(CMO) Ngay sau khi báo Cà Mau phản ánh loạt thông tin biến tướng dạy thêm tại Trung tâm Bồi dưỡng văn hoá Trần Huỳnh, thị trấn Cái Nước, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau ban hành công văn đề nghị ngành giáo dục và địa phương xác minh làm rõ vấn đề báo nêu để có hướng xử lý.
Tại Báo cáo số 2077/BC-SGDĐT ngày 17/10, Sở Giáo dục và Đào tạo xác nhận nội dung báo Cà Mau nêu là đúng và ngành đang tiến hành các bước để xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm có liên quan trong hoạt động không đúng quy định tại trung tâm này.
Trung tâm Bồi dưỡng văn hoá Trần Huỳnh vi phạm trong tổ chức dạy thêm. |
Tuy vậy, việc nhận định của các tổ thanh tra, xác minh về thời gian xảy ra vi phạm dạy thêm, học thêm tại Trung tâm Trần Huỳnh đối với bậc tiểu học (mới diễn ra buổi học thứ hai) chưa thể thuyết phục được dư luận. Mặt khác, dư luận rất quan tâm, liệu có sự thoả hiệp cho thuê mặt bằng, phòng học để tổ chức dạy và học thêm trái quy định tại trung tâm này hay không?
“Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau không xem xét gia hạn hay cấp mới giấy phép hoạt động cho bất cứ trung tâm ngoại ngữ hay trung tâm bồi dưỡng văn hoá nào vì đang chờ các hướng dẫn, quy định cụ thể của ngành giáo dục và UBND tỉnh”, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau Tạ Thanh Vũ khẳng định với phóng viên.
Đến nay, toàn tỉnh Cà Mau đã cấp phép hoạt động cho 68 trung tâm ngoại ngữ và trung tâm bồi dưỡng văn hoá, trong đó có 32 trung tâm ngoại ngữ và 36 trung tâm bồi dưỡng văn hoá. Tuy nhiên, đã qua việc kiểm tra, giám sát hoạt động ở các trung tâm này còn buông lơi, bỏ ngõ. Chỉ dừng lại ở kiểm tra mang tính hình thức, như kiểm tra chuyên đề, kiểm tra có nội dung biết trước.
Ông Tạ Thanh Vũ thừa nhận: “Đã qua công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các trung tâm chưa được quan tâm, nghiêm túc. Tôi từng đề xuất đẩy mạnh kiểm tra đột xuất ở các trung tâm này nhưng chưa thực hiện được do còn nhiều nguyên nhân”.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Cà Mau, trong giai đoạn năm học 2018-2019, Thanh tra ngành giáo dục đã tiến hành kiểm tra 18 cuộc trong 68 trung tâm ngoại ngữ và trung tâm bồi dưỡng văn hoá được cấp phép hoạt động. Nghĩa là ngành đảm bảo kiểm tra trên 26% trong năm học (tính trên số lượt kiểm tra này), tuy nhiên kết quả thu lại của 18 chuyến, đợt kiểm tra chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở khắc phục các vi phạm. Bởi hầu hết các lượt kiểm tra, thanh tra đều chỉ phát hiện những vi phạm chưa đến mức phải xử lý mạnh.
Hệ luỵ của vấn nạn dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học đã được cảnh báo nhưng nó lại diễn ra hết sức phức tạp. Ngay sau khi báo Cà Mau thông tin hàng loạt nội dung liên quan việc biến tướng dạy thêm, học thêm thì nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố và cả những phụ huynh ở các huyện cũng bày tỏ bức xúc. Song, theo họ thì đó đang là “xu thế chung” nên phải bóp bụng làm theo.
Một phụ huynh (xin giấu tên) bày tỏ: “Đâu chỉ học thêm ở trung tâm bồi dưỡng văn hoá, chúng tôi còn phải chở con đến nhà thầy cô để học mỗi đêm”. Thông tin về vấn đề dạy thêm, học thêm đang diễn ra như phản ánh, ông Tạ Thanh Vũ cho biết: “Những gì phụ huynh phản ánh là có. Quản lý vấn đề này như đã nói phải quy trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng các trường trong quản lý nhân viên, viên chức thuộc đơn vị”. Không quản được vấn đề này sẽ gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực khác mà người gánh chịu cuối cùng vẫn là phụ huynh và học sinh.
Nhận định vấn đề thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong dạy thêm, học thêm, ông Tạ Thanh Vũ nói: “Thực chất 18 cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ là thanh tra chuyên đề, theo kế hoạch. Chưa tiến hành một đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất nào, mặc dù những phản ánh trái chiều từ dư luận và phụ huynh sở đều có ghi nhận”.
Mặt khác, khi tiến hành thanh tra, kiểm tra còn trải qua bước phối hợp rất rườm rà giữa nhiều ngành, nhiều cấp. Dẫn đến thông tin kiểm tra chưa được bảo mật, kéo theo hàng loạt kết quả thanh tra, kiểm tra phản ánh không đầy đủ thực trạng diễn ra.
Việc thanh tra, kiểm tra ở những cơ sở có giấy phép hoạt động, ít nhiều công tác quản lý còn biết được nội dung, thời gian hoạt động và hoạt động với quy mô như thế nào, ấy vậy mà còn khó quản. Huống gì quản lý để không xảy ra việc biến tướng khi tổ chức dạy ở nhà.
Dạy thêm, học thêm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho học sinh (từ bậc THCS) là điều kiện cần và tất yếu để hoàn thiện hơn tư duy cho các em. Nhưng để có được hiệu quả thực sự thì những người làm nghề này phải đảm bảo có tâm, không vì món lợi trước mắt từ nguồn thu của hoạt động dạy thêm mà đánh mất bản chất của ngành nghề cao quý. Và trong công tác quản lý cũng thế, cần phải làm ngay, không thể chấp nhận kiểu qua loa rồi lại chỉ để khắc phục, xử lý hậu quả như những trường hợp báo chí phản ánh./.
Phong Phú