(CMO) Nhân dịp về thăm Đội Thanh niên xung phong (TNXP) Trung ương đầu tiên của Việt Nam tại cánh rừng Nà Cù, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn ngày 20/3/1951, Bác Hồ đã tặng mấy câu thơ: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên… Mấy mươi năm qua, lời căn dặn của Bác trở thành cội nguồn sức mạnh để lực lượng TNXP vượt qua bao khó khăn gian khổ, làm nên những chiến công oanh liệt trong những năm chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và cả trong thời bình xây dựng quê hương.
Bài 1: Ký ức hào hùng
Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào mùa hạ năm 1966, tại ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, Đội TNXP tập trung không thời hạn của tỉnh Cà Mau lần đầu tiên được thành lập lấy phiên hiệu Nguyễn Việt Khái I (còn gọi là C239) với 106 lực lượng, trong đó có 53 nữ. 79 ngày đêm hành quân về chiến trường miền Đông (còn gọi là R), đơn vị phải vượt qua nhiều đồn bót giặc, luồn sâu, mở đường qua ấp chiến lược, vượt qua nhiều con sông giăng đầy tàu giặc, vượt đồng bưng, băng rừng với bao hiểm nguy gian khó. Đơn vị được bố trí vào Liên đội 9 trực thuộc Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam (đóng tại Tây Ninh), phục vụ cho Sư đoàn 9, một trong những sư đoàn chủ lực miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ, cũng là mở đường cho các đơn vị sau tiếp nối.
Cùng thời gian này, Tỉnh đoàn Cà Mau tiếp tục thành lập 2 đại đội: Nguyễn Việt Khái II và III, 3 đại đội: Quyết Thắng I, II và III phục vụ tuyến đường 1C (biên giới Việt Nam - Campuchia) với nhiệm vụ nối liền huyết mạch từ Trung ương Cục miền Nam về miền Tây Nam Bộ, vận chuyển khí, tài từ Bắc vào Nam bằng đường bộ và ngược lại. Phát hiện tầm quan trọng của tuyến đường này, địch tập trung các lực lượng chủ lực: Sư 21 và 2 trung đoàn lính thuỷ đánh bộ. Nhiều loại máy bay, xe bọc thép, tàu chiến kết hợp với quân địa phương mở nhiều chiến dịch chà đi xát lại tuyến đường này.
Lực lượng TNXP vận chuyển hàng hoá, đạn dược phục vụ chiến đấu. Ảnh tư liệu |
Nơi nào khó có thanh niên xung phong
Ông Hồng Minh Chính, Chánh Văn phòng Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau, nhớ lại: “Từ sông Vĩnh Tế kéo dài đến Cà Mau gần như không ngày nào địch không càn quét, đánh phá. Chúng muốn biến nơi đây thành vùng trắng, song lực lượng TNXP vẫn bám trụ và giữ vững tuyến đường với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời” dù cho rất nhiều đồng chí, đồng đội phải hy sinh. Con đường này trở thành con đường huyền thoại”.
Ông Nguyễn Văn Bé (quê ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, hiện ngụ tại Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) là một trong những TNXP của đại đội đầu tiên Nguyễn Việt Khái I. Với sức khoẻ của chàng thành niên 17 tuổi và sự gan dạ có thừa, ông đã dấn thân vào cuộc chiến, sẵn sàng đối mặt với bao hiểm nguy, gian khổ không chút núng nao. Hơn 50 năm rồi, giờ nhớ lại, giọng ông vẫn hết sức bình thản: “Sự ác liệt trên chiến trường miền Đông không thể nào diễn tả hết được. Không ngày nào không có tiếng bom, tiếng súng”. Rồi ông nói vui: “Riết rồi quen, nếu không nghe tiếng bom B52 chắc ăn cơm không ngon, giống như… thiếu canh vậy”.
Ông Hai Tần (Phan Văn Tần, Trung đội phó thuộc Đại đội Quyết Thắng I, hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Phú Tân) trầm ngâm: “Kể lại chắc các cháu không hình dung được. Đoạn đường từ Cà Mau tới kinh xáng Thất Sơn (xã Vĩnh Hoà Hưng, tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang) xe chạy chỉ 1 buổi là tới nhưng hồi đó phải đi 5-6 tháng trời ròng rã, mùa nước thì đi xuồng, mùa khô thì đi bộ. Trên đường đi địch gài mìn, bãi lửa khắp nơi. Có những đoạn bọn chúng gài ra-đa mắt thần, máy thu chấn động, chỉ cần phát hiện có tiếng người là chúng cho máy bay cánh xéo rà tìm và thả bom, bắn pháo. Ở kinh xáng còn có các tốp biệt kích đi trên các phương tiện hiện đại chạy nhanh như cao tốc, thường đặt các loại vũ khí tối tân như Morse 6, M79, 12,7 mm. Hành quân mà đụng biệt kích này thì khó tránh khỏi thương vong”.
Ban đêm hành quân, ban ngày tìm chỗ ẩn nấp, có lúc giữa vùng rừng, nước mênh mông, không có chỗ mắc võng, không có một gò cao để ngủ, ông phải trải cao su trên sình để ngã lưng và phải cắn răng chịu cái lạnh cắt da cắt thịt.
Không chỉ phải đối mặt với hiểm nguy do bom đạn của kẻ thù, TNXP và bộ đội ta trên đường hành quân còn phải đối mặt với thú dữ, rắn độc, đĩa, vắt, bệnh tật, đói khát. “Có những lúc ở trong rừng cao su không còn nước uống, phải tìm chén đựng mũ cao su nào khô có chứa nước hoặc những hố cát còn sót lại ít nước uống tạm cho qua cơn khát”, ông Bé nhớ lại.
“Rồi những lúc địch bao vây kinh tế, không còn gạo để ăn, cả đơn vị phải ăn cháo suốt 45 ngày đêm. Vậy mà vẫn tải hàng, vẫn bám trụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vẫn sinh hoạt văn nghệ, hát hò, nên không thấy mệt”, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Trần Văn Thời, kể mà ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Gần 10 năm tham gia TNXP, 2 lần trúng bom giặc thì ông nhớ rõ, nhưng ông Bé không nhớ nổi bao nhiêu lần mình bị sốt rét. Ông dí dỏm: thuốc trị sốt rét ông uống chắc khoảng… 1 cần xé. Ngoài sốt rét, sảy, ghẻ lở… cũng là những căn bệnh thường xuyên của TNXP, đặc biệt là nữ bởi phải hành quân trong điều kiện rừng thiêng, nước độc, thiếu thốn trăm bề.
Lực lượng nữ TNXP chiếm hơn 2/3 quân số. Những cô gái tuổi 14, 15 tóc dài chấm lưng sẵn sàng cắt ngắn ngang vai, mặc quần cụt để dễ dàng di chuyển như nam giới. Và cũng như nam, họ mang vác trên người nào gạo, nào súng, đạn và đồ dùng cá nhân. Và dù nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ chiến trường, nhưng khi cần các chị cũng sẵn sàng cầm súng chiến đấu với kẻ thù.
Ông Nguyễn Minh Hùng bùi ngùi: “Lúc đi, chị em nữ mỗi người chỉ có 2 bộ đồ thay đổi, nhiều lúc phải băng rừng, trầm mình dưới nước để tránh máy bay giặc, những ngày của phụ nữ không đủ đồ thay, rồi rắn, rết, đĩa, vắt, cỏ gai... Vất vả trăm bề nhưng các chị chẳng biết sợ là gì, vẫn lạc quan ca hát và xung phong tiến về phía trước. Sự gan dạ, dũng cảm và tinh thần hy sinh cao cả của các chị không thể diễn tả hết được. Tỉnh Cà Mau có 4 liệt sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 2 nữ, đều là những người con của quê hương Trần Văn Thời, đó là liệt sĩ Võ Thị Hồng (bí danh Hồng Láng) và Nguyễn Ngọc Đẹp, cả hai chị đều phục vụ và hy sinh trên chiến trường 1C huyền thoại”.
Những câu chuyện đẹp giữa bom thù
Năm 1967, vừa tròn 15 tuổi, cậu thiếu niên Nguyễn Minh Hùng (quê xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) đã thoát ly gia đình tham gia vào đại đội TNXP mang tên Nguyễn Việt Khái III, phục vụ chiến trường 1C, từ biên giới Campuchia về đến Nam lộ Cái Sắn, thuộc huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Hơn 50 năm trôi qua, cậu thiếu niên ấy đã sắp bước vào tuổi thất tuần, vẫn không thể quên những năm tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào đó. Càng không thể quên khi chính những năm tháng gian nan này đã viết nên câu chuyện tình vô cùng cao đẹp giữa ông với cô gái TNXP mà đến nay đã hơn 40 năm gắn bó cùng ông chung một mái nhà.
Ông kể: “Lúc đó đơn vị kỷ luật nghiêm minh lắm. Thương nhau mà đâu có dám hẹn hò gì đâu, chỉ báo cáo với tổ chức rồi để đó, coi như “dằn mối” vậy thôi”.
Bà Hồ Mỹ Dung, vợ ông, là y tá chung đơn vị Nguyễn Việt Khái III. Sau khi giải thể lực lượng TNXP, bà tiếp tục học y sĩ và phục vụ tại Khu Đoàn. Tháng 1/1976, ông bà cưới nhau và sống hạnh phúc đến nay. Hiện bà là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Khánh Bình Đông.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, sau những giờ hành quân vất vả, những phút giây căng thẳng đối phó với đạn bom, pháo bầy của giặc, trong những buổi sinh hoạt của TNXP, tiếng hát, lời ca vẫn cất cao át cả tiếng bom thù. Những trái tim cùng chung chí hướng có cơ hội gắn kết, hoà nhịp cùng nhau. Chỉ bằng ánh mắt, cái nắm tay vội vã nhưng đã trở thành lời thề thuỷ chung son sắt. Rồi khi đất nước im tiếng súng, có khi một trong hai người đã hy sinh, câu chuyện tình không trọn vẹn nhưng những kỷ niệm một thời vẫn sống mãi trong lòng người ở lại.
Ông Nguyễn Hữu Tặng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Huyện có 15 cặp vợ chồng đều là TNXP. Có người cuộc sống ổn định, có người còn vất vả trong cuộc mưu sinh, nhưng tất cả đều sống đầm ấm, hạnh phúc. Đó là vì họ đã từng trải qua bao gian khổ bên nhau, cùng nhau vượt qua bao bom đạn nên luôn trân quý cuộc sống hiện tại và quyết tâm vun đắp gia đình. Đây chính là những tấm gương sáng để giáo dục thế hệ trẻ noi theo”
Bài 2: Trăn trở giữa đời thường
Thuỳ Trâm
Trong những năm tháng phục vụ chiến trường miền Đông Nam Bộ, Đại đội Nguyễn Việt Khái I đã phục vụ 52 trận đánh lớn, nhỏ, vận chuyển và chăm sóc 2.120 thương bệnh binh, xây dựng 2 bệnh viện, tải 2.435 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, làm 15 km đường, bắc 4 cầu qua suối, trực tiếp chiến đấu 15 trận, tiêu diệt 115 tên địch và 1 xe M113, góp phần cùng Tổng Đội giải phóng miền Nam. Đơn vị được Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng cờ mang dòng chữ “Thanh niên xung phong phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang”. Đại đội Nguyễn Việt Khái II và III từ năm 1967-1975 đã vận chuyển 13.650 tấn vũ khí, đạn dược và tài vật quan trọng, đưa rước trên 30.000 lượt cán bộ, bộ đội, phối hợp và trực tiếp chiến đấu gần 200 trận đánh, loại khỏi vòng chiến 2.143 tên địch, bắn rơi 5 máy bay, cháy và hư hỏng 21 xe bọc thép, chìm 12 tàu giặc. Sau hơn 10 năm hoạt động trên các chiến trường, 263 TNXP đã anh dũng hy sinh, trong đó có 137 nữ; 142 thương binh, trong đó có 85 nữ. Năm 2011, Cà Mau là địa phương duy nhất của miền Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng cho lực lượng TNXP. |