Mặc dù thời tiết từ đầu năm đến nay được đánh giá là không thuận lợi cho vụ lúa trên đất nuôi tôm, song, vùng lúa bạt ngàn trên đất nuôi tôm ở ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh vẫn hứa hẹn vụ mùa bội thu. Chỉ tay ra cánh đồng lúa đang làm đòng, anh Lê Văn Ngọt phấn khởi: “Đó là thành quả từ những kinh nghiệm được trao đổi tại các buổi hội thảo đầu bờ, các buổi tập huấn”.
Mặc dù thời tiết từ đầu năm đến nay được đánh giá là không thuận lợi cho vụ lúa trên đất nuôi tôm, song, vùng lúa bạt ngàn trên đất nuôi tôm ở ấp 9, xã Khánh An, huyện U Minh vẫn hứa hẹn vụ mùa bội thu. Chỉ tay ra cánh đồng lúa đang làm đòng, anh Lê Văn Ngọt phấn khởi: “Đó là thành quả từ những kinh nghiệm được trao đổi tại các buổi hội thảo đầu bờ, các buổi tập huấn”.
Thay đổi tư duy
Từ những hiệu quả khả quan mà cánh đồng lớn mang lại trong thời gian qua, năm 2015, Cà Mau tiếp tục mở rộng sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn thâm canh lúa cao sản và luân canh lúa - tôm với quy mô 2.200 ha.
Nông dân ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời phấn khởi vì năng suất lúa tăng, chi phí giảm khi tham gia cánh đồng lớn. Ảnh: TRUNG ĐỈNH |
Ấp 9, xã Khánh An là một trong những nơi được chọn thực hiện cánh đồng lớn lúa - tôm năm 2015. Tuy chưa có kết quả cụ thể, nhưng hiệu quả mang lại dễ nhận thấy là tư duy canh tác truyền thống đang dần được thay thế bằng cách làm mới, khoa học hơn, tiến bộ hơn. Người dân quan tâm nhiều hơn đến việc chọn giống cấp xác nhận, thời gian bón phân, lượng phân, cách phun thuốc bảo vệ thực vật… Nhắc đến những lợi thế khi canh tác cùng giống, sạ cùng ngày theo hình thức cánh đồng lớn, nông dân Lê Văn Phúc, ấp 9, xã Khánh An, cho biết, trước mắt là thấy chi phí phân bón, thuốc sâu và tiền bơm nước giảm đáng kể so với vụ mùa năm 2014.
Cầm cuốn sổ tay ghi chép tỉ mỉ những kỹ thuật canh tác trong các lớp tập huấn cũng như nhật ký đồng ruộng từ giống lúa, ngày xuống giống, ngày bón phân, lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật… và các khoản chi phí đầu tư cho sản xuất, ông Đoàn Văn Kiệt, ấp Ông Muộn, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, tâm đắc: “Lời hay lỗ là phụ thuộc ở đây”.
Ông Kiệt là 1 trong 90 hộ dân ở ấp Ông Muộn được chọn triển khai cánh đồng lớn luân canh lúa - tôm với diện tích trên 160 ha. Ngoài được đầu tư 30% giống lúa, ông còn được hỗ trợ cả tôm giống; ưu ái hơn là được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để giảm chi phí, tăng năng suất. Tuy chưa thu hoạch nhưng ông Kiệt nhận định, lúa đang phát triển khá tốt, ước khoảng 32-35 giạ/công, tăng từ 5-7 giạ/công. Tuy nhiên, điều làm ông Kiệt phấn khởi nhất đó chính là chi phí sản xuất giảm đáng kể, đến thời điểm này, tiền đầu tư phân, thuốc và công lao động tính ra chưa đầy 5 triệu đồng/ha. Ngoài ra, doanh nghiệp còn hứa bao tiêu sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhận định, mô hình cánh đồng lớn đang nhận được sự đồng tình rất cao của người dân. Điều đó thể hiện tư duy trong sản xuất của người dân hiện nay đã có sự thay đổi đáng kể.
Nhân rộng cánh đồng lớn
Cách đây chưa đầy 4 năm, Cà Mau được xem là vùng trũng về năng suất lúa, bình quân chỉ 4,2 tấn/ha, thậm chí vụ lúa trên đất nuôi tôm chỉ đạt 3,7 tấn/ha. Trong lúc cây lúa đang "sống dở chết dở" trước sức ép con tôm thì mô hình cánh đồng mẫu lớn (nay là cánh đồng lớn) được Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức thí điểm ở 6 ấp thuộc 2 huyện: Trần Văn Thời và Thới Bình với diện tích 531 ha, đạt kết quả tốt. Từ đó, công tác tổ chức lại sản xuất, đầu tư kiện toàn hệ thống thuỷ lợi, tổ chức chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, tuyên truyền, vận động người dân sử dụng giống cấp xác nhận được đẩy mạnh và ngày càng mang lại hiệu quả.
Vụ hè thu vừa qua, cánh đồng lớn ấp 3, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình đạt năng suất trên 6,8 tấn/ha. |
Ông Lê Văn Sử đánh giá, sản xuất theo cánh đồng lớn không chỉ giúp người dân giảm được chi phí do sử dụng giống cấp xác nhận, bón phân vừa đủ, ít sâu bệnh mà năng suất cũng được nâng lên đáng kể. Theo tính toán của ngành chuyên môn, canh tác theo cánh đồng lớn năng suất tăng bình quân khoảng 0,55-0,63 tấn/ha, cá biệt có một số vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh lúa có thể đạt năng suất 8 tấn/ha. Đáng chú ý, khi tham gia cánh đồng lớn, nông dân có thể giảm chi phí trong sản xuất trên 400 đồng/kg, lợi nhuận bình quân tăng trên 1 triệu đồng/ha.
Theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Cà Mau tiếp tục duy trì ổn định diện tích sản xuất lúa - tôm khoảng 45.000 ha. Trong đó, sản xuất lúa - tôm theo cánh đồng lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10.000 ha và phát triển 1.000 ha cánh đồng lớn lúa cao sản. Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: “Sở sẽ tạo điều kiện hỗ trợ về thông tin, xây dựng các dự án, cán bộ chuyên môn… cho các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện cánh đồng lớn nhằm tiến tới xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo khép kín từ khâu cung cấp giống; vật tư đầu vào; tổ chức các dịch vụ: làm đất, bón phân, thu hoạch, sấy… đến bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân”. |
Để cánh đồng lớn ngày càng lớn hơn trong thời gian tới như mục tiêu đã đề ra, ông Lê Văn Sử cho biết, Sở NN&PTNT sẽ đứng ra làm đầu mối đẩy mạnh việc liên kết “4 nhà”; đổi mới phương pháp, hình thức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân theo hướng dễ làm, dễ áp dụng. Đồng thời, bố trí cán bộ kỹ thuật phụ trách từng địa bàn, trực tiếp theo dõi và hướng dẫn nông dân sản xuất.
Tín hiệu đáng mừng là thông qua đầu mối Sở NN&PTNT tỉnh, có 3 doanh nghiệp đăng ký tham gia hỗ trợ người dân từ vật tư đầu vào đến đầu ra nông sản cho cánh đồng lớn từ nay đến năm 2020. Trong đó, Công ty TNHH Minh Khánh Cà Mau và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Cà Mau tham gia thực hiện 2.400 ha cánh đồng lớn lúa cao sản và lúa - tôm; Xí nghiệp Ðường Cà Mau tham gia 200 ha cánh đồng lớn mía. Đây là những cánh đồng hứa hẹn sẽ cho những vụ mùa bội thu trong thời gian tới, cũng như tạo bước đột phá giúp nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong tương lai./.
Bài và ảnh: Nguyễn Phú