(CMO) Thời gian gần đây, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên vùng biển Tây Nam diễn biến phức tạp. Cùng với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thời gian qua, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Cà Mau có nhiều biện pháp, phương án đấu tranh, bước đầu thu được nhiều kết quả.
Vùng biển Cà Mau rộng khoảng 80.000 km2, có gần 100 cửa thông ra biển. Trên địa bàn biên phòng quản lý có hàng trăm công ty, xí nghiệp, dịch vụ của tư nhân và Nhà nước đứng chân kinh doanh, sản xuất về lĩnh vực thu mua, chế biến thuỷ sản nên số lượng phương tiện hoạt động đánh bắt thuỷ sản thường xuyên ra vào lên đến hàng ngàn chiếc mỗi con nước.
Lực lượng Hải đội Biên phòng 2 tuần tra trên biển. |
Đây cũng là môi trường thuận lợi để các loại đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật như: buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, trộm cắp tài sản, gây mất trật tự, an ninh trên biển; tàu thuyền của ngư dân đi lại, hoạt động đánh bắt thuỷ sản không có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật.
Thời gian gần đây, trên vùng biển Tây Nam, tình trạng tàu cá ngư dân cập mạn mua bán, trao đổi xăng dầu trái phép với tàu thuyền nước ngoài vẫn còn tiếp diễn. Khi xuất bến họ chỉ mua lượng dầu vừa đủ hoạt động trong vài ngày, sau đó đưa phương tiện ra khu vực vùng biển tiếp giáp với các nước như Thái Lan, Malaysia... cập mạn mua dầu của tàu thuyền nước ngoài để phục vụ khai thác.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, trong những tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017, qua công tác tuần tra, kiểm soát, BĐBP tỉnh Cà Mau đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 8 vụ/10 đối tượng, trong đó có 5 vụ về hành vi mua bán, vận chuyển dầu không giấy tờ. Sau khi điều tra làm rõ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Cà Mau đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với các chủ phương tiện và tịch thu toàn bộ số dầu nói trên.
Gần đây, vào ngày 11/4, Hải đội Biên phòng 2 (BĐBP Cà Mau) tổ chức tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển ở khu vực Nam - Đông Nam đảo Hòn Chuối. Trên hải trình tuần tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện phương tiện số hiệu TG: 90179 TS có dấu hiệu vận chuyển, sang bán dầu trái phép trên biển cho các phương tiện khác.
Khi tàu tuần tra áp sát được phương tiện TG: 90179 TS thì các phương tiện cập mạn mua dầu đã chạy đi nơi khác. Tiến hành kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trên phương tiện TG: 90179 TS có 3 bồn chứa khoảng trên 20.000 lít chất lỏng có mùi dầu. Toàn bộ chất lỏng nói trên được thuyền trưởng Huỳnh Văn Dũng, ngụ phường Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang khai nhận là dầu diezel, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, mà được mua lại từ các tàu đánh cá của nước ngoài, sau đó chở về vùng biển Việt Nam bán lại cho các phương tiện đánh bắt thuỷ sản trên biển.
Theo lời khai của thuyền trưởng Huỳnh Văn Dũng, phương tiện TG: 90179 TS do Trương Văn Lê, phường Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, làm chủ. Việc mua dầu được Lê điều hành từ trong bờ qua điện thoại để Dũng biết toạ độ, số phương tiện bán dầu để cập mạn bơm trên biển. Làm việc với cơ quan điều tra BĐBP, Lê đã khai nhận toàn bộ hành vi mua bán dầu lậu trên biển của mình, với mục đích trao đổi dầu lấy hàng hải sản đem vào bờ bán kiếm lời.
Trước đó, vào ngày 31/3, Đồn Biên phòng Hòn Chuối phát hiện phương tiện mang số KG: 91202 TS và phương tiện KG: 5891 TS đang chở 16 bồn và 7 phuy nhựa chứa chất lỏng có mùi dầu. 2 phương tiện này do Phan Tấn Hiếu và Nguyễn Văn Thời làm thuyền trưởng, cả 2 cùng ngụ Sóc Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang. Qua điều tra, thuyền trưởng Hiếu khai nhận, đã mua của 1 tàu nước ngoài, không biết quốc tịch 30.000 lít dầu Diezel, nhưng không trả bằng tiền mặt mà do chủ tàu trong bờ thanh toán. Sau khi bơm dầu thì 2 phương tiện tiếp tục hoạt động trên biển, đến ngày 29/3, trên đường chạy vào bờ thì bị lực lượng của Đồn Biên phòng Hòn Chuối phát hiện. Số dầu còn lại trên 2 phương tiện là 13.520 lít.
Trên khu vực biên phòng, tình hình mua bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra, trong đó nổi lên là hoạt động buôn bán, kinh doanh thuốc lá lậu. Thuốc lá lậu được các cơ sở buôn bán lấy từ tỉnh Kiên Giang, nguỵ trang, trộn lẫn với các loại hàng hoá khác và thông qua các phương tiện vận tải khách trung chuyển bằng đường thuỷ nhập về địa bàn tiêu thụ.
Qua theo dõi, điều tra, xác minh, vừa qua, lực lượng BĐBP cũng đã phát hiện xử lý 3 vụ/4 đối tượng, xử phạt hành chính 88 triệu đồng về hành vi buôn bán, tàng trữ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; tịch thu 600 bao thuốc lá điếu nhập lậu hiệu Hero. Lực lượng Đồn Biên phòng Sông Đốc cũng đã kiểm tra, phát hiện phương tiện “Thạnh Lợi 1”, do Tạ Thanh Hải, sinh năm 1980, ngụ Khu phố 5, phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, Kiên Giang làm thuyền trưởng, hành nghề vận tải hành khách và hàng hoá, số hiệu KG: 00298 chạy tuyến TP Rạch Giá - thị trấn Sông Đốc, khi kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện đang vận chuyển 380 bao thuốc lá lậu hiệu Hero. Số thuốc lá lậu trên Hải nhận chở thuê từ TP Rạch Giá về thị trấn Sông Đốc giao lại cho các cửa hàng tạp hoá trên địa bàn.
Triệt phá thành công các vụ việc nêu trên là kết quả đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá trên khu vực biên giới biển của BĐBP tỉnh Cà Mau thời gian qua. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cà Mau chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hoá ra vào khu vực cửa khẩu cảng, vùng nước cảng và các cửa sông, cửa biển; điều tra nắm chắc tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả trên địa bàn và các phương tiện hợp đồng khai thác thuỷ sản trái phép với nước ngoài, các phương tiện đánh bắt, khai thác xa bờ… nhằm phát hiện hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại để đấu tranh.
Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chức năng, cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển vẫn đang là bài toán khó và gian nan đối với các lực lượng thực thi pháp luật, cần có sự vào cuộc đồng bộ, chặt chẽ giữa các đơn vị phối hợp.
Anh Vy