(CMO) Sau 69 ngày đêm thực hiện thần tốc, quyết liệt, chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” đã kết thúc thành công, hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT).
Bà Lê Thị Kim Chung, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh, phấn khởi: “Có thể nói, chiến dịch là cuộc tổng rà soát các điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau, qua đó phát hiện, xử lý những tồn tại, hạn chế kịp thời, hiệu quả. Chiến dịch góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT, thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thanh toán trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.
Theo đó, trong 3 chỉ tiêu đề ra, chỉ tiêu đạt cao nhất là tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến cấp tỉnh (đạt 92,79%); tiếp đến là tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh (đạt 92,28%) và tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp xã (đạt 90,14%).
Công chức tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân quy trình số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến. |
Cấp tỉnh có 9 đơn vị đạt cả 3 mục tiêu đề ra; cấp huyện có 7 đơn vị và cấp xã có 84 đơn vị đạt cả 3 mục tiêu trên. Ðặc biệt, một số đơn vị đạt tỷ lệ cao như: Phường 8 (TP Cà Mau), thị trấn Gạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), xã Khánh Hoà (huyện U Minh), xã Quách Phẩm (huyện Ðầm Dơi), xã Việt Thắng (huyện Phú Tân), thị trấn Thới Bình (huyện Thới Bình), xã Hoà Mỹ (huyện Cái Nước), xã Hàng Vịnh (huyện Năm Căn) và xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời).
“Trong 3 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức, có thể thấy “Thanh toán trực tuyến” đạt ấn tượng nhất. Bởi tại thời điểm phát động chiến dịch, tỷ lệ này đạt dưới 1%, theo mục tiêu sau chiến dịch phải đạt 30%. Tại thời điểm đó, đây là một trong những chỉ tiêu khó. Tuy nhiên, khi kết thúc chiến dịch thì đây lại là chỉ tiêu đạt cao nhất”, bà Lê Thị Kim Chung chia sẻ thêm.
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, nhấn mạnh: “Việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến rất quan trọng. Bởi nếu chúng ta đã giao dịch trực tuyến mà không thực hiện được thanh toán trực tuyến, vẫn nộp tiền mặt sẽ không đảm bảo toàn vẹn quy trình, dẫn đến giải quyết TTHC theo mức độ toàn trình (toàn bộ trên môi trường mạng) không khả thi, thế nên phải đẩy mạnh vấn đề này”.
Ðể đạt kết quả trên, Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh phân công viên chức hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị về quy trình, nghiệp vụ thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; nộp hồ sơ trực tuyến và thanh toán trực tuyến, bằng nhiều kênh thông tin, đảm bảo phù hợp, hiệu quả… Hơn 1 ngàn công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến huyện được tập huấn về DVCTT và quy trình khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ hệ thống dữ liệu chuyên ngành mà các cơ quan, đơn vị, địa phương đang sử dụng để giải quyết TTHC.
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông nâng cấp tốc độ đường truyền; đăng ký chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ cho công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa để thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh hỗ trợ dịch vụ chữ ký số cá nhân trên thiết bị di động cho người dân trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, 100% xã, phường, thị trấn đã đăng ký tài khoản ngân hàng để thu phí, lệ phí thanh toán trực tuyến.
Bà Lê Thị Kim Chung cho biết: “Qua tuần đầu tiên sau phát động chiến dịch, Văn phòng UBND tỉnh đã tổ chức đi khảo sát tại 17 bộ phận một cửa cấp xã thuộc các huyện để nắm bắt tiến độ thực hiện. Khi đó, nhận thấy cơ sở gặp khá nhiều khó khăn trong triển khai chiến dịch như: đường truyền mạng yếu, thiếu máy scan, máy tính sử dụng đã nhiều năm không đáp ứng yêu cầu nộp hồ sơ trực tuyến hay số hoá, thiếu chữ ký số nên khó khăn trong quá trình số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh giải pháp đồng bộ của nhiều ngành, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Ðồng thời, đề xuất các đơn vị nghiên cứu đẩy mạnh giải pháp ứng dụng công nghệ”.
Bà Lê Thị Kim Chung khảo sát tình hình triển khai Chiến dịch 69 ngày đêm tại bộ phận một cửa xã Khánh Hội, huyện U Minh
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh, kết quả triển khai thực hiện chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng DVCTT trên địa bàn tỉnh Cà Mau” đã thành công ngoài mong đợi.
Tuy nhiên, đối với những kết quả đạt được, nếu chúng ta không duy trì, không tiếp tục sẽ kéo tỷ lệ này giảm xuống. Do đó, trên tinh thần kết quả chiến dịch 69 ngày đêm, lãnh đạo UBND tỉnh đã có chủ trương và ban hành kế hoạch tiếp tục thục hiện chiến dịch đến hết năm 2023. Theo đó, phấn đấu đến ngày 15/12 tỷ lệ thanh toán trực tuyến 3 cấp đạt trên 70%; tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC trực tuyến và tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh, huyện, xã lần lượt là 90%, 80% và 70%.
Kết quả thực hiện chiến dịch 69 ngày đêm, cụ thể ở 3 chỉ tiêu: Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết trực tuyến cấp tỉnh đạt 92,79/80%; cấp huyện đạt 90,61/70%; cấp xã đạt 86,66/60%;
Tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh đạt 92,28/80%; cấp huyện đạt 74,73/70%; cấp xã đạt 73,46/65%.
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp tỉnh đạt 86,62/40%; cấp huyện đạt 62,27/35%; cấp xã đạt 90,14/30%.
Hồng Nhung