(CMO) Vừa qua, ông Phan Thanh Bình có gửi đơn phản ánh đến báo Cà Mau trình bày vụ việc như sau: Ngày 5/3/2018, bà Hồng Ngọc Phích (chị vợ của ông Bình), ngụ thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời đến UBND thị trấn làm giấy uỷ quyền cho ông Bình để đến Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam nhận tiền đáo hạn của hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, khi đến công ty bảo hiểm thì tờ giấy uỷ quyền trên không được công ty chấp nhận với lý do (giấy uỷ quyền có 2 tờ nhưng không được đóng dấu giáp lai giữa 2 tờ giấy).
Do ngụ tại Khóm 8, Phường 8, TP Cà Mau nên ông Phan Thanh Bình đến UBND Phường 8 làm lại giấy uỷ quyền khác. Nếu không thì phải quay trở lại UBND thị trấn Trần Văn Thời chỉ để đóng dấu giáp lai trên giấy uỷ quyền, tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.
Được biết, theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch theo Điều 20, Khoản 3, Điểm b thì “Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực. Đối với bản sao có từ 2 (hai) trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu bản sao có từ 2 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai. Nhưng khi chứng thực giấy uỷ quyền của bà Hồng Ngọc Phích thì UBND thị trấn Trần Văn Thời đã không đóng dấu giáp lai nên khi ông Bình đến Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đã không được chấp nhận là đúng.
Vấn đề thứ 2 mà ông Bình trình bày là, thời gian trước bà Phích làm lại giấy CMND mà ngày, tháng, năm sinh, kể cả số chứng minh được cấp đổi mới đều không khớp với giấy CMND trước đó, nên bà đến thị trấn Trần Văn Thời xin xác nhận bà Hồng Ngọc Phích có ngày, tháng, năm sinh và số CMND trước đây và bây giờ là cùng một người. Thế nhưng, Trung tá Nguyễn Hoàng Việt xác nhận trên tờ đơn là bà Hồng Ngọc Bích (bà Phích được viết thành Bích), sinh năm 1962, có hộ khẩu thường trú tại Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời là đúng theo sổ hộ khẩu. Vì vậy, khi ông Bình đem đơn xin xác nhận của bà Phích đến công ty bảo hiểm lại không được chấp nhận.
Đơn xin xác nhận của bà Hồng Ngọc Phích không có nơi nhận, cuối đơn không ngày tháng năm, không có người làm đơn ký tên vẫn được Trưởng Công an thị trấn Trần Văn Thời xác nhận. (Tuy nhiên, phần xác nhận không đúng với yêu cầu của bà Phích và tên bà Phích “đổi” thành bà Bích). |
Khi phóng viên tiếp nhận tờ đơn xin xác nhận thì nhận thấy: tờ đơn xin xác nhận không có ghi nơi gởi, cuối đơn không ghi ngày, tháng, năm, cũng như không có người làm đơn ký tên, nhưng vẫn được Trưởng Công an thị trấn Trần Văn Thời, Thượng tá Nguyễn Hoàng Việt xác nhận. Tên Hồng Ngọc Phích được xác nhận thành Hồng Ngọc Bích và mong muốn của người làm đơn là được xác nhận bà Hồng Ngọc Phích có ngày, tháng, năm sinh và số CMND trước đây và bây giờ là cùng một người nhưng Trưởng Công an thị trấn Trần Văn Thời xác định là đúng theo hộ khẩu (không đúng với mong muốn của người làm đơn) nên khi mang đơn xin xác nhận đến Công ty bảo hiểm không được chấp nhận là đúng.
Qua sự việc trên cho thấy, mặc dù thời gian qua tỉnh Cà Mau có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết TTHC cho người dân, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ trình độ chuyên môn còn hạn chế đã gây tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của người dân do phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc nâng cao năng lực cán bộ tiếp công dân, những người hướng dẫn người dân làm TTHC, từ đó mới mong tạo chuyển biến trong CCHC, hướng đến nền hành chính phục vụ./.
Hồng Phượng