(CMO) Sáng 11/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt là Quyết định 1501).
Ông Tạ Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau và bà Nguyễn Hồng Thắm, Phó bí thư Tỉnh đoàn, chủ trì điểm cầu Cà Mau. |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, sau 5 năm, việc triển khai Quyết định 1501 đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của thế hệ trẻ Việt Nam và xã hội về công tác này.
Cụ thể, trong các năm, 100% cán bộ, đoàn viên và 80% thanh niên được tuyên truyền, học tập nghị quyết của các cấp ủy đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 99,6% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, và giáo dục thường xuyên, 87% cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm ban hành quy tắc ứng xử văn hoá trong trường học...
Tính đến năm 2020, toàn Đoàn đã giới thiệu hơn 1,1 triệu đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét kết nạp, trong đó có hơn 660.000 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng. 100% thanh niên, học sinh sinh viên (HSSV) tình nguyện tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo, lao động tập thể.
Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch triển khai nội dung Quyết định 1501 tại một số địa phương còn chung chung, chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, hình thức giáo dục toàn diện còn đơn điệu, chưa phong phú, chưa chú ý đến từng đối tượng HSSV.
Việc nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho thế hệ trẻ, học môi trường mạng gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa được cụ thể hoá về nội dung và cơ chế thực hiện.
Cần tăng cường trang bị kỹ năng ứng xử trên không gian mạng cho học sinh. (Ảnh tư liệu, chụp tại Trường THPT Cà Mau). |
Trên cơ sở các tham luận về tình hình triển khai thực hiện Đề án của một số đơn vị Bộ, Sở GD&ĐT và trường đại học, các đại biểu đã thảo luận, thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến về thực trạng cũng như đề xuất giải pháp triển khai có hiệu quả Đề án, như: đề xuất cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình với các tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục; đề xuất triển khai tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên các phương tiện truyền thông, báo chí, mạng xã hội; giải pháp phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu HSSV ưu tú kết nạp vào Đảng...
Hình thành thói quen đọc sách, báo cho thiếu nhi là hình thức giáo dục đạo đức hiệu quả. (Ảnh tư liệu, chụp tại Thư viện tỉnh Cà Mau). |
Anh Bùi Quang Huy, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, cho rằng, để công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi thời gian tới đạt hiệu quả cao, việc đổi mới, nâng cao công tác chính trị, tư tưởng cho thế hệ trẻ phải thực hiện thường xuyên, liên tục để thích ứng những biến chuyển nhanh chóng của xã hội. Muốn thực hiện tốt điều đó, không chỉ cần sự tiên phong của tổ chức Đoàn Thanh niên mà còn cần sự vào cuộc, phối hợp của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội khác, với mục tiêu tạo ra một lớp thanh niên vừa hồng vừa chuyên như lời Bác Hồ căn dặn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống là quá trình liên tục, giáo dục thường xuyên, giáo dục suốt đời; đạo đức cần phải hoàn thiện không ngừng. Trong thời đại ngày nay cần phải nhận diện và kiến tạo thêm các giá trị, không chỉ thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 mà cần phải nhận diện, tác động, làm mới, kiến tạo, vun đắp những giá trị chân - thiện - mỹ cho thế hệ trẻ. Phải nâng cao các giá trị trong hành vi, thấm nhuần trong hành động, chứ không đơn thuần là quy định. Phương pháp đối với việc giáo dục phải hướng đến người dạy thích dạy, người học thích học, cần dùng các phương tiện hiện đại để phục vụ công tác này, để làm sao thế hệ trẻ sống có lý tưởng, hoài bão, có khát vọng cống hiến cho đất nước, cho nhân loại.
Giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu hướng đến của Đề án là tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa và khơi dậy khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão; tinh thần trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng, xã hội; tạo môi trường rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế./.
Băng Thanh