm nhiệm. Qua thời gian thí điểm, tổ CNSCÐ đã triển khai các nền tảng số được tập huấn và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 70.600 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, chiếm trên 53% số hộ gia đình trong ấp/khóm thuộc xã/phường/thị trấn được triển khai; đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Tổ CNSCÐ thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, đến tận nhà hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục liên quan trên môi trường mạng.
Phát huy kết quả đạt được từ thí điểm, cuối tháng 8/2023, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 220 nhằm triển khai tổ CNSCÐ trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2025. Theo đó, các tổ CNSCÐ được thành lập trên địa bàn 101 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, và đến nay cả tỉnh có 883 tổ CNSCÐ ở ấp, khóm, với 4.529 thành viên tham gia. “Các tổ tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối, quy định của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CÐS, công nghệ số đến doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, người dân; triển khai, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số và thực hiện nhiệm vụ liên quan đến CÐS, công nghệ số theo sự chỉ đạo của Trung ương, chính quyền địa phương”, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết.
Tổ CNSCÐ đã được tập huấn và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 215.000 hộ trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số, ứng dụng VNeID và các ứng dụng trên app Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G) như: phản ánh hiện trường; sàn thương mại điện tử; giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; lĩnh vực y tế, giáo dục... chiếm trên 69% số hộ trong ấp, khóm thuộc xã, phường, thị trấn được triển khai.
Kết quả thống kê đến thời điểm tháng 9 năm nay cho thấy, số hộ triển khai dịch vụ công trực tuyến là 181.943; số hộ có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử 6.442; số hộ có tài khoản thanh toán điện tử 144.196. Số lượng tài khoản ứng dụng vnCare đặt lịch khám và tư vấn từ xa là 175.908 tài khoản. Tổng số hồ sơ sổ khám sức khoẻ điện tử vnCare được đăng ký và tạo lập là 371.647 hồ sơ. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số lượt đặt lịch khám tại cơ sở y tế qua vnCare là 14.378 lượt; đặt lịch khám Online 49 lượt. Qua đó, giúp người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số.
Tại bộ phận một cửa ở xã, phường thường xuyên có lực lượng túc trực trợ giúp người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng số, thực hiện các TTHC hiệu quả, thuận tiện, chính xác. (Ảnh chụp tại Bộ phận Một cửa xã Khánh An, huyện U Minh).
Tuy nhiên, theo ông Trung, hiện tỉnh Cà Mau chưa có chính sách để hỗ trợ kinh phí cho tổ CNSCÐ nên tổ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Trong khi đó, đây là lực lượng nòng cốt, lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CÐS tỉnh, huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn, ấp, khóm. Ðặc biệt, đối với khu vực ở nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận, sử dụng nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số còn hạn chế nên rất cần sự hỗ trợ của tổ CNSCÐ.
“Ðể tiếp tục duy trì và tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho các thành viên tổ CNSCÐ hoạt động tích cực, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công công cuộc CÐS trên địa bàn, hiện UBND tỉnh xây dựng và trình HÐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ kinh phí hoạt động tổ CNSCÐ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, ông Trung cho biết./.
Trần Nguyên