Những năm gần đây, số người nhiễm HIV/AIDS tại Cà Mau có xu hướng trẻ hoá, trong đó dưới 30 tuổi chiếm đa số; không chỉ trong nhóm đối tượng trưởng thành mà ngay cả học sinh, sinh viên cũng là mối quan tâm, vì thói quen sinh hoạt không lành mạnh, do đó, cần tăng cường truyền thông mạnh và rộng khắp.
- Thách thức trong điều trị HIV/AIDS
- Khai trương dự án Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS - Kết nối giữa cơ sở y tế và trại giam
Theo báo cáo của Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, từ năm 1994 đến nay, tỉnh phát hiện 4.475 trường hợp nhiễm HIV. Cà Mau đang hướng đến mục tiêu 95% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
Ghi nhận số ca mắc mới HIV gần đây cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là đường lây và nhóm cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng cao từ 15-25 tuổi. Những tháng đầu năm 2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát 518 mẫu trong đối tượng đồng giới nam, đã phát hiện 26 trường hợp nhiễm HIV.
Hiện nay, biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm PrEP an toàn nhất là sử dụng thuốc AVR cho người chưa nhiễm (HIV âm tính) và nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, PrEP có hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường tình dục lên tới 97% và qua tiêm chích đến 74% nếu tuân thủ điều trị tốt. Hiện nay, Cà Mau có hơn 270 người đang sử dụng PrEP.
Theo liệu trình điều trị PrEP, khách hàng sẽ được xét nghiệm tải lượng vi rút định kỳ.
Ðể đạt chỉ tiêu sử dụng PrEP trong năm 2024 và đảm bảo tỷ lệ duy trì điều trị PrEP đạt ngưỡng chỉ tiêu quốc gia 75%, ngành y tế tỉnh tiếp tục triển khai cung cấp dịch vụ kết nối chặt chẽ với cộng đồng, đôn đốc tiến độ triển khai điều trị PrEP.
Cụ thể, truyền thông rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các sự kiện; truyền thông qua nhóm nhỏ, mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại, tiếp cận trực tiếp các nhóm khách hàng. Huy động vai trò của các nhóm cộng đồng, các đồng đẳng viên kết nối và hỗ trợ khách hàng có nhu cầu với cơ sở điều trị PrEP. Quản lý, theo dõi chặt chẽ việc cung cấp thuốc PrEP tại cơ sở điều trị.
Em Lư Huỳnh Anh, sinh viên năm 2 ngành Dược, Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, cho biết: “Trong những sự kiện gần đây tham gia, tôi đặc biệt ấn tượng với SV69, trong đó phối hợp tuyên truyền về phòng tránh HIV/AIDS. Ðây cũng là lần đầu tiên bản thân tiếp xúc với những thông tin trực diện về HIV/AIDS. Các kiến thức tuyên truyền không chỉ có ích cho người nghe mà còn mở rộng thêm nhiều thông tin chính thống, giúp tôi có cái nhìn đa chiều về việc phòng tránh tốt nhất cho bản thân, gia đình và xã hội. Hy vọng sắp tới sẽ có những buổi truyền thông, sự kiện tương tự để giới trẻ được lắng nghe và tương tác, kịp thời nắm bắt thông tin cũng như giải đáp thắc mắc để bảo vệ chính mình trước HIV”.
Truyền thông về HIV/AIDS được lồng ghép trong Chương trình SV69, mang đến nhiều kiến thức về việc phòng tránh HIV/AIDS cho giới trẻ, đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh, sinh viên.
Ông Nguyễn Thanh Tặng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ðối tượng nhiễm và có nguy cơ nhiễm cao ngày càng trẻ hoá, trong đó nam chiếm nhiều hơn. Ðây là vấn đề nhạy cảm nên khi tư vấn tiếp xúc với khách hàng, cần thăm hỏi ân cần, tư vấn hướng dẫn các xét nghiệm cần thiết và cung cấp thuốc uống theo chỉ định. Ðặc biệt, hồ sơ thông tin được bảo mật tuyệt đối, mỗi người đều có mã số riêng và khi họ di chuyển nơi cư trú, chỉ cần có mã số sẽ được liên tục hỗ trợ cấp phát thuốc, do đó tỷ lệ duy trì sẽ cao hơn”.
Riêng Trung tâm Y tế TP Cà Mau, 1 trong 2 cơ sở điều trị PrEP tại tỉnh, tỷ lệ người có nguy cơ duy trì các biện pháp dự phòng phơi nhiễm PrEP từ 3 tháng trở lên đạt 90%, cao hơn tiêu chuẩn chung của Cục Phòng chống HIV/AIDS đặt ra ở mức 75%.
Theo đó, để đạt kết quả trên, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, còn có sự góp sức của mạng lưới CBO (nhóm hỗ trợ cộng đồng phòng chống HIV) kết nối các nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm, khách hàng...
Ông Trần Quốc Toàn, Trưởng khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế TP Cà Mau, chia sẻ: “Thuốc sẽ được cấp hoàn toàn miễn phí cho khách hàng, các đối tượng đặc biệt, trong 3 tháng đầu, mỗi tháng sẽ đến lãnh thuốc một lần kèm các xét nghiệm cần thiết; kế đó, chu kỳ 3 tháng nhận thuốc/lần theo hình thức PrEP. Bên cạnh đó, tư vấn cho khách hàng hiểu việc uống thuốc và tiếp nhận đúng liều, đúng thời gian sẽ giúp tỷ lệ phòng tránh lây nhiễm gần như 100%. Thực tế theo dõi khách hàng xét nghiệm định kỳ duy trì từ năm 2020 đến nay, không có ca lây nhiễm, đó là tín hiệu khởi sắc cho việc phòng tránh lây nhiễm HIV tại cơ sở”./.
Ngô Nhi