(CMO) Tại buổi tiếp xúc cử tri, ghi nhận những ý kiến đóng góp của bà con xung quanh 2 dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Giáo dục Đại học của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau tại xã Khánh Hoà, huyện U Minh, cử tri Huỳnh Quốc Huy, Ấp 8, cho rằng, ngành giáo dục Việt Nam còn tồn tại đầy rẫy những "khối u dị dạng". Vấn đề bạo lực học đường đang xảy ra đến mức báo động, đạo đức, lối sống của một số thầy cô giáo đang xuống cấp, việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên là rất cần thiết.
Cử tri Huy nói, trong những ngày qua, cả xã hội đã "ngã ngửa" khi liên tiếp phải nhìn thấy những hình ảnh xấu, tệ hại ngay trong môi trường sư phạm: Cô giáo bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng, học sinh đâm thủng bụng thầy giáo, phụ huynh bắt cô giáo quỳ hay bạo hành cô giáo mang thai… Và đặc biệt, nữ sinh Phạm Song Toàn (lớp 11, Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) đã phải chuyển trường sau khi tố cô giáo suốt 3 tháng lên lớp không giảng bài. Ngành giáo dục TP. Hồ Chí Minh đã phải để Song Toàn chuyển đi vì áp lực từ bạn bè, dư luận, hay thực hơn là áp lực từ sự vô trách nhiệm, thói cam chịu và sự giả dối; sự chính trực, ngay thẳng và dũng cảm đã phải thoái lui, hay đúng hơn vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục đang tuột dốc.
Cử tri Huỳnh Quốc Huy, Ấp 8, xã Khánh Hoà, huyện U Minh bức xúc kiến nghị về vấn nạn bạo lực học đường. |
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề giáo dục, thầy Lâm Văn Xia, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau, nhận định, qua nhiều lần cải cách nền giáo dục nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Vì cải cách nhằm làm giảm áp lực cho học sinh, nhưng trong thực tế hiện nay thầy cô giáo và học sinh đang gồng mình giảng dạy, học tập theo kiểu chạy chương trình. Cụ thể có buổi học sinh phải thi liền 3-4 môn học, mỗi môn có đến mấy mươi câu trắc nghiệm là không thể nói cải cách để giảm tải cho học sinh. Ngoài ra, việc chuẩn hoá đội ngũ giáo viên là cần thiết, nhưng khi ban hành quy định cần phải có lộ trình đào tạo và đào tạo lại. Đặc biệt, trong Luật Giáo dục cần đưa chính sách đặc thù cho giáo viên để thu hút nhân tài.
Ghi nhận ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Quốc hội, bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến của cử tri và cho rằng thời nào cũng vậy, giáo viên luôn gánh trên mình trọng trách lớn lao, nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang, đó là trách nhiệm “trồng người”. Vì thế, để hoàn thành trọng trách ấy, không chỉ cần có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, mà hơn hết phải luôn ý thức được tầm quan trọng của việc thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức nghề dạy học.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân khẳng định, việc sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 25/10/2017 của hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành giáo dục./.
Trung Đỉnh