(CMO) Năm 1973, lực lượng TNXP hoàn thành nhiệm vụ, được lệnh giải tán, một số cán bộ, TNXP tiếp tục được điều động về các cơ quan khác tiếp tục công tác. Số còn lại trở về quê hương, bắt tay vào công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống. Cho đến hôm nay, hơn 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, kinh tế đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập, bằng ý chí và nghị lực kiên cường được tôi luyện từ những năm tháng chiến tranh, nhiều TNXP năm xưa đã có cuộc sống sung túc. Thế nhưng, vẫn còn không ít TNXP đang từng ngày vất vả trong cuộc mưu sinh.
Bài 2: Trăn trở giữa đời thường
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 16/7/1977, tại thị xã Cà Mau, Tỉnh đoàn Cà Mau tập hợp và thành lập Tổng đội TNXP Minh Hải gồm 814 lực lượng, trong đó có 160 nữ. Tổng đội gồm 5 đại đội, tham gia phục vụ chiến trường biên giới Tây Nam giúp nước bạn Lào; trồng và khai thác gỗ phục vụ các nông trường và xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh. Với tinh thần tự lực tự cường, TNXP tăng gia lao động sản xuất, khai hoang phục hoá, lấy thu bù chi, có tích luỹ để tái sản xuất, đóng góp cho ngân sách tỉnh.
Chỉ trong thời gian ngắn, TNXP Minh Hải đã phủ lại màu xanh cho hơn 2.000 ha rừng tràm, khai thác hơn 2.000 m3 gỗ tràm, hơn 10.000 m3 gỗ đước ở Nông trường 184; đào lấp trên 17.000 m3 đất ở Nông trường dừa 26.3, huyện Trần Văn Thời; đắp hơn 30.000 m3 đất đen xây dựng Đài Truyền hình và Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Lực lượng TNXP làm nhiệm vụ tại Lào vô cùng gian nan, vất vả do thời tiết, địa hình hiểm trở, đồi núi, khe dốc, thú rừng, bệnh hoạn, nhất là sốt rét rừng đe doạ tính mạng, nhưng anh chị em đều vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ.
Nghị lực được trui rèn từ kháng chiến
Cơn mưa đầu mùa như trút nước, ông Nguyễn Văn Bé vội vã sửa lại cái máng xối và nhanh chóng xách mấy thùng thức ăn cặn từ dưới vỏ máy lên bờ cho bầy heo đang đói. Người đàn ông đã bước vào tuổi thất thập nhưng trông còn rất khoẻ mạnh, có lẽ do đã quen lao động nặng nhọc. Cả Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, thanh niên chưa chắc lao động qua được ông.
Mỗi ngày, chiếc vỏ lãi là phương tiện để ông đi chở thức ăn thừa từ các quán ăn, nhà dân về nuôi heo. Cũng với chiếc vỏ này, những ngày biển lặng ông đều chèo ra biển vớt ván thuyền trôi đem về. Ván nào xấu thì làm củi, tốt hơn thì làm chuồng heo, làm nhà, còn lại thì chất đống để dành. Không khỏi xúc động khi nghe ông bảo, “tính lựa gỗ tốt đóng cái giường hộp”.
Dù tuổi đã cao, nhưng ngày ngày cựu TNXP Nguyễn Văn Bé vẫn chèo xuồng ra biển vớt ván tàu trôi đem về sử dụng. |
Quê ông ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, đi TNXP từ năm 17 tuổi. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường miền Đông, bôn ba nhiều nơi, cuối cùng, ông về đây lập gia đình và sinh 10 người con. Bám biển mưu sinh, trải qua nhiều vất vả, nhọc nhằn, vợ chồng ông đã nuôi nấng các con trưởng thành, dựng vợ gả chồng gần hết. Có điều, cuộc sống các con cũng khó khăn nên tuổi xế chiều ông vẫn phải tự lo cho mình. Hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh đến giờ vẫn chưa được giải quyết.
Trong căn nhà tình đồng đội do Hội Cựu TNXP huyện trao tặng không có vật dụng gì đáng giá, nhưng chủ nhân căn nhà ấy chưa bao giờ than vãn một lời. Trái lại, trong câu chuyện với ông bao giờ cũng kèm theo những lời dí dỏm. Và tâm nguyện thiết tha nhất vẫn là: “được một lần về thủ đô vào lăng viếng Bác, rồi chết mới an lòng”.
Cũng ở thị trấn Sông Đốc, gia đình bà Đào Thị Tĩnh là một trường hợp khá đặc biệt. Quê bà ở tận huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tình nguyện gia nhập đội TNXP chống Mỹ, cùng đồng đội phá bom, mở đường Hồ Chí Minh phục vụ cho các đơn vị vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam. Sau giải phóng, năm 1990, cả gia đình bà chuyển vào Cà Mau theo chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới ở Nông trường Quốc doanh Sông Đốc.
10 năm đầu trồng lúa không đủ ăn do đất nhiễm phèn nặng, vợ chồng bà phải làm thuê đủ nghề. 4 người con (3 gái, 1 trai) đều dang dở chuyện học hành. Đến năm 2000, nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang nuôi tôm, cuộc sống có phần đỡ vất vả hơn, nhưng do nuôi tôm quảng canh, đất đai không nhiều nên thu nhập cũng hạn chế. Các con lập gia đình riêng cũng vất vả như cha mẹ.
Với quyết tâm vượt khó, vợ chồng bà trăn trở tìm phương kế làm ăn. Nhận thấy trên bờ vuông nơi mình ở có nhiều cây mắm, cây đước, bà nghĩ tới một loài động vật có thể ăn được lá cây này. Nhờ cuốn số tiết kiệm 3 triệu đồng do Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau trao tặng, cùng sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, bà đầu tư mua 12 con dê giống về nuôi. Sau 1 năm chăm sóc, đàn dê sinh sản, nay tổng số được 30 con.
Hiện tại, ngoài nguồn thu từ lao động vất vả của bà Tĩnh và sự quan tâm trong điều kiện có hạn của các cấp hội cựu TNXP, bà chỉ được hưởng chế độ chính sách 1 lần 2,5 triệu đồng dành cho lực lượng TNXP theo Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ. Từng bị thương rất nặng suýt mất mạng trong quá trình chỉ huy làm đường, xe lu ủi trúng bom giặc nhưng đến giờ bà vẫn chưa được công nhận thương binh.
Những mong mỏi thiết tha
Tại Đại hội Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2020, ông Nguyễn Hữu Tặng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Trần Văn Thời, kiến nghị Nhà nước xem xét công nhận Hội Cựu TNXP là một đoàn thể chính trị xã hội, bởi lẽ, TNXP là lực lượng luôn sát cánh cùng bộ đội, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, hy sinh gian khổ cũng như bộ đội. Đại đa số TNXP là nữ vẫn kiên cường, vượt qua gian khổ, cùng bộ đội giải phóng miền Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng tặng lực lượng TNXP bức trướng mang dòng chữ: "Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ". Vì thế, nếu xem Hội Cựu TNXP là hội đặc thù thì thiệt thòi về quyền lợi chính trị cho tổ chức hội.
Ông Trần Duy Tôn cho rằng, chế độ đối với TNXP hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến theo Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ 2,5 triệu đồng/người là quá hạn chế, chưa tương xứng với công lao cống hiến của TNXP.
Ông Tặng còn đề xuất Nhà nước xem xét cấp thẻ BHYT và mai táng phí cho lực lượng cựu TNXP như cựu chiến binh. Đặc biệt, cần quan tâm đội ngũ cựu TNXP thời bình, bởi hiện tại họ không được hưởng chế độ nào. Dù rằng họ không hy sinh xương máu nhưng họ cũng hy sinh nhiều công sức để làm nên những công trình đáng ghi nhận.
Có lẽ điều trăn trở nhất hiện nay đối với Hội Cựu TNXP tỉnh Cà Mau là việc xác nhận phiên hiệu TNXP vẫn chưa thực hiện được. Thông tư số 18/2014/TT-BNV quy định việc xác nhận phiên hiệu TNXP phải có nghị quyết, quyết định thành lập. Điều này xem ra không thể bởi thời chiến tranh loạn lạc, việc thành lập đơn vị TNXP chỉ tuyên bố miệng thôi, đâu có chứng từ gì.
Và mong mỏi thiết tha của cựu TNXP Nguyễn Văn Bé một lần được viếng Lăng Bác cũng là mong ước của đa số TNXP, lực lượng trưởng thành từ tổ chức Đoàn và sự quan tâm động viên rất lớn của Bác Hồ kính yêu.
Ông Nguyễn Hữu Tặng tâm huyết: “Đối với những hồ sơ chưa được giải quyết, hội sẽ tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở ngành chức năng thực hiện, bởi việc làm này vừa thể hiện sự tri ân những đóng góp của cựu TNXP trong kháng chiến, vừa là nguồn động viên họ trong quãng đời còn lại”.
Thuỳ Trâm
Hiện toàn tỉnh có hơn 1.300 hội viên cựu TNXP, sinh hoạt ở 69 tổ chức hội cơ sở. Thời gian qua, các cấp hội đã làm hết sức mình trong việc vận động hỗ trợ hội viên, như thành lập quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, hỗ trợ 70 sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo (mỗi sổ từ 3-5 triệu đồng), xây dựng 131 căn nhà cho hội viên cựu TNXP nghèo, không nơi nương tựa, khoan giếng nước sạch… Khoảng 30% hội viên hiện có đời sống kinh tế ổn định, 60% hội viên có mức sống trung bình, 10% hội viên nghèo, 1/3 trong số này thuộc diện nghèo gay gắt. |