Cà Mau được xác định là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhiều vị trí ven biển được đầu tư các dự án phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, dự án phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời. Nếu những khó khăn, vướng mắc trong xã hội hoá được tháo gỡ kịp thời không chỉ giúp tỉnh phòng, chống, khắc phục sạt lở, mà còn khai thác hết tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội.
Toàn bộ diện tích ven biển của tỉnh được quy hoạch là đất rừng phòng hộ. Trong khi đó, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia không cho phép giảm diện tích rừng phòng hộ hay theo quy định Luật Lâm nghiệp thì rất khó chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với diện tích có rừng...; nên thời gian qua tỉnh không thể triển khai thực hiện được các dự án xã hội hoá đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế ven biển theo Chiến lược biển.
Mâu thuẫn từ các quy định
Tình trạng sạt lở diễn biến nhanh, từ năm 2015 đến nay, đai rừng phòng hộ dịch chuyển vào đất liền bình quân hơn 100 m, trong khi việc kiểm kê và điều chỉnh quy hoạch sử dụng rừng chậm (năm 2019 thực hiện tổng kiểm kê rừng). Do đó, phần diện tích rừng phòng hộ trước đó (kiểm kê năm 2014) hiện nay là mặt nước nhưng trong quy hoạch vẫn là đất rừng. Thực tế này khiến việc triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án liên quan đến diện tích rừng ven biển đã bị sạt lở gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, quy định Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng còn chồng chéo, khó thực hiện. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Ðiều 24, Nghị định số 156/2018/NÐ-CP của Chính phủ quy định, khi xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí không được chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích xây dựng công trình. Trong khi đó, Luật Xây dựng, Luật Ðất đai quy định diện tích đất thực hiện công trình xây dựng phải được quy hoạch là loại đất phù hợp với công trình, tức trường hợp này phải là đất dịch vụ thương mại.
Quy định của Luật Lâm nghiệp còn mâu thuẫn với Luật Ðất đai. Tại khoản 4, Ðiều 136, Luật Ðất đai năm 2013 quy định, UBND cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng. Tuy nhiên, theo quy định tại Ðiều 17, Luật Lâm nghiệp năm 2017, không cho thuê đối với rừng phòng hộ mà chỉ được cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng, trả tiền thuê rừng một lần hoặc hằng năm để sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Ðể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 396/BC-UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chỉ tiêu đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của tỉnh.
Trong quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng phân bổ tại Quyết định số 326/QÐ-TTg, ngày 9/3/2022, giao chỉ tiêu đến năm 2025, diện tích đất rừng phòng hộ là 31.234 ha, diện tích đất rừng đặc dụng là 20.200 ha, đất rừng sản xuất là 91.555 ha. Như vậy, diện tích rừng phòng hộ toàn tỉnh đến năm 2025 chỉ giảm 673 ha, trong khi chỉ tính riêng sạt lở ven biển mỗi năm đã mất lên đến hơn 510 ha; riêng đối với diện tích rừng đặc dụng lại giao tăng hơn 100 ha so với hiện trạng năm 2020. Việc giao chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia như thế không thể có chỉ tiêu để chuyển đổi diện tích đất rừng phòng hộ ở những nơi cần thiết để thực hiện các dự án phát triển kinh tế biển.
Cần cơ chế đặc thù
Theo đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành khoảng 90% việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ biển, bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Ðối với các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, phấn đấu thực hiện 90% số lượng công trình đề xuất đầu tư; đối với các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, phấn đấu hoàn thành xử lý các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Ðến năm 2030, các khu vực sạt lở nguy hiểm tại các khu vực bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau cơ bản được xử lý bằng giải pháp công trình.
Từng là khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhưng kể từ khi được xây dựng kè tạo bãi, đoạn đê khu vực Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời được bảo vệ an toàn.
Ðể kịp thời thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở, ngăn chặn tình trạng mất đất, mất rừng diễn ra ngày càng nhanh và phức tạp trong thời gian chờ sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ biển còn nhiều bất cập, chồng chéo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiến nghị, cho phép thí điểm thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù. Cụ thể như cho phép giao, cho thuê một phần diện tích đất rừng phòng hộ được bảo vệ sau kè đối với khu đất đã bị sạt lở để xây dựng công trình, dự án phát triển kinh tế; cho phép thực hiện giao đất ở vị trí khác để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án kè bảo vệ bờ biển hay cho phép điều chỉnh kịp thời quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng ven biển cho phù hợp với thực trạng diễn biến sạt lở (không chờ 5 năm theo quy định).
Thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất đầu tư hệ thống kè phá sóng (cách bờ biển từ 100-150 m), tại các đoạn bờ biển đang bị sạt lở và đầu tư khôi phục lại diện tích rừng đã mất do sạt lở. Qua đó, nhà đầu tư được quyền sở hữu việc giao dịch tín chỉ carbon đối với diện tích rừng khôi phục được sau kè. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam chưa xây dựng, ban hành thực hiện khung pháp lý liên quan đến thị trường giao dịch tín chỉ carbon nên địa phương không có cơ sở để xem xét, quyết định đối với các đề xuất, kiến nghị ấy của nhà đầu tư.
Ðiển hình trong số đó là Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản. Vừa qua, Tập đoàn Mitsui đã tìm hiểu và đề xuất với tỉnh được nghiên cứu đề xuất đầu tư các dự án kè biển để tham gia khắc phục sạt lở, khôi phục lại diện tích rừng đã mất trên toàn bộ bờ biển của tỉnh. Ðồng thời, đề nghị tỉnh cho phép được quyền giao dịch tín chỉ cacbon đối với diện tích rừng tạo ra từ dự án. Tuy nhiên, do còn một số vấn đề vướng mắc nên chưa thể triển khai được.
Thời gian qua, việc xử lý sạt lở từ bờ biển cho đến bờ sông chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước nên nhiều khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm chưa được triển khai đầu tư xử lý. Theo tổng hợp, hiện trạng sạt lở bờ biển, bờ sông tại các địa phương và nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở là rất lớn. Theo dự kiến, chỉ tính riêng kinh phí đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển và công trình chỉnh trị lòng sông giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, cần khoảng 31.205 tỷ đồng. Cụ thể, cần triển khai đầu tư 177 công trình; trong đó, phòng, chống sạt lở bờ biển 10 công trình; phòng, chống sạt lở bờ sông 30 công trình; chỉnh trị giảm thiểu xói lở 36 công trình; đê biển 5 công trình; đê sông 96 công trình.
Ðây là nguồn kinh phí vô cùng lớn, nhất là đối với một tỉnh còn khó khăn như Cà Mau. Tuy nhiên, dù khó nhưng phải làm bởi đây là những nhiệm vụ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân. Giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay là tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách, nhất là của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hưởng lợi trong phòng, chống sạt lở.
Hơn 10 năm qua, cả ngân sách hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn cân đối của địa phương cũng chỉ mới dành được hơn 3 ngàn tỷ đồng cho các dự án phòng, chống sạt lở. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho biết, nếu chúng ta khai thác tốt lợi thế về tín chỉ carbon rừng thì lĩnh vực này mỗi năm có thể mang về 1-2 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản đã đến và đề nghị đầu tư toàn bộ kè bờ biển còn lại của tỉnh, chỉ cần đủ cơ sở pháp lý để triển khai là hoàn toàn có thể đạt được.
Nguyễn Phú