Theo Thông tư số 32/2020 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, điều lệ trường THCS và THPT quy định các hành vi học sinh không được làm, trong đó có nội dung sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên đồng ý. Có nghĩa, không cấm học sinh mang điện thoại di động, hoặc điện thoại thông minh đến lớp, nhưng phải sử dụng hiệu quả, đúng mục đích để nâng cao trình độ dân trí, không vi phạm pháp luật và nội quy nhà trường. Ðây là vấn đề luôn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bởi đã qua có không ít trường hợp xảy ra bạo lực học đường, liên quan đến học sinh sử dụng điện thoại thông minh không đúng mục đích.
- Hậu quả khôn lường từ sự chủ quan của người lớn
- Phổ biến tình trạng thanh - thiếu niên sử dụng “xe độ”
- Hiểm hoạ khó lường
Theo số liệu thống kê sơ bộ các trường học trên địa bàn huyện Cái Nước, tỷ lệ học sinh mang điện thoại thông minh đến lớp khá phổ biến. Trong đó, bậc THCS và THPT chiếm gần 100%; bậc tiểu học chiếm khoảng 30-40%, chủ yếu học sinh khối lớp 4 và lớp 5.
Nhiều học sinh THCS và THPT được phụ huynh trang bị điện thoại thông minh đến lớp.
Ðề cập đến việc phụ huynh trang bị điện thoại thông minh cho các em mang đến lớp như hiện nay, thầy Lâm Việt Bắc, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Thạnh Phú, cho biết: "Khi phụ huynh trang bị điện thoại thông minh cho các em mang đến lớp gần như không giúp ích gì cho việc học của các em. Hơn nữa, khi mang điện thoại vào lớp các em sẽ không tập trung học như lo nhắn tin, nhận tin nhắn và trả lời tin nhắn, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Mặt khác, mạng xã hội bây giờ hết sức phức tạp, không may các em tiếp xúc những thói hư tật xấu rất nguy hiểm. Vì vậy, phụ huynh nên có biện pháp quản lý sử dụng điện thoại thông minh đối với các em".
Khi chúng tôi đặt vấn đề có nên trang bị điện thoại thông minh cho các em mang đến lớp hay không, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có phụ huynh cho rằng, việc trang bị điện thoại thông minh cho các em mang đến lớp và không nhận thức được mặt trái của mạng xã hội, sẽ làm ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Bên cạnh đó, một số phụ huynh vẫn biết rằng, việc trang bị điện thoại thông minh cho các em mang đến lớp không phục vụ công việc học tập, nhưng giúp gia đình dễ dàng theo dõi và quản lý các em. Với một cuộc gọi Zalo là có thể biết các em đang ở đâu và làm gì; hoặc giám sát bằng hình thức định vị thông qua bản đồ vệ tinh, cũng có thể biết các em đang ở trường hay la cà bên ngoài để có biện pháp giáo dục.
Trong thời buổi công nghệ 4.0, chiếc điện thoại thông minh đã mang lại rất nhiều tiện ích cho người dùng, kể cả học sinh. Nhưng tiếc thay, một số em sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến bạo lực học đường, gây xôn xao dư luận xã hội, như đánh nhau có tổ chức, sử dụng điện thoại thông minh ghi hình, đăng lên mạng xã hội; hay lén lút ghi hình nhạy cảm, dẫn đến bức xúc cho gia đình và nạn nhân; làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường giáo dục.
Thầy Châu Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh Phú 2, xã Thạnh Phú, cho biết, việc trang bị điện thoại thông minh cho các em mang đến lớp nếu thiếu sự quản lý của phụ huynh, thì các em sẽ quan tâm các trò chơi trên mạng, ảnh hưởng đến việc học tập. Nếu phụ huynh trang bị điện thoại thông minh cho các em có sự quản lý, thì sẽ giúp các em tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội phục vụ học tập và giải trí là rất tốt; còn quản lý không được là vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bạo lực học đường và các vấn đề khác có liên quan.
Học sinh tiểu học được phụ huynh trang bị điện thoại thông minh mang đến lớp khoảng 30-40%.
Ðể tăng cường quản lý học sinh mang điện thoại thông minh đến lớp, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong học tập, không vi phạm pháp luật và nội quy nhà trường, thầy Lê Minh Kha, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Võ Thị Sáu, Khóm 2, thị trấn Cái Nước, cho biết: "Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên lưu ý giáo viên chủ nhiệm, tuyên truyền các em học sinh khi mang điện thoại đến lớp phải sử dụng đúng mục đích và không lên mạng xem những thông tin xấu, độc hại, nguy hiểm. Ðồng thời, sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, tăng cường quản lý các em sử dụng điện thoại thông minh khi mang đến lớp".
Ðể giúp các em học sinh mang điện thoại thông minh đến lớp sử dụng đúng mục đích, nâng cao trình độ dân trí, không vi phạm pháp luật và nội quy nhà trường, tạo môi trường giáo dục lành mạnh; rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh. Bên cạnh đó, ban giám hiệu các trường nên phối hợp với cơ quan chức năng, tăng cường phổ biến Luật An ninh mạng trong học đường, giúp các em nâng cao nhận thức sử dụng mạng viễn thông một cách có chọn lọc, phòng ngừa mặt trái của mạng xã hội tác động tiêu cực đến các em khi mang điện thoại đến lớp như hiện nay./.
Việt Tiến