Bờ biển tỉnh Cà Mau, ngoài chịu tác động của gió do bão, áp thấp nhiệt đới, còn phải chịu ảnh hưởng rất lớn của gió mùa Tây Nam kéo dài nhiều ngày trong năm. Tác động của gió do bão, áp thấp nhiệt đới và các đới gió mùa gây ra hiện tượng nước dâng và những cơn sóng lớn tác động trực tiếp gây sạt lở bờ biển, bờ sông, nhất là đối với vùng cửa sông, ven biển.
- Nỗ lực cùng chính quyền phòng, chống sạt lở
- Khẩn trương phòng chống, khắc phục sạt lở, sụt lún
- Chống sạt lở - Hành trình của nỗ lực và tâm huyết - Bài cuối: Gỡ khó từ chính sách
Có bờ biển dài 254 km, hệ thống sông ngòi, kênh rạch tỉnh Cà Mau dày đặc bậc nhất cả nước, với 87 cửa biển, cửa sông thông ra biển. Hơn 10 năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Ðến nay, tổng chiều dài các đoạn bờ biển ở Cà Mau bị sạt lở khoảng 187/254 km. Theo số liệu thống kê của ngành lâm nghiệp, giai đoạn 2011-2021, sạt lở bờ biển đã làm mất đất và rừng phòng hộ khoảng 5.250 ha (tương đương với diện tích bình quân một xã).
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau, cho biết, riêng bờ biển Ðông Cà Mau từ năm 1990-2023 đã sạt lở trung bình khoảng 840 m (25,4 m/năm), với tổng diện tích mất đất hoàn toàn lên đến 8.820 ha. “Do sạt lở xảy ra thường xuyên nên đường bờ biển bị dịch vào phía đất liền nhanh chóng, rừng ngập mặn và các công trình hạ tầng khác bị phá huỷ; sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô”, ông Tùng chia sẻ.
Kè biển tại khu vực Vàm Xoáy, xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển.
Ông Tùng cho biết, kết quả rà soát cho thấy, hiện nay tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 91 km, với các mức độ khác nhau (trong đó, ở bờ biển Tây, sạt lở nguy hiểm 22 km; với bờ biển Ðông, sạt lở đặc biệt nguy hiểm 29,15 km, sạt lở nguy hiểm 40,3 km). Với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì trong thời gian tới sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều đất, rừng phòng hộ; đây là diện tích đất, cây rừng đã được hình thành qua hàng trăm năm. “Nếu để sạt lở tiếp tục tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất thêm đất, mất rừng mà còn uy hiếp đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong, buộc phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp; khi đó việc xây dựng công trình bảo vệ sẽ rất tốn kém, rất khó khôi phục lại diện tích đất và cây rừng đã mất”, ông Tùng phân tích.
Thực tế đã chứng minh, tại huyện U Minh năm 2006 có đến 741 ha rừng ngập mặn thì đến nay đã mất đi 228 ha (30%). Ðai rừng ngập mặn còn lại rất hẹp (có chỗ có đai rừng, chỗ không, hầu hết là nhỏ hơn 200 m), không đủ sức bảo vệ đê và đường ven biển. Trên toàn tỉnh, diện tích đất rừng phòng hộ ven biển tỉnh Cà Mau ở thời điểm năm 2020 là 31.907 ha; tuy nhiên tình trạng sạt lở làm mất đất, rừng phòng hộ mỗi năm bình quân khoảng 400 ha, như vậy dự báo đến năm 2025 diện tích rừng phòng hộ tỉnh Cà Mau khả năng chỉ còn lại khoảng 29.900 ha và đến năm 2030 còn lại khoảng 27.900 ha.
Trong diễn biến liên quan, đặc thù của Cà Mau không chỉ sạt lở bờ biển mà bờ sông, rạch cũng đồng thời xảy ra, nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ phát triển dần theo thời gian, với phạm vi lớn hơn và mức độ thiệt hại nhiều hơn. Thống kê đã chỉ ra 355 điểm sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài sạt lở lên tới 424.659 m với mức độ khác nhau. Trong đó, tổng chiều dài sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm là 47.165 m.
“Việc phòng, chống sạt lở đã qua và hiện nay, phần lớn là bị động, chưa có chiến lược, quy hoạch phòng, chống sạt lở để chủ động ứng phó; công tác quan trắc cảnh báo, dự báo sạt lở bờ sông, bờ biển còn yếu; công tác đầu tư phục hồi rừng phòng hộ còn hạn chế”, ông Tùng nêu thực tế.
Xã hội hoá, giao đất rừng cho doanh nghiệp để họ phục vụ mục tiêu phát triển du lịch gắn với đầu tư hạ tầng bảo vệ bờ biển tại Khu Du lịch Lý Thanh Long, huyện Ngọc Hiển, mang lại hiệu quả khi ngăn chặn được tình trạng sạt lở.
Theo đó, ông Tùng thông tin, với mục tiêu nhằm chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, tạo điều kiện ổn định, phát triển kinh tế - xã hội khu vực ven biển, ven sông; góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn tính mạng, tài sản và sản xuất của Nhân dân; phát huy hiệu quả đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn tỉnh, Cà Mau đang xây dựng đề án mang tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 nhằm khắc phục những hạn chế trên và công việc này đang được xúc tiến, bước đi theo lộ trình cụ thể. Dự kiến nguồn vốn trên 31 tỷ đồng nhằm đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển, công trình chỉnh trị giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đề xuất Trung ương hỗ trợ 26.842 tỷ đồng, dự kiến nhu cầu kinh phí từ ngân sách tỉnh 2.310 tỷ đồng, vốn xã hội hoá 2.054 tỷ đồng nhằm thực hiện giải pháp công trình tại 177 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông.
Ðến nay, Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành 55,7 km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỷ đồng (trong đó, bờ biển Tây 43,8 km, kinh phí thực hiện 1.103 tỷ đồng; bờ biển Ðông 11,9 km, kinh phí thực hiện 617 tỷ đồng); 9,2 km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí thực hiện 391 tỷ đồng. Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở, bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ; công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển đã khắc phục được tình trạng sạt lở, đồng thời sắp xếp, chỉnh trang lại mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông thích ứng với biến đổi khí hậu. |
Trần Nguyên