Ở Cà Mau, hầu hết các địa phương trong tỉnh có trồng cây dừa, nhưng tập trung nhiều ở các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Cái Nước, Phú Tân... với gần 7.400 ha. Mùa nắng hạn là thời điểm thu hoạch dừa khô nhộn nhịp nhất, các thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận nhà vườn thu mua.
Theo nhiều nhà vườn tại xã Trần Hợi, xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), xã Khánh Lâm (huyện U Minh), hiện dừa khô được thương lái vào tận nơi mua với giá 60-65 ngàn đồng/chục.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền địa phương hướng dẫn người dân cải tạo vườn tạp, trồng dừa cho năng suất cao, mang lại giá trị kinh tế bền vững, nông dân trồng dừa rất phấn khởi.
Bạt ngàn vườn dừa ở ấp Cơi 6B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.
Hộ ông Trịnh Minh Thuận, Ấp 7, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, khá lên từ nghề trồng dừa. Ông Thuận trồng 1.000 gốc dừa, với giá dừa khô tăng cao như hiện nay, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Ngô Trường Sơn, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, sinh sống bằng nghề hái dừa thuê và thu mua dừa. Nghề này giúp ông thu nhập từ 400-500 ngàn đồng/ngày.
Bãi tập kết hàng thiên dừa của bà Sơn Thị Nương, ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Mỗi mùa dừa khô, bà Nương mua trên 300 thiên dừa bán cho thương lái các tỉnh, giá bình quân 65 ngàn đồng/chục.
Vựa dừa của ông Trần Văn Kiêu tại ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, mỗi ngày mua từ 4-5 thiên dừa từ các nhà vườn trong huyện.
Mùa khô là cao điểm thu hoạch dừa khô nên nhiều thương lái từ Bến Tre, Tiền Giang... đổ về mua. Riêng ghe dừa của ông Nguyễn Khoẻ tại điểm ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, đã mua 15 tấn dừa trong vùng.
Nghề lột dừa khô cũng tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. (Trong ảnh: Ông Hà Trường Giang, ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, lột dừa có thu nhập từ 300-400 ngàn đồng/ngày).
Huỳnh Lâm thực hiện