Ngọc Hiển là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ cho phát triển thuỷ sản còn yếu và thiếu. Việc đưa vào sử dụng Cảng cá Rạch Gốc đã tháo được điểm nghẽn hậu cần nghề cá làm cản trở ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ngọc Hiển là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế về nuôi trồng và khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, hạ tầng phục vụ cho phát triển thuỷ sản còn yếu và thiếu. Việc đưa vào sử dụng Cảng cá Rạch Gốc đã tháo được điểm nghẽn hậu cần nghề cá làm cản trở ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Giám đốc Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Cà Mau Nguyễn Quang Khải cho biết, hiện tỉnh có 12 dự án xây dựng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Trong đó, 3 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác là Cảng cá Cà Mau và cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Sông Ðốc, Rạch Gốc.
Tàu khai thác thuỷ sản cặp Cảng cá Rạch Gốc. |
Cảng cá Rạch Gốc được xây dựng theo Quyết định số 1118/QÐ-BTS ngày 27/12/2006 của Bộ Thuỷ sản với tổng trị giá đầu tư gần 100 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 25.000 m2. Công trình bao gồm khu đất dự phòng phát triển và bãi thao tác sau bến 11.000 m2, cầu cảng dài 100 m với công suất thiết kế bốc dỡ hàng hoá qua cảng 18.250 tấn/năm kết hợp với khu neo đậu tàu cá tránh trú bão cho tàu cá với 180 trụ neo được bố trí hai bên bờ dài 4.000 m, đáp ứng cho 1.000 tàu cá với công suất lớn nhất 400 CV.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Cảng cá Rạch Gốc đưa vào hoạt động không chỉ góp phần phục vụ tốt về dịch vụ hậu cần nghề cá trong tỉnh mà còn đáp ứng cho các tàu cá các tỉnh trong khu vực. Cảng cá còn là khu neo đậu tránh trú bão an toàn cho ngư dân. Cảng cá Rạch Gốc góp thêm phần quan trọng trong việc đầu tư hạ tầng nghề cá trong tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế biển.
Cảng cá Rạch Gốc có độ sâu 4,2 m, chiều rộng chạy luồng tàu phía trong 50 m, chiều rộng chạy luồng tàu ngoài cửa biển 60 m. Cảng có khả năng tiếp nhận loại tàu có công suất từ 40-400 CV. Dịch vụ hậu cần nghề cá cũng được quan tâm đầu tư như: trạm xăng dầu, xưởng nước đá, cơ sở thu mua, sơ chế thuỷ sản.
Rạch Gốc là cửa biển lớn của tỉnh, đứng sau cửa biển Sông Ðốc. Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến nhận định, việc đưa vào sử dụng Cảng cá Rạch Gốc sẽ tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng đang cản trở ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vì thế, song hành với các dự án xây dựng khu neo đậu trú bão, các công trình phục vụ hậu cần nghề cá, địa phương sẽ tập trung phát triển các dự án hạ tầng vùng nuôi thuỷ sản ven biển.
Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển Tiêu Thanh Hiền cho biết, huyện có nhiều thế mạnh về đánh bắt thuỷ sản, với ngư trường rộng lớn, đội tàu trên 554 chiếc. Trong đó, có khoảng 50% có công suất trên 90 CV có khả năng bám biển khai thác dài ngày, sản lượng khai thác và nuôi trồng thuỷ sản hằng năm trên 55.000 tấn.
Cùng với Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thuỷ sản, việc đưa vào sử dụng Cảng cá Rạch Gốc là cơ hội để huyện tập trung phát triển kinh tế biển, đưa nghề khai thác thuỷ sản trở thành một ngành công nghiệp thật sự. Ngoài việc bốc xếp, mua bán thuỷ sản, khu neo đậu tránh trú bão Rạch Gốc là động lực cho việc khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thuỷ sản, các cơ sở kinh doanh phục vụ hậu cần nghề cá./.
Bài và ảnh: Trúc Ly