(CMO) Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Theo đánh giá của tướng viễn chinh Pháp H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ, Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc. Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Thấy rõ vị trí quan trọng đó của Điện Biên Phủ, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn luỹ và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật, kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương.
Đến đầu tháng 3/1954, quân địch tập trung tại Điện Biên Phủ lên đến 16.200 tên, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 đơn vị pháo binh, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đơn vị xe vận tải với 200 xe, cùng 1 đơn vị không quân thuộc loại tinh nhuệ nhất ở Đông Dương; được bố trí thành hệ thống phòng ngự mạnh, gồm 49 cứ điểm, chia thành 3 phân khu.
Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là “một tập đoàn cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm”. Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.
Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn bạc, phân tích rất kỹ để tìm ra phương án thích hợp huy động sức mạnh của toàn quốc chi viện cho chiến dịch đảm bảo chắc thắng. Người căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng uỷ, kiêm Tư lệnh Mặt trận: “Trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.
Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Lực lượng tham gia chiến đấu lên đến 55.000 quân, gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động để cung cấp cho chiến dịch. Hàng vạn thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội công binh ngày đêm mở đường ra mặt trận dưới bom đạn địch, nên sau một thời gian ngắn, hàng ngàn ki-lô-mét đường được xây dựng, sửa chữa. Công tác chuẩn bị các mặt trên vượt ra ngoài mọi dự đoán, tạo bất ngờ lớn đối với cả Pháp và Mỹ.
Với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương án "Đánh nhanh, thắng nhanh" là quá mạo hiểm và tự xác định trách nhiệm phải thay đổi cách đánh, thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch. Sau nhiều ngày đêm suy tính, cân nhắc mọi mặt, Đại tướng đi đến một quyết đoán táo bạo là phải kiên quyết thay đổi ngay cách đánh, phải chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.
Thực hiện phương châm và kế hoạch tác chiến mới đề ra, sau khi có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, hơn 17 giờ ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã tiêu diệt nhanh gọn 2 cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch (Him Lam và Độc Lập), sau đó, làm tan rã thêm 1 tiểu đoàn địch và tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo. Ta diệt và bắt sống 2.000 tên địch, bắn rơi 12 máy bay, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp Sân bay Mường Thanh, giáng một đòn choáng váng vào tinh thần binh lính địch.
Từ ngày 30/3-30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và kiểm soát Sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho các cứ điểm. Đây là đợt tấn công dài ngày nhất, quyết liệt nhất, ta và địch giành nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Từ ngày 1/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ ba. Quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 6/5/1954, tại đồi A1, trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải đầu hàng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ, “gan không núng, chí không mòn”, 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch. Tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954); đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia; đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu cho sự sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới; giáng đòn nặng nề đầu tiên vào dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Thắng lợi đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng mang tầm vóc thời đại, có ý nghĩa to lớn, là sự kết tinh của nhiều nhân tố, trong đó, quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội Nhân dân, lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đồng thời là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thuỷ chung, son sắt giữa quân đội, Nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, mạnh mẽ, tinh thần bất diệt của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh nội lực cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững./.
(Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)