ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 18-1-25 14:56:49
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chống xâm thực từ biển - Cuộc chiến quyết liệt, lâu dài

Báo Cà Mau Đến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh bị sạt lở khoảng 187/254 km chiều dài đường bờ biển; từ năm 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ với diện tích khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã của tỉnh Cà Mau), ngập tràn hơn 120.000 ha đất nuôi thuỷ sản, hàng trăm hộ dân phải sơ tán, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân.

Mất đất, mất rừng... chưa hồi kết

Ðơn cử tại huyện Ðầm Dơi, diện tích sạt lở mất đất khu vực rừng phòng hộ ven biển của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðầm Dơi năm 2023 là  162,15 ha và thay đổi trạng thái trên đất chưa có rừng là 4,26 ha. Trong đó, 3 xã, Tân Tiến, Tân Thuận và Nguyễn Huân thiệt hại nặng nhất.

Nhiều lần thiệt hại kinh tế do xâm thực biển gây nên, anh Nguyễn Tấn Phát, ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi, buồn bã bảo: “Khoảng 4 năm trở lại đây, xâm thực từ biển vô hàng chục thước. Vuông nuôi tôm của bà con ở đây, mỗi năm vào mùa nước lên, khoảng tháng 9-12 âm lịch, là bờ đều bể hết. Chính quyền thì không cho cắt kênh mới, chỉ được be bờ có sẵn, dời vô. Ðã 2 lần dời bờ rồi, mất phân nửa vuông chớ đâu ít. Mỗi năm con giống đều được thả xuống nhưng chưa tới lượt bắt thì nước biển dâng cao khiến vuông bị bể, tôm, cua trôi ra biển hết. Bà con be đắp lại thì tốn chi phí. Nếu tình hình này diễn ra hoài thì khoảng 1, 2 năm nữa sẽ không còn đất để dời".

Anh Nguyễn Tấn Phát cùng người của Phòng NN&PTNThuyện Ðầm Dơi xác định tình trạng xâm thực bờ biển.

Liên tục mất đất vì xâm thực từ biển, chị Diệp Hồng Hoa, ấp Lưu Hoa Thanh, cho hay: “Hồi đầu, đất của tôi ở tuốt ngoài kia, giờ sạt lở dần dần, mất hàng chục công đất rồi. Mình làm vuông, thả tôm, cua, nhưng khi gần thu hoạch thì vuông bị bể, thất thoát. Mấy năm nay cứ vậy hoài, khổ dữ lắm”.

Một địa phương khác cũng gánh chịu tổn thất từ xâm thực biển là huyện U Minh. Thời điểm năm 2006, huyện có đến 741 ha rừng ngập mặn ven biển, nay đã bị mất 228 ha (khoảng 30%). Ðai rừng ngập mặn còn lại rất hẹp, không đủ sức bảo vệ đê và đường ven biển. Do sạt lở xảy ra thường xuyên nên đường bờ biển bị dịch sâu vào đất liền mỗi năm một nhiều. Chưa kể tình trạng xâm thực mặn khiến các hộ dân khốn đốn.

Ðiển hình như xã Khánh Hội, xã có 249 hộ với 497 ha nhưng đến nay, đa phần các hộ dân này không trồng lúa vì đất nhiễm mặn nặng. Hiện tại, chỉ có khoảng 10 hộ cố gắng duy trì làm lúa nhưng không hiệu quả. Các hộ dân tại đây chuyển sang làm vuông tôm nhưng chưa biết tương lai ra sao khi độ mặn của đất ngày càng tăng cao.

Chị Lý Hồng Lam, xã Khánh Hội, cho biết: “Các hộ ở đây không còn trồng lúa được vì độ mặn giờ tới 50 phần ngàn. Nhiều khi ngủ một đêm sáng dậy thấy xuồng bị đóng mảng trắng như muối. Chúng tôi chuyển sang làm vuông nhưng với mức độ mặn tăng cao như vậy cũng không biết trụ được tới bao giờ. Chúng tôi mong được hỗ trợ kỹ thuật, vốn để có thể sản xuất vì đi biển giờ cũng đâu như xưa, thu nhập không là bao”.

Diễn biến sạt lở bờ biển gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống đê thuộc địa bàn các huyện ven biển. Thời gian qua, sạt lở đã làm hư hỏng gần 28 km đường và hàng trăm căn nhà, có nguy cơ gây ảnh hưởng đến khu vực với diện tích hơn 3.700 ha (bao gồm nhà cửa, tài sản, sản xuất của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác). Nhiều địa phương nguy cơ sạt lở rất cao, phải tập trung gia cố rất tốn kém kinh phí. Thiệt hại do sạt lở gây ra rất lớn, nhiều công trình như cống, đê biển, đường, bờ bao... bị hư hỏng, nhiều thửa rừng ngập mặn bị mất, nhiều ao đầm tôm thiệt hại, đe doạ đến các khu du lịch của địa phương, rất nhiều nhà dân đã bị sập, hàng ngàn hộ dân phải di dời đi nơi khác..., nguy cơ đe doạ đến hạ tầng, an toàn tính mạng, điều kiện sản xuất và sinh kế của người dân.

Nhiều giải pháp bảo vệ bờ biển

Tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau với chiều dài hơn 100 km có vai trò vô cùng quan trọng, bảo vệ an toàn tính mạng của người dân và hàng trăm ngàn héc ta đất nông nghiệp bên trong. Từ nhiều năm qua, tuyến đê đang phải gồng mình chống chịu trước những tác động ngày càng nhiều của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhiều đoạn mất hoàn toàn rừng phòng hộ nên thân đê bị sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình này, tỉnh Cà Mau đã chủ động đề xuất và xây dựng thử nghiệm nhiều giải pháp ứng phó bảo vệ bờ biển.

Vào năm 2011, tỉnh đã cho xây dựng thử nghiệm tuyến kè dài 300 m, tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, bằng 2 hàng cọc bê tông ly tâm, ở giữa xếp đá hộc, mang lại hiệu quả cao. Ðến nay có khoảng 63 km bờ biển đã được bảo vệ bằng công nghệ này. Nhiều chỗ bãi đã bồi và cây rừng đã phục hồi. Những vị trí sạt lở dọc theo tuyến đê được gia cố bằng 2 lớp rọ đá chân kè, gia cố mái bằng rọ đá đặt trên lớp lọc vải địa kỹ thuật. Ðối với những vị trí sạt lở còn rừng phòng hộ thì dùng giải pháp đổ đá khan, vừa đảm bảo ổn định xử lý sạt lở, vừa tiết kiệm kinh phí.

Bờ kè chống xâm thực bờ biển được triển khai ở huyện U Minh.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: "Ðược sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ Trung ương, cùng với sự cố gắng nỗ lực của địa phương, đến nay, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được khoảng 78 km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 2.779 tỷ đồng (trong đó, bờ biển Tây 56 km, kinh phí thực hiện khoảng 1.429 tỷ đồng; bờ biển Ðông 22 km, kinh phí thực hiện 1.350 tỷ đồng). Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ".

"Mô hình kè bằng 2 hàng cọc bê tông ly tâm ở giữa xếp đá hộc thời gian qua đã mang lại hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đang phối hợp với các chuyên gia cũng như đơn vị chuyên môn nghiên cứu để tìm ra giải pháp cải tiến nhằm đạt hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. Trong thời gian tới địa phương sẽ tổ chức triển khai đối với những giải pháp nghiên cứu có tính khả thi và hiệu quả", ông Lê Văn Sử  cho biết thêm.

Liên quan công tác phòng, chống sạt lở, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã phối hợp với các địa phương cắm hàng ngàn bảng cảnh báo khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm. Xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển: Cập nhật, tổng hợp thông tin, dữ liệu về hiện trạng sạt lở bờ biển, bờ sông; phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Ðức (GIZ) triển khai xây dựng hàng rào chữ T trên địa bàn các huyện: Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh để trồng rừng, phục hồi diện tích rừng ngập ven biển tại khu vực này; đầu tư hệ thống các trạm quan trắc sạt lở bờ sông, bờ biển. Ðã di dời các hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của Nhân dân ở các huyện: Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh...”.

Đất rừng ở Đầm Dơi bị mất rất nhiều.

Song song đó, việc trồng mới rừng phòng hộ ven biển cũng được đẩy mạnh: 55 ha rừng trồng tại khu vực bãi bồi có tường mềm giảm sóng; 406,22 ha trồng mới trụ đước tại vùng san lấp, trồng bổ sung bằng phương pháp cắm trụ mầm. Chỉ riêng Dự án thành phần “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển tỉnh Cà Mau” đã trồng mới 224,19 ha; trồng bổ sung phục hồi rừng 2.943,99 ha.

“Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh, tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời. Xây dựng cơ sở dữ liệu về sạt lở; rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở để có phương án, kế hoạch, dự án chủ động phòng, chống từ sớm, từ khi chưa xảy ra, từng bước khắc phục tình trạng bị động, bất ngờ phải ứng phó. Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ; tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để nhân rộng các mô hình, giải pháp công nghệ hiệu quả, vật liệu phù hợp nhằm phòng, chống sạt lở kịp thời, hiệu quả. Ðẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, chuyển giao khoa học công nghệ của các nước, đồng thời tranh thủ vận động hỗ trợ nguồn lực từ quốc tế nhằm nâng cao năng lực dự báo và đầu tư phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin./.

 

Lam Khánh - Hoàng Vũ

 

Hành động sớm, giảm thiệt hại

Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, đời sống và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa nên chịu ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng khi hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt xảy ra, nhất là khó khăn về nước sinh hoạt, đặc biệt là ở các khu vực thuộc vùng ngọt thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình và TP Cà Mau, các khu vực ven biển, đảo và hải đảo, vùng nông thôn.

Thích ứng linh hoạt, sống chung biến đổi khí hậu

Chủ động tiếp cận, linh hoạt thích ứng và sống chung với biến đổi khí hậu (BÐKH), biến thách thức thành cơ hội đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đó là quan điểm trong mọi hành động ứng phó với BÐKH trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng như ở giai đoạn tiếp theo.

Giúp người dân thích ứng trước biến đổi khí hậu

Khánh Tiến là 1 trong 2 xã ven biển của huyện U Minh, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BÐKH) với các loại hình thiên tai: mưa bão, xâm nhập mặn, nước biển dâng... ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là những hộ nghèo, khó khăn. Nhằm cải thiện đời sống, cũng như giúp hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn xã thích ứng tốt với BÐKH, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Dự án “Tăng cường sự thích ứng dựa vào cộng đồng với BÐKH vùng ven biển”, giai đoạn 2023-2025 (Dự án).

Hành động sớm để giảm thiểu thiệt hại

Xây dựng phương án cụ thể; có những chỉ đạo sớm, triển khai kịp thời đến cơ sở, đến người dân; công bố thiên tai khi đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp khẩn cấp theo quy định; huy động nguồn lực từ nguồn ngân sách cho đến nguồn tài trợ... là những giải pháp tỉnh đã triển khai thực hiện nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai thời gian qua.

Nối dài “tường thành” giữ đất

Cà Mau là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi tình trạng xói lở bờ biển. Hơn lúc nào hết, tỉnh cần có những dự án lớn và dài hơi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ðể làm được điều này, bên cạnh việc huy động nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương thì hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp mà tỉnh đã nỗ lực thực hiện để hướng đến xây dựng các công trình bền bỉ, chống chịu trước thiên nhiên.

Sông Ðốc cần hỗ trợ thêm nguồn lực phòng, chống thiên tai

Ðể chủ động trước tình hình diễn biến phức tạp của thiên tai, UBND thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) bố trí phương án huy động lực lượng, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhân lực, phương tiện, vật tư, nhiên liệu... tại địa phương theo phương châm “4 tại chỗ” và huy động tối đa nguồn lực trong dân khi có thiên tai xảy ra.

Tiến tới cộng đồng an toàn trước thiên tai

Hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, thời gian qua, tỉnh Cà Mau triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để không chỉ nâng cao nhận thức mà còn nâng cao năng lực ứng phó trong cộng đồng dân cư.

Trắng tay vì sạt lở

Những ngày cuối năm 2024, chị Lê Bị Bỉ, ấp Bỏ Hủ, xã Tam Giang Ðông, huyện Năm Căn, rơi vào cảnh trắng tay khi miếng vuông gần 50 công giáp cửa biển Bắc Bồ Ðề đã bị sóng biển đánh trôi, xoá sổ hoàn toàn. Sạt lở, nước biển đã ập vào ngập tận chân nền nhà - tài sản duy nhất còn lại của gia đình. Dù ra sức bao ví, giữ gìn nhưng trước sự cuồng nộ của sóng gió, chị Bỉ cũng không biết có thể cầm cự được bao lâu nữa.

Sẵn sàng cho mùa khô hạn

Mùa khô năm 2024-2025 được dự báo không nghiêm trọng, song tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vẫn ở mức cao hơn trung bình và diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc chủ động xây dựng phương án ứng phó linh hoạt, sát thực tế là rất cần thiết, để nhiệm vụ phòng, chống đạt hiệu quả.

Chủ động trước mùa khô hạn

Sụt lún đường, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, xâm nhập mặn... là những nỗi lo thường trực mỗi khi bước vào mùa khô.