ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 24-9-24 05:25:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chăm lo cho học sinh vùng sâu

Báo Cà Mau (CMO) Do điều kiện đặc thù vùng sông nước nên học sinh tại xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi luôn nhọc nhằn để tìm con chữ. Nhờ sự quan tâm của thầy cô giáo, sự hỗ trợ của các cấp, các ban, ngành, địa phương mà hành trình đến trường của các em nơi đây phần nào vơi bớt khó khăn.

Nhiều thách thức

Trường Tiểu học Bến Bào hiện có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ (điểm ấp Minh Điền, Kênh Cạn và Nhà Cũ). Mỗi điểm lẻ cách xa điểm chính nhiều cây số, riêng điểm Nhà Cũ cách xa gần 13 cây số. Do địa hình đặc thù vùng sông nước, con đường đến trường của học sinh, giáo viên hiện nay còn gặp nhiều cách trở. Ngoài giao thông bằng đường bộ thì nhiều học sinh vẫn đến trường bằng phương tiện thuỷ (chiếm tới 20%).

Các em học sinh Trường Tiểu học Bến Bào nỗ lực vượt khó học tập.

“Nhiều tuyến kênh cùng không lộ, học sinh và phụ huynh phải dùng phương tiện thuỷ đến trường. Đường thuỷ vất vả nhưng đường bộ cũng không khá hơn. Địa hình sông nước nên tình trạng triều cường gây ảnh hưởng, tiềm ẩn nguy hiểm cho học sinh nơi đây”, thầy Mai Thanh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bến Bào, cho biết.

Nhọc nhằn tìm con chữ không chỉ vì giao thông cách trở mà còn bởi chính hoàn cảnh gia đình của các em nơi đây. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên đa phần các em học sinh thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ. 

Gần 20 năm làm nghề gõ đầu trẻ, cô Lê Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Bến Bào luôn thông cảm và hết lòng động viên để các em có thể có điều kiện thuận lợi đến trường. Cô Huyền tâm sự: “Do hoàn cảnh kinh tế, nhiều phụ huynh phải bỏ xứ đi nơi khác làm ăn nên học sinh phải ở nhà cùng với ông bà. Các em tự đến trường và thiếu sự quan tâm của gia đình nên việc học tập của nhiều em học sinh gặp trở ngại”.

Đồng hành cùng học sinh

Trường Tiểu học Tân Trung, xã Quách Phẩm Bắc có cùng khó khăn như Trường Tiểu học Bến Bào khi đa phần học sinh nơi đây thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Từ những trăn trở ấy, quỹ Giúp bạn vượt khó tại Trường Tiểu học Tân Trung phát huy hiệu quả, kịp thời chung tay tương trợ cho học sinh khó khăn, giúp các em an tâm phấn đấu học tập.

“Thành lập được gần 3 năm, quỹ Giúp bạn vượt khó được xây dựng dựa trên tinh thần tự nguyện của tập thể nhà trường. Hành động thiết thực, đúng đối tượng cần nhận đã làm cho quỹ ngày càng nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao để có thể chung tay tương trợ những mảnh đời khó khăn, giúp các em có được động lực học tập. Đồng thời, quỹ cũng tạo được niềm vui, hạnh phúc cho người tặng, từ đó xây dựng tình đoàn kết gắn bó, gần gũi giữa giáo viên và học sinh”, thầy Đỗ Minh Mẫn cho biết thêm.

Quỹ Giúp bạn vượt khó được thực hiện dựa trên tấm lòng thiện nguyện của học sinh và tập thể giáo viên. Học sinh sẽ đóng góp từ tiền quà vặt, có thể 500 đồng hoặc nhiều hơn tuỳ điều kiện các em, còn giáo viên đóng góp 20.000 đồng/tháng. Nguồn quỹ mỗi tháng thu được dao động từ 1-1,5 triệu đồng. Số tiền này sẽ được nhà trường chọn các đối tượng học sinh hoàn cảnh khó khăn trao tặng sách vở, dụng cụ học tập và trao 200.000 đồng/lượt nếu chẳng may bị tai nạn, đau ốm. Mỗi tháng quỹ còn chọn ra những em hoàn cảnh khó khăn để trao 20 kg gạo hoặc mì gói.

Thầy Mẫn trần tình: “Món quà nhỏ nhưng tinh thần to lớn. Tuy những phần quà trao tặng không lớn nhưng đó là sự quan tâm của tập thể nhà trường hướng đến các em có hoàn cảnh khó khăn. Trao đi không chỉ người nhận vui mà người cho cũng thấy hạnh phúc vì hành động ý nghĩa. Chúng tôi xây dựng quỹ trên tinh thần tự nguyện, do vậy, nguồn quỹ luôn nhận được sự đồng tình ủng hộ của giáo viên, học sinh, phụ huynh và được Hội Khuyến học của huyện đề cử khen thưởng về hành động thiết thực này”.

Đồng hành cùng học sinh vùng sâu khó khăn luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Mỗi phần quà thiết thực đúng đối tượng giúp các em nơi đây vơi bớt phần nào nhọc nhằn trên con đường tìm con chữ. Sự sẻ chia của cộng đồng, quan tâm của các cấp, ban, ngành sẽ là động lực giúp các em học sinh vùng sâu có được điều kiện vượt khó, tiếp tục nỗ lực vì tương lai./.

Hằng My

Liên kết hữu ích

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Ðảm bảo chất lượng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024-2025, ông Lê Hoàng Dự, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT), cho biết, toàn ngành sẽ tập trung quán triệt phương châm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong mọi hoạt động giáo dục: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể - thầy cô giáo làm động lực - nhà trường làm bệ đỡ - gia đình làm điểm tựa - xã hội làm nền tảng".